Tuesday, September 16, 2008

158 năm truyền thống kết thúc trong 5 ngày

Cập nhật lúc : Thứ Ba, 16/09/2008 - 2:43 PM

Đó là thảm cảnh của Lehman Brothers, một ngân hàng khổng lồ với tài sản mới đây còn là 700 tỷ USD. Ngân hàng này vốn nổi tiếng là một tổ chức tài chính huyền thoại của Mỹ. Báo International Herald Tribune đã kịp ghi lại 5 ngày giải cứu không thành công của ngân hàng này.

Thứ Ba 8/9:

Chỉ hai ngày sau khi Chính phủ Mỹ đoạt quyền kiểm soát hai tập đoàn tài chính địa ốc lớn nhất nước là Fannie và Freddie, thị trường đã lo ngại với điềm báo là Lehman Brothers sẽ gục, và lần này Chính phủ sẽ không cứu. Trong lúc thị trường chứng khoán khắp thế giới hỗn loạn, làn sóng bán tháo cổ phiếu Lehman đã làm giá giảm gần một nửa ngay trong ngày.

Thứ Tư 9/9:

Các nhân viên Lehman nín thở theo dõi Tổng giám đốc Richard Fuld làm cuộc hội đàm qua điện thoại với các nhà tư vấn và đầu tư, thông báo một quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử 158 năm của tập đoàn, cũng như kế hoạch cứu tập đoàn khỏi bờ vực. Tâm điểm của kế hoạch là tách Lehman làm hai phần “tốt” và “xấu” để loại bỏ phần rắc rối của tín dụng địa ốc. Lehman cũng sẵn sàng bán đi gần hết bộ phận quản lý đầu tư và cắt cổ tức cho cổ đông.

Nhưng thông báo của Tổng giám đốc chẳng có gì mới. Vào cuối ngày, cổ phiếu của Lehman giảm thêm 7%, tổng cộng giảm mất 55% trong 3 ngày.

Thứ Năm 10/9:

Ban giám đốc thiết lập một phòng tác chiến tại trụ sở chính ở trung tâm Manhattan. Niềm tin ngày càng suy giảm, Tổng giám đốc đẩy mạnh nỗ lực thi hành kế hoạch bán một phần công ty. Một điều chưa bao giờ hình dung được nay cũng xuất hiện: bán toàn bộ. Trong lúc đó, các nhân viên giao dịch được lệnh tập hợp hồ sơ để khách mua có thể bắt đầu xem xét tình hình công ty.

Khi giá cổ phiếu đã hạ đến tận cùng là 4 USD, các khách mua mới từ chỗ nấp nhảy ra, gồm ngân hàng Barclays của Anh, Bank of America và hàng loạt quỹ đầu tư khác. Vừa chứng kiến Chính phủ đã hỗ trợ vụ bán nóng ngân hàng Bear Stearns cho J.P. Morgan, và vụ Chính phủ đổ tiền vào Fannie và Freddie vài ngày trước, mọi người đều hướng đến sự trợ giúp của Ngân hàng Trung ương để thương vụ này được thuận lợi. Trong lúc đó, thị trường đã xem xét bước tiếp theo của chuỗi domino, lọt vào tầm ngắm là Merrill Lynch và AIG, cả hai đều có tiền trong Lehman, và Washington Mutual, một quỹ đầu tư khổng lồ đã khó khăn từ lâu nhưng vẫn chưa tìm được nguồn vốn bổ sung.

Thứ Sáu 11/9:

Tình thế của Lehman gây một làn sóng hoảng sợ mới trên khắp thị trường. Vào 6 giờ tối, Ngân hàng Trung ương triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận kế hoạch cứu Lehman và ổn định lại thị trường. Tham dự cuộc họp là lãnh đạo và bộ tham mưu cao cấp của 10-15 ngân hàng hàng đầu, trong đó có JP. Morgan, Credit Suisse, Goldman Sachs, Merrill Lynch, Morgan Stanley, Barclays, Deutsche Bank, Ngân hàng Hoàng gia Canada, Bank of America, và Citigroup. Đương nhiên, đại diện của Lehman không tham dự.

Từ vài tháng trước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương đã chuẩn bị tinh thần cho sự gục ngã của Fannie và Freddie. Một số người tin là Lehman đã làm Chính phủ bị đột ngột và không có kế hoạch phòng bị.

“Chính phủ nghĩ là mình đã cứu Fannie và Freddie, thì thị trường cũng phải có hành động tương tự để ổn định lại,” theo lời của một nhân vật không được phép tiết lộ tên vì tổ chức của ông cũng tham gia thảo luận. “Chính phủ nghĩ là lãnh đạo Lehman đã có cách kiểm soát tình hình.”

Nhưng kim đồng hồ vẫn nhảy. Trong suốt hai giờ họp, Giám đốc Geithner của Ngân hàng Nhà nước bang New York cũng với Bộ trưởng Tài chính Paulson tỏ thái độ nghiêm khắc. Họ nhấn mạnh Chính phủ sẽ không chi ra tiền ngân sách. Geithner tuyên bố không thương xót: Cần có giải pháp của ngành, bất kể là gì. Đây không phải nói về một ngân hàng, đây là nói về cả ngành. Nếu các vị không tạo được giải pháp, kế tiếp sẽ đến lượt các vị.

Hầu hết các ngân hàng im thít. Nhưng một số lên tiếng: tại sao họ phải bỏ tiền ra can thiệp khi Lehman đã tự mình tạo ra sự cố?

Có ba ngân hàng tỏ ý muốn đứng ra mua, nhưng HSBC nhanh chóng rút lại ý định. Còn lại Bank of America và Barclays, cả hai nêu rõ là họ chỉ mua nếu Chính phủ đồng ý chịu một phần lỗ. Chính phủ đã chi 30 tỷ USD để hỗ trợ vụ JPMorgan Chase mua nóng Bear Stern, Chính phủ cũng bỏ ra 200 tỷ USD để cứu Fannie và Freddie ngay tuần trước đó thôi?

Nhưng cả hai vị đại diện Chính phủ tỏ ra rất rắn: sẽ không tham gia vụ này. Khi mọi bên đều không lui bước, một điều đã rõ: Lehman chỉ còn là một xác chết.

Geithner báo cho các công ty bắt đầu lên kế hoạch thanh lý có trật tự. Lehman Brothers thuê ba chuyên gia viết kế hoạch phá sản.

Phiên họp giống như cách đây 10 năm các lãnh đạo phố Wall đã ngồi bàn cách cứu LTCM, một quỹ đầu tư đã lún quá sâu vào chứng khoán phái sinh và các khoản đầu tư có vấn đề. Thất bại lần đó đã gây một làn sóng sốc cho thị trường toàn cầu.

Nhưng thất bại của Lehman lần này còn đe dọa mạnh hơn. Đây là một tổ chức khổng lồ với đối tác khắp thế giới. Tệ hơn nữa, hồi giải cứu LTCM, các ngân hàng của phố Wall còn mạnh khỏe. Lần này, họ đều đang tơi tả.

Thứ Bảy 12/9:

Chưa đầy 9 giờ sáng, đoàn xe VIP đã tụ lại trước Ngân hàng Nhà nước bang New York cho một cuộc họp nhiều giờ. Ngay từ đầu, Geithner nhắc lại thông điệp hôm trước: Các vị phải hợp sức để bảo vệ sức khỏe cho thị trường, phải làm ngay để không ai động đến các vị.

Trong lúc đó, các lãnh đạo của phố Wall huy động nhân lực để rà soát số tiền đã bỏ vào Lehman và các tổ chức khác đang có vấn đề. Các nhà giao dịch bắt đầu mở chiến dịch tìm các ngân hàng có liên quan với Lehman để cách ly với họ. Những chuyên gia 2-3 chục năm kinh nghiệm đã dùng từ “khiếp sợ”, “khủng khiếp”, hay “kinh hoàng” để mô tả tình hình.

Bắt đầu hình thành sơ lược hai giải pháp. Thứ nhất là các ngân hàng và công ty môi giới tiếp tục giao dịch với Lehman, để ngân hàng này có một giai đoạn nhiều tháng hồi phục vết thương. Thứ hai là cuộc giải cứu dũng cảm, ngân hàng Barclays hoặc Bank of America sẽ mua phần còn tốt của Lehman, trong khi liên minh 10-15 ngân hàng sẽ chia sẻ phần lỗ.

Vào 3 giờ chiều, Bộ trưởng Paulson triệu tập họp. Nỗi hoảng sợ đã lan đến các công ty khác. Tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AIG cần huy động 30-40 tỷ USD để tránh bị mất hạng tín dụng và có thể dẫn đến cái chết nhanh chóng. Tình hình tài chính của Washington Mutual cũng xấu đi rất nhanh. Sự nguy cấp của Lehman và một số công ty sẽ tạo làn sóng sốc đến thị trường toàn cầu.

Để hạn chế tác động thị trường, một số ngân hàng đề nghị Ủy ban Chứng khoán (SEC) ra lệnh cấm bán khống, một hình thức đặt cược vào sự xuống giá. Nhưng SEC từ chối. Một số lo ngại là cả các công ty tương đối mạnh khỏe như Merrill Lynch, Morgan Stanley, thậm chí Goldman Sachs, cũng bị cuốn theo cơn lũ.

Đến tối, Bank of America tuyên bố bỏ cuộc. Họ nhất định đòi Chính phủ phải trợ giúp thì mới thảo luận mua. Đồng thời, hy vọng vào Barclays lại mạnh lên. Nhưng cuộc thảo luận vẫn còn gì đó chưa rõ.

Chủ Nhật 13/9

Điểm chưa rõ lộ ra: tại Ngân hàng Trung ương, Barclays tuyên bố với các ngân hàng là họ rút lui. Lý do là trước sáng thứ Hai thì không thể có cuộc bỏ phiếu phê chuẩn của cổ đông theo luật của Anh. Một người dự họp cho biết là Cơ quan Dịch vụ Tài chính (cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán của Anh) đã khuyến cáo Barclays không tham gia vụ này. Người phát ngôn của Barclays từ chối bình luận.

Vào 2 giờ chiều, Barclays chính thức rút lui. Trong khi Bank of America vẫn không tham gia, thì lãnh đạo của họ đã họp riêng với Merrill Lynch để lên kế hoạch sáp nhập hai công ty.

Tất cả đã dọn đường để Lehman phá sản và thanh lý tài sản. Mục tiêu đến giờ chỉ còn: làm sao để cho Lehman tiêu tan mà không hỗn loạn thêm.

Sáng thứ Hai 14/9, Lehman Brothers chính thức đệ đơn phá sản lên Tòa án Phá sản New York

Trong lịch sử huyền thoại của mình, Lehman đã giành không ít vinh quang. Mới đây nhất là các danh hiệu: Ngân hàng Đầu tư tốt nhất năm 2005 do tạp chí Euromoney bình chọn; Công ty số 1 trong danh sách năm 2006 của tổ chức xếp hạng doanh nghiệp Baron; Vị trí số 1 trong xếp hạng của tạp chí Fortune về Công ty Chứng khoán Vinh danh nhất năm 2007…

No comments: