Saturday, September 20, 2008

SCSI can thiệp vào thị trường chứng khoán - Hiệu quả ngắn, Hệ quả dài?

Ngày 5 tháng Ba vừa qua, chính phủ Việt Nam ra văn bản gồm 19 giải pháp nhằm kìm chế lạm phát và giúp phát triển thị trường chứng khoán.

Trong khía cạnh phát triển thị trường chứng khoán đang lâm vào tình trạng ảm đạm trong những tháng qua, một tổng công ty có tên “Đầu Tư Kinh Doanh Vốn Nhà Nước,” gọi tắt là SCIC, sẽ cùng các cơ quan chức năng lên kế hoạch mua cổ phiếu trên thị trường.

Giới nghiên cứu và đầu tư nghĩ gì về việc nhà nước dùng ngân sách công để kích thích thị trường chứng khoán? Và liệu những câu hỏi liên quan đến sự vận hành minh bạch của công ty này sẽ được trả lời ra sao?

Giải pháp 19 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm mạnh trong các phiên giao dịch ngày 10 tháng Ba. Tuy nhiên chỉ trước đó ít hôm, tâm lý lo âu bao trùm giới đầu tư cả nước. Trước tình trạng này, chính phủ đã phải quyết định huỷ bỏ một cuộc hội thảo quốc tế quan trọng về đầu tư chỉ còn vài ngày nữa sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Và cũng chỉ trước đó ít hôm, con số tổng kết cho thấy chỉ số chứng khoán mất đúng một nửa kể từ tháng Ba năm ngoái đến nay.

Điều kỳ diệu nào đã xảy ra trong những ngày đầu tháng Ba?

Người ta tin rằng, điều kỳ diệu này đến từ chính phủ, bắt đầu vào đúng thời điểm chính phủ tuyên bố giải pháp 19 điểm vào ngày 5 tháng Ba để vừa kìm chế lạm phát, vừa giúp phát triển thị trường chứng khoán.

Tin báo chí trong nước viết rằng, trưa ngày 5 tháng Ba, ông Phó Chủ Tịch Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước Nguyễn Đoan Hùng thông báo là chính phủ đã ký văn bản với những điều khoản rất cụ thể. Và ngay sau khi nhận được 19 giải pháp của chính phủ, Uỷ Ban đã gặp gỡ trực tiếp Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh, kiêm Chủ Tịch Tổng Công Ty Đầu Tư Kinh Doanh Vốn Nhà Nước, gọi tắt là SCIC, lên kế hoạch về việc SCIC mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Giới chuyên gia hoài nghi

Trong khi giới đầu tư phấn khởi vì giá chứng khoán lên trở lại, một số nhà nghiên cứu bắt đầu đặt câu hỏi: SCIC có vai trò ra sao, sẽ mua cổ phiếu nào, sẽ tung ra bao nhiêu vốn? SCIC là ai mà có thể tạo ảnh hưởng nhanh chóng đến như vậy?

Có những câu hỏi khác, tế nhị hơn, thì lại ít được nhắc đến. Bản tin VnEconomy ngày 9 tháng Ba viết rằng: “Có những câu hỏi trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm và cả hình ảnh của SCIC lại ít được nhắc tới.”

Trước khi đi sâu vào những câu hỏi này, điều đầu tiên được đặt ra, là Nhà Nước, thông qua Bộ Tài Chánh, đã hiểu lầm chức năng của mình khi tự cho mình vai trò điều tiết chính sách kinh tế vĩ mô để vực thị trường chứng khoán dậy. Nhà phân tích kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định:

“Trước khi giới đầu tư lập kiến nghị cầu cứu thì Bộ Tài chính đã muốn điều tiết chính sách kinh tế vĩ mô để vực thị trường chứng khoán dậy. Nó nguy kịch vì từ nguyên thủy, thị trường chứng khoán được lập ra để huy động vốn tiết kiệm vào đầu tư, bây giờ, người ta lại muốn dùng tài sản công để bơm tiền vào thị trường hầu cấp cứu các nhà đầu cơ. Và bơm tiền khi đang bị lạm phát tiền tệ trên hai số. Theo thiển ý thì việc Bộ Tài chính hiểu lầm về chức năng của thị trường mới là điều đáng sợ.”

Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một người hoạt động trong ngành ngân hàng, đưa ra những nhận định dè dặt. Ông Nguyễn Quang A đặt ra những giả thiết có tính điều kiện về sự tồn tại, về vai trò và về hiệu quả của SCIC:

“Đầu tiên, SCIC là một công ty đầu tư vốn. Nếu công ty này đầu tư với tư cách là một công ty vì mục đích kinh tế, thậm chí có thể một phần nào đấy như công cụ chính phủ, thì đầu tư vào chứng khoán của SCIC là điều bình thường. Nhưng nếu chính phủ dùng SCIC như một biện pháp, thì có thể có tâm lý tốt ngắn hạn nào đó, nhưng về dài thì không thể là một cách làm tốt.”

Vai trò của SCIC?

Theo báo Thanh Niên số ra ngày 6 tháng Ba, dẫn lời ông Phó Chủ Tịch Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước, rằng “Nhà nước, thông qua SCIC sẽ mua một lượng cổ phiếu trên thị trường để kích cầu.”

Các cổ phiếu được chọn mua phải là những cổ phiếu của công ty có uy tín và tính thanh khoản cao. Cho đến thời điểm này, chưa ai biết cụ thể định nghĩa thế nào thì được gọi là “có uy tín và có tính thanh khoản cao.”

Giới chức nhà nước nói rằng, cần phải hiểu SCIC tham gia thị trường với mục đích khẳng định sử ổn định và thiện ý của chính sách vĩ mô. “Thiện ý” có nhất thiết đồng nghĩa với sự sử dụng ngân sách nhà nước để tác động vào qui luật cung cầu của thị trường? Từ tư thế của nhà nước, thiện ý nên đồng nghĩa với việc tạo môi trường kinh tế minh bạch, công bằng và mang tính cạnh tranh. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích:

“Nhà nước chỉ nên can thiệp để khai thông ách tắc hầu quy luật thị trường được vận hành hài hoà, trơn tru, chứ không du di hoặc di chuyển tài sản từ chổ này qua chỗ khác nhằm cứu vớt một thành phần nào đó mà không có lợi ích gia tăng sản xuất. Vấn đề nguy kịch là khi lãnh đạo phản ứng theo tâm lý của một thành phần dân chúng và gây thiệt hại cho các thành phần khác.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người đã từng phát biểu với báo chí trong nước về vai trò của SCIC, nói rằng dư luận trong nước cũng có nghi ngờ sự thiên vị trong tiến trình SCIC chọn mua cổ phiếu. Ông nói là điều này người ngoài khó biết ai được chọn.

Theo Tiến sĩ A, SCIC được xây dựng với mục đích làm các doanh nghiệp nhà nước dần dần được chuyển về công ty này. Công ty này là chủ sở hữu đại diện nhà nước cai quản các doanh nghiệp đó.
Theo nhận định của ông, SCIC sẽ đầu tư hoặc bán dần các doanh nghiệp quốc doanh đã được cổ phần hoá. Nếu SCIC có tư thế hoạt động độc lập như mô hình Temasek của Singapore, thì sự tồn tại là hợp lý. Còn trong trường hợp muốn vực thị trường chứng khoán, những biện pháp như thế là không tốt:

“Tôi không rõ họ mua cổ phần các công ty nào. Tôi đã từng phát biểu trong nước, nếu họ muốn mua, họ nên mua cổ phần các công ty không phải doanh nghiệp quốc doanh đã được cổ phần hoá để không mang tiếng. Tôi không rõ họ sẽ mua của ai. Còn nếu họ mua công ty quốc doanh thì có thể xảy ra điều nghi ngờ về tâm lý giới đầu tư.”

Bản tin của tờ Thanh Niên ra ngày 7 tháng Ba viết rằng SCIC không tiết lộ cụ thể các cổ phần họ chọn mua vào, nhưng đại diện của họ cho biết là “Việc xác định danh mục đầu tư, khối lượng giao dịch, mức giá và thời điểm mua vào sẽ được SCIC quyết định linh hoạt, tùy theo các diễn biến của thị trường, đồng thời bám sát chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.”

Lời phát biểu như vậy có thể được hiểu, rằng nhà nước hiểu rõ, và tự cho mình, vai trò tác động trực tiếp vào thị trường bằng những hoạt động mua bán được uỷ thác cho SCIC. Vai trò như vậy nên được hiểu như thế nào? Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

“Tác động như vậy không phải là việc của nhà nước. Nhà nước không phải làm cái việc kích cho thị trường lên. Báo chí trong nước hay dùng chữ “cứu” thì hết sức lầm lẫn. Còn nếu thật sự là để “cứu” thị trường, thì nhà nước không thể làm việc đó được.”

Như vậy, trở lại câu hỏi SCIC là ai?

Bản tin VnEconomy ngày 9 tháng Ba đặt câu hỏi có hay không có sự lẫn lộn giữa các hành vi của SCIC trong vai trò công cụ của chính phủ điều tiết thị trường mỗi khi chứng khoán giảm nghiêm trọng.

Bài báo đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu đầu tư của SCIC bị lỗ và được ngân sách bù lỗ? Trong trường hợp đó, có hay không có sự tách biệt rạch ròi với hoạt động đầu tư thực sự của SCIC? Bởi phía sau câu hỏi này, bài báo viết tiếp, có thể có những khoản lỗ “ngoài vùng phủ sóng” rất nhạy cảm.

Một nhà đầu tư trong nước, yêu cầu không nêu tên, nhận xét là hoạt động của SCIC chẳng những tạo ra tâm lý “ỷ thế làm liều” nơi giới đầu tư mà còn tạo một tâm lý rất sai khác, rằng nhà nước tự cho mình tâm lý hễ mình nhúng tay vào là làm được.

Sự trỗi dậy của chứng khoán trong ngày 10 tháng Ba sẽ cho tâm lý như vậy, nhưng những bất cập trong cơ chế hoạt động của SCIC lại nằm ở phía sau ngày 10 tháng Ba mà mức độ lợi hay hại khó có thể tiên đoán ra sao.

(Source: RFA)

No comments: