Saturday, September 20, 2008

Việt Nam cận kề khủng hoảng kinh tế ?

Một nhóm chuyên viên kinh tế, chuyên nghiên cứu kinh tế Châu Á của Ðại Học Harvard vừa công bố một số nhận định về kinh tế Việt Nam. Theo đó, kinh tế Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, chủ yếu do những yếu tố nội tại bên cạnh những tác động do kinh tế toàn cầu suy giảm.

Theo nhóm này, nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát là vì kinh tế Việt Nam vốn kém hiệu quả song phải hấp thụ một lượng vốn quá lớn. Trong năm 2007, tổng lượng vốn từ bên ngoài chảy vào Việt Nam khoảng 22-23 tỉ USD, tương đương 30% GDP. Nguồn cung ứng tiền, tín dụng và đầu tư tăng vọt, phần lớn được dành cho các doanh nghiệp nhà nước nhưng hoạt động của các doanh nghiệp này lại không hiệu quả. Các chuyên viên kinh tế giải thích: “Lượng tiền đổ vào quá nhiều nhưng không được sử dụng hiệu quả để tạo ra hàng hóa và dịch vụ nên dẫn đến tình trạng ‘quá nhiều tiền nhưng quá ít hàng’. Trong ba năm từ 2005-2007, nguồn cung ứng tiền tăng 135% nhưng GDP chỉ tăng 27%”.

Chính phủ Việt Nam từng phê duyệt một danh sách các dự án đầu tư công cộng, theo đó, từ nay đến năm 2015 sẽ sử dụng 70 tỉ USD song đa số các dự án này cũng không hiệu quả và chúng góp phần tạo ra lạm phát. Các chuyên gia kinh tế nước ngoài khuyến cáo chính phủ Việt Nam phải kiểm soát thật cẩn thận những chương trình đầu tư công cộng hiện đại, danh mục ưu tiên đầu tư cần căn cứ vào hiệu quả kinh tế chứ không nên nhắm vào mục tiêu chính trị. Chính phủ Việt Nam cũng được khuyến cáo rằng nên cắt giảm các khoản vay thương mại quốc tế của khu vực nhà nước. Thực hiện hoạt động thẩm định và kiểm toán đầu tư độc lập, sau đó công khai hóa các thông tin về thẩm định và kiểm toán này.

Mức thâm hụt hiện nay của Việt Nam được xác định là đáng báo động. Thâm hụt ngân sách hiện là 5.8% GDP, trong khi theo kinh nghiệm quốc tế, thâm hụt 3% đã đáng lo ngại. Thâm hụt thương mại ước chừng 12 tỉ USD, tức khoảng 16% GDP trong khi đối với quốc tế, mức 5%-10% đã là đáng lo.

Nhóm nghiên cứu khuyến cáo chính phủ Việt Nam cần kiềm chế lạm phát, giảm thâm hụt ngân sách và thương mại, giảm tốc độ tăng trưởng nguồn cung tiền và tín dụng thông qua những chính sách được phối hợp nhất quán và nhịp nhàng, “giảm sốc” cho nền kinh tế.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế nước ngoài, giá nhà, đất ở một số đô thị tại Việt Nam tăng không phải do mức sống gia tăng mà là vì nguồn tiền trong nền kinh tế quá dồi dào, lợi nhuận từ đầu cơ đất đai lại hấp dẫn hơn các hoạt động đầu tư sản xuất khác. Cũng vì vậy, lĩnh vực này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa nền kinh tế. Khi các doanh nghiệp Việt Nam thi nhau chuyển nguồn lực kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản, năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh nòng cốt của những doanh nghiệp này sẽ giảm. Những ngân hàng thương mại đã cho vay để đầu tư vào thị trường bất động sản có thể phá sản khi “bong bóng” quá căng và vỡ. Nhóm này viết: “Hiện nay, có một thực tế hết sức đáng lo là hầu như không ai biết một cách chính xác về qui mô của những khoản vay đang sử dụng đất làm vật thế chấp”.

Có lẽ cần nhắc thêm rằng, theo tờ Tuổi Trẻ ra ngày 21 tháng 2, ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc chi nhánh Sài Gòn của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản ở thành phố này đã nhận khoảng 35,000 tỷ, tương đương khoảng 10% tổng dư nợ, của hệ thống ngân hàng trên địa bàn.

Các chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định: “Hệ thống quản lý kinh tế của Việt Nam chưa tương thích với nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Các bộ và cơ quan ngang bộ có trách nhiệm hoạch định chính sách vĩ mô là Bộ Tài Chính, Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư và Ngân Hàng Nhà Nước chưa phối hợp hiệu quả”. Các cơ quan này bị nhận xét là “quá nhạy cảm trước sức ép chính trị và thiếu năng lực chuyên môn”.

Bộ Tài Chính được đánh giá là “chỉ quan tâm đến việc huy động và phân bổ vốn cho các dự án đã được phê duyệt song chỉ kiểm soát được một phần các khoản chi thường xuyên, không nắm được nhiều khoản chi dưới dạng đầu tư, không kiểm soát tốt ngân sách, tỉ lệ chi ngoài ngân sách rất cao”.

Ngân Hàng Nhà Nước được nhận định là “không được phép quyết định lượng cung tiền và cung tín dụng như các ngân hàng trung ương trên thế giới nên chỉ có trong tay một số công cụ chính sách hạn chế: tỉ lệ dự trữ bắt buộc và các quyết định mang tính hành chính nên không thật sự hữu hiệu khi kiểm soát lạm phát”.

Ðể có thể phản ứng tốt khi có khủng hoảng, nhóm nghiên cứu khuyến cáo nên tập trung quyền hoạch định chính sách vào tay một cơ quan duy nhất. “Cần xây dựng một cơ quan quản lý kinh tế cao cấp hoạt động tương tự như hội đồng phát triển kinh tế của Singapore, được giao nhiệm vụ điều phối chính sách vĩ mô và đảm bảo kỷ cương trong khu vực nhà nước. Cơ quan này sẽ báo cáo trực tiếp cho thủ tướng và phải được bảo vệ khỏi sự tác động của các nhóm đặc quyền, đặc lợi. Cơ quan này phải có thẩm quyền cao hơn các bộ, ban ngành, kể cả các tập đoàn kinh tế nhà nước”.

No comments: