Monday, April 28, 2008

Ngân hàng ngừng giải chấp, cổ phiếu nào lợi nhất?

Ý kiến của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, MCK: STB), liên quan đến câu hỏi trên.

Ông Thành cho rằng thị trường chứng khoán hiện nay đang ở thời kỳ theo đúng quy luật phát triển của nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Theo quy luật này, sự phát triển hay đào thải đều là tất yếu.

“Sự suy yếu của thị trường thời gian qua đều có những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vấn đề lãi suất căng thẳng đã tác động rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Nhà đầu tư hiện nay không còn đủ sự bình tĩnh và đang tháo chạy khỏi thị trường. Nguyên nhân là quá trình tích lũy chưa có, các doanh nghiệp, các thể nhân khi bước vào kinh doanh đều không ý thức được mình đang tham gia vào một thị trường dài hạn, đến khi muốn rời bỏ thì không có con đường nào khác ngoài cách bán tháo cổ phiếu”, ông nói.

Liên quan đến vấn đề các ngân hàng ngừng giải chấp chứng khoán, ý kiến của ông thế nào?

Chính phủ vừa công bố loạt giải pháp cơ bản trong đó có yêu cầu gia hạn và ngưng giải chấp cấm cố chứng khoán. Hiện nay những ngân hàng “xả hàng” là những ngân hàng nhỏ lẻ chưa có chiến lược quản lý cẩn trọng và chuyên nghiệp.

Sacombank không đi theo xu hướng đó. Vì đầu năm chúng tôi điều hành theo danh mục với chiến lược kinh doanh chuyên nghiệp. Vừa qua, thực tế chúng tôi có bán thanh lý cổ phiếu vì một số khách hàng không tuân thủ các cam kết. Bản thân tôi rất cẩn trọng trong vấn đề này. Và chúng tôi vẫn duy trì tỷ lệ cho vay chứng khoán ở mức an toàn là 30%/vốn điều lệ.

Tất nhiên, theo hợp đồng repo, trong khi hợp đồng repo còn hiệu lực, nếu thị trường xuống đến mức quá thấp thì khách hàng phải bỏ thêm tài sản hoặc bù thêm tiền vào tài khoản để thực hiện repo. Trong trường hợp đáo hạn, việc thanh lý hợp đồng repo buộc phải xảy ra.

Vừa qua thị trường chứng khoán tuột dốc, tính thanh khoản hạn chế, các ngân hàng đã kêu gọi khách hàng bổ sung tài khoản, nhưng khách hàng không thực hiện, ngân hàng buộc lòng phải giải chấp.

Theo tôi, việc Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng thương mại trong thời gian qua bằng mệnh lệnh hành chính là không hiệu quả.

Lần này, Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho ngân hàng thương mại quốc doanh và vận động ngân hàng thương mại cổ phần cùng tham gia. Theo tôi lần này, biện pháp trên sẽ có ảnh hưởng tích cực. Các ngân hàng thương mại có sự quản lý chuẩn mực, chuyên nghiệp thì sẽ không xả hàng ra trong thời điểm này.

Theo ông việc ngừng giải chấp sẽ có tác động thế nào đến thị trường?

Theo quy luật kinh tế tất yếu, trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, người ta sẽ thải đi những cổ phiếu gây mất niềm tin của nhà đầu tư.

Tuần qua, có những cổ phiếu trên đang dần đóng băng, thì các cổ phiếu có tính thanh khoản lại bắt đầu được giao dịch mạnh để giải quyết vấn đề giải chấp.

Trong đợt kêu gọi này, các đơn vị sẽ ngưng xả hàng, bắt đầu mua vào những cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Do đó, đợt vận động sẽ có tác động tích cực đối với những cổ phiếu có tính thanh khoản cao.

Còn về giải pháp giảm biên độ giao dịch, ý kiến của ông thế nào?

Theo tôi, đây là một biện pháp tình thế phù hợp để ngăn chặn tình trạng tuột dốc hiện nay của thị trường. Biện pháp trên được đưa ra kịp thời và tôi tin là nó sẽ phát huy hiệu quả.

Với riêng Sacombank, sự sụt giảm của thị trường thời gian qua có ảnh hưởng tới hoạt động chung không, thưa ông?

Tất nhiên Sacombank không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nhưng điểm khác biệt là chúng tôi có chiến lược, kế hoạch quản trị mang tính dự phòng chuẩn mực nên mức độ ảnh hưởng nằm trong tầm kiểm soát.

Sau những biến động trên, vào ngày 25/3, chúng tôi đã làm việc với các cơ quan chức năng và đã chính thức gửi văn bản, xin được dùng quỹ để mua từ 3% đến 5% số cổ phiếu STB trên thị trường làm cổ phiếu quỹ.

Chúng tôi cũng đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán không nên xem việc này như là mua cổ phiếu bình thường, mà là một trong những biện pháp nhằm góp phần ổn định thị trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay; theo đó nên cho phép doanh nghiệp dự phòng cổ phiếu quỹ với một tỷ lệ nhất định của vốn điều lệ nhằm can thiệp vào lúc thị trường khan hiếm giả tạo và dư thừa giả tạo.

Ngoài ra, chúng tôi đang vận động cán bộ cấp cao của ngân hàng, từ phó giám đốc trở lên, tham gia mua cổ phiếu trên thị trường. Cụ thể các cán bộ cấp cao phải công bố thông tin theo quy định đã đăng ký mua 1,38 triệu cổ phiếu, trong đó có tôi.

Bản thân tôi vừa qua đã mua 2 triệu cổ phiếu, đợt này tôi mua thêm 1 triệu cổ phiếu. Các cán bộ cấp cao không cần công bố thông tin cũng đăng ký mua lần này là 2,136 triệu cổ phiếu.

Sacombank sẽ là đơn vị tiên phong tham gia mua lại cổ phiếu. Chúng tôi sẽ tiếp tục can thiệp nếu thị trường có dấu hiệu đi xuống. Nếu Chính phủ đưa ra các biện pháp hỗ trợ, doanh nghiệp tham gia mua cổ phiếu thì thị trường có thể trở lại trạng thái bình ổn vào đầu tháng 4 này.

Sacombank vừa có phương án tăng mạnh vốn điều lệ. Liệu trong bối cảnh hiện nay kế hoạch đó có khó khăn không?

Có nhiều người hỏi tôi tại sao không trả cổ tức bằng tiền mặt mà lại bằng cổ phiếu.

Tôi nghĩ, trả bằng tiền hay bằng cổ phiếu không quan trọng, quan trọng là tính thanh khoản và thị giá của cổ phiếu. Nếu một chứng khoán bán ra không ai mua thì nên trả cổ tức bằng tiền. Nếu chứng khoán có tính thanh khoản cao thì nên trả cổ tức bằng cổ phiếu, vì nó cũng có giá trị như tiền.