Monday, January 26, 2009

Nhìn lại thăng - trầm của TTCK Việt Nam trong 2008


Sự thăng trầm không bình thường của TTCK Việt Nam từ năm 2006 đến nay nếu bình tĩnh nhìn nhận có thể coi là hiện tượng không quá đặc biệt và cũng thường gặp phải ở nhiều quốc gia.

Sự thăng trầm của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ năm 2006 đến nay đã đem lại “ngỡ ngàng” cho không ít nhà đầu tư (NĐT), nhất là khi chỉ số Vn-Index có những khi xuống dưới 300 điểm. Tuy nhiên, tại Hội thảo khoa học chính sách giải pháp phát triển TTCK Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, có chuyên gia lại cho rằng đây là hiện tượng bình thường của TTCK.


Sau khi chỉ số VN-Index đã sụt giảm 68% trong năm 2008, chúng tôi tin rằng giá cổ phiếu đã phản ánh gần như tất cả các yếu tố tiêu cực có thể sẽ còn kéo dài trong 6 tháng tới.


Nhìn lại thăng - trầm của TTCK Việt Nam

TTCK Việt Nam bắt đầu hoạt động ngày 20/7/2000. Sau một vài năm phát triển cầm chừng, năm 2006 chứng khoán Việt Nam bước vào thời kỳ hoàng kim. Chỉ tính trên thị trường cổ phiếu, tổng giá trị vốn hóa thị trường năm 2006 tương đương 22,7% GDP.

Số công ty niêm yết tăng gần 5 lần, từ 41 công ty năm 2005 đã lên tới 193 công ty, số tài khoản giao dịch đạt hơn 10 vạn gấp 3 lần năm 2005 và 30 lần so với 6 năm trước. Trong vòng một năm, chỉ số Vn-Index tăng hơn 500 điểm, từ hơn 300 điểm cuối 2005 lên 800 điểm cuối 2006.

Năm 2007, với sự gia tăng không ngừng số DN niêm yết, các công ty chứng khoán, số tài khoản mới được mở, TTCK Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ.

Tổng mức vốn hóa thị trường vào cuối năm 2007 đạt 40% GDP, so với mục tiêu đề ra cho năm 2010 chỉ là 10%. Vn-Index đạt đỉnh 1.170 điểm vào ngày 31/3/2007 và giảm xuống còn 927 điểm vào ngày 31/12/2007. Năm 2007 cũng là năm các NĐT nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam một lượng tiền kỷ lục lên tới 5,5 tỷ USD.

Bước vào năm 2008, TTCK Việt Nam rơi vào sụt giảm trầm trọng. Từ đầu năm 2008 đến cuối tháng 12 Vn-Index đã mất hơn 600 điểm, xấp xỉ 70% (từ 921,07 điểm vào ngày 2/1/2008 đến 30/12/2008 còn 310,61 điểm).

Mặc dù khối lượng cổ phiếu tăng lên đáng kể nhưng giá trị cổ phiếu giảm xuống, giá trị vốn hóa thị trường đã lùi về con số dưới 20% so với GDP. Tính thanh khoản của thị trường suy giảm nghiêm trọng.

Năm 2008, các bong bóng đầu cơ liên tục bị nổ vỡ

2008 là năm mà các bong bóng đầu cơ liên tục bị nổ vỡ. Các bong bóng này đã bắt đầu hình thành từ năm 2005 do tín dụng quá mức trong hệ thống ngân hàng.

Quyết định số 03 của Chính phủ về giới hạn cho vay kinh doanh chứng khoán đã được thực thi vào tháng 06/2007 và đây chính là dấu hiệu khởi đầu cho một loạt các chính sách thắt chặt tín dụng. Trong suốt năm 2008, cán cân rủi ro đã bị đẩy nghiêng về phía thị trường bất động sản, nơi đã có nhiều hoạt động đầu cơ hơn hẳn.

Vào đầu năm 2008, các chính sách của Chính phủ chủ yếu tập trung vào kìm hãm tính thanh khoản trên thị trường tín dụng. Việc tăng nhanh chóng tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào tháng 1/2008 và phát hành tín phiếu bắt buộc vào tháng 03/2008 khởi đầu cho những nỗ lực kiềm chế sự tăng trưởng quá mức của dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Một trong những tác động phụ của sự tăng trưởng quá mức này là lạm phát gia tăng. Tỷ lệ lạm phát đã bắt đầu tăng tốc vào cuối năm 2007 và vào tháng 8/2008 đã vọt lên đỉnh cao 28% so với cùng kỳ năm 2007.

Ngay lập tức, việc kìm hãm đột ngột tính thanh khoản đã tác động đến thị trường chứng khoán và cuối cùng là thị trường tín dụng, nơi tỷ lệ dư nợ cho vay đã tăng vọt từ 71% GDP vào đầu năm 2007 lên gần 100% GDP vào quý 1/2008.

Do cú sốc về tính thanh khoản này lan tỏa đến hầu hết các loại tài sản và toàn bộ nền kinh tế nên giá bất động sản bắt đầu đảo chiều vào quý 1/2008 và lượng giao dịch bất động sản đã giảm 90%, phản ánh tình trạng tương tự tại thị trường bất động sản Hồng Kông và Singapore.

Đồng thời, tình trạng mất cân đối cũng bắt đầu xuất hiện trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do đã vượt quá xa so với biên độ giao dịch USD/VND cho phép, dẫn đến lạm phát nhập khẩu tăng và làm tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế trong nước vốn đang phải đối đầu với nhiều thử thách.

Trong 6 tháng đầu năm 2008, tiền đồng (VND) trở nên khan hiếm do các đơn vị nhập khẩu găm giữ VND để đầu cơ trong khi ngân hàng từ chối mua USD đồng thời bán ngoại tệ này.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài lại không mua được số lượng VND cần thiết để đầu tư. Điều này cuối cùng đã tạo ra tình trạng mất cân đối kéo dài. Đồng USD từ dòng vốn đầu tư nước ngoài vốn đã bị siết chặt lại được bơm vào nhập khẩu (khiến thâm hụt thương mại tăng vọt).

Không có gì đáng ngạc nhiên khi thâm hụt thương mại bắt đầu tăng với mức độ chưa từng thấy. Trong vài tháng đầu năm 2008, mức thâm hụt này đã tăng gần 400% so với cùng kỳ năm ngoái và mức thâm hụt hàng tháng đã tăng vọt lên gần 3,3 tỷ USD vào tháng 03/2008.

Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài càng trở nên lo lắng nhiều hơn trước tình hình nóng bỏng này. Cũng trong tháng 03/2008, thị trường tiền tệ lại phải chịu thêm một cú sốc nữa khi tỷ giá USD/VND nhảy vọt lên 5% chỉ trong vài ngày, từ dưới mức sàn lên cao hơn biên độ giao dịch cao.

Trong cơn hoảng loạn, thị trường vốn đã bắt đầu có những phản ứng khi giá cổ phiếu chạm đáy và các ngân hàng gặp khó khăn khi muốn thanh lý các cổ phiếu mua nợ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã phản ứng lại bằng cách giảm biên độ giao dịch chứng khoán từ 5% xuống còn 1%.

Tuy nhiên, sự kết hợp của các biên độ giao dịch giảm với một số đề xuất như tạm đóng cửa thị trường chứng khoán hoặc dùng nguốn vốn công để giải cứu thị trường... chỉ làm mai một thêm niềm tin của nhà đầu tư.

Thị trường nợ của Việt Nam cũng chịu chung số phận trong cuộc khủng hoảng này. Độ rủi ro của trái phiếu Chính phủ tăng vọt, đẩy mức sinh lời trái tức lên trên 20% và các hợp đồng hoán đổi tín dụng phá sản (CDS) trở nên có giá nhất trong khu vực.

Bất chấp niềm tin của nhà đầu tư bị suy sụp, các biện pháp kiểm soát nguồn vốn của Chính phủ lại giới hạn dòng chảy ra trực tiếp của đồng USD.

Sự can thiệp của Chính phủ và các gói giải pháp nhằm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đã bắt đầu có tác dụng vào giữa năm 2008 khi các hoạt động đầu cơ tiền tệ và hàng hóa được kìm hãm, các chính sách tiền tệ và tài chính được áp dụng.

Thâm hụt thương mại hàng tháng đã giảm mạnh xuống còn chưa đến 1 tỷ USD vào đầu tháng 7/2008.

Chỉ số VN-Index đã hồi phục trong ngắn hạn vào mùa hè khi VN-Index tháng 08/2008 tăng 19,4% - mức tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa của đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bắt đầu tác động đến Việt Nam trong 4 tháng cuối năm khi sự sụp đổ của Ngân hàng Đầu tư Lehman Brothers (ở Mỹ) làm khởi phát một đợt khủng hoảng trong hệ thống tài chính thế giới.


Cơ hội trong 6 tháng đầu năm 2009

Chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 12 tháng tới. Giá cổ phiếu niêm yết đã phản ánh tất cả các yếu tố tiêu cực mà chúng tôi dự đoán có thể vẫn tồn tại trong thời gian tới, và giá cổ phiếu sẽ bắt đầu hồi phục trước khi nhận được sự hỗ trợ của các chỉ số kinh tế.

Các giải pháp phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam không hề đơn giản. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm tới, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ cao hơn hẳn so với các nước phát triển trên thế giới. Các khoản đầu tư, vào lĩnh vực hạ tầng chẳng hạn, sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn về lâu dài.

Việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo giá thị trường, gỡ bỏ các rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài và tăng hạn mức sở hữu chứng khoán đối với nhà đầu tư nước ngoài chỉ là một số giải pháp giúp thu hút thêm sự chú ý của các nhà đầu tư chiến lược dài hạn.

Diễn biến thực tế của VN-Index và nền kinh tế sẽ phần nào lệ thuộc vào khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài hiện đang gặp rất nhiều rủi ro.

Điều quan trọng là Việt Nam cần có các chính sách minh bạch và nhất quán với các gói hỗ trợ thích hợp để kích thích tăng trưởng. Nếu không, tương lai trước mắt của Việt Nam sẽ kém rõ ràng và tình trạng bất ổn sẽ tạo thêm nhiều rủi ro khác.

Các gói giải pháp kích thích tài chính có thể sẽ là các chất xúc tác chính hỗ trợ sự tăng trưởng trong nước nhưng điều này đòi hỏi phải có các khoản tài trợ để bù đắp mức thâm hụt.

Trong khi đó, việc tái cơ cấu hệ thống tài chính và điều chỉnh tài sản trong bảng cân đối kế toán là cần thiết hơn cả để hình thành một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững về sau.

Ngoài ra, cũng cần phải điều chỉnh biên độ tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn để giảm bớt sự biến động của tỷ giá hối đoái do việc cố định tỷ giá USD sẽ làm giảm tính linh hoạt tiền tệ và đã gây khó khăn cho cạnh tranh xuất khẩu vào nửa cuối năm 2008.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2008 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức đỉnh 68% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 07/2008. Chỉ số VN-Index hiện đang quay về gần mức hấp dẫn hơn với P/E hiện tại đạt 7,9x so với P/E cao nhất 22x trong năm 2008.

Người viết tin rằng trong 6 tháng đầu năm 2009 sẽ có rất nhiều cơ hội để mua cổ phiếu của các công ty tốt.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản có thể sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn nữa để hồi phục sau khi bị đóng băng do hậu quả của đợt bùng phát tín dụng.

Những người muốn bán nhà (nhất là các sản phẩm nhà ở cao cấp) sẽ khó có thể bán được, còn những nhà đầu tư muốn mua cũng sẽ gặp khó khăn do việc giới hạn tiếp cận các nguồn vốn vay mà chúng tôi dự đoán sẽ kéo dài sang năm 2010.

Ngoài ra, với mức sinh lợi trái tức hấp dẫn, các trái phiếu Chính phủ có mức sinh lợi dưới 10% sẽ kém hấp dẫn hơn sau đợt hồi phục trên thị trường trái phiếu vào cuối năm 2008 bất chấp lãi suất có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ vào đầu năm mới.

Chúng tôi sẽ xem xét và chọn lọc mua các cổ phiếu sau khi các đợt bán tháo cổ phiếu làm giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn.

Tóm lại, chúng tôi tin rằng sẽ có rất nhiều cơ hội trên thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2009.

Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm đến các doanh nghiệp có ít rủi ro, hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng trong nước có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định và tài sản vững mạnh. Cũng sẽ có một vài cơ hội hấp dẫn đối với các cổ phiếu trong lĩnh vực hạ tầng đem lại giá trị cao và khả năng cạnh tranh mạnh.


Các chuyên gia nói gì?


Theo ông Lê Hải Mơ - Viện Khoa học tài chính: Sự thăng trầm không bình thường của TTCK Việt Nam từ năm 2006 đến nay nếu bình tĩnh nhìn nhận có thể coi là hiện tượng không quá đặc biệt và cũng thường gặp phải ở nhiều quốc gia.

Cũng không phủ nhận những nguyên nhân chủ quan và khách quan của vấn đề, nhất là năm 2008 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, do khó khăn của nền kinh tế trong nước buộc phải điều chỉnh mạnh nhiều chính sách kinh tế - tài chính - tiền tệ. Điều ông Lê Hải Mơ đánh giá cao là mặc dù trong giai đoạn 2007-2008 TTCK Việt Nam diễn biến khá phức tạp nhưng sự tồn tại và vận hành an toàn của thị trường ngay cả khi nền kinh tế lâm vào khó khăn đã chứng tỏ về cơ bản Việt Nam bước đầu thành công trong việc tổ chức vận hành và quản lý TTCK.

Bàn về những diễn biến trên TTCK, tiến sỹ khoa học Nguyễn Thị Hiền cho rằng: Làm nên sự sụt giảm mạnh của chỉ số chứng khoán năm 2008 có yếu tố ảo của TTCK năm 2006 và 2007. Với mức tăng Vn-Index năm 2006 là 147% cộng với hai tháng đầu năm 2007 là 27% thì việc VN-Index “rơi” xuống dưới 300 điểm vào những ngày cuối năm 2008 là điều tất yếu phải xảy ra.

Đây sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh các cơ quan quản lý nhà nước và các NĐT đã quá say sưa với sự khởi sắc của TTCK trong một thời gian dài mà quên mất thực tế là vốn kinh doanh chứng khoán trong giai đoạn này đã bắt đầu có yếu tố “ảo” (vay nóng, vay ngân hàng, thậm chí cả cầm cố chứng khoán) chứ không phải phần lớn là vốn tự có (tiền sở hữu cổ phần ưu đãi, tiền nhàn dỗi và tiền bán hoặc thế chấp tài sản) như thời kỳ đầu.

PGS, TS Nguyễn Đình Tài - Viện Quản lý kinh tế trung ương trong bài tham luận của mình cũng đã lý giải: Việc Vn-Index rớt giá mạnh như hiện nay cũng giống như hiện tượng một quả bóng “xì hơi” sau một thời gian “căng to”. Đây cũng là biểu hiện của một thị trường mới hình thành và chưa chuyên nghiệp, các NĐT vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng bởi “tâm lý đám đông”.

Điều này cũng thể hiện ở 90% NĐT là những cá nhân, mặt khác, những diễn biến của TTCK phần nào chứng tỏ sự thiếu hoàn chỉnh của hành lang pháp lý và sự mất cân đối trong quan hệ cung - cầu.

Ý kiến chung của các chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình cổ phần hóa các DN lớn của Nhà nước để lượng cung hàng hóa đưa ra thị trường trong thời gian tới là những sản phẩm tốt, có chất lượng, thu hút sự quan tâm của các NĐT. Đây cũng là mong đợi của nhiều NĐT và cơ quan quản lý, nhằm đẩy mạnh phát triển một TTCK bền vững.

No comments: