Monday, February 11, 2013

Chiến lược và lời khuyên khi đầu tư ETF


Các chiến lược đầu tư ETF phổ biến
Với đặc tính hoạt động dựa theo mô phỏng của một chỉ số cụ thể, chiến lược đơn giản và thông dụng nhất là đầu tư thụ động với quan điểm cho rằng hầu hết (khoảng 80%) các quỹ tương hỗ (mutual fund) đều không thể đạt tỷ suất sinh lợi cao hơn thị trường.
Tuy nhiên, đây không phải là chiến lược đầu tư duy nhất khi mà nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội giao dịch trong phiên để bắt kịp xu hướng.
Dưới đây là ba chiến lược đầu tư ETF thường được giới đầu tư sử dụng:
(1) Chiến lược cơ bản (Fundamental Strategy). Những danh mục đầu tư ETF “cơ bản” thường thích hợp cho nhà đầu tư tìm kiếm các lợi thế về hiệu quả sử dụng chi phí và thuế của quỹ ETF trong một khoảng thời gian kéo dài. Những danh mục đầu tư này thường không được giao dịch thường xuyên và có mức độ bao phủ thị trường khá rộng.
(2) Chiến lược theo ngành (Sector Strategy). Chiến lược này được thiết kế để chủ động nắm bắt được xu hướng thị trường. Tuy nhiên, việc tập trung vào một ngành cụ thể có thể khiến hoạt động của quỹ dễ bị tác động bởi những yếu tố riêng lẻ như chính trị, kinh tế, quy định hay sự kiện thị trường…
Tùy theo sự phân loại của mỗi tổ chức mà có những nhóm ngành khác nhau, nhưng nhìn chung thường có những nhóm ngành cơ bản như hàng tiêu dùng, năng lượng, tài chính, sức khỏe, công nghiệp, kỹ thuật, vật liệu, tiện ích…
(3) Chiến lược pha trộn (Blend Strategy). Chiến lược này thường theo dõi đường trung bình di động 200 ngày (SMA 200) để phát hiện sự dịch chuyển quan trọng của xu hướng giá. Bằng cách vào/ra thị trường dựa trên nhóm tín hiệu, nhà đầu tư có cơ hội bắt được xu hướng tăng dài hạn tiềm năng của thị trường. Trong khi đó, việc dừng lỗ có thể hạn chế nhiều rủi ro khi thị trường sụt giảm.
Lợi ích của việc dựa vào những tín hiệu thị trường để xác định thời điểm đầu tư có thể giúp loại bỏ những tín hiệu “nhiễu” do cảm xúc mang lại.
Một số thích chiến lược giao dịch dựa trên thành phần chính là nhóm các chỉ báo dao động (momentum-based strategy) để xác định những thời điểm tốt nhất để tham gia hay thoát khỏi quỹ. Những danh mục đầu tư này được xem là chủ động, nghĩa là nó được giao dịch và theo dõi liên tục.
Ngoài ra, việc kết hợp với nhiều công cụ hỗ trợ như bán khống (short sell), quyền chọn (option), mua ký quỹ (buy on margin)… có thể giúp gia tăng lợi suất sinh lợi, ngay cả khi thị trường giảm điểm hoặc đi ngang.
5 lời khuyên khi đặt lệnh giao dịch chứng chỉ quỹ ETF
Bên cạnh những chiến lược đầu tư, việc lựa chọn thời điểm hay cách thức để thực hiện giao dịch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất sinh lời. Dưới đây là một số lời khuyên khi đặt lệnh giao dịch CCQ ETF.
(1) Đừng đặt lệnh gần thời điểm thị trưởng mở hoặc đóng cửa. Sự khác biệt hay khoảng cách giữa giá CCQ ETF trong ngày và giá trị N.A.V của quỹ thường lớn nhất tại thời điểm thị trường mở và đóng cửa.
Thí dụ, tại thời điểm mở cửa, sự khác biệt về giá có thể kéo dài đến khi tất cả các cổ phiếu cơ sở bắt đầu giao dịch. Trong khi đó, khi thị trường gần đóng cửa, các nhà tạo lập thị trường bắt đầu cân đối sổ sách nên có thể kích hoạt khoảng cách rộng hơn và làm tăng sự dao động của giá CCQ ETF.
Thông thường, việc hạn chế giao dịch trước và sau 30 phút thị trường đóng và mở cửa có thể giúp giảm bớt khoảng cách và sự khác biệt về giá cả.
(2) Chú ý những ngày biến động. Những phiên giao dịch biến động có thể ảnh hưởng đến việc đầu tư từ hai khía cạnh. Thứ nhất, thị giá CCQ ETF và giá trị N.A.V có thể thay đổi theo giá trị của chứng khoán cơ sở. Thứ hai, chênh lệch giữa giá mua/giá bán (bid/ask spread) của CCQ ETF có thể mở rộng đáng kể, và theo đó làm tăng chi phí giao dịch.
Do đó, tốt nhất nên hạn chế giao dịch CCQ ETF vào những ngày thị giá dao động mạnh.
(3) Tránh các giao dịch không cần thiết. Chi phí mua hoặc bán CCQ ETF sẽ bị ảnh hưởng bởi tần suất giao dịch và chi phí của mỗi lần giao dịch đó. Những chi phí này có thể được kiểm soát bằng cách hạn chế tần suất giao dịch và lựa chọn các nhà môi giới với chi phí giao dịch cạnh tranh nhất đối với cấp độ dịch vụ hiện tại đang sử dụng.
(4) Lựa chọn ETF với khối lượng hợp lý. Cố gắng lựa chọn CCQ ETF với khối lượng giao dịch tốt. Mặc dù khối lượng giao dịch cao không đồng nghĩa với việc đảm bảo thanh khoản, nhưng nó có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá mua – bán. Nhà đầu tư cũng có cơ hội thực hiện các lệnh giới hạn nhanh hơn.
(5) Xác định trước mức giá mua/bán. Đối với giao dịch mua ETF, nên xem xét sử dụng các lệnh giới hạn, vì điều này đồng nghĩa với việc xác định chính xác giá bạn sẵn sàng mua vào CCQ; tuy nhiên, rủi ro là thị giá ETF tăng lên và lệnh giao dịch không khớp.
Trong khi đó, việc bán CCQ ETF chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng. Một cách dễ dàng để bảo vệ danh mục đầu tư ETF trong giai đoạn thị trường suy giảm là sử dụng lệnh dừng lỗ. Loại lệnh này sẽ được tự động kích hoạt khi thị giá CCQ ETF giảm xuống mức giá đã xác định trước. Lệnh dừng lỗ sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu thiệt hại.
Những ưu điểm của sản phẩm quỹ ETF so với quỹ đại chúng truyền thống (do UBCK đưa ra):
Đối với nhà đầu tư
- Quỹ ETF có tính minh bạch cao hơn cả quỹ đóng và quỹ mở. Cụ thể danh mục cơ cấu của quỹ ETF được công bố hàng ngày. Danh mục này về cơ bản cũng chính là danh mục đầu tư của quỹ; giá trị tài sản ròng tham chiếu iNAV được công bố theo thời gian thực, giúp nhà đầu tư dễ ra các quyết định đầu tư; giá trị tài sản ròng NAV được công bố hàng ngày; số lượng chứng chỉ quỹ phát hành/mua lại;
- Dễ tiếp cận, phù hợp với nhiều loại hình nhà đầu tư (ưu điểm giống như quỹ đóng, quỹ mở): Với cơ chế giao dịch của quỹ đóng, đơn vị giao dịch nhỏ phù hợp với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi đó, với cơ chế giao dịch lô lớn của quỹ mở, sản phẩm này phù hợp với nhà đầu tư lớn;
- Cơ chế giao dịch linh hoạt, tiện ích (ưu điểm giống như quỹ đóng): Chứng chỉ quỹ ETF niêm yết, vì vậy có thể áp dụng nhiều loại lệnh giao dịch khác nhau như khi giao dịch cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể sử dụng hệ thống giao dịch trực tuyến, hoặc sử dụng các dịch vụ tài chính khác như giao dịch ký quỹ... đối với chứng chỉ quỹ ETF;
- Tính thanh khoản (ưu điểm của cả quỹ đóng, quỹ mở): Chứng chỉ quỹ ETF được niêm yết, vì vậy được giao dịch hàng ngày với mức giá không quá chênh lệch so với giá trị tài sản ròng;
- Danh mục đầu tư được đa dạng hóaLà công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả;
- Chi phí quản lý thấp. Quỹ ETF là loại hình quỹ thụ động, quản lý theo danh mục chỉ số đã được xác định sẵn, tiết giảm chi phí phân tích, chi phí đầu tư, chi phí giao dịch. Nhìn chung, tỷ lệ chi phí hoạt động của quỹ thấp hơn nhiều so với quỹ đóng, quỹ mở truyền thống.
Đối với nền kinh tế (theo kinh nghiệm quốc tế)
Thứ nhất, quỹ ETF chứng khoán có thể là một công cụ hiệu quả để xử lý nợ xấu và sỡ hữu chéo. Cụ thể, quỹ ETF và quỹ bất động sản đã từng được Chính phủ Nhật Bản chú trọng sử dụng trong giai đoạn 2001-2006 nhằm mục đích xử lý nợ xấu và sở hữu chéo tại các tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật Bản.
Trong giai đoạn phát triển nóng thập kỷ 70-80, nhiều tập đoàn công nghiệp của Nhật Bản thành lập ngân hàng. Các ngân hàng này nắm giữ cổ phiếu của các công ty con trực thuộc tập đoàn (sở hữu chéo). Nhiều ngân hàng cũng cấp tín dụng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu niêm yết, hoặc bất động sản.
Thập kỷ 90, nền kinh tế Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, TTCK sụt giảm, dẫn tới giá trị các cổ phiếu nằm trong danh mục đầu tư của các Ngân hàng hoặc các cổ phiếu, bất động sản là tài sản bảo đảm cũng giảm mạnh. Điều này làm ảnh hưởng tới bảng cân đối của hệ thống ngân hàng, làm giảm tỷ lệ an toàn vốn, giảm năng lực cung tín dụng của cả hệ thống ngân hàng nói chung.
Để tháo gỡ tình trạng này, Chính phủ Nhật Bản cho phép hình thành các quỹ ETF và các quỹ đầu tư bất động sản, thực chất là việc chứng khoán hóa các tài sản (nợ xấu, sở hữu chéo) trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng đưa cổ phiếu trong danh mục đầu tư vào các quỹ ETF, đưa các hạng mục bất động sản vào các quỹ đầu tư bất động sản (REITS). Đổi lại, các ngân hàng nhận các chứng chỉ quỹ ETF và chứng chỉ quỹ đầu tư bất động sản (REITS), đều là các sản phẩm niêm yết, thanh khoản cao và không nằm trong danh mục các tài sản bị loại trừ khi tính chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel.
Điều này cải thiện đáng kể chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng, làm sạch bảng cân đối kế toán của các tổ chức này; tăng tỷ lệ an toàn tài chính, làm giảm nợ xấu, giảm dự phòng trích lập, từ đó làm tăng khả năng cung tín dụng của cả hệ thống ngân hàng.
Những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản đã đạt được những thành tựu quan trọng, giá trị tài sản của các quỹ ETF tăng mạnh qua các năm, góp phần xử lý một khối lượng lớn tài sản đọng trong hệ thống ngân hàng. Cụ thể 11,528 tỷ USD (năm 2001); 32,517 tỷ USD (2002); 38,378 tỷ USD (2003); 40,335 tỷ USD (2004); 47,987 tỷ USD (2005) và 53,340 tỷ USD (2006).
Thứ hai, quỹ ETF còn là công cụ phòng chống khủng hoảng. Điển hình là sự ra đời và can thiệp của Chính quyền Hồng Kông nhằm chống đầu cơ tiền tệ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính ở châu Á. Nhà đầu cơ nước ngoài giữ vị thế bán hợp đồng tương lai chỉ số trong giai đoạn 1997-1998, gây áp lực khiến TTCK Hồng Kông HSI sụt giảm mạnh, dẫn tới Chính quyền Hồng Kông phải mua danh mục chứng khoán cấu thành chỉ số HSI nhằm chặn đà giảm của chỉ số, hạn chế đầu cơ phái sinh và đầu cơ tỷ giá của giới đầu cơ nước ngoài. Tới tháng 12/1998, trên cơ sở danh mục chứng khoán nắm giữ, Chính quyền Hồng Kông thành lập quỹ ETF TraHK (Tracker fund) quản lý bởi State Street Global Advisors Asia (chi tiết tại Phụ lục 2). Mặc dù việc can thiệp của Hồng Kông vào TTCK vẫn đang là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên, hiệu quả của quỹ ETF TraHK trong việc ngăn ngừa khủng hoảng ở Hồng Kông là một sự thành công không thể phủ nhận.
Thứ ba, tăng tính hấp dẫn cho TTCK, đặc biệt là thị trường thứ cấp. Tạo ra sản phẩm đầu tư minh bạch, cơ chế giao dịch linh hoạt, đa dạng hóa rủi ro và được quản lý chuyên nghiệp; giúp TTCK thu hút thêm nhà đầu tư mới, dòng vốn mới trên thị trường thứ cấp, tạo sự lan tỏa dễ thu hút thêm nguồn vốn cho nền kinh tế qua thị trường sơ cấp.
Thứ tư, thay đổi hành vi và văn hóa đầu tư. Thay vì thực hiện đầu tư vào từng mã chứng khoán riêng biệt, đòi hỏi nhiều thời gian để phân tích thị trường và thời điểm giao dịch. Điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng cổ phiếu niêm yết ngày một nhiều hơn, thậm chí lên tới hàng nghìn mã cổ phiếu. Với sản phẩm quỹ ETF, nhà đầu tư sẽ đầu tư vào một rổ chỉ số, dễ theo dõi và phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp hoặc các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư tổ chức (quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm). Ngoài ra, việc đầu tư vào rổ chứng khoán (đầu tư theo chỉ sổ) cũng hạn chế hiện tượng thị trường bị lạm dụng, thao túng.
Thứ năm, thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, đặc biệt do cơ chế quỹ mở, nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế sở hữu số lượng chứng chỉ quỹ nắm giữ. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư nước ngoài khi nhận lại danh mục cơ cấu, thì sẽ phải bán ra nếu vượt tỷ lệ sở hữu, sẽ vẫn giúp duy trì việc quản lý tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức phát hành

No comments: