Sunday, August 14, 2011

Nợ công Việt Nam - Không để nước đến chân!



Diễn biến nợ công trong 5 năm gần nhất (tính theo % GDP) - Nguồn Bộ tài chính

Khi chứng kiến nước Mỹ sống trong những ngày bên bờ vực vỡ nợ và sự mặc cả nâng trần nợ công cũng như sự kiện S&P đánh tụt hạng trái phiếu chính phủ Mỹ từ AAA xuống AA+, thêm một lần nữa, hồi chuông cảnh báo nợ công lại được gióng lên với Việt Nam.

Điều này càng thêm nóng hổi khi cách đây mấy ngày, tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings vừa công bố duy trì mức tín nhiệm nợ công Việt Nam là B+, nhưng cho rằng, họ chưa thấy sự chuyển biến rõ rệt trong việc cắt giảm chi tiêu công, điểm căn bản để xác định điểm nợ công của Việt Nam. Hãng này cũng cho rằng, nợ công Việt Nam vượt ngưỡng 50% GDP là cao hơn mức trung bình 37% đối với hạng B.

Theo nhiều chuyên gia, sự nhìn nhận nghiêm khắc của giới phân tích tài chính trong vấn đề nợ công Việt Nam là xuất phát từ thực tế. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2007, nợ công là 33,8% GDP nhưng từ 2008, tỷ lệ này nâng lên 36,2%; 2009: 41,9%; 2010: 56,7%. Năm 2011, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) dự kiến nợ công sẽ đạt 1.375 nghìn tỷ đồng, tương đương 58,7% GDP.

Như  vậy, từ năm 2007 đến hết 2011, nợ công đã tăng khoảng 25%, đạt mức trung bình 5%/năm. Với đà tăng này, chỉ cần 8 năm nữa, nợ công Việt Nam sẽ lên tới 100% GDP.

Nhưng đó là theo cách tính của Việt Nam, còn nếu áp chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì nợ công hiện lên tới 72% GDP. Luật Quản lý nợ công năm 2009 quy định, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Nếu theo cách tính này, số nợ công sẽ bị thu hẹp lại khá lớn so với chuẩn WB và IMF.

Từ cuộc khủng hoảng nợ công đang tấn công vào các nước, giới phân tích rút ra mấy điểm đáng lưu ý sau.

Thứ nhất, Mỹ, châu Âu dù sao còn có nền tảng kinh tế vững chắc và năng suất lao động cao, trên cơ sở tiềm lực khoa học công nghệ và nền kinh tế phát triển. Kể cả như vậy nhưng một khi nợ công phát tác tiêu cực thì hậu họa cũng rất khó lường. Trong khi đó, nợ công Việt Nam đang dựa trên khả năng chịu đựng rủi ro tài chính hạn chế của người dân và cùng đó là năng suất lao động thấp, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên và thâm dụng lao động, vốn. Bởi vậy, điều này không thể đảm bảo một tương lai sáng sủa khi nợ công Việt Nam đang chạm ngưỡng an toàn và ngày càng tăng mạnh.

Thứ hai, hiện nay, trong cơ cấu nợ công Việt Nam thì có tới 30% vay nợ nước ngoài và 70% nợ nội địa. Điều đáng lo ngại là nợ nội địa của Chính phủ chủ yếu là trái phiếu mà hệ thống ngân hàng thương mại mua. Bởi trong nhiều trường hợp, khủng hoảng ở khu vực này là tiền đề của khủng hoảng khu vực kia. 

Ví dụ, năm 1997, đầu tiên, Thái Lan lâm vào khủng hoảng tỷ giá dẫn đến khủng hoàng ngân hàng. Hoặc, khủng hoảng ở Nhật Bản trước đây và Ireland đang diễn ra đều xuất phát từ đổ bể bong bóng bất động sản được truyền dẫn tới khủng hoảng hệ thống ngân hàng. Và khi Chính phủ Ireland oằn mình vay nợ cứu hệ thống ngân hàng trong khi nợ công đang ở mức cao, càng làm cho nền kinh tế lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng.

Thứ ba, trong cơ cấu nợ công, có tới 6 - 7 tỷ USD là nợ ngắn hạn, và nếu đem con số này đặt cạnh dự trữ quốc gia thì đó là một lo ngại không nhỏ.

Thứ tư, hiện nay, nguồn trái phiếu Chính phủ không được hạch toán vào ngân sách mà ở dạng Chính phủ huy động nguồn vốn người dân rồi cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng và một phần nhỏ để đầu tư. Phải thấy rằng, Chính phủ vay lãi trái phiếu 12%, đầu tư gia tăng giá trị vài chục phần trăm/năm thì rất tốt, nhưng nếu chỉ đạt vài ba phần trăm/năm thì là điều rất đáng lưu tâm.

Thứ năm, trong nhiều năm trở lại đây, lạm phát đang trở thành mối đe dọa của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia dự báo, lạm phát năm 2011 sẽ không dưới 27% vì 7 tháng qua, lạm phát đã ngấp nghé 20%. Lạm phát làm cho nội tệ yếu đi nhiều so với ngoại tệ. Trong khi trong cơ cấu nợ công, có tới 30% bằng đồng Yên, là ngoại tệ liên tục tăng giá so với USD chứ chưa nói đến VND.
 
Thời gian qua, rất nhiều người lên tiếng trước áp lực rủi ro tỷ giá đối với mặt này, mặt kia nhưng từ góc độ vay nợ, gần như chưa bao giờ nợ công được bảo hiểm rủi ro tỷ giá, dù chỉ là một USD!

Rất nhiều nước trong khu vực chỉ để mức thâm hụt ngân sách kéo dài dăm năm sau đó tìm cách cân bằng và thặng dư. Trong khi ở Việt Nam, thâm hụt ngân sách và thương mại là căn bệnh kinh niên. Rất có thể vì nhiều lý do, Việt Nam phải chấp nhận tình trạng này trong một chu kỳ phát triển nào đó, nhưng Chính phủ cần đặt mục tiêu để giảm gánh nặng nợ công theo lộ trình nhất định thay vì để nợ công tăng năm này qua năm khác.

Ngay từ bây giờ, nếu không xử lý vấn đề nợ công một cách hiệu quả, thì mọi chuyện sẽ trở nên quá muộn.

Hoành hành ở Hy Lạp và Ireland gần một năm nay, nợ công tràn sang Tây Ban Nha, Italia và đang rình rập Nhật Bản. 

Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới - cũng không thoát khỏi họa nợ công và phải hứng chịu hệ lụy từ việc hạ định mức tín nhiệm của Standard&Poor's (S&P) đối với trái phiếu chính phủ nước này.

Và phải chăng, nợ công ở Mỹ hay châu Âu chính là những “tấm gương xấu” để chúng ta phải tích cực xử lý sớm nợ nần?

Vì sao nguy hiểm?
Các học giả kinh tế trên thế giới quan niệm, khủng hoảng tài chính thường xuất phát từ ba khu vực: khủng hoảng tiền tệ (tỷ giá hối đoái) như từng xảy ra ở Thái Lan năm 1997, khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng nợ công.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nhiều năm trở lại đây, nợ công đã trở thành vấn đề nóng bỏng của nền tài chính ở các quốc gia phát triển và mới nổi.

Nợ công tích tụ ngày càng lớn và tập trung chủ yếu ở Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, Nhật Bản ở ngưỡng trên 100% GDP, thậm chí ở Nhật còn trên 200% GDP!

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 được châm ngòi từ tín dụng bất động sản dưới chuẩn ở Mỹ, hoành hành thế giới suốt 3 năm qua tưởng đã tạm yên thì bước sang năm 2011, lại được châm thêm mồi lửa từ khủng hoảng nợ công. Từ đó, bộc lộ những ảnh hưởng mang tầm vóc sâu rộng và nguy hiểm đối với nền tài chính toàn cầu, đến nỗi, nhiều ý kiến cho rằng, thế giới sắp phải đón một “siêu bão” tài chính mới.

Những cuộc cứu trợ khổng lồ mà châu Âu đang áp dụng cho Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và sắp tới là Tây Ban Nha, Italia cho thấy, khủng hoảng nợ công gây tốn kém chi phí không kém số tiền mà Mỹ phải bỏ ra để xử lý hệ thống tài chính nước này sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Hầu hết các nhà phân tích đều cảnh báo: không nên xem thường khủng hoảng nợ công. Bởi nếu không được phòng ngừa và cứu trợ kịp thời, sẽ nổ  ra hiệu ứng sụp đổ dây chuyền và lan truyền nguy hiểm tới chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng thương mại do phần lớn trái phiếu chính phủ phát hành đều được ngân hàng nắm giữ.

Trên thực tế, không chỉ có ngân hàng của Ireland mua trái phiếu Chính phủ nước này mà nhiều ngân hàng của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đều mua. Hoặc với trái phiếu Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia cũng vậy. Hơn nữa, do tính chất hoạt động của ngân hàng thương mại là toàn cầu hóa nên khi ngân hàng bị tổn thương, uy tín bị giảm sút, sẽ tác động xấu đến dòng tiền gửi của người dân.

Chuyện của người Mỹ
Đã từ lâu, thế giới quá quen với tình trạng nợ nần của Mỹ. Còn người Mỹ luôn yên tâm rằng, nền tảng kinh tế, thành lũy tài chính hùng mạnh của nước này hoàn toàn miễn dịch với thứ mầm bệnh kia. Họ tự hào về nền tảng kinh tế, khoa học công nghệ và năng suất lao động có thể làm chủ được thị trường tài chính thế giới; coi đó là thứ giá trị bảo hiểm cho đồng tiền của mình, là vật thế chấp đáng tin cậy nhất cho nợ công.

Ông Lê Xuân Nghĩa kể, năm 2006, khi sang thăm Bộ Ngân khố Mỹ (Bộ Tài chính) và thảo luận với họ về vấn đề nợ công, ông tỏ ý lo ngại, nợ công của Mỹ sẽ là vấn đề lớn trong tương lai. Một quan chức phía Mỹ đáp: “Yên tâm, nợ công Mỹ còn chưa đến 100% GDP, Nhật Bản còn nhiều nợ công hơn chúng tôi. Ai cầm trái phiếu Mỹ là cầm vàng”. Quan chức này cũng nhắc lại câu nói nổi tiếng của Alexander Hamilton, Bộ trưởng Bộ Ngân khố đầu tiên của Mỹ, tại vị 1789 - 1795: “Nợ nước Mỹ là vàng”.

Nhưng giờ đây, vấn đề đã khác. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bộc lộ mặt trái không mong muốn của nợ công nước Mỹ và nhiều nước khác. Khi thế giới chưa hết sững sờ về cuộc mặc cả giữa chính phủ và Quốc hội Mỹ nâng trần nợ công lên mức 16,4 nghìn tỷ USD và đổi lại phải cắt giảm chi tiêu 2,1 nghìn tỷ USD trước bờ vực vỡ nợ thì sự đánh tụt trái phiếu dài hạn của hãng xếp hạng tín nhiệm S&P như thể là “lưỡi dao” bổ xuống sự kiêu hãnh quá mức của nước này. Đó còn là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ đối với trung tâm kinh tế, tài chính ở một quốc gia có nền tảng kinh tế vững mạnh bậc nhất toàn cầu.

Và dù không mong muốn, nhưng hành động của S&P đã dẫn đến tâm lý hoang mang hoảng loạn, phải bán đổ, bán tháo trái phiếu chính phủ, vốn được coi là thứ hàng hóa tin cậy hàng đầu.

Đối với những quốc gia sở hữu nhiều trái phiếu Chính phủ Mỹ như Trung Quốc và Nhật Bản mặc dù vẫn lớn tiếng trấn an rằng: “Đó vẫn là công cụ dự trữ quan trọng bậc nhất” nhưng trên thực tế, tỷ trọng trái phiếu Chính phủ Mỹ trong dự trữ quốc gia đã suy giảm rõ rệt để bổ sung thêm vàng, góp phần tạo nên cơn sốt vàng dữ dội nhất trong lịch sử suốt hai tuần qua. Chẳng hạn, Nhật Bản giảm từ 90% xuống 75% - 80%, Brazil giảm từ 90% xuống 81%; Trung Quốc giảm từ 90%  xuống 80%.

Còn  ở thị trường chứng khoán thực sự là thảm họa. Chỉ số Down Jones từ 12.500 điểm tụt xuống dưới 12 nghìn điểm trong vòng mấy ngày; các chỉ số tài chính của châu Á và Âu đều sụt giảm rất mạnh.

Nhiều người nói rằng, cuộc thỏa hiệp giữa Chính phủ Mỹ và Quốc hội đã kết thúc, nhưng đó chưa phải dấu chấm hết cho những bất ổn nội tại ở quốc gia này, mà cội nguồn sâu xa vẫn là nợ công và những chỉ số vĩ mô đang ngày càng xấu thêm. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, thị trường chứng khoán tiếp tục đình trệ, chỉ số tiêu dùng đã có một giai đoạn khởi sắc nhưng lại bắt đầu tồi tệ. Thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ hiện nay là làm thế nào để vừa hạn chế thâm hụt ngân sách, vừa kích thích phục hồi kinh tế.

Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng ACB, nói: “Việc Mỹ nâng trần nợ công cũng giống như tình trạng một con bệnh nặng được tiếp thêm viên thuốc bổ  để cố gượng dậy. Điều quan trọng là sau khi nâng trần nợ, Mỹ phải chứng tỏ cho thế giới thấy khả năng phục hồi kinh tế để trả nợ vay trên 16,4 nghìn tỷ USD. Và đó vẫn là dấu hỏi rất lớn, bởi lẽ đến lúc không trả được, không lẽ lại nâng nợ nữa?”.

Trong lịch sử của mình, đã hai lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát hành thêm tiền mua trái phiếu phục vụ chi tiêu ngân sách của chính phủ. Nhiều thông tin cho thấy, có thể FED sẽ làm như vậy thêm một lần nữa nếu như S&P và thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là các chủ nợ không gia tăng sức ép để FED từ bỏ ý định này.

Nếu FED tiếp tục, USD sẽ mất giá nghiêm trọng, lạm phát tăng thêm, thị trường tài chính sẽ suy sụp thực sự. Dĩ nhiên, cũng có nhà phân tích cho rằng, nếu FED phát hành thêm tiền, sẽ tránh nợ công của Mỹ tăng thêm hay nói cách khác, cả thế giới phải xúm lại lo chuyện nợ nần cho Mỹ thông qua đóng thuế vô hình khi đồng USD mất giá. Hiện tại, vấn đề này còn tùy thuộc vào quan điểm giải quyết vấn đề tài chính sống còn của nước Mỹ của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ như thế nào.

Có  thể nói, cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu  đang diễn ra ở châu Âu, Mỹ và có  thể sẽ lan tới Nhật Bản. Và rất có  thể, chúng là tiền đề cho một cơn bão tài chính mới diễn ra vào năm 2012. 

Thursday, August 11, 2011

Tìm hiểu về xếp hạng tín nhiệm

Xếp hạng tín nhiệm là việc các tổ chức xếp hạng đưa ra “đánh giá” của mình về khả năng thanh toán nợ của các nhà phát hành các công cụ nợ (như trái phiếu, thương phiếu,...). 
Tại Việt Nam, vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng khái niệm này. Một trong những ví dụ đó là một số người còn cho rằng “cần thiết phải có xếp hạng tín nhiệm để có thể đầu tư vào cổ phiếu”.
  • Hiểu lầm về “xếp hạng tín nhiệm” 
Trên thực tế, hầu như việc xếp hạng tín nhiệm không giúp ích gì cho nhà đầu tư khi họ phân tích cổ phiếu, vì chỉ số tín nhiệm cho thấy khả năng thanh toán nợ chứ không phải là khả năng tăng trưởng hay lợi nhuận, những điều và các nhà đầu tư cổ phiếu quan tâm. Bên cạnh đó, xếp hạng tín nhiệm không chỉ cho thấy sự đáng tin cậy của công ty phát hành trái phiếu (hoặc các công cụ nợ khác) mà còn cho thấy những hình thức bảo đảm khác như là sự bảo lãnh bởi bên thứ 3, các khoản ký quỹ đi kèm với trái phiếu. Do đó, rất có thể trái phiếu của một công ty được một bên thứ 3 bảo lãnh được xếp hạng AAA nhưng nếu chỉ một mình công ty đó thì chỉ xếp hạng BBB. 
  • Chất lượng xếp hạng và các tổ chức xếp hạng 
Còn có nhiều sự khó hiểu ở Việt Nam cũng như các nước khác. Có ít nhất là 3 tổ chức ở Việt Nam được cho là cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, đó là:
  1.  Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng nhà nước VN CIC, 
  2. Trung tâm khoa học thẩm định tín nhiệm doanh nghiệp CRC và 
  3. Công ty thông tin và xếp hạng tín nhiệm C&R. 
Tuy nhiên theo như những báo cáo của họ thì dịch vụ mà CIC và C&R cung cấp giống như là của cơ quan thông tin tín dụng hơn là công ty xếp hạng tín dụng. Hai cơ quan này cung cấp thông tin về hồ sơ công ty (tên, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, lịch sử hoạt động v.v, và xếp hạng của riêng họ. Tuy nhiên họ lại không đưa ra các tiêu chuẩn để xếp hạng. 


CRC có dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhưng vẫn chưa chính thức đưa vào hoạt động do vậy tác giả cũng chưa tìm thấy bản báo cáo xếp hạng nào. Hơn nữa, các công ty xếp hạng tín dụng có uy tín trên thế giới luôn công bố khả năng thanh toán nợ cho mỗi mức xếp hạng, cho nhà đầu tư thấy được mức độ tin cậy của đánh giá xếp hạng của họ. Những thông tin như vậy thường được gọi là nghiên cứu khả năng thanh toán nợ. Để cung cấp những thông tin như vậy cần phải thu thập dữ liệu trong vài năm, trên thực tế, các công ty xếp hạng tín dụng phải xây dựng dữ liệu bằng cách cung cấp miễn phí dịch vụ xếp hạng trong một vài năm đầu. Thêm vào đó, cơ quan chủ quản của các công ty xếp hạng tín dụng cũng là một vấn đề. Vì các công ty xếp hạng cung cấp đánh giá xếp hạng cho chính phủ và các công ty phát hành trái phiếu do đó các công ty này không nên có cổ phần trong công ty xếp hạng. Tại Nhật Bản, khi công ty xếp hạng đầu tiên được thành lập, rất nhiều tổ chức tín dụng cùng muốn mua cổ phần tại công ty này nhưng không ai trong số họ được là cổ đông chính. 


Trong trường hợp của Việt Nam, nhiều người thấy khó có thể tin cậy những xếp hạng của CIC nếu CIC đưa ra các xếp hạng tín nhiệm cho các ngân hàng quốc doanh vì bản thân nó cũng là một bộ phận của NHNN có cổ phần ở các ngân hàng quốc doanh. Việt Nam cần một khung pháp lý cơ bản Dựa trên những vấn đề trên, chính phủ Việt Nam nên đưa ra một khung pháp lý tối thiểu cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm trong nước. Như đã nói, đã có một vài tổ chức hoạt động xếp hạng tín nhiệm. Mặt khác, một số doanh nghiệp lớn khi phát hành trái phiếu đã thuê dịch vụ của các công ty xếp hạng hàng đầu thế giới. Về lý thuyết, không có luật nào quy định về các công ty xếp hạng tín nhiệm, các công ty phát hành trái phiếu (được quy định trong nghị định 52/2006) có thể thuê dịch vụ của một hay nhiều tổ chức xếp hạng trong nước, cho dù nó không tương thích lắm với các xếp hạng do các công ty nước ngoài đưa ra. Đánh giá xếp hạng do các công ty nước ngoài cung cấp có thể không giúp ích gì nhiều cho một số công ty vì chủ yếu các công ty của Việt Nam đều xếp hạng thấp từ BB đến BB. Do đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của VN cần những công ty xếp hạng trong nước có khả năng đưa ra các phân tích và số liệu sát thực với thị trường trong nước và được công nhận trên thế giới.


Xếp hạng tín nhiệm đã trở nên ngày càng quan trọng trong lĩnh vực tài chính và mức độ tin cậy của các công cụ nợ vẫn phản ánh các tập quán của thị trường đó, tác giả thấy rằng rất cần thiết phải xây dựng những công ty xếp hạng tín nhiệm tốt ở Việt Nam. Nói cách khác, nếu như không có một công ty xếp hạng tính dụng trong nước nào thì các doanh nghiệp Việt Nam phải dựa vào các công ty xếp hạng nước ngoài ngay cả khi phát hành trái phiếu trên thị trường trong nước.

Wednesday, August 10, 2011

Chiến thuật thâu tóm (M&A) và phòng chống thâu tóm doanh nghiệp



Thâu tóm là một hình thức của mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), là hoạt động mà một công ty tìm cách nắm giữ cổ phần chi phối của một công ty khác thông qua mua toàn bộ cổ phần hoặc mua số lượng cổ phần đủ để nắm quyền chi phối với công ty mục tiêu.
Hoạt động thâu tóm có thể diễn ra với các công ty trong cùng ngành hoặc các công ty khác ngành tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng công ty. Chẳng hạn khi sản phẩm của một công ty thoái trào, thị trường ngày càng bị thu hẹp, công ty không thể tìm ra phương thức cải tiến sản phẩm hoặc chi phí cơ hội cho nghiên cứu phát triển sản phẩm mới tốn kém hơn, công ty đó lên kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp khác.
Dựa trên nền tảng công nghệ, thương hiệu, thị trường tiêu thụ và nhân sự lành nghề của công ty bị thâu tóm, công ty thâu tóm tiếp tục đầu tư theo cả chiểu rộng và chiều sâu để làm tăng lợi ích cho cổ đông công ty.
Có những vụ thâu tóm diễn ra nhanh chóng và đem lại lợi ích cho cả hai bên, bên bị thâu tóm vẫn bắt tay và cùng xây dựng công ty ngày càng phát triển hơn (thâu tóm thân thiện), có những vụ thâu tóm gây ra nhiều tranh cãi, bộ máy lãnh đạo, cán bộ công nhân viên và cổ đông công ty mục tiêu tìm mọi cách để chống lại cuộc thâu tóm bởi họ cho rằng cuộc thâu tóm này sẽ không mang lại lợi ích cho công ty (thâu tóm thù nghịch).
Nếu ban điều hành công ty ở tình thế bị động trước hành động thâu tóm, kế hoạch chống thâu tóm sẽ không hoàn chỉnh và có thể gây phản ứng tiêu cực từ chính nội bộ công ty, tâm lý của ban lãnh đạo và người lao động bị xáo trộn, hiện tượng chảy máu chất xám có thể diễn ra. Về phía bên thâu tóm cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng danh tiếng khi mà mâu thuẫn giữa hai bên tăng cao, vì thế nếu như bắt tay được với nhau sẽ là biện pháp tốt nhất cho cả hai bên.





Làm thế nào để doanh nghiệp nhận dạng được dấu hiệu công ty mình đang bị thâu tóm và cách phòng vệ trước nguy cơ bị thâu tóm là gì, đặc biệt khi doanh nghiệp niêm yết trên TTCK?

Thâu tóm qua chào mua công khai
Dấu hiệu nổi bật nhất của việc thâu tóm là bên mua tìm cách thu gom cổ phiếu của công ty mục tiêu, khi đạt đến 5% tỷ lệ sở hữu thì bên mua gửi thông báo là cổ đông lớn đến UBCK, SGDCK và công ty mục tiêu. Sau khi báo cáo, bên mua sẽ tiếp tục mua vào cổ phiếu, trước mỗi mức tỷ lệ sở hữu 25%, 51%, 65% và 75% bên mua sẽ phải tiến hành làm thủ tục chào mua công khai theo quy định tại Thông tư số 194/2009/TT-BTC. Qua các lần nhận được bản chào mua công khai, HĐQT công ty mục tiêu sẽ họp và thông báo với UBCKNN và để cổ đông biết ý kiến của công ty với đề nghị chào mua công khai. Nếu như HĐQT công ty đã đạt được thỏa thuận với bên chào mua và thấy rằng việc cố gắng nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần này là với mục đích hợp tác và phát triển nhằm làm tăng lợi ích cổ đông và quyền lợi ích của ban điều hành vẫn được giữ vững thì đợt chào mua này mang hình thức thâu tóm thân thiện.
Ngược lại, đợt chào mua này sẽ được coi là thâu tóm thù nghịch khi HĐQT công ty không thể thỏa thuận được với bên chào mua công khai về tỷ lệ sở hữu, bên chào mua công khai vẫn cố gắng thu gom cổ phiếu của công ty nhiều nhất có thể. Trường hợp CTCP Vật tư - Xăng dầu (COM) thu hút không ít sự chú ý của giới đầu tư khi được cả Saigon Petro và PV Oil cùng chào mua. Saigon Petro chào mua công khai 330.260 cổ phiếu COM để nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,59% lên 26,99%. Trước đó, PV Oil chào mua COM với số lượng lớn hơn, 1,5 triệu cổ phiếu, để tăng tỷ lệ nắm giữ lên 35,08% vốn điều lệ. Cho đến nay, PV Oil đã mua thành công 400.000 cổ phiếu COMvà đạt tỷ lệ sở hữu hiện tại là 27,3%. Phải chăng cả PV Oil và Saigon Petro đều chạy đua chào mua công khai để thâu tóm COM khi hai đơn vị này đều là doanh nghiệp lớn hoạt động trong ngành xăng dầu?
Thâu tóm bằng cách lôi kéo cổ đông bất mãn
Một dấu hiệu khác của việc thâu tóm là bên mua có thể dựa vào sơ hở của ban điều hành hiện tại để tuyên truyền và tạo mâu thuẫn với ban điều hành hiện tại, lôi kéo cổ đông không tham gia bỏ phiếu thông qua các tờ trình nêu ra tại ĐHĐCĐ về phương hướng phát triển sản xuất kinh doanh hoặc thay đổi ban điều hành. Nếu mâu thuẫn ngày càng tăng cao, cổ đông sẽ không còn kỳ vọng vào sự phát triển của công ty. Lúc này, bên thâu tóm có thể thỏa thuận mua lại cổ phần của các cổ đông bất mãn này để tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty mục tiêu. Như trường hợp của CTCP Thương mại & Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (VMG), sau 3 lần họp ĐHĐCĐ cổ đông công ty vẫn chưa thông qua các vấn đề quan trọng được nêu ra. Một số cổ đông VMG nhận được tờ rơi với tiêu đề “Cổ đông hãy cứu lấy Vimexco Gas” và kêu gọi thay đổi trong kỳ ĐHĐCĐ sắp tới. Đây là một dấu hiệu của thâu tóm qua hình thức lôi kéo cổ đông bất mãn.
Tìm kiếm bên mua khác
Đứng trước nguy cơ bị thâu tóm, ban điều hành có thể không đồng ý bán cổ phiếu ra để ngăn ý định thâu tóm của bên chào mua. Tuy nhiên, bên chào mua thường chào mua với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện tại. Cổ đông nhỏ lẻ thấy lợi ích trước mắt, tính toán chi phí cơ hội và đồng ý bán ra cổ phiếu mình đang sở hữu cho bên chào mua. Đây là trường hợp đang diễn ra với cổ phiếu Sacombank với thông tin tỷ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông lên tới 17-18% ở mức giá bình quân 15.000đ/cổ phần. CTCP Cơ điện lạnh (REE) nhận được lời chào mời chuyển nhượng lại 4% cổ phần STB nhưng giá đề xuất thấp so với kỳ vọng của REE. Để ngăn hành động này, doanh nghiệp nên có cuộc gặp với các cổ đông lớn và ban điều hành để tính toán lại tỷ lệ sở hữu và tìm cách mua thêm cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu cá nhân của các cổ đông lớn hoặc thành viên HĐQT, Ban giám đốc.
Do Thông tư 18/2007/TT-BTC không cho phép công ty đại chúng mua cổ phiếu quỹ trong trường hợp cổ phiếu công ty là đối tượng chào mua công khai nên phương án mua cổ phiếu quỹ không khả thi với đối với STB. Công ty có thể bàn bạc với cá nhân hoặc pháp nhân có thể tin tưởng để chuyển giao cổ phiếu cá nhân hoặc chào mua công khai trên sàn giao dịch. Tuy nhiên, chi phí phải trả sẽ cao hơn so với bên đang thực hiện chào mua, và chỉ có như vậy thì mới có thể “tranh” mua được với bên đang thực hiện chào mua.
Phát hành cổ phiếu tăng vốn
Nhằm mục đích pha loãng cổ phiếu để tránh bị thâu tóm, công ty có thể sử dụng một phần cổ phiếu phát hành thêm để phát hành cho cổ đông hiện hữu, một phần phát hành cho đối tác chiến lược hoặc thành viên HĐQT, ban kiểm soát. Mục đích của phương án này là làm tăng chi phí với bên có ý định thâu tóm. Năng lực tài chính và tỷ lệ giải ngân là có hạn, khi chi phí bị đẩy nên cao, bên thâu tóm có thể sẽ xem xét lại hành động của mình và ngừng ý định thâu tóm. Để sử dụng được phương pháp này, diễn biến giao dịch cổ phiếu của công ty trên TTCK cần được theo dõi sát, sớm phát hiện ra hành vi thâu tóm và lên kế hoạch đề phòng. Nếu phát hiện muộn, bên thâu tóm hoặc nhóm “chân rết” của bên thâu tóm nắm cổ phần sẽ tạo mâu thuẫn giữa ban điều hành và cổ đông khác, bỏ phiếu không thông qua phương án phát hành hoặc triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường yêu cầu thay thế thành viên HĐQT.
Xét trường hợp của CTCP Dược Hà Tây (DHT), sau khi phát hiện được hành vi thâu tóm của ông Lê Văn Dũng (Chủ tịch HĐQT Dược Viễn Đông - DVD) và các cổ đông lớn liên quan đến DVDDHT gấp rút lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ nhưng không thành công do giá cổ phiếu DHT tăng quá nhanh. Thay vào đó, DHT triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để thông qua phương án tăng vốn điều lệ gần gấp đôi so với vốn điều lệ hiện tại. Phương án phát hành bị bác bỏ vì vấp phải sự phản đối từ ông Dũng và nhóm cổ đông liên quan. Tuy nhiên, DHT thoát được nguy cơ bị thâu tóm khi ông Dũng và nhóm cá nhân liên quan bị điều tra về hành vi thao túng giá, tiếp theo DVD phải bán toàn bộ cổ phiếu của DHT.
Phát hành cổ phiếu tăng vốn
Công cụ trái phiếu chuyển đổi có thể phát huy tác dụng pha loãng cổ phần ở thời điểm chuyển đổi, giảm nguy cơ bị thâu tóm. Quan trọng là công ty cần phải cân đối tỷ lệ, thời gian chuyển đổi và chọn được đối tác tin tưởng. CTCP Phát triển Nhà Từ Liêm (NTL) đã 2 lần chào mua công khai cổ phiếu của CTCP Đầu tư Xây dựng Bạch ĐằngTMC (BHT) với tổng số lượng là 649.000 cổ phần (tương đương 24,93% vốn điều lệ). Ngày 20/4/2011, ĐHĐCĐ của BHT đã thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ cho đối tác chiến lược là CTCP Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (AGR). Tổng mệnh giá là 20 tỷ đồng, bằng 76,9% vốn điều lệ hiện tại, giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phần, đáo hạn sau 1 năm (1/6/2012). Đây là một phương án phát hành rất mở khi khả năng chuyển đổi thành cổ phần phụ thuộc vào phía Agriseco, lựa chọn chuyển đổi một phần hay toàn bộ. Liệu đây có thể được coi là một hành động mà BHT chống hành động thâu tóm của NTL khiBHT lựa chọn đối tác là tổ chức dịch vụ tài chính như AGR, thay vì đối tác khác?
Ngoài hai biện pháp kể trên, các công ty mục tiêu của thâu tóm thù nghịch có thể sử dụng các biện pháp khác như: phê phán chỉ trích kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, các điểm yếu trong công tác quản trị của bên thâu tóm; chỉ trích các xác định giá chào mua của bên thâu tóm là dưới giá trị thực của công ty; lôi kéo CBCNV cốt cán phản đối kế hoạch mua thâu tóm; phát hành cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, …
Nhận biết các dấu hiệu và tiến hành biện pháp chống bị thâu tóm là những kế hoạch chiến lược mà ban điều hành doanh nghiệp nên đặt là mục tiêu hàng đầu để đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh. Giằng co giữa bên thâu tóm và công ty kéo dài khiến tính thù nghịch ngày càng cao, hoạt động sản xuất của công ty bị đình trệ, mất dần khách hàng

Friday, August 5, 2011

Thực trạng buồn của ngành quản lý quỹ

Quỹ đầu tư tăng trưởng ACB (ACBGF) xuất hiện khá lặng lẽ. Quỹ có thời hạn 5 năm, bằng phân nửa so với VF1 và VF4, ngắn hơn mức 7 năm của PF1 và MF1. Sự ra đời của một quỹ đầu tư mới trong bối cảnh trượt dốc của thị trường là một nhân tố sáng. Thế nhưng, hiện tượng đơn lẻ này không khỏa lấp được triển vọng kém tươi sáng của ngành công nghiệp quản lý quỹ nội địa.

  •  NAV của mỗi chứng chỉ quỹ là các con số nói lên tất cả: VF4 (hoạt động 3 năm) là 6.680 đồng, PRUBF1 (hoạt động 5 năm) là 8.190 đồng, MAFPF1(hoạt động 4 năm) là 6.102 đồng, VFA (hoạt động 1 năm) là 7.854 đồng. 


Nhân tố tích cực
Tham vọng ban đầu của ACBGF là huy động 300 tỷ đồng. Thực tế, dù không đạt được cột mốc này, nhưng ACBGF thành công khi ra đời vào thời điểm niềm tin và sự quan tâm của NĐT dành cho các chứng chỉ quỹ niêm yết đang ở mức rất thấp: về thanh khoản, có những chứng chỉ quỹ chỉ được giao dịch vài lô/phiên, dù đang được bán đại hạ giá "rẻ hơn rau". Chưa hết, dù 1 - 2 năm tới mới đến thời hạn một số quỹ giải thể, nhưng thị trường vẫn đang dành cho các chứng chỉ quỹ một mức chiết khấu giá khá lớn, trung bình 40%.
Nhằm thay đổi và thu hẹp khoảng cách chiết khấu, cách đây hơn năm, VietFund đã giới thiệu Quỹ đầu tư năng động VFA theo mô hình hoạt động mới. Bên cạnh thời hạn hoạt động ngắn, điều lệ cho phép VFA trả cổ tức hàng năm làm nhiều đợt, tổng cộng có thể lên tới 50% lợi nhuận thực hiện. Về cơ chế vận hành, VFA sử dụng mô hình định lượng (Quant), được quảng cáo giúp Quỹ chọn các thời điểm ra vào thị trường tối ưu. Thế nhưng, làn gió mới mang tên "Quant" chưa mang lại hiệu quả nào. Các NĐT góp vốn vào VFA cách đây hơn 1 năm đang chịu mức lỗ trên sổ sách trên 20%, khi giá trị tài sản ròng (NAV) của mỗi chứng chỉ quỹ giảm xuống dưới 8.000 đồng. Điều đó chưa tệ bằng thị giá VFA hiện tại rơi xuống nửa mệnh giá, kéo theo mức lỗ tính theo giá thị trường trên 50%.
Không chỉ VFA, suốt từ năm 2007 tới nay, "vận đen" luôn bám theo các chứng chỉ quỹ bởi "lời nguyền chiết khấu": lên sàn, giá chứng chỉ quỹ tuột dốc, NĐT góp vốn ban đầu đều thua lỗ. Và khi khối NĐT tổ chức nội địa đang sa lầy, thì một tên tuổi mới toanh như ACBGF xuất hiện là một nhân tố tích cực. Thị trường không chỉ cần một, mà nhiều cú huých tương tự!
ACBGF cũng vừa tạo ra một khác biệt về phí quản lý và mức giá phát hành. Điều này hứa hẹn tạo ra một cuộc cách mạnh nhỏ thay đổi về phí quản lý quỹ thời gian sắp tới. Chắc chắn NĐT của 5 chứng chỉ quỹ niêm yết trước đó sẽ lưu ý sự khác biệt vừa xác lập và xới lên trong Kỳ họp Đại hội NĐT thường niên năm tới. Suy cho cùng, việc chia sẻ khó khăn giữa các nhà quản lý và NĐT góp vốn là hợp lý và nên làm.

Thách thức
Bản chất chứng chỉ quỹ là một sản phẩm đầu tư. Lựa chọn một công cụ đầu tư trung - dài hạn để giao dịch ngắn hạn có thể là một sai lầm của các NĐT nội địa bấy lâu nay. Sự thất vọng có thể là một trong các lý do khiến thị trường đang dành cho các chứng chỉ quỹ đóng mức chiết khấu cao như hiện nay. Điều này đúng, nhưng chưa lý giải hoàn toàn đầy đủ.
Phần hấp dẫn nhất thu hút NĐT móc hầu bao khi quỹ gọi vốn thường là câu chuyện "tiền của các NĐT nhỏ được quản lý bởi những người chuyên nghiệp". Vậy "sự chuyên nghiệp" ấy đã thể hiện như thế nào? Hầu hết các quỹ ra đời khi thị trường bùng nổ và giải ngân ở vùng đỉnh bị sa lầy. Sai lầm ấy tiếp tục lặp lại với một số quỹ mới thành lập gần đây. NAV của mỗi chứng chỉ quỹ là các con số nói lên tất cả: VF4 (hoạt động 3 năm) là 6.680 đồng, PRUBF1 (hoạt động 5 năm) là 8.190 đồng, MAFPF1(hoạt động 4 năm) là 6.102 đồng, VFA (hoạt động 1 năm) là 7.854 đồng. Một số nhà quản lý quỹ biện minh rằng, hoạt động của quỹ vẫn chiến thắng thị trường. Nhưng đứng trên góc độ NĐT, góp vốn vào quỹ mong muốn cổ tức hay nhà quản lý xác lập các thành tích không mấy ý nghĩa trong thực tế?
Quỹ mở được kỳ vọng là một cứu cánh cho các quỹ đóng nội địa. Thế nhưng, chính sách luôn có độ trễ và sự nhỡ nhàng diễn ra khá thường xuyên. Năm 2013 là thời điểm một số quỹ nội địa đến thời hạn giải thể. Về nguyên tắc, các quỹ có thể đàm phán để kéo dài hoạt động. Nhưng với thành tích nghèo nàn hiện nay, liệu NĐT có muốn kéo dài? Vì vậy, gần như chắc chắn việc thanh hoán dần danh mục thường phải thực hiện sớm hơn, bắt đầu vào năm 2012. Với triển vọng không chắc chắn của TTCK, liệu một số quỹ có NAV đang thấp hơn mệnh giá có thể đạt tới điểm hòa vốn sau 5 - 7 năm hoạt động? Với thành tích kém cỏi này, loại trừ một số trường hợp đặc biệt, liệu có hy vọng nào kêu gọi NĐT bỏ vốn vào quỹ đại chúng mới thành lập sau khi các quỹ hiện nay giải thể? Quỹ mới mất đi, quỹ mới không xuất hiện, ngành quản lý nội địa đang đứng đối diện với tương lai màu xám.

ACBGF có gì mới?
Đây là quỹ đại chúng nội địa thứ 6 được thành lập. Dù phạm vi phân phối chứng chỉ quỹ chỉ giới hạn trong hệ thống 12 chi nhánh của CTCK ACBS và hội sở chính, nhưng ACBGF cũng huy động thành công hơn 240 tỷ đồng trong 30 ngày. So với những quỹ trước đó, ACBGF có một số điểm khác biệt. Thứ nhất về thời gian, Quỹ có thời hạn 5 năm, bằng phân nửa so với VF1 và VF4, ngắn hơn mức 7 năm của PF1 và MF1. Thứ hai, giá phát hành 10.050 đồng/chứng chỉ quỹ được coi là khá "mềm" cho các NĐT góp vốn ban đầu so với mức 10.300 đồng trong các đợt phát hành tương tự trước đây. Thứ ba, NĐT có thể đặt mua số lượng tối thiểu 1.000 chứng chỉ quỹ, thấp nhất từ trước tới nay. Thứ tư, về phí quản lý, Ban điều hành ACBGF chỉ được hưởng mức phí khiêm tốn 0,5% tổng tài sản/năm, cạnh tranh hơn nhiều so với "chuẩn" 2%/năm của 5 quỹ đại chúng trước đó. Với nhiều điều khoản được coi là dễ chịu, 3 NĐT tổ chức và hơn 400 NĐT cá nhân đã góp vốn vào ACBGF.
Nhằm tạo thanh khoản, Đại hội NĐT lần đầu của ACBGF vào trung tuần tháng 7 vừa qua đã thông qua kế hoạch niêm yết chứng chỉ quỹ trên Sở GDCK TP. HCM. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc ACBGF cho hay, dù chưa nộp hồ sơ niêm yết, nhưng thời gian cụ thể dự định vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Các quỹ đại chúng trước đây hầu hết đều được thành lập và giải ngân tại các đỉnh cao của thị trường. Riêng ACBGF ra đời trong bối cảnh thị trường suy thoái mạnh, mở ra các cơ hội lớn cho đầu tư giá trị. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, chiến lược giải ngân của Quỹ sẽ hết sức thận trọng, do nguy cơ sụt giảm của thị trường vẫn có thể xảy ra.

VN-Index có thể tăng trở lại 100% trong vòng 3 năm tới (2011-2014)

Thị trường mới nổi (emerging market) và thị trường sơ khai (frontier market) luôn có những thời kỳ thịnh vượng và cũng có những lúc suy thoái khủng khiếp.
VN-Index có thể tăng trở lại, vượt 100% trong vòng 3 năm tới, đem đến một trong những cơ hội đầu tư sinh lời lớn và hấp dẫn bậc nhất ASEAN.
Trước Giáng sinh năm 2007, chúng tôi đã dành một tuần ở TP. HCM để xem xét thị trường và khuyến nghị cho những ngân hàng mà lúc bấy giờ đang sở hữu rất nhiều cổ phần của những công ty đã được niêm yết hoặc sẽ sớm được niêm yết rằng: "Hãy phát hành cổ phiếu nhiều nhất có thể và trả hết tiền vay nợ". Tại thời điểm ấy, tăng vốn bằng cổ phiếu rẻ hơn đi vay nhiều lần, thị trường giao dịch ở mức 23 lần so với lợi nhuận (P/E = 23).
Thị trường mới nổi (emerging market) và thị trường sơ khai (frontier market) luôn có những thời kỳ thịnh vượng và cũng có những lúc suy thoái khủng khiếp. Việt Nam cũng nằm trong số đó.
Hiện giờ đã là tháng 8/2011, chúng tôi thấy những gì? Một bức tranh đối lập hoàn toàn, sự bi quan đã thay thế cho một thị trường lạc quan vào những năm 2006, 2007. Tuy nhiên, chúng tôi đang mở tài khoản và tiến hành lưu chuyển những dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam. Bởi lẽ, nhiều dấu hiệu cho thấy cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận cao đang hiện hữu: cổ phiếu được thị trường định giá rất thấp (nhiều cổ phiếu nếu định giá tương đương tại các thị trường như Thái Lan và Indonesia sẽ có giá 500% cao hơn giá hiện tại); hầu hết ý kiến nhận định là tiêu cực (có rất ít niềm tin đặt vào thị trường - một đặc điểm của vùng đáy); khả năng phục hồi của thị trường là cao (không ít cổ phiếu đã giảm giá đến 80%).
Xét trên khía cạnh kinh tế vĩ mô, việc lãi suất đang chạm ngưỡng cực đại trong chu kỳ của nó tạo điều kiện rất tốt cho sự bật dậy của cổ phiếu; một cấu trúc chính trị mới hỗ trợ phát triển kinh doanh; cổ phiếu đại chúng được định giá ở mức thấp hơn cổ phiếu tư nhân (private equity); nhu cầu tiêu dùng tăng cao; khả năng quan tâm trở lại của NĐT nước ngoài; tiềm năng cho những đợt sóng IPO lớn trong tương lai…
Trong tháng 7 vừa qua, đội ngũ chuyên gia nghiên cứu của chúng tôi đã tập trung vào Việt Nam. Theo đó, sự quan tâm từ NĐT nước ngoài đã giảm xuống mức tối thiểu, đến mức mà với việc thị trường được định giá thấp như hiện nay, họ cũng chỉ kỳ vọng vào một sự tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên, tình trạng này cùng với chính sách tiền tệ chặt chẽ từ phía Nhà nước đang tạo ra cơ hội rót vốn vào thị trường không thể hấp dẫn hơn. VN-Index có thể tăng trở lại, vượt 100% trong vòng 3 năm tới, đem đến một trong những cơ hội đầu tư sinh lời lớn và hấp dẫn bậc nhất ASEAN.
Tháng 8/2011 - một bức tranh đối lập hoàn toàn về TTCK - sự bi quan đã thay thế cho một thị trường lạc quan vào những năm 2006, 2007
Cơ hội đặc thù hiện diện ở thị trường Việt Nam:
- Ít nhất 86% mã cổ phiếu với chỉ số ROE vượt quá 30%, nhưng chỉ giao dịch với P/E năm 2011 ở mức thấp từ 3 - 4 lần.
- Tỷ lệ cổ tức trên thị giá cổ phần được tính theo phương pháp "basket approach" đạt mức "khoẻ mạnh" 16%.
- Một danh sách những cơ hội IPO rõ ràng mang đến thời cơ chín muồi cho những NĐT cổ phiếu tư nhân.
- Chi phí lãi vay đã chạm đỉnh của chu kỳ và sẽ giảm 50% trong vòng 2 - 3 năm tới.
- Sự đổi thay gần đây về cơ cấu lãnh đạo cao cấp sẽ tạo một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của môi trường kinh tế Việt Nam trong vòng 4 - 5 năm tiếp theo.
Chúng tôi cho rằng, điểm chuyển biến (inflection point) cho thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện trong vòng không quá 6 tháng tới, bắt đầu bằng sự giảm lãi suất, nhu cầu cổ phiếu trở lại bình thường nhờ vào sự định giá thấp của thị trường và chuyển đổi tâm lý NĐT sang thu lời trên cổ tức thay vì lấy lãi ngân hàng. Chúng tôi đang tiến hành chọn lọc 20 trên gần 100 công ty có những đặc tính mà chúng tôi cho rằng sẽ góp phần vào sự bật dậy mạnh mẽ từ 200 - 300% trong 2 - 3 năm, những đặc tính đó là:
- Hệ số P/E 2011 từ 2 - 3 lần, dự báo P/E 2013 từ 1,5 - 2,5 lần.
- Tăng trưởng lợi nhuận 20 - 25%, tốc độ tăng ổn định đến năm 2013.
- ROE đạt 25 - 35% và tăng đến 30 - 45% vào năm 2013.
- Tỷ lệ cổ tức trên thị giá 11 - 14%, tăng lên mức 13 - 16% trong năm 2013.
3 - 4 năm trước, hầu hết các công ty giao dịch với P/E 15 - 20 lần. Nếu những ngày này quay trở lại, thì những cổ phiếu được chọn theo tiêu chí như trên sẽ đem lại lợi nhuận phi thường. Mặc dù việc này có thể không diễn ra do làn sóng IPO mới và được dự định là quá nhiều, đi kèm với việc một số quỹ đến hạn giải thể (sẽ không phải là vấn đề lớn nếu thị trường trên đà đi lên), nhưng giả định P/E ở mức 8 - 12 lần trong năm 2013, thì lợi nhuận đầu tư sẽ lên đến trên 400% cho cổ phiếu đã được kỹ càng chọn lựa.
Hiện tại, cá nhân và tổ chức nước ngoài muốn mở tài khoản chứng khoán ở Việt Nam đang phải trải qua những thủ tục dài dòng và bị đòi hỏi những giấy tờ rất khó để thực hiện, như bản lý lịch tư pháp phải được dịch sang tiếng Việt và công chứng bởi Đại sứ quán Việt Nam hoặc Sở Tư pháp hay văn phòng công chứng. Các thủ tục phiền hà này đánh đố sự kiên nhẫn NĐT nước ngoài, nhưng thị trường Việt Nam lại đang sở hữu những cơ hội đầu tư hiếm có. Lửa thử vàng, gian nan thử sức; nếu như quá dễ dàng, thì ai cũng sẵn sàng vào Việt Nam để đầu tư (giống như năm 2007).
Theo David O'Neil