Monday, April 23, 2012

Toàn cảnh hoạt động năm 2011 của các CTCK

Bật mí Danh mục tự doanh của 7 CTCK lớn


Chưa tính các khoản đầu tư OTC, quý I/2012 SSI dự kiến được hoàn nhập 110 tỷ. VND bị "mắc kẹt" với SDU, TCM, VC3; 28% danh mục BVS là VFMVF1; Agriseco đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng trái phiếu.
TTCK năm 2011 khép lại với 65/102 công ty chứng khoán (CTCK) thua lỗ và 71 CTCK có lỗ lũy kế với tổng lỗ lũy kế hơn 4.200 tỷ đồng.
Các CTCK thua lỗ một phần là do tình hình thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong năm 2011, trung bình mỗi phiên giao dịch khoảng 500-600 tỷ đồng mỗi sàn dẫn đến doanh thu môi giới giảm mạnh. Tuy nhiên phần quan trọng hơn là danh mục tự doanh của các CTCK đã sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2011 dẫn đến việc các công ty này phải trích lập dự phòng hàng trăm tỷ đồng.
Trong khuôn khổ bài viết, người viết đề cập đến 7 CTCK lớn công khai danh mục tự doanh trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 là CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS), CTCP Chứng khoán Ngân hàng NN&PTNT (Agriseco), CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS), CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), CTCP Chứng khoán VnDirect (VND), CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) và CTCP Chứng khoán Thăng Long (TLS).
Trong 7 công ty này, duy nhất TLS chưa niêm yết. Tổng giá trị đầu tư chứng khoán (ngắn hạn và dài hạn) của 7 công ty này tính tại thời điểm 31/12/2011 đạt gần 9.500 tỷ đồng, lỗ so với giá vốn là 1.735 tỷ đồng trong đó danh mục đầu tư của SSI giảm 470 tỷ so với giá trị ghi sổ và danh mục của TLS giảm 388 tỷ so với giá trị ghi sổ.
(đơn vị: tỷ đồng) - Danh mục của HSC đa phần là cổ phiếu OTC nên không có giá tham chiếu tính hoàn nhập
Trong 3 tháng đầu năm 2012, VN-Index tăng 25%, HNX-Index tăng 22%, danh mục của các CTCK cũng đã tăng đáng kể và được hoàn nhập một phần trong báo cáo quý 1/2012.
Theo số liệu thống kê của chúng tôi, chưa tính giá trị hoàn nhập của danh mục đầu tư OTC (do không có giá tham chiếu), thì trong quý I/2012, SSI dự kiến sẽ được hoàn nhập khoảng 110 tỷ đồng (các cổ phiếu được hoàn nhập nhiều nhất trong danh mục của SSI là HAG, DBC và VFMVF4); TLS được hoàn nhập khoảng 61 tỷ đồng, VND hoàn nhập khoảng 28 tỷ đồng, HSC danh mục chủ yếu là các cổ phiếu OTC, AGR mặc dù đầu tư 4.245 tỷ đồng nhưng hơn 3.600 tỷ là trái phiếu.
Tự doanh CTCK: Lỗ nặng
BVS: Nếu tính theo giá trị ghi sổ (giá vốn) thì BVS đang nắm tới 28% là VFMVF1 (5,49 triệu cp), tiếp theo là TLG, TH1, TIX, HVX..Khoản đầu tư lỗ nặng nhất của BVS là HVX khi giá trị đầu tư ban đầu là 14.230 đồng/cp nhưng đến ngày 31/12/2011 cổ phiếu này còn lại 2.600 đồng/cp (-82%), khoản đầu tư TH1, TLG, PHC cũng giảm từ 60-70%.

Cơ cấu danh mục đầu tư ngắn hạn của BVS dựa trên giá trị ghi sổ

Dự kiến Q1/2011 BVS sẽ được hoàn nhập khoảng 18 tỷ đồng (chưa tính các khoản đầu tư OTC), trong đó khoản đầu tư VF1 được hoàn nhập nhiều nhất (8,7 tỷ).
AGR: AGR nắm giữ gần 5,8 triệu cp PVX, gần 5 triệu cp VCR, 5 triệu cp HAGL Land và 3.650 tỷ trái phiếu. Khoản đầu tư “lỗ nặng” nhất của AGR là cổ phiếu PTP của CTCP Dịch vụ viễn thông và in Bưu điện đang niêm yết tại UpCOM (-93%) khi giá vốn của cổ phiếu này là 50.000 đồng/cp nhưng đến cuối năm 2011 giá cổ phiếu này rơi xuống 3.300 đồng/cp; giá vốn APS là 11.000 đồng/cp nhưng cuối năm chỉ còn 2.000 đồng/cp…

Danh mục đầu tư ngắn hạn (trái) và dài hạn (phải) tính trên giá trị ghi sổ (giá vốn) của AGR tại 31/12/2011

Quý 1/2012, AGR dự kiến được hoàn nhập 22,5 tỷ trong đó riêng PVX được hoàn nhập 20,8 tỷ khi tăng 53% trong quý 1/2012.
SSI: SSI nắm giữ 14,2 triệu ccq VF4, 4,7 triệu ccq PRUBF1, 2,7 triệu cp DBC…danh mục dài hạn của SSI gồm gần 20 triệu cp PGBank, hơn 10 triệu cp cao su HAGL, 3,5 triệu HAG…tuy nhiên trong danh mục của SSI có 624.000 cổ phiếu DCC của Descon và cổ phiếu này đã bị hủy niêm yết từ ngày 15/12/2011 do vi phạm công bố thông tin.

Cơ cấu danh mục đầu tư ngắn hạn (trên) và dài hạn (dưới) của SSI tại 31/12/2011
Khoản đầu tư “lỗ nặng” nhất của SSI trong năm 2011 là khoản đầu tư 400 nghìn cp NSP với giá vốn 10,000 đồng/cp tuy nhiên cuối năm mã này còn 1.600 đồng/cp (-84%).
Quý 1/2012, SSI dự kiến được hoàn nhập khoảng 110 tỷ đồng từ các cổ phiếu niêm yết, trong đó khoản đầu tư được hoàn nhập nhiều nhất là từ HAG, VF4, SSC, DBC…
VND: Nhìn vào danh mục của VND có thể thấy dường như VND đang bị “mắc kẹt” với 3 cổ phiếu SDU, VC3 và TCM trong đó khoản đầu tư SDU lỗ nặng nhất khi giá vốn mua vào của cổ phiếu này khoảng 49.500 đồng/cp trong khi giá cuối năm 2011 là 4.400 đồng/cp (-91%). 
Năm 2011 VND đã bán toàn bộ 150 tỷ đầu tư vào cổ phiếu QCG.
Dự kiến Q1/2012 VND được hoàn nhập khoảng hơn 27,7 tỷ đồng.
KLS: Trong 7 CTCK lớn, KLS ít đầu tư tự doanh nhất, tổng giá trị danh mục đầu tư ngắn hạn của KLS chỉ ở mức 123 tỷ đồng. KLD đang “cầm” gần 2,4 triệu cp BIC, hơn 900 nghìn cp Habubank, 650 nghìn cp PGC. Các cổ phiếu “lỗ nặng” nhất trong danh mục của KLS là HDG, TMT, WSB, SRC (-80%). Quý 1/2012 dự kiến KLS được hoàn nhập khoảng 13 tỷ đồng.
HCM: Danh mục của HCM ngoài 450 nghìn cp VTB, các cổ phiếu EIB, VTP, HOM, ICG còn lại đều là các cổ phiếu OTC, trong đó có 16,4 tỷ đầu tư vào ngân hàng Đông Á.


TLS: Danh mục của TLS nổi bật có 1 triệu cổ phiếu SJS với giá vốn 72.000 đồng/cp, 5,6 triệu cp PVX, 5 triệu cp MCG. Danh mục của TLS khá dàn trải, ngoài các bluechips như DPM, KLS, PVX, HAG, HPG, VCB, SSI, SJS, thì có khá nhiều cổ phiếu “nóng” như MCG, PVV, LCG, VGS, APC…

Danh mục ngắn hạn của TLS còn HPG, ACB, GLT, DRC, VCB, PVI...


Danh mục dài hạn của TLS

Dự kiến quý 1/2012 TLS được hoàn nhập khoảng 61 tỷ đồng (chưa bao gồm khoản đầu tư OTC), trong đó cổ phiếu được hoàn nhập nhiều nhất là PVX, SJS và DIG.

Wednesday, April 11, 2012

Ai thâu tóm Sacombank?

Một lãnh đạo cấp cao tại ACB tiết lộ liên minh thâu tóm đã nắm trong tay khoảng 53% cổ phần của Sacombank. Còn liên minh của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Sacombank, đang nắm khoảng 36%.

Có người ví mảng đầu tư chứng khoán và bất động sản là những vết thương của người mẹ Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank. Trong năm 2011, cổ phiếu SBS của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín giảm 90,6% giá trị, xuống còn khoảng 3.100 đồng/cổ phiếu (30.12.2011). Đối với bất động sản, đến hết quý III/2011, lợi nhuận của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) giảm đến 83,67% so với cùng kỳ năm 2010.


Trước nỗi đau của đứa con địa ốc và chứng khoán, người mẹ Sacombank không thể ăn ngon ngủ yên. Trong gần 1 năm, từ 4.2010 đến 6.2011, cổ phiếu STB của Sacombank được giao dịch dưới giá trị sổ sách. Riêng nửa đầu năm 2011, cổ phiếu này giảm 27,8%, chạm mức 10.170 đồng/cổ phiếu (30.5.2011), mức thấp nhất trong vòng 2 năm. STB đã bị khối ngoại bán ròng 69,2 triệu cổ phiếu, trị giá 1.017 tỉ đồng trong năm 2011.

Khi giá đã xuống mức hấp dẫn, trong suốt năm 2010 và 2011, cổ phiếu này đã được một nhóm nhà đầu tư mua vào.

Những mắt xích

Ai mua? NCĐT đã đặt câu hỏi này với một thành viên Hội đồng Quản trị của Sacombank (không muốn nêu tên). Ông cho biết: “Lượng cổ phiếu mà cá nhân nắm thì rất ít, nhưng chúng tôi biết được ai đứng sau vụ việc. Họ mua thông qua người quen và các tổ chức như Eximbank, Công ty Chứng khoán ACB, Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Nam”. Xoay quanh vụ việc Sacombank, cái tên Trầm Bê được vị này nhắc đến nhiều nhất. Ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phương Nam với tỉ lệ nắm giữ (theo công bố) tại ngân hàng này là 10%.

Một nhân vật khác cũng gây ra nhiều tranh cãi là ông Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng Sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB). Vị thành viên Hội đồng Quản trị Sacombank nói trên cho rằng ông Kiên có liên quan đến nhóm đi thâu tóm và ông mua cổ phiếu STB thông qua Eximbank. Ông Kiên cũng từng tuyên bố mình là “cổ đông chính của Eximbank”. Giới tài chính thì đồn đoán ông nắm Eximbank thông qua 2 tổ chức: Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp (Generalexim) và Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu với tỉ lệ nắm giữ 20%. Tuy nhiên, về lý thuyết, 2 tổ chức này nắm không quá 2% của Eximbank.

ACB cũng bị cho là có liên quan mặc dù Ngân hàng đã lên tiếng phủ nhận. Ngân hàng này nắm khoảng 20% cổ phần Eximbank. Bên cạnh đó, có những thành viên cao cấp của ACB sở hữu cổ phần Eximbank. Ông Phạm Trung Cang, thành viên Hội đồng Sáng lập ACB, chẳng hạn, đang nắm 0,12% cổ phần Eximbank. Liệu Eximbank có thể đưa ra quyết định mua cổ phần Sacombank mà không thông qua nhóm nhân sự chủ chốt của ACB?

Trước tiên, hãy xét đến việc Eximbank mua cổ phần của Sacombank. Ngân hàng này nói là để đa dạng hóa việc phân bổ nguồn vốn thay vì chỉ tập trung cho tín dụng. Số tiền Eximbank bỏ ra để mua khoảng 10% cổ phần Sacombank, ước vào khoảng 1.600 tỉ đồng (1.2012). Trong thời buổi doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng có thể hưởng mức lãi trên 16%, tại sao phải lấy tiền đi đầu tư cổ phiếu?

Còn Ngân hàng Phương Nam thì sao? Xét về động cơ cá nhân, chắc chắn ông Trầm Bê biết rằng để Phương Nam phát triển lên như Sacombank phải mất ít nhất từ 10-15 năm. Thay vào đó, khi giá cổ phiếu STB xuống thấp, ông Bê có cơ hội sở hữu cổ phần của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

Hơn nữa, việc muốn thay đổi cơ cấu cổ đông tại Sacombank cũng không phải là chuyện khó vì lượng cổ phiếu mà các nhân sự chủ chốt Sacombank nắm giữ khá mỏng. Năm 2010, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, nắm giữ trên 4%; ông Đặng Hồng Anh, con trai của ông Thành, 3,5%; bà Huỳnh Quế Hà, Phó Chủ tịch Sacombank, 1,38%. Nghĩa là ông Bê hoàn toàn có thể tham gia Hội đồng Quản trị Sacombank.

Thế trận

Cuối năm 2010, báo chí đã viết về một vụ thâu tóm, nhưng chưa ai dám khẳng định vụ này có diễn ra. Tháng 8.2011, việc Dragon Capital bán 6,66% cổ phần Sacombank sau 10 năm nắm giữ đã bứt dây động rừng. Sacombank một mặt phủ nhận tin đồn, mặt khác lại có những động thái phòng thủ như đăng ký mua 100 triệu cổ phiếu quỹ và quy cổ phiếu STB về một mối.

Sau đó, lần lượt các cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE), Ngân hàng ANZ nói lời chia tay với Sacombank. Ngày 9.1.2012 REE hoàn tất thoái 3,924% vốn khỏi Sacombank. Ngày 10.1, ANZ cũng bán 9,61% vốn tại ngân hàng này. REE thì bán cho một nhóm cổ đông trong nước, còn ANZ bán cho Eximbank.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị REE, cho biết Công ty đã chuyển hướng từ đầu tư tài chính sang đầu tư chiến lược. Do khả năng REE tăng cổ phần nắm giữ tại Sacombank lên 20% là thấp, nên Công ty quyết định bán. Hơn nữa, REE hiện ưu tiên đầu tư ngành điện nước chứ không phải ngân hàng.

Diễn biến mới nhất hiện nay là phía đi thâu tóm đã tập hợp đủ lực lượng cho một cuộc tổng tiến công. Một lãnh đạo cấp cao tại ACB (không muốn nêu tên) tiết lộ liên minh thâu tóm đã nắm trong tay khoảng 53% cổ phần Sacombank. Còn liên minh của ông Đặng Văn Thành đang nắm giữ khoảng 36%.

Có người cho rằng phe đi thâu tóm hầu như đã thắng. Tuy nhiên, một thành viên Hội đồng Quản trị của Sacombank chia sẻ với NCĐT rằng muốn chi phối Sacombank phải nắm trên 65% cổ phần, còn chuyện phe thâu tóm nắm được bao nhiêu chỉ là mới đồn đoán, chứ chưa xác thực. Bỗng nhiên vị này nói thêm: “Sacombank có ngày hôm nay, là biết bao công sức của chúng tôi...”. Về chuyện này, ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng Giám đốc ACB, chỉ nhận xét: “Không ai cướp Sacombank cả”.
Liên quan đến chuyện thâu tóm Sacombank cũng có một số vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trong đó có việc Sacombank mua 100 triệu cổ phiếu quỹ. Mua 100 triệu cổ phiếu đồng nghĩa bỏ ra khoảng 2.000 tỉ đồng trong bối cảnh nhiều ngân hàng cần tiền mặt. Động thái này có thể là để bảo vệ quyền lợi cổ đông lớn. Mặc dù không phủ nhận việc mua cổ phiếu quỹ là để che chắn trước lực thâu tóm, một thành viên Hội đồng Quản trị Sacombank cũng nêu lên quan điểm của mình: “Có nhiều người nói chúng tôi trục lợi từ Sacombank, nhưng nếu trục lợi, chúng tôi đã không giữ tỉ lệ cổ phiếu thấp như thế”.
Vị này nói thêm: “Chúng tôi có mạnh, có tốt thì mới có nhiều người muốn đầu tư. Nhưng nếu muốn tốt cho Sacombank, nhà đầu tư phải gặp lãnh đạo để bàn bạc đường lối chiến lược. Chứ như những gì đã thấy thời gian qua, câu hỏi đặt ra là họ muốn đoạt Sacombank để phục vụ mục đích gì?”.
Cho đến nay, sự việc vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng chắc chắn sẽ có những gương mặt mới trong Đại hội cổ đông Sacombank tổ chức vào tháng 4 tới. Vì đối tượng đi thâu tóm là một liên minh chứ không phải cá nhân, nên câu hỏi đặt ra bây giờ là họ sẽ phân chia quyền lợi như thế nào? Có thống nhất được với nhau không hay cũng sẽ có một cuộc chiến trong chính liên minh này?
Với tỉ lệ cổ phiếu hiện tại, ông Thành vẫn có thể ngồi trong Hội đồng Quản trị và tìm cách xoay chuyển cục diện. Ngày 14.2.2012, Sacombank cho biết trong năm nay sẽ tăng 17% vốn điều lệ, lên hơn 11.700 tỉ đồng. Đây có thể là một nước cờ mới của ông Thành để bảo vệ Sacombank