Thursday, February 16, 2012

Báo cáo tài chính và những rủi ro tiềm ẩn.


Năm 2011 đã kết thúc cũng là lúc doanh nghiệp lần lượt công bố báo cáo tài chính năm. Bên cạnh những “quả ngọt” của các doanh nghiệp niêm yết ngành thực phẩm, dược phẩm, thủy sản, xuất khẩu, cao su… cũng lộ ra một số đơn vị gặp thua lỗ lớn do nhạy cảm với chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là các đơn vị vay nợ lớn, doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán.

Tuy nhiên, những đơn vị dạng này thường ít thể hiện sự thua lỗ, đa phần lại báo cáo không lỗ, thậm chí lãi chút ít dễ gây ngộ nhận cho nhà đầu tư. Hay nói cách khác, bằng nghiệp vụ kế toán, những khoản chi phí trả lãi vay khổng lồ chưa được quyết toán vào chi phí, đây là rủi ro còn ẩn mặt đối với nhà đầu tư.
Báo cáo tài chính của khối công ty chứng khoán ghi nhận lỗ đáng kể. Công ty chứng khoán là những đơn vị khá công khai rủi ro cũng bởi không thể ẩn được các khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán niêm yết (chiếm đa phần trong mảng tự doanh) mà chỉ ẩn được ở rủi ro giảm giá chứng khoán chưa niêm yết.
Bên cạnh đó, trong môi trường thắt chặt tiền tệ thì hiện tượng vỡ nợ trở nên khá phổ biến. Vì thế, một rủi ro còn ẩn mặt khác chính là nợ phải thu nhiều dẫn đến khả năng mất vốn. Trên bảng cân đối kế toán, nhà đầu tư không nhìn thấy được khoản phải thu thực chất là còn hay mất. Hệ thống quản trị rủi ro hiện nay còn mang tính danh nghĩa nên chưa tách bạch được những khoản phải thu bất thường, quá hạn, kéo dài…trong các khoản phải thu.
Có thể điển hình dạng rủi ro này ở một doanh nghiệp, khi để khách hàng nợ số tiền tương đương vốn chủ sở hữu kéo dài, mà thực chất đây là khoản nợ khó đòi. Đến hẹn, khách sẽ ghi nhận vào nợ thêm một khoản (chính là số tiền lãi), doanh nghiệp thì lại hạch toán lợi nhuận, nợ ảo lại tăng lên. Về phía nhà đầu tư, họ sẽ nhầm tưởng đơn vị hoạt động tốt trong khi bộ máy quản trị đã kịp thoái vốn khỏi doanh nghiệp. Cho đến khi rủi ro được công khai, thị trường sẽ ngạc nhiên hơn cả trường hợp của DVD vì lần này toàn bộ rủi ro đã dành trọn cho nhà đầu tư.
Trong kinh doanh, nhiều người không sợ thua lỗ mà chỉ sợ bị chiếm dụng vốn dài ngày. Khi doanh nghiệp không còn vốn kinh doanh lại phải trả lãi vay ngân hàng, những khoản “vốn chết” sẽ dẫn đơn vị dần đến nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản, điển hình là đơn vị thủy sản Cadovimex (HOSE: CAD).
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất và hiện diện khá nhiều trên thị trường niêm yết hiện nay là rủi ro ẩn mặt tại các công ty bất động sản có nợ vay ngân hàng lớn.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng với lãi suất cao, thị trường đóng băng thì các công ty bất động sản sẽ lỗ lớn vì lãi vay. Nhưng sau đó, họ đã thở phào nhẹ nhõm trước kết quả kinh doanh không lỗ hay thậm chí còn lãi của nhiều công ty dạng này. Lấy ví dụ ở một công ty xây dựng với vốn chủ sỡ hữu hơn 200 tỷ đồng, có nợ vay non 1,000 tỷ đồng, kết quả kinh doanh năm 2011 của đơn vị lãi gần 20 tỷ đồng với chi phí lãi vay ngân hàng là 0 đồng. Vậy khoản chi phí lãi vay khổng lồ trong năm (tất nhiên hơn 200 tỷ, tương đương vốn chủ sỡ hữu) nằm ở đâu?
Đó là do đơn vị đã hạch toán vào chi phí xây dựng cơ bản hay sản phẩm dỡ dang. Một rủi ro còn ẩn mặt đối với nhà đầu tư bởi:
Thứ nhất, trường hợp đơn vị đang thi công đúng kế hoạch, khoản lãi vay này nằm trong chi phí hợp lý. Như những năm trước, đơn vị sẽ bán hàng, quyết toán cả khoản phí này và có lãi. Nhưng với tình hình hiện nay, khi thiếu vốn thi công, công trình ngưng trệ, mặt bằng lãi vay cao, sản phẩm khó tiêu thụ thì khoản trả lãi vay này trở thành gánh nặng làm giá thành sản phẩm cao so với sản phẩm của doanh nghiệp sử dung vốn tự có.
Thứ hai, trường hợp phổ biến là bất động sản đóng băng, không tiêu thụ được nên các khoản lãi vay được hạch toán thêm vào giá thành sản phẩm khiến giá thành ngày càng cao, thoát ly dần giá thị trường, tích tụ mâu thuẫn dạng này giống như CAD. Công ty đã hạch toán lãi vay lớn và không hợp lý vào hàng hóa, dẫn đến giá bán thấp hơn nhiều giá vốn, dẫn đơn vị đến thua lỗ lớn.
Những dạng rủi ro tiềm ẩn trên có thể được công khai sớm khi chủ nợ, chính là các ngân hàng, phát mãi tài sản để thu nợ quá hạn. Để thời gian kéo dài, khi công khai rủi ro càng trễ thì quy mô thua lỗ, thậm chí phá sản càng hiện hữu lớn trừ khi có điều kỳ diệu xảy ra như sốt bất động sản.

Wednesday, February 15, 2012

Các ngân hàng Việt Nam dưới nhãn quan của Moody (Jan 2012)

PVF có chỉ số vay/gửi bằng ngoại tệ ở mức cao, vượt ngưỡng 200%, các ngân hàng còn lại ở mức trung bình. 

Trong báo cáo mới nhất của mình dành cho khu vực châu Á Thái Bình Dương, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng các ngân hàng Việt Nam nằm trong nhóm “dễ bị tác động từ khủng hoảng Châu Âu”cùng với các ngân hàng tại Australia, New Zealand, Hàn Quốc. 

Vậy vì sao các ngân hàng Việt Nam lại thuộc nhóm dễ bị tác động từ khủng hoảng  châu Âu? 

Đối với Moody’s, cơ sở đưa để tổ chức này đưa ra kết luận dựa trên 5 tiêu chí bao gồm: (1) Sự phụ thuộc của hệ thống ngân hàng vào nguồn vốn ngoại; (2) Tầm quan trọng của các ngân hàng khu vực đồng tiền chung trong hệ thống ngân hàng các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương; (3) Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu; (4) Thách thức đến từ sự yếu kém của hệ thống ngân hàng bản địa; (5) Năng lực của Chính phủ hay Ngân hàng trung ương để hỗ trợ cho các ngân hàng trong nước khi cần thết. 

Trong 5 tiêu chí phân tích đánh giá trên, Moody’s cho rằng  các ngân hàng Việt Nam “dễ bị tác động” bởi tiềm ẩn rủi ro cao từ nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, nhiều vấn đề lớn đặt ra với hệ thống ngân hàng, năng lực hỗ trợ của ngân hàng nhà nước và chính phủ cho các ngân hàng trong nước khi cần thết. 

 2 cơ sở còn lại là sự phụ thuộc của hệ thống ngân hàng vào nguồn vốn ngoại, và tầm quan trọng của các ngân hàng khu vực đồng tiền chung trong hệ thống ngân hàng Việt Nam được đánh giá là “dễ tác động” ở mức vừa. 

Với những tiêu chí đánh giá này, 10 ngân hàng niêm yết trên 2 Sở Giao dịch của Việt Nam sẽ “dễ bị tác động từ khủng hoảng châu Âu” đến mức nào?  

Thứ nhất,  xét về “sự phụ thuộc của hệ thống ngân hàng vào nguồn vốn ngoại”. Moody’s cho rằng Việt Nam thuộc vào nhóm trung bình bởi tỷ lệ tiền vay/tiền gửi bằng ngoại tệ ở quanh mức 100% (113%).

Thống kê cho thấy, nếu chỉ tính khoản vay và tiền gửi bằng ngoại tệ của khách hàng tỷ số vay/gửi ngoại tệ của 10 TCTD niêm yết bình quân là 128.39%; nếu bao gồm cả khoản ngoại tệ vay gửi tại/từ các tổ chức tín dụng khác, chỉ số này là 127.21% . 

Nguồn: BCTC ngân hàng mẹ 2011, 2010 đã kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2010

Ngoại trừ PVF ở mức báo động, vượt ngưỡng 200%, các ngân hàng còn lại ở mức vừa. Ngoài ra STBEIBACB là những ngân hàng có chỉ số vay/gửi bằng ngoại tệ vượt 150%.

Nguồn: BCTC ngân hàng mẹ 2011, 2010 đã kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2010
PVF, EIB, ACB, CTG là những TCTD có dư nợ cho vay khách hàng bằng ngoại tệ trên tổng dư nợ cao hơn 18%; trong khi đó huy động tiền gửi của khách hàng bằng ngoại tệ lại giảm hơn 10% so với thời điểm 31/12/2010. 

Đvt: Triệu đồng. Nguồn: BCTC ngân hàng mẹ 2011, 2010 đã kiểm toán, Báo cáo TN năm 2010

Thứ 2,
 nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Khi kim ngạch xuất khẩu sang EU giảm tuyệt đối, cả ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng chung, trong đó, các TCTD tài trợ xuất khẩu nhiều sẽ bị tác động nhiều hơn. 

Mặc dù Moody’s đánh giá Việt Nam có nguy cơ cao đối với tiêu chí này nhưng trong 3 năm vừa qua khi cuộc khủng hoảng châu Âu vẫn đang diễn ra kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng về giá trị và tỷ trọng. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang EU năm 2010 đạt 13.1%, năm 2011 đạt 17% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thứ 3, các vấn đề liên quan tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tiền gửi, tỷ lệ nợ xấu.

Bảng dưới đây là tổng hợp các chỉ tiêu về nợ xấu, tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng huy động tiền gửi so với thời điểm cuối năm 2010 của 10 tổ chức tín dụng niêm yết. 

Chỉ tiêu
Tăng trưởng tín dụng
Tăng trưởng tiền gửi
Tỷ lệ nợ xấu 
(nợ nhóm 3,4,5)
PVF
36.57%
182.87%
2.12%
31.26%
35.68%
1.61%
CTG
25.25%
24.68%
0.74%
20.18%
35.78%
2.13%
19.95%
38.25%
2.92%
EIB
19.76%
-7.56%
1.61%
18.50%
11.72%
2.01%
ACB
17.60%
33.30%
0.86%
STB
1.41%
-5.15%
0.56%
-4.57%
13.16%
2.05%
Nguồn: BCTC ngân hàng mẹ 2011, 2010 đã kiểm toán
Theo Moody’s tăng trưởng tiền gửi nhanh hơn tăng trưởng tín dụng và một yếu tố giảm nhẹ khả năng dễ bị tác động. 10 TCTD niêm yết kết thúc năm 2011 đã tăng trưởng tín dụng 19.88%; tăng trưởng tiền gửi là 18.89% so với hồi đầu năm cao hơn mức bình quân của ngành. Trong đó, tăng trưởng dư nợ cho vay bằng ngoại tệ là 28%, tăng trưởng tiền gửi bằng ngoại tệ khách hàng là 2.5%. 

Trong hạn hẹp về dữ liệu thu thập từ 10 TCTD nêm yết, chúng tôi không đề cập đến vấn đề tái cấp vốn, năng lực hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, đánh giá mức độ “dễ bị tác động bởi khủng hoảng châu Âu” đối với 10 TCTD niêm yết là chưa đầy đủ. 

Tuy nhiên, với những tiêu chí liên quan tăng trưởng dư nợ cho vay bằng ngoại tệ, chênh lệch giữa khoản cho vay và tiền gửi khách hàng bằng ngoại tệ càng cao trong nhiều tình huống mức độ “ nhạy cảm” sẽ tăng lên bởi các tác động từ các nền kinh tế lớn bên ngoài. Đồng nghĩa rằng, lợi nhuận của các TCTD này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng châu Âu

Sunday, February 12, 2012

Giao dịch ký quỹ "lậu" dưới tên gọi "Hợp đồng hợp tác đầu tư"


Trước khi có quy định về giao dịch ký quỹ thì hoạt động này đã chính thức có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ khá lâu dưới cái tên gọi Hợp đồng hợp tác đầu tư.

Có hai hình thức về hợp đồng hợp tác đầu tư giữa nhà đầu tư và công ty chứng khoán (CTCK) thường thấy, bằng cách sử dụng vốn vay của chính CTCK hay của một tổ chức tài chính khác.

Khi sử dụng đòn bẩy tài chính bằng nguồn vốn của chính CTCK, nhà đầu tư (NĐT) đã ký hợp đồng trực tiếp với CTCK, tài sản đảm bảo trên tài khoản chứng khoán lưu ký của chính CTCK đó hoặc bằng các tài sản khác ngoài cổ phiếu mà NĐT đứng tên sở hữu.

Còn khi sử dụng đòn bẩy tài chính bằng nguồn vốn của một tổ chức tài chính khác thì CTCK đóng vai trò trung gian, đứng ra xác nhận tài sản đảm bảo của NĐT trên tài khoản chứng khoán lưu ký tại CTCK và theo dõi, báo cáo giao dịch của NĐT trước đơn vị cho vay để đảm bảo hợp đồng giữa hai bên đươc thực hiện đúng.

Tỷ lệ vay trong các hợp đồng hợp tác đầu tư rất khác nhau tùy theo khách hàng, tùy theo tài sản đảm bảo hay chính sách của từng CTCK. Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ Tài sản đảm bảo /Số tiền phát vay dao động quanh tỷ lệ 1:1 đến 3:7, cá biệt có nơi đến 1:4. Do vậy, lượng hàng cần bán giải chấp là thông tin rất khó biết được.

Bán giải chấp có tạo ra cung giả?

Khi tỷ lệ vay vượt ngưỡng an toàn và quá thời hạn để khách hàng nộp thêm tài sản; các CTCK, tổ chức cho vay sẽ tiến hành xác định tại mức giá tham chiếu trong ngày hôm đó cần bán số lượng cổ phiếu của khách là bao nhiêu để thu tiền đã phát vay.

CTCK có thể tiến hành bán bằng mọi giá để thu tiền về. Đây là cách phổ biến nhất. Họ sẽ bán để làm sao thu đủ giá trị số tiền về cho tổ chức mình mà không cần biết lượng cầu trên thị trường như thế nào. Họ sẵn sàng đặt bán và đua bán tại mức giá sàn miễn sao giải quyết càng sớm càng tốt.

Trường hợp cổ phiếu thanh khoản kém, không thực hiện được như cách trên thì các tổ chức cho vay vẫn bán nhưng cũng chính họ sẽ mua lại nhằm mục đích nhanh chóng đưa giá cổ phiếu về đúng bằng giá phát vay. Về đến mức giá này, nếu khách hàng vẫn không thể bổ sung tài sản hay thanh lý khoản vay được thì các tổ chức sẽ tiến hành giao dịch thỏa thuận lượng hàng trên từ tài khoản khách hàng về tài khoản đứng tên của tổ chức đó. Lúc này coi như khách hàng đã hết nợ và số chứng khoán trên là khoản đầu tư của tổ chức đó.

Các hoạt động bán giải chấp có tạo ra cung giả tạo trên thị trường hay không?

Với lãi vay cao thì một điều chắc chắn là việc vay tiền để mua của NĐT đa phần là cho hoạt động đầu cơ. Như vậy, nếu loại trừ trường hợp làm giá và tăng lượng dư mua ở mức giá thấp thì việc này không tạo ra cầu giả tạo trên thị trường; mà nó phản ánh kỳ vọng của người mua vào cổ phiếu trong thời gian ngắn.

Về phía cung, hoạt động bán giải chấp là không theo quy luật cung cầu của thị trường, tạo ra lượng cung ảo về mã chứng khoán đó. Lý do bán không dựa vào phân tích tình hình tài chính hay thông tin về doanh nghiệp mà đơn thuần là bán để thu tiền về với khối lượng bán tăng đột biến, không phụ thuộc vào ý chí của người bán.

Tóm lại, hoạt động bán giải chấp qua khớp lệnh liên tục, định kỳ không phản ánh đúng cung cầu của thị trường và cần có cách xử lý trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của cả người vay và người cho vay. Cổ phiếu cho dù là hàng hóa nhưng vẫn có những đặc tính riêng và cần những cách xử lý riêng.

Các phương hướng xử lý

Thứ nhất, giao dịch ký quỹ đối với chứng khoán niêm yết nhất thiết phải thực hiện thông qua CTCK. Trường hợp sử dụng vốn vay của các tổ chức khác thì phải thực hiện giao dịch thông qua các CTCK mà tổ chức đó mở tài khoản. Khi đó, CTCK đứng ở vai trò trung gian thực hiện giao dịch, đảm bảo khả năng thanh toán và thông tin minh bạch của hai bên, thực hiện việc công bố thông tin về giao dịch ký quỹ với UBCK và Sở GDCK.

Thứ hai, về việc công bố thông tin, theo điều 19 trong Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, trước khi bán giải chấp thì CTCK có trách nhiệm thông báo cho khách hàng và có trách nhiệm gửi cho khách hàng bảng sao kê kết quả giao dịch bán giải chấp chứng khoán ký quỹ. Như vậy, việc bán giải chấp khi chưa đến hạn báo cáo định kỳ theo điều 21 (cũng trong quy chế trên) sẽ chỉ có CTCK và khách hàng biết. Do đó, để đảm bảo thông tin công khai và minh bạch, UBCK nên quy định CTCK phải công bố thông tin ra toàn thị trường trước 2 ngày giao dịch về lượng bán giải chấp, thời gian bán giải chấp dự kiến.

Thứ ba, khối lượng bán giải chấp hàng ngày không được vượt quá khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên giao dịch gần nhất để tránh lượng cung tăng đột biến.

Thứ tư, tỷ lệ ký quỹ cũng như danh mục chứng khoán được phép ký quỹ nên giao cho CTCK tự quyết định căn cứ vào chất lượng dịch vụ tài chính và khả năng quản lý rủi ro của chính CTCK. Việc ra những tiêu chí trên hoàn toàn không đủ thời gian để các CTCK khắc phục và những quy định hành chính “gây sốc” được đưa ra khi nhiều giao dịch ký quỹ, margin trên thị trường đã không còn kiểm soát nổi là hành động đúng nhưng không thực tế. UBCK chỉ nên quy định thời gian vay (vì bản chất là hoạt động đầu cơ), tỷ lệ phải xử lý giải chấp và điều kiện các CTCK được phép giao dịch ký quỹ căn cứ vào tình hình tài chính của CTCK hoặc nguồn vốn bên ngoài có chứng minh nguồn gốc mà CTCK vay để phục vụ cho giao dịch ký quỹ.

Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước nên cấm các Ngân hàng TMCP cho vay để đầu tư chứng khoán vì cả ngân hàng và TTCK đều thực hiện huy động vốn với đối tượng khác nhau. Ngoài ra nhiều khi do áp lực tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã dễ dãi rót tiền cho vay đầu tư chứng khoán mà bỏ qua những rủi ro của kênh đầu tư chứng khoán, đặc biệt là tại Việt Nam. Đây là những khoản vay có lãi suất vay cao, thời gian vay ngắn, tài sản đảm bảo dễ thanh khoản nhưng lại có nhiều rủi ro khi giá giảm không phanh, thanh khoản từ cao thành mất thanh khoản trong thời gian ngắn. Đó là còn chưa kể đến hồ sơ vay chính ngân hàng còn chưa kiểm soát được sự chính xác khi có sự kết hợp giữa khách hàng và CTCK lấy số dư chứng khoán làm tài sản đảm bảo vay ngân hàng. Trước mắt thì việc cấm này sẽ gây tiêu cực cho thị trường nhưng là giải pháp để TTCK ổn định lâu dài.

Thứ sáu, để đảm bảo NĐT không bị mất trắng trong trường hợp giao dịch ký quỹ chứng khoán mất thanh khoản và bị CTCK xử lý bằng cách giao dịch thỏa thuận như trên, UBCK nên quy định trong các hợp đồng giao dịch ký quỹ phải có điều khoản nếu giá giảm đến mức nào đó. Ví dụ, tỷ lệ Tài sản đảm bảo/ Số tiền phát vay nhỏ hơn tỷ lệ 3:7 thì CTCK được phép thỏa thuận mua lại số chứng khoán của NĐT để tránh NĐT bị mất thêm. Trong khoảng thời gian nào đó, NĐT căn cứ theo khả năng tài chính của mình sẽ thỏa thuận mua lại số chứng khoán trên tại chính mức giá đó. Như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro phần nào cho cả hai bên vay và cho vay.

Thực tế đã cho thấy các dịch vụ T+2, ký quỹ, bán khống, quyền chọn…đã được các CTCK triển khai khi chưa có quy định cụ thể của UBCK. Điều này cho thấy nhu cầu có thật của thị trường, các CTCK “nhìn nhau’ và chỉ chờ có ai đó đi tiên phong để nối tiếp triển khai.

Sự quản lý hành chính không theo kịp thay đổi của TTCK đã gây ra những hậu quả xấu đã được phản ánh nhiều từ cuối năm 2009 trở về đây. Hy vọng sự ra đời Quy chế giao dịch ký quỹ sẽ là khởi điểm để các cơ quan quản lý đưa ra các quy chế về giao dịch quyền chọn, bán khống sau này hợp lý hơn.

Saturday, February 11, 2012

Chứng khoán là tài sản quan trọng nhất và an toàn nhất.


Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cho rằng, trái phiếu là tài sản rủi ro còn vàng thì không sản sinh ra của cải, trong khi chứng khoán mới là tài sản quan trọng nhất và an toàn nhất.

Nhận định này được tỷ phú Buffett, CEO của tập đoàn Berkshire Hathaway, đưa ra trong một bài viết được đăng trên tạp chí Fortune. Bài việc này được xem là bao hàm những nội dung mà Buffett sẽ đề cập trong lá thư thường niên gửi cổ đông sắp tới.

Theo Buffett, cổ phiếu hay các tài sản sinh lời (productive assets) sẽ là những khoản đầu tư đem lại lợi ích vượt trội so với trái phiếu và vàng “trong bất kỳ khoảng thời gian dài hạn nào”. Ngoài ra, Buffett cho rằng, cổ phiếu và các tài sản sinh lời mới là những tài sản an toàn nhất. 

Nhà đầu tư huyền thoại lập luận, các loại trái phiếu đáng bị “dán nhãn báo động” ngay lập tức, vì mức lãi suất hiện nay là không đủ cao để bù đắp cho lạm phát và thuế. Cho dù trái phiếu và các kênh đầu tư dựa trên tiền giấy khác vẫn có tiếng là an toàn, nhưng “trên thực tế, đây là những tài sản nguy hiểm nhất” - ông viết. 

Theo Buffett, “trong thế kỷ qua, những kênh đầu tư này đã phá hủy sức mua của các nhà đầu tư ở nhiều quốc gia, cho dù họ được trả cả gốc lẫn lãi… Từ năm 1965 khi tôi bắt đầu quản lý Berkshire tới nay, giá trị đồng USD đã giảm 86%”.

Buffett cho hay, sở dĩ tập đoàn Berkshire của ông nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn chỉ là để đảm bảo rằng, công ty có thể nhanh chóng chuyển đổi thành tiền mặt trong trường hợp bất ngờ phải cần tới.

Đối với các tài sản không sinh lời (non-productive assets), nhất là vàng, Buffett nhận định, “người sở hữu không được khuyến khích bởi những gì những tài sản này có thể sản sinh, vì chúng sẽ “bất động” mãi mãi - mà bởi niềm tin rằng những người khác cũng sẽ muốn nắm giữ chúng nhiều hơn trong tương lai”. Mặc dù sự tăng giá của những tài sản này đủ sức để lôi kéo cả những người hoài nghi nhảy vào, “khối bong bóng sẽ phình to tới mức rốt cục sẽ nổ tung”.

Buffett chỉ rõ rằng, lượng vàng được nắm giữ trên toàn thế giới hiện nay vào khoảng 170.000 tấn, trị giá khoảng 9,6 nghìn tỷ USD ở mức giá 1.750 USD/oz. Với số tiền này, “chúng ta có thể mua tất cả đất sản xuất nông nghiệp của Mỹ (400 triệu mẫu Anh, với sản lượng nông nghiệp trị giá khoảng 200 tỷ USD mỗi năm), cộng thêm 16 tập đoàn dầu lửa Exxon Mobil (công ty có mức lợi nhuận cao nhất thế giới hiện nay, mỗi năm thu lời hơn 40 tỷ USD)”. Sau đó, số tiền còn dư vẫn là 1 nghìn tỷ USD.

Buffett lập luận tiếp: “1 thế kỷ sau, 400 triệu mẫu Anh đất nông nghiệp đã sản xuất ra một khối lượng khổng lồ ngô, lúa mỳ, bông và các nông sản khác, và tiếp tục đem lại những vụ mùa mới, cho dù tỷ giá đồng tiền có biến động ra sao. Exxon Mobil đến khi đó có lẽ đã đem lại hàng nghìn tỷ USD cổ tức cho cổ đông và nắm giữ khối tài sản trị giá tăng thêm hàng nghìn tỷ USD nữa. Cũng cần nhớ rằng, chúng ta có thể mua được 16 công ty như Exxon Mobils. Trong khi đó. 170.000 tấn vàng hiện nay chẳng hề thay đổi về khối lượng và cũng chẳng sản sinh ra bất kỳ thứ gì”.

Hãng tin CNBC nhận định, những lập luận trên của Buffett là không mới. Nhiều năm qua, nhà đầu tư nổi tiếng này luôn ưu ái cổ phiếu hơn so với chứng khoán và vàng.

Tuesday, February 7, 2012

Chỉ số VN30 & “ngũ bá” MSN-EIB-VNM-STB-VIC

HOSE sẽ áp dụng chính thức chỉ số VN30 ra thị trường vào ngày 6/2/2012.

Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM đã công bố danh sách 30 cổ phiếu chính thức tạo nên chỉ số VN30 và 10 cổ phiếu dự phòng.


Theo quy định, mỗi cổ phiếu chiếm không quá 10% tỷ trọng, và năm cổ phiếu MSN-EIB-VNM-STB-VIC đều chiếm “kịch trần 10%”. Tức 5 cổ phiếu này chiếm tới ½ vốn hóa của rổ chỉ số.

Nếu như trước đây, Vn-Index chịu ảnh hưởng lớn từ nhóm “tứ trụ” gồm VIC-VNM-MSN-BVH thì nay cũng có “ngũ bá” MSN-EIB-VNM-STB-VIC chi phối chỉ số này.



Năm mã "ngũ bá" do vốn hóa lớn nên đã phải hạn chế bằng tỷ lệ %c nhằm đưa vốn hóa không vượt quá 10%.




Thời điểm công bố thông tin chi tiết về chỉ số VN30 như sau:

Ngày 30-01-2012 : công bố danh mục 30 cổ phiếu chính thức rổ VN30, 10 cổ phiếu dự phòng, khối lượng lưu hành tính chỉ số và tỷ lệ free float (f%).

Ngày 03-02-2012: công bố giới hạn tỷ trọng vốn hóa của cổ phiếu thành phần (c%).



Tại sao phải xây dựng VN30 trong khi đã có VN Index?

VN Index là chỉ số duy nhất mà HOSE sử dụng từ lúc mới thành lập thị trường đến nay và cũng đang dần bộc lệ nhiều bất cập ảnh hưởng đến chuẩn xác của Vn Index mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ phương pháp tính toán chỉ số. 

Phương pháp tính VN Index chỉ đơn thuần dựa trên giá trị vốn hóa thị trường của các CP thành phần mà chưa tính đến lượng cổ phiếu thực sự tự do lưu hành trên thị trường, cũng như chưa hạn chế sự ảnh hưởng quá mức của cấu phần có tỷ trọng quá cao trong chỉ số. 

VN 30 được xem là giải pháp dung hòa giữa yêu cầu cấp thiết của thị trường về một chỉ số phản ánh tính chính xác hơn biến động giá cả chứng khoán và sự cần thiết phải chuẩn bị một tiền đề nền tảng cho chiến lược phát triển các sản phẩm mới của HOSE như sản phẩm phái sinh và các dạng quỹ đầu tư mới trong tương lai. 

VN30 có thể thay thế VN-Index không? 

Các chỉ số khác nhau sẽ đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nhà đầu tư. VN30 chỉ là một trong nhiều chỉ số khác như chỉ số ngành, chỉ số giá trị, chỉ số tăng trưởng thuộc bộ chỉ số HOSE – Index và sẽ tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tiếp theo. 

VN – Index vẫn được duy trì nhưng có thể được điều chỉnh lại để phản ánh chính xác hơn biến động của thị trường. 

Những nhược điểm của Vn-Index mà VN30 đã khắc phục được? 

VN30 có thể khắc phục được nhiều nhược điểm cơ bản của VN-Index như sau: 

(i) Giá trị vốn hóa của cấu phần chỉ số VN30 được tính dựa trên khối lượng cổ phiếu thực sự tự do lưu hành trên thị trường (free float). 

VN30 không những loại trừ các cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định mà còn loại trừ cả những đối tượng ít có khả năng giao dịch như cổ đông thuộc H ĐQT, BTGĐ, BKS, và tổ chức liên quan của công ty, cổ đông nhà nước nắm giử, cổ đông chiến lược,…

(ii) Hạn chế sự ảnh hưởng quá mức của những cấu phần có tỷ trọng quá cao trong chỉ số VN30 bằng cách tính đến giới hạn tỷ trọng vốn hóa không vượt quá 10%. 

(iii) Ngoài ra, do tiêu chuẩn chọn vào rổ VN30 là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất nên giá cả của các cổ phiếu trong rổ VN30 sẽ phản ánh tốt nhất mối quan hệ giữa cung và cầu cổ phiếu, từ đó hạn chế được sự làm giá vốn thường xảy ra đối với những cổ phiếu có thanh khoản kém. 

VN30 tác động đến giao dịch như thế nào?

Sự ra đời của VN30 sẽ đáp ứng nhu cầu tìm  hiểu thông tin chi tiết của thị trường đồng thời với một chỉ số có khả năng mô phỏng và đầu tư được, các nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều cơ hội đầu tư và từ đó tự tin hơn khi xây dựng danh mục đầu tư cho riêng mình. 

Đây cũng là cơ sở để phát triển các quỹ đầu tư chỉ số, quỹ ETF, kéo theo sự gia tăng thanh khoản trên thị trường. Ngoài ra, VN30 cũng kỳ vọng là tài sản cơ sở cho các sản phẩm phái sinh của HOSE sẽ triểnkhai trong tương lai. 

Một khi chỉ số VN30 được phổ biến rộng rải và được nhiều nhà đầu tư và các quỹ quan tâm, sử dụng cho các chiến lược đầu tư của mình thì tác động của VN30 đến giao dịch trên thị trường là điều được HOSE trông đợi. 

Đặc điểm của VN30?

VN30 được tính theo phương pháp giá trị vốn hóa thị trường, bao gồm 30 cổ phiếu thành phần, đại diện cho hoạt động của 30 công ty được niêm yết trên HOSE, chiếm khoảng 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. 

Tất cả các công ty niêm yết trên HOSE, thỏa mãn các điều kiện về giá trị vốn hóa thị trường, tỷ lệ free float, thanh khoản đều đủ tư cách tham gia vào tính toán chỉ số. Mỗi cổ phiếu thành phần được giới hạn hạn tỷ trọng ở mức 10% nhằm loại trừ sự ảnh hưởng quá mức của một cổ phiếu thành phần đối với chỉ số. 

Vì sao tỷ lệ free float được làm tròn lên theo bội số của 5%?

Theo quy tắc chỉ số VN30, tỷ lệ free float hiện chỉ cập nhật 6 tháng/lần, tại mỗi lần xem xét định kỳ rổ chỉ số nhằm hạn chế những thay đổi nhỏ không cần thiết ảnh hưởng đến tính ổn định của chỉ số và tính hiệu quả khi vận hành chỉ số. 

Do vậy, tỷ lệ free float được làm tròn theo bội số 5% để dự phòng cho những biến động trong kỳ của cổ phiếu.

Cổ phiếu dự phòng dùng để làm gì và có ảnh hưởng gì đến VN30 không? Trong trường hợp dùng đến cổ phiếu dự phòng thì HOSE sẽ công bố trước thời gian là bao lâu?
10 cổ phiếu đứng sau 30 cổ phiếu được chọn vào rổ VN30 sẽ được đưa vào danh mục cổ phiếu dự phòng, được sử dụng trong trường hợp có một hay nhiều cấu phần của VN30 bị loại bỏ khỏi rổ chỉ số vào giữa kỳ xem xét do bị kiểm soát, bị hủy niêm yết, bị phá sản, bị M&A, bị tạm ngưng giao dịch. 

Trường hợp sử dụng đến cổ phiếu dự phòng để thay thế cổ phiếu trong rổ VN30, HOSE sẽ công bố ra thị trường ít nhất 2 ngày làm việc  trước ngày hiệu lực.






Đàn cừu và "cỗ máy nghiền thịt cừu"

Tại sao thị trường tăng? Câu trả lời rất đơn giản, thị trường tăng vì “có người” muốn nó tăng, và tăng là để bán được nhiều cổ phiếu ở mức giá cao hơn.
pictureThực chất thị trường chứng khoán không tự nhiên tăng hoặc giảm, mà luôn có tác động của những luồng tiền lớn và chuyên nghiệp. Việc thị trường tăng tuần qua đương nhiên có tác động của những nhóm đầu cơ này.

Khi một xu hướng lên bắt đầu, giống như đàn cừu, hầu hết các nhà đầu tư sẽ có khuynh hướng mua vào theo. Hành động này thông thường liên quan đến “bản năng bầy đàn” (hay tâm lý đám đông).

Thông thường, chúng ta thường hành động theo việc mà cho chúng ta cho là đúng đắn, đồng thời rất độc lập và tỉnh táo khi đưa ra quyết định. Tuy vậy, khi đứng trước nguy hiểm hoặc cơ hội, hầu hết mọi người đều có phản ứng như nhau và có thể đoán trước được. Đây chính là kiến thức về tâm lý đám đông và chính điều này có thể giúp các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp lựa chọn cách thức đầu tư để có lợi nhuận lớn nhất. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp “chính xác đến từng chi tiết” là những “thú săn mồi” và những nhà giao dịch lớn mà ít người biết đến tượng trưng cho biểu tượng "cỗ máy nghiền thịt cừu".

Sau khi thị trường đã tăng một cách đáng kể, ‘tâm lý bầy đàn’ sẽ thấy rất bực bội vì bỏ lỡ cơ hội tăng giá và sẽ vội vã mua vào, thông thường là khi có tin tốt. Việc mua này có bao gồm cả những người đã mua rồi và muốn mua thêm. 

Tại điểm này, bạn phải tự hỏi mình, "Có phải các tổ chức chuyên nghiệp đang bán cho những người mua không?”, nếu câu trẻ lời là “Có” thì đây là tín hiệu quan trọng cho sự giảm giá trở lại.

Những nhà đầu cơ chuyên nghiệp tách biệt họ ra khỏi “Bầy đàn” và có khuynh hướng trở thành “thú săn mồi” hơn là trở thành nạn nhân, họ hiểu và nhận ra các nguyên tắc chi phối thị trường và từ chối bị đi sai đường bởi tin tức, mánh khóe, lời khuyên…. Khi “Bầy đàn” đang mua vào và tin tức tốt được đưa ra, họ sẽ tìm kiếm cơ hội bán.

Quay trở lại thị trường hiện nay, trong đợt tăng giá trước và sau tết âm lịch vừa qua, cả 2 chỉ số VnIndex và HNX Index đã tăng khoảng 20% so với đáy và đây là một mức tăng khá tốt trong bối cảnh luồng tiền rất hạn chế, vĩ mô, vi mô đều không mấy sáng sủa. Do vậy khi tham gia vào lúc thị trường đã tăng khá nhiều rồi thì mức độ an toàn không còn cao như trước đây, mặt khác cả 2 sàn đều tăng rất nhanh và mạnh dẫn đến tiềm ẩn rủi ro khi điều chỉnh giảm giá sẽ rất cao.

Bên cạnh đó khi thấy thị trường tăng trong bối cảnh vĩ mô, vi mô yếu, ta cần đặt ngay ra câu hỏi: Tại sao thị trường tăng?, tăng để làm gì? Và câu trả lời rất đơn giản, thị trường tăng vì “có người” muốn nó tăng, và tăng là để bán được nhiều cổ phiếu ở mức giá cao hơn. Và tại sao họ muốn bán?, đơn giản vì họ thấy 3 tháng đến 6 tháng nữa thị trường có thể giảm sâu hơn mức đáy gần nhất trước đợt đầu cơ giá tăng ngắn hạn này.

Để nhìn nhận đâu là đỉnh hay đáy trong trung hạn của thị trường, ta có thể nhìn nhận thông qua tính chất cơ bản: thị trường thường tạo đỉnh khi trong trạng thái giao định rất sôi động và tạo đáy trong trạng thái rất ảm đạm. Trạng thái sôi động hay ảm đạm ở đây bao gồm cả mức độ biến động giá cũng như khối lượng giao dịch.

Tại sàn Hà nội, sau một giai đoạn tăng giá với tốc độ vừa phải trước tết, ngay tuần sau tết, tốc độ tăng giá đã trở nên mạnh mẽ và đột biến. Bên cạnh đó cả hai sàn cũng đã có ngày giao dịch thứ 6 (3/2) với một khối lượng rất lớn, đạt mức kỷ lục trong vòng hơn hai tháng qua. Như vậy ta thấy thị trường hội tụ cả yếu tố về biên độ biến động giá mạnh và giao dịch rất nhiều và sôi động.

Những phân tích sơ bộ trên chỉ ra khả năng vùng đỉnh giá trong ngắn hạn có thể đã xuất hiện hoặc đã rất gần, do vậy việc tiếp tục mua vào nhiều khả năng sẽ có rủi ro lớn.