Wednesday, November 10, 2010

Ba sai lầm đáng nhớ nhất của Warren Buffett

Warrent Buffet được cả thế giới nể phục và gọi ông là NĐT thành công nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, bản thân ông cũng luôn công nhận rằng: NĐT tài ba nhất cũng phạm sai lầm. Ông đã viết thư thường niên gửi tới cổ đông của Công ty Bershire Hathaway và kể về những sai lầm đầu tư lớn nhất của mình. Có rất nhiều thứ chúng ta cần học hỏi trong nhiều thập kỷ kinh nghiệm đầu tư của Buffett. Sau đây là 3 sai lầm tiêu biểu.

Câu chuyện với Công ty Conoco Phillips: Mua ở mức giá sai
Năm 2008, Buffett mua một lượng lớn cổ phần của Conoco Phillips (COP) với mục đích đầu cơ vào giá năng lượng trong tương lai. Buffett cho rằng, nhiều người sẽ đồng ý về việc giá dầu hoả sẽ tăng trong dài hạn. Và do đó, COP sẽ kiếm được lợi nhuận. Tuy nhiên, vụ đầu tư này kết thúc không như mong đợi, bởi Buffett đã mua vào ở mức giá quá cao. Kết quả là Berkshire bị lỗ nhiều tỷ USD trong vụ đầu tư này. Như vậy, một công ty làm ăn tốt không đồng nghĩa với một vụ đầu tư tuyệt vời nếu giá cổ phiếu bạn mua ở mức không hợp lý.
Bài học rút ra:
NĐT rất dễ bị sự hưng phấn cuốn đi khi gặp trạng thái thị trường tăng điểm đồng loạt. Lúc này, chúng ta thường mua cổ phiếu ở mức giá mà đáng lẽ không nên mua. Những NĐT kiểm soát được cảm xúc của mình thường phân tích một cách khách quan hơn. Một NĐT có trạng thái tâm lý độc lập hơn so với thị trường có thể nhận ra rằng, giá dầu thô liên tục biến động với biên độ rất mạnh và cổ phiếu của các công ty dầu mỏ từ lâu đã trở thành bong bóng sắp vỡ.
Buffett bình luận:
Khi đầu tư, sự lạc quan là bạn của chúng ta. Nhưng hưng phấn quá mức lại là kẻ thù.

Câu chuyện với Công ty U.S.Air: Lẫn lộn giữa tăng trưởng thu nhập hàng năm với sự thành công của DN
Năm 1989, Buffett mua cổ phiếu ưu đãi của U.S.Air bởi công ty này đạt được mức tăng trưởng hàng năm rất cao. Nhưng vụ đầu tư này nhanh chóng trở thành mối lo cho Buffett khi U.S.Air đã không có đủ lợi nhuận để trả cổ tức cho cổ phiếu ưu đãi. Rất may mắn, sau đó Buffett đã thanh lý được lô cổ phiếu này ở mức có lợi nhuận. Mặc dù vận đỏ, Buffett cũng nhận ra rằng, lợi nhuận thu được từ vụ làm ăn này là nhờ vào "nữ thần may mắn" và trạng thái hưng phấn quá mức của thị trường.
Bài học rút ra:
Năm 2007, Buffett đã chỉ ra rất rõ trong thư của mình: Đôi khi, nếu nhìn vào tăng trưởng doanh thu của một DN, chúng ta có thể thấy DN này đang làm ăn rất tốt. Tuy nhiên, muốn duy trì sự tăng trưởng đó, cần phải bỏ ra một lượng vốn khổng lồ. Trong trường hợp của ngành hàng không luôn cần có máy bay mới để mở rộng doanh thu, vấn đề của dạng DN đòi hỏi vốn lớn này là khi DN đạt được lượng doanh thu lớn thì nó lại chìm sâu thêm vào trong nợ nần. Nó chỉ có thể để lại rất ít dành cho cổ đông và dễ rơi vào tình trạng phá sản nếu kinh doanh bị giảm sút.
Buffett bình luận:
Các NĐT đã đổ tiền vào một cái hố không đáy, bị hấp dẫn bởi sự tăng trưởng, trong khi đáng lẽ họ phải tránh xa nó.

Cầu chuyện với Công ty Dexter Shoes: Đầu tư vào một DN không có lợi thế cạnh tranh
Năm 1993, Buffett mua cổ phiếu của một công ty giầy mang tên Dexter Shoes. Sự đầu tư của ông vào hãng giầy này nhanh chóng trở thành một thảm hoạ, bởi lợi thế cạnh tranh dài hạn của Công ty nhanh chóng biến mất. "Điều mà tôi đã đánh giá được là lợi thế cạnh tranh của công ty này đã biến mất trong vòng vài năm", Buffett nói và cho rằng, đây là vụ đầu tư tệ hại nhất mà ông từng thực hiện. Nó khiến cổ đông của Berkshire Hathaway mất 3,5 tỷ USD.
Bài học rút ra:
Các DN chỉ có thể kiếm lợi nhuận cao khi có lợi thế cạnh tranh đặc biệt so với các DN khác trong cùng khu vực kinh doanh. Wal-Mart bán hàng với giá cực rẻ. Honda tạo ra xe với chất lượng tuyệt vời. Khi DN còn có thể cung cấp những thứ tốt hơn nhiều so với DN khác thì nó còn tạo ra tỷ lệ lợi nhuận cao. Nếu không, lợi nhuận cao thu hút các đối thủ cạnh tranh và các đối tượng này sẽ nhanh chóng giành hết phần lợi nhuận của DN.
Buffett bình luận:
"Một DN tuyệt vời đúng nghĩa phải có bí quyết riêng lâu dài bảo vệ cho lợi nhuận tuyệt hảo đem lại từ vốn đầu tư".
Kết luận:
Mặc dù phạm sai lầm với tiền bạc luôn luôn đem lại những trải nghiệm đau xót, nhưng việc trả một chút "học phí" không đồng nghĩa với thua lỗ chung cuộc. Nếu phân tích các sai lầm và học hỏi từ nó, chúng ta có thể dễ dàng kiếm lại số tiền đã mất vào lần sau. Mọi NĐT, kể cả Buffett, đều phải hiểu rằng, sai lầm là điều không thể tránh khỏi.

No comments: