Tuesday, September 16, 2008

Tản mạn ngày cuối với Lehman

Anh Mạc Quang Huy, một người Việt Nam làm việc tại Lehman Brothers, đã gửi cho CafeF vài cảm nhận trong ngày ngân hàng này công bố phá sản.

Anh Mạc Quang Huy trước đó làm việc tại Lehman Brothers Japan và hiện là Lehman Brothers Australia. Với góc nhìn của người trong cuộc, hi vọng bài viết sẽ cho độc giả hiểu thêm phần nào về nguyên nhân và những ảnh hưởng từ sự sụp đổ của một "ông lớn" trong ngành tài chính thế giới như Lehman.

***********************************************************************************

Được thành lập cách đây 158 năm tại Alabama bởi 3 anh em nhà Lehman, ngân hàng này đã sống sót qua nội chiến Mỹ, hai cuộc chiến tranh thế giới và vụ tấn công khủng bố 11/9 khiến trụ sở cũ của họ tại New York bị phá huỷ.

Khởi nghiệp như là một ngân hàng chuyên phục vụ các nhà trồng bông của nước Mỹ, Lehman Brothers đã phát triển thành một tập đoàn tài chính hàng đầu của Phố Wall.

Lehman Brothers đã trở thành vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, đánh dấu sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư từng được xem là một thể chế tài chính được quản lý tốt nhất tại thị trường Phố Wall cách đây một năm.

Sự kiện này cũng đánh dấu một kết thúc buồn đối với sự nghiệp của Giám đốc điều hành Richard Fuld, người đã gia nhập tập đoàn với tư cách là một sinh viên tập sự hồi năm 1969 và vươn lên vị trí số 1 hồi năm 1993. Có biệt danh “Gorilla,'' Fuld đã lãnh đạo ngân hàng này với tính cách quả quyết đã trở thành một văn hoá kinh doanh của Lehman.
***********************************************************************************

Hôm nay là một ngày khá đặc biệt, và là một trong số ít ngày mình được trở về nhà sớm hơn thường lệ. Ngày công ty tuyên bố phá sản. Chưa bao giờ mình ở trong hoàn cảnh này và có lẽ cũng chưa chuẩn bị tinh thần cho ngày này đến nhanh như thế. Ngồi trên xe buýt về mà cảm giác khó tả, tâm trạng miên man, với nhiều cảm xúc lẫn lộn, buồn, giận, thương, trông chờ ngày mai. Mọi việc diễn ra nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng.

Cuộc khủng hoảng tín dụng thật là kinh khủng và dai dẳng. Suốt từ 2007 đến nay, thị trường tài chính luôn bị đe dọa bởi đám mây khủng hoảng tín dụng dẫn đến sụt giảm giá chứng khoán toàn cầu. Hàng loạt ngân hàng đầu tư lần lượt công bố các khoản lỗ khổng lồ. UBS, Merrill Lynch, Citi, Bear Stearns, Lehman và hàng loạt tên tuổi khác đều không nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng. Đã bao lần các chuyên gia phân tích dự đoán cuộc khủng hoảng đã qua, thị trường chứng khoán đã chạm đáy. Mình cũng đã muốn tin như thế nhưng rồi đáy sau lại sâu hơn đáy trước. Bear Stearns chết vào tháng 3 tưởng như đã đặt dấu chấm cho một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử tài chính.

Lehman với thế mạnh trong lĩnh vực chứng khoán bất động sản được cho rằng sẽ chịu tổn thất lớn từ cuộc khủng hoảng tín dụng này. Song với kết quả kinh doanh 2007 khả quan, nhiều người kể cả mình đã tin rằng Lehman có thể vượt qua cơn bão này. Nhưng sự tồi tệ lại đến vào năm 2008 khi lần đầu tiên ngân hàng này báo cáo lỗ 2,8 tỷ $ trong Q2 và phải huy động thêm 6 tỷ vốn. Cổ phiếu Lehman đã giảm từ đỉnh $80 vào năm 2007 xuống $15 trong một thời gian ngắn, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách khoảng 30 $/ cổ phiếu.

Mới chỉ đầu tuần trước khi thị trường đồn đoán Lehman sẽ lỗ khoảng 4 tỷ $ trong Q3, giá cổ phiếu đã sụt không phanh. Thực tế Lehman có hàng tuần để đàm phán với KDB nhằm đưa ra được một kế hoạch tăng vốn trước khi thông báo kết quả Q3. Nhưng rồi mọi nỗ lực đàm phán đi vào bế tắc. Có lẽ lúc đó Ban lãnh đạo Lehman vẫn chưa thể nhận thức được mức nghiêm trọng của vấn đề. Thị trường đã phản ứng tiêu cực làm cho giá cổ phiếu giảm 45% trong ngày thứ 3 còn $7,79. Ban điều hành nhanh chóng thay đổi kế hoạch công bố kết quả Q3 sớm hơn 1 tuần từ 17/9 lên 10/9 nhằm ổn định tâm lý thị trường. Một kết quả thực tế sát với dự đoán thị trường Q3 lỗ $3,9 tỷ. Tổng số dự phòng giảm giá lũy kế cho danh mục đầu tư liên quan đến bất động sản lên tới $8 tỷ. Với một danh mục bất động sản rủi ro lên tới 60 tỷ, chiếm 10% tổng tài sản và gấp 3 số vốn chủ sở hữu, cùng với một kế hoạch tái cơ cấu trên giấy thiếu tính khả thi, giá cổ phiếu đã giảm tiếp còn $7,25 vào ngày thứ 4. Được thành lập cách đây 158 năm tại Alabama bởi 3 anh em nhà Lehman, ngân hàng này đã sống sót qua nội chiến Mỹ, hai cuộc chiến tranh thế giới và vụ tấn công khủng bố 11/9 khiến trụ sở cũ của họ tại New York bị phá huỷ.

Khởi nghiệp như là một ngân hàng chuyên phục vụ các nhà trồng bông của nước Mỹ, Lehman Brothers đã phát triển thành một tập đoàn tài chính hàng đầu của Phố Wall.

Lehman Brothers đã trở thành vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, đánh dấu sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư từng được xem là một thể chế tài chính được quản lý tốt nhất tại thị trường Phố Wall cách đây một năm.

Sự kiện này cũng đánh dấu một kết thúc buồn đối với sự nghiệp của Giám đốc điều hành Richard Fuld, người đã gia nhập tập đoàn với tư cách là một sinh viên tập sự hồi năm 1969 và vươn lên vị trí số 1 hồi năm 1993. Có biệt danh “Gorilla,'' Fuld đã lãnh đạo ngân hàng này với tính cách quả quyết đã trở thành một văn hoá kinh doanh của Lehman.


Điều tồi tệ thực sự đến vào ngày thứ 5 khi giá cổ phiếu tiếp tục rớt 43% còn $4,22. Việc Moody’s đe dọa hạ định mức tín nhiệm của Lehman đã xóa đi mọi nỗ lực cứu chữa. Việc hạ mức tín nhiệm đồng nghĩa với việc phải thực hiện các "margin call"[1] tăng tài sản đảm bảo cho các giao dịch với khách hàng. Đấy là chưa nói các khách hàng sẽ hạ hạn mức giao dịch với Lehman và chi phí huy động vốn tăng cao. Để đáp ứng margin call thì Lehman sẽ phải đặt thêm tài sản đảm bảo lên đến khoảng 3 tỷ USD. Điều này có lẽ là qua xa xỉ với Lehman tại thời điểm hiện nay. Mặc dù khả năng thanh khoản của Lehman được đánh giá là khá tốt song với các khoản lỗ ngày càng tăng từ danh mục đầu tư liên quan tới bất động sản, việc huy động vốn mới gần như không thể thì sớm muộn Lehman cũng rơi vào rủi ro thanh khoản nếu không có giải pháp chiến lược kịp thời.

Nửa đầu tuần trước mặc dù luôn được cập nhật thông tin nhưng mình và các đồng nghiệp vẫn nghĩ vấn đề là bình thường và có thể giải quyết thông qua M&A. Lịch sử nước Mỹ chưa để một ngân hàng đầu tư như Lehman phá sản. Hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Ai cũng nghĩ như vậy và cho rằng CEO đang tạo áp lực cho FED phải cung cấp vốn giải cứu Lehman.

Nhưng kể từ thứ 5, tâm lý mọi người bắt đầu phân tán và lo ngại. Bắt đầu một ngày mới luôn là cập nhật thông tin trên internet và giám đốc chi nhánh thông báo tình hình. Ngày thứ 6 giá cổ phiếu giảm tiếp xuống $3,56 cho thấy tình hình nguy kịch của vấn đề. Mọi người bắt đầu được chuẩn bị tinh thần. Mặc dù vậy mọi việc vẫn diễn ra bình thường, các công việccho tuần sau vẫn được xếp đặt. Tất cả trông chờ vào điều kỳ diệu cuối tuần khi thông tin BOA và Barclays sẽ đàm phán mua Lehman. Ông sếp mình còn nói tốt ra thì sẽ làm cho BOA mà tồi nhất thì sẽ làm cho Barclays.

Cuối tuần trôi đi nhanh chóng. Các quan chức của FED và Bộ tài chính Mỹ cùng các CEO phố Wall được triệu tập tới làm việc liên tục không nghỉ. Đến đêm thứ 7 số phận Lehman được định đoạt khi cả BOA và Barclays đều không tìm được tiếng nói chung với Lehman và Chính Phủ. Các bên mua đặt điều kiện Chính Phủ phải bảo trợ cho các khoản lỗ từ việc mua danh mục rủi ro của Lehman, và điều này là không thể được.

Phải nói rằng Chính phủ đặt trong tình trạng tiến thoái lưỡng man khi họ không thể làm gì được. Mới tháng 3, họ tung ra 29 tỷ $ giải cứu Bears. Tuần trước họ mua lại Freddie Mac và Fannie Mae, 2 tập đoàn cho vay bất động sản lớn nhất của Mỹ và cũng là đứa con của họ. Cổ phiếu 2 công ty này rớt còn 70 -75 cent và Chính phủ sẽ phải bơn hàng trăm tỷ. Trong khi đó vẫn đề lúc này không chỉ có Lehman mà còn hàng loạt tập đoàn tài chính đang chết lâm sàng. ML, AIG và Washington Mutual đều đang nguy kịch. Các anh hùng khác trên phố Wall đều đang bị thương nặng và lo hàn gắn vết thương của chính họ. Vấn đề giải cứu của Chính phủ không những đặt ra vấn đề "moral hazard" (tức là khuyến khích các công ty tăng cường các hoạt động rủi ro) mà trong lúc này khi cuộc bầu cử nước Mỹ đến gần thì điều đó càng nghiêm trọng. Đảng Dân Chủ đã gây áp lực đối với Đảng Cộng Hòa về việc lấy tiền thuế của dân đi giải cứu các công ty tài chính. Chính vì thế Chính phủ cũng lực bất tòng tâm.

Với việc đàm phán cứu Lehman đi vào ngõ cụt, BOA được lệnh giải cứu ML và cuộc đàm phán lịch sử mua một ngân hàng đầu tư lớn thứ 3 phố Wall chỉ diền ra trong ngày chủ nhật với mức giá $29 / cổ phiếu, cao hơn giá đóng cửa thứ 6 tới 70%. Phải nói CEO của ML rất tỉnh táo và nhanh chóng kết thúc được đàm phán một cách thành công. Về phương diện này, Ban lãnh đạo của Lehman thật có lỗi với hàng ngàn cổ đông và nhân viên.

Trở lại chuyện Lehman, đêm qua mình cũng không ngủ được. Tìm thông tin trên mạng rồi đi ngủ lại suy nghĩ miên man. Mình mơ Lehman phá sản nhưng khi tỉnh dậy chỉ đủ thời gian đến văn phòng bắt đầu một ngày đầu tuần bình thường. Việc đầu tiên là tìm thông tin và bắt đầu xuất hiện tin đồn phá sản.

9.15 a.m. Giám đốc chi nhánh triệu tập cuộc họp khẩn thông báo tình hình và chuẩn bị tinh thần cho anh em. Mặt Ông hôm nay trông buồn và nghiêm trọng cho thấy chuyện chẳng lành. Khổ nỗi hôm nay lại ngày nghỉ ở Tokyo và Hồng Kông. Trong khi đó NewYork còn đang là buổi tối chủ nhật. Việc xác nhận thông tin là rất khó khăn. Không khí yên ắng bao trùm. Mọi người kiểm tra qua hộp thư email rồi bán tán nhau. Các nhóm to, nhỏ vào phòng họp rồi đi ra, đi vào với các tâm trạng khác nhau. Nhìn vào chat nội bộ thấy mấy đồng nghiệp bên Mỹ vẫn sáng đèn vào tối chủ nhật, mình gửi chat hỏi thăm tình hình nhưng không nhận được hồi âm. Mình chạy sang bên sàn trading hỏi thăm tình hình. Thấy nói các đối tác đã ngừng giao dịch với Lehman rồi. Các trader không được thực hiện giao dịch mới mà chỉ được phép unwind các position hiện tại. Một người nói các đồng nghiệp bên Mỹ đang đến văn phòng dọn đồ. Mọi việc đã an bài. Mọi người bỏ hết công việc chạy ra quán bia nhậu nhẹt, hàn huyên. Câu hỏi đầu tiên ai cũng quan tâm là "Bạn có đang mua nhà trả góp không?" Có lẽ ở nước ngoài người ta sợ nhất khi mất việc là phải trả tiền vay mua nhà. Điều đó cho thấy họ rất lo mất việc.

2 p.m. Công ty mua bia lên văn phòng làm một bữa tiệc chia tay đơn giản nhưng cảm động. Mọi thứ diễn ra hết sức chóng vánh. Không có nhiều phát biểu bởi lúc này công ty như rắn mất đầu. Các bác sếp chi nhánh cũng không thực sự điều gì đang xảy ra với các bác.

Những phút sau đó là việc mọi chìm xuống. Mình nhận được thư chia tay của các bạn văn phòng khác. Mặc dù chưa có thông tin chính thức nhưng mình cũng viết thư chia tay mọi người các văn phòng khác nhau. Mọi người đóng gói và chuẩn bị ra về không biết ngày mai có cần đến văn phòng nữa hay không. Vào đọc báo nhìn cảnh một số đồng nghiệp ở New York chào nhau ra về, đeo ba lô với màu xanh truyền thống của Lehman thật cảm động.

3 p.m. Chính thức có thông tin công ty sẽ nộp đơn phá sản theo Chương 11 Luật phá sản của Mỹ, đánh dấu sự sụp đổ của một định chế tài chính 158 năm tuổi, một sự kiện chấn động giới tài chính toàn cầu. Máu đã chảy lênh láng trên phố Wall. Với mức vốn hoá gần 50 tỷ vào lúc đỉnh cao 2007, bây giờ Lehman đáng giá số 0. Mới tháng trước, các nhà đầu tư còn tự tin đóng thêm 6 tỷ $ vốn vào công ty bây giờ thành tay trắng. Thật không thể tin trong một ngày, 2 trong top 4 ngân hàng đầu tư phố Wall bị xoá sổ. Trong 6 tháng, 3 trong số top 5 bị xoá sổ. Đây sẽ là một ngày trọng đại trong lịch sử của phố Wall và ngành tài chính toàn cầu.

Chỉ sáng mai thôi khi các đồng nghiệp New York, London, Tokyo, Hồng Kông đến văn phòng sau ngày cuối tuần nghỉ, họ sẽ là người mất việc làm. 26 ngàn con người bị thất nghiệp trong lúc thị trường tài chính khủng hoảng. Cùng một lúc hàng ngàn chuyên viên tài chính đi xin việc tại các trung tâm tài chính thật không dễ dàng. Sau lưng họ còn là gia đình, còn tiền nhà trả góp. Giá cổ phiếu sẽ giảm về con số 0, các cổ đông sẽ trắng tay. Các đối tác sẽ có thể không thu hồi được tài sản từ Lehman. Hàng loạt các model, phần mềm, các hệ thống phức tạp và cả một thương hiệu tạo dựng được sau 158 năm sẽ về số 0 tròn trĩnh. Hậu quả thật là khốc liệt.

Mình cũng mới gắn bó với Lehman được 3 năm một khoảng thời gian chưa phải là dài so với quãng thời gian đi làm của mình song Lehman đã để lại cho mình nhiều kỷ niệm. Một công ty với truyền thống văn hoá "One Firm" đã tạo nên sự gắn kết con người tại các văn phòng khác nhau thành một thực thể thống nhất. Chính cái văn hoá doanh nghiệp đã giúp Lehman cùng nhau vượt qua bao nhiêu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và trở thành một trong những đế chế già tuổi nhất trên phố Wall. Sự ra đi đường đột thật quá sức tưởng tượng của mỗi nhân viên. Tại thời khắc chia tay, mọi thứ trở nên thân thương và quen thuộc lạ thường. Đúng là "Khi ta ở đất là nơi ta ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn".

Vừa buồn, vừa giận mà thương CEO Dick Fuld. Ông ấy đã gắn bó 2/3 quãng đời để xây dựng Lehman thành một ngân hàng đầu tư thứ 3 phố Wall với nhiều thành tích đáng nể. Ông đã không đủ nhanh nhậy để có thể kết thúc đàm phán cứu được Lehman, thành quả của Ông sau 4 thập kỷ gắn bó. Ông sẽ về hưu ở tuổi 62 cùng nắm cổ phiếu không còn giá trị, nhưng hãy nhìn 26 ngàn con người đã cùng Ông làm nên thương hiệu Lehman. Hãy nhìn các cổ đông và khách hàng. Hãy nhìn những tài sản vô hình của công ty. Chẳng nhẽ không còn giải pháp nào tốt hơn cách Ông đã chọn hoặc không còn sự lựa chọn?

***********************************
[1] Margin Call: lệnh tăng số dư ký quỹ, được thực hiện khi tài khoản giao dịch đã xuống thấp dưới mức đảm bảo để giao dịch theo quy định

No comments: