Monday, May 4, 2009

Những con bạc bất đắc dĩ trên sàn chứng khoán

Hàng ngày vẫn có hàng nghìn người ngồi đồng trên các “sòng” cổ phiếu, nhiều người trong số họ chưa từng thắng.

Có những nhà đầu tư thật "bình thường". Họ biết mình mắt kém tay chậm nên muốn làm mọi việc theo cách đơn giản nhất: chọn lựa kỹ vài ba cổ phiếu theo cách chọn hạt giống tốt nhất, gieo vào lòng mình một niềm tin rằng hoa trái sẽ bội thu nhưng cần qua tháng năm kiên nhẫn của người nông phu.

Có một thiểu số nhà đầu tư siêu đẳng, nhờ tài năng thiên bẩm trong việc ngửi thấy mùi tiền và nắm bắt cơ hội, họ không nhọc công chăm bón mà lướt qua mọi thứ hàng hóa tốt xấu nhưng vào đúng thời điểm có thể gặt hái lợi nhuận, họ sinh ra đã có số làm tỷ phú.

Một nhóm khác, là những người "tưởng bở" rằng mình trời sinh phúc phận, lại luôn gặp may nên không phải tính kỹ, họ cũng đánh đông đánh tây nhưng gặp phải doanh nghiệp trời ơi, luôn vào quá sớm hay ra quá muộn, thua lỗ và trở thành những con bạc bất đắc dĩ trên sàn chứng khoán.

Từ rất xa xưa, không rõ khi nào, những bậc trí thức đã bất đồng quan điểm về mỗi một chuyện rằng chứng khoán có phải là cờ bạc hay không. Cơ bản ai cũng thấy rằng, bản chất việc bỏ tiền mua chứng khoán khác nhiều so với tung tiền vào xới bạc, nhưng hẳn nhiều học giả phải bối rối khi có nhiều người mang danh nhà đầu tư chứng khoán nhưng “đánh” hoặc “chơi” chứng khoán như người ta cờ bạc, và kết quả cũng tương tự cờ bạc.

Chuyện cỏn con cũ rích trên lẽ ra chẳng có gì đáng tốn giấy bút nếu không xảy ra nhiều chuyện nhộn nhạo gần đây trên thị trường chứng khoán Việt Nam và cơn sốt đầu tư trên sàn vàng.

Chỉ trong tháng 4, khi nhiều người thắng tiền tỷ trên sàn chứng khoán chính thức thì cũng là lúc xảy ra một số vụ bể nợ (số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng) liên quan đến trò đặt cược cổ phiếu MB (Ngân hàng Quân đội), đến sàn giao dịch vàng và những nhà đầu tư chết đuối vì lướt ngược con sóng trên sàn chứng khoán chính thức. Những câu chuyện dưới đây nhiều người đã biết.

Từ một năm trở lại đây, nói đến thị trường cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) có thể phải phân định thành 2 phần, nửa này là thị trường cổ phiếu MB và nửa kia là hàng nghìn cổ phiếu còn lại. Vốn dĩ cổ phiếu MB chẳng có gì kỳ lạ nếu không có chuyện tình cờ phát sinh trong lúc thị trường OTC lâm vào cảnh thoái trào đến bế tắc, một số môi giới đành nghĩ ra trò đặt cược vào giá cổ phiếu MB trong kỳ hạn: buổi chiều cùng ngày, ngày mai, tháng sau, 3 tháng nữa….

Đối tượng chính tham gia trò chơi này không ai khác chính là các môi giới OTC đang thất nghiệp. Và trò chơi sẽ không quá phấn khích nếu như người thắng kẻ thua không “xẻ thịt” nhau bằng tiền đặt cọc - đúng hơn là tiền đặt cược (thay vì giao dịch hàng thật, tiền thật). Quan sát giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu thực tế trong các giao dịch trên chỉ chiếm khoảng 1/10.

Rắc rối lớn đã xảy ra khi ai cũng có thể làm môi giới OTC. Bà bán rau có thể bán khống (đặt cược giá xuống) một lượng cổ phiếu đến nửa triệu cổ phiếu MB giá 16.000 đồng mỗi cổ phiếu (giá trị thực tế khoảng 8 tỷ đồng), trong khi một chị hàng cá khác dám đánh lên một triệu cổ phiếu MB (đặt cược giá lên đến 16 tỷ đồng). Ban đầu ai cũng nghĩ trò chơi này an toàn, vì có thể chuyển phần cược cho người khác và chỉ mất số tiền nhỏ (thực tế, đa số môi giới tham gia cuộc chơi chỉ là lớp cò con). Nhưng do lòng tham (có thể chỉ đủ tiền mua 10.000 cổ phiếu nhưng đặt cược mua lớn gấp cả chục lần) và liên tục ngược kèo trong thời gian dài, hàng trăm người mất hết gia sản gây dựng mấy chục năm và lâm cảnh nợ nần.

Tháng 4 này, đi đôi với một sự thịnh vượng bất thường của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là lúc dư luận nhìn thấy một số vụ việc đáng suy nghĩ:

Một vụ bắt cóc tống tiền hơn 3 tỷ đồng xôn xao dư luận mấy ngày qua, thủ phạm là một tín đồ chứng khoán đang túng quẫn, môi giới của một công ty chứng khoán, lập kế bắt cóc một cô gái để tống tiền.

Một vụ bể nợ lên quan đến tên tuổi một nhân vật nữ nức tiếng trên sàn với số tiền có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến chuyện này là do nhân vật chính đã mạnh tay bán khống hàng triệu cổ phiếu MB nhưng đi ngược sóng, sau đó tiếp tục vay tiền đánh tiếp và thua đến mức trốn nợ. Sự việc bước đầu ghi nhận một cơn chấn động trên sàn OTC với một số môi giới khác, đột nhiên ra đi với tin nhắn cho thân chủ rằng phải về quê thu xếp tiền trả nợ.

Điều đáng ngại nhất là các tên tuổi kể trên dường như không có bằng chứng cụ thể về giao dịch bằng tiền, hầu hết đều là lời hứa miệng hay qua tin nhắn điện thoại.

Hàng ngày vẫn có hàng nghìn người ngồi đồng trên các “sòng” cổ phiếu. Nhiều người trong số họ chưa từng thắng, hoặc kết quả chung cuộc chưa bao giờ thắng cũng ráng mua mua, bán bán theo các con sóng của thị trường. Mà sóng của thị trường thì khó đoán, rất nhiều nhà đầu tư bơi giỏi cũng đã và đang trả giá.

No comments: