Thursday, February 16, 2012

Báo cáo tài chính và những rủi ro tiềm ẩn.


Năm 2011 đã kết thúc cũng là lúc doanh nghiệp lần lượt công bố báo cáo tài chính năm. Bên cạnh những “quả ngọt” của các doanh nghiệp niêm yết ngành thực phẩm, dược phẩm, thủy sản, xuất khẩu, cao su… cũng lộ ra một số đơn vị gặp thua lỗ lớn do nhạy cảm với chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là các đơn vị vay nợ lớn, doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán.

Tuy nhiên, những đơn vị dạng này thường ít thể hiện sự thua lỗ, đa phần lại báo cáo không lỗ, thậm chí lãi chút ít dễ gây ngộ nhận cho nhà đầu tư. Hay nói cách khác, bằng nghiệp vụ kế toán, những khoản chi phí trả lãi vay khổng lồ chưa được quyết toán vào chi phí, đây là rủi ro còn ẩn mặt đối với nhà đầu tư.
Báo cáo tài chính của khối công ty chứng khoán ghi nhận lỗ đáng kể. Công ty chứng khoán là những đơn vị khá công khai rủi ro cũng bởi không thể ẩn được các khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán niêm yết (chiếm đa phần trong mảng tự doanh) mà chỉ ẩn được ở rủi ro giảm giá chứng khoán chưa niêm yết.
Bên cạnh đó, trong môi trường thắt chặt tiền tệ thì hiện tượng vỡ nợ trở nên khá phổ biến. Vì thế, một rủi ro còn ẩn mặt khác chính là nợ phải thu nhiều dẫn đến khả năng mất vốn. Trên bảng cân đối kế toán, nhà đầu tư không nhìn thấy được khoản phải thu thực chất là còn hay mất. Hệ thống quản trị rủi ro hiện nay còn mang tính danh nghĩa nên chưa tách bạch được những khoản phải thu bất thường, quá hạn, kéo dài…trong các khoản phải thu.
Có thể điển hình dạng rủi ro này ở một doanh nghiệp, khi để khách hàng nợ số tiền tương đương vốn chủ sở hữu kéo dài, mà thực chất đây là khoản nợ khó đòi. Đến hẹn, khách sẽ ghi nhận vào nợ thêm một khoản (chính là số tiền lãi), doanh nghiệp thì lại hạch toán lợi nhuận, nợ ảo lại tăng lên. Về phía nhà đầu tư, họ sẽ nhầm tưởng đơn vị hoạt động tốt trong khi bộ máy quản trị đã kịp thoái vốn khỏi doanh nghiệp. Cho đến khi rủi ro được công khai, thị trường sẽ ngạc nhiên hơn cả trường hợp của DVD vì lần này toàn bộ rủi ro đã dành trọn cho nhà đầu tư.
Trong kinh doanh, nhiều người không sợ thua lỗ mà chỉ sợ bị chiếm dụng vốn dài ngày. Khi doanh nghiệp không còn vốn kinh doanh lại phải trả lãi vay ngân hàng, những khoản “vốn chết” sẽ dẫn đơn vị dần đến nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản, điển hình là đơn vị thủy sản Cadovimex (HOSE: CAD).
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất và hiện diện khá nhiều trên thị trường niêm yết hiện nay là rủi ro ẩn mặt tại các công ty bất động sản có nợ vay ngân hàng lớn.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng với lãi suất cao, thị trường đóng băng thì các công ty bất động sản sẽ lỗ lớn vì lãi vay. Nhưng sau đó, họ đã thở phào nhẹ nhõm trước kết quả kinh doanh không lỗ hay thậm chí còn lãi của nhiều công ty dạng này. Lấy ví dụ ở một công ty xây dựng với vốn chủ sỡ hữu hơn 200 tỷ đồng, có nợ vay non 1,000 tỷ đồng, kết quả kinh doanh năm 2011 của đơn vị lãi gần 20 tỷ đồng với chi phí lãi vay ngân hàng là 0 đồng. Vậy khoản chi phí lãi vay khổng lồ trong năm (tất nhiên hơn 200 tỷ, tương đương vốn chủ sỡ hữu) nằm ở đâu?
Đó là do đơn vị đã hạch toán vào chi phí xây dựng cơ bản hay sản phẩm dỡ dang. Một rủi ro còn ẩn mặt đối với nhà đầu tư bởi:
Thứ nhất, trường hợp đơn vị đang thi công đúng kế hoạch, khoản lãi vay này nằm trong chi phí hợp lý. Như những năm trước, đơn vị sẽ bán hàng, quyết toán cả khoản phí này và có lãi. Nhưng với tình hình hiện nay, khi thiếu vốn thi công, công trình ngưng trệ, mặt bằng lãi vay cao, sản phẩm khó tiêu thụ thì khoản trả lãi vay này trở thành gánh nặng làm giá thành sản phẩm cao so với sản phẩm của doanh nghiệp sử dung vốn tự có.
Thứ hai, trường hợp phổ biến là bất động sản đóng băng, không tiêu thụ được nên các khoản lãi vay được hạch toán thêm vào giá thành sản phẩm khiến giá thành ngày càng cao, thoát ly dần giá thị trường, tích tụ mâu thuẫn dạng này giống như CAD. Công ty đã hạch toán lãi vay lớn và không hợp lý vào hàng hóa, dẫn đến giá bán thấp hơn nhiều giá vốn, dẫn đơn vị đến thua lỗ lớn.
Những dạng rủi ro tiềm ẩn trên có thể được công khai sớm khi chủ nợ, chính là các ngân hàng, phát mãi tài sản để thu nợ quá hạn. Để thời gian kéo dài, khi công khai rủi ro càng trễ thì quy mô thua lỗ, thậm chí phá sản càng hiện hữu lớn trừ khi có điều kỳ diệu xảy ra như sốt bất động sản.

No comments: