Sunday, July 31, 2011

2010 - năm thất bát của quỹ đầu tư

NAV của hầu hết các QĐT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam năm 2010 đều sụt giảm, giá CCQ bị chiết khấu ít thì 10% - 15%, nhiều thì 30% - 40% so với NAV.
2010 là năm thất bát của quỹ đầu tư (QĐT), kể cả QĐT nước ngoài và cả 5 QĐT nội địa đang niêm yết trên sàn TP.HCM. Điểm khác nhau là các quỹ nước ngoài vẫn còn lối thoát khi được phép mua lại chứng chỉ quỹ (CCQ) của chính mình, trong khi các quỹ nội địa thì không.
Giá trị tài sản ròng (NAV) của hầu hết các QĐT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam năm 2010 đều sụt giảm, giá CCQ bị chiết khấu ít thì 10% - 15%, nhiều thì 30% - 40% so với NAV. Nhờ có thể mua lại CCQ của chính mình mà các QĐT nước ngoài có thể giảm vốn điều lệ và qua đó giảm bớt mức độ chiết khấu giá chứng chỉ quỹ, “cứu nguy” về mặt danh dự cũng như tài chính, còn quỹ nội địa thì không thể làm vậy. Xem ra ngày mà giá chứng chỉ các quỹ nội được giao dịch ngang bằng với NAV vẫn còn xa vời.
Sự ngoảnh mặt của nhà đầu tư
Đã từ nhiều tháng nay giới đầu tư dường như quên mất sự hiện diện của các CCQ trên sàn. Khối lượng giao dịch hằng ngày của các CCQ thấp. Thanh khoản nhất trong số các CCQ là VF1 nhưng khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên cũng chưa đến 100.000 đơn vị/ngày. Mối quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) giảm, cho nên ngay cả thời điểm thị trường có “sóng”, CCQ vẫn lặng như tờ. Kết quả là mức độ chiết khấu giá CCQ rất cao. Chẳng hạn NAV trên một CCQ VF1 ngày 3.2.2011 là 21.723 đồng, nhưng giá giao dịch chỉ có 11.300 đồng, tức chiết khấu tới 48%. Đây gần như là mức chiết khấu cao nhất trong suốt 7 năm qua của VF1.
VF1 cũng như các quỹ VF4, VFA, PRUBF1 và MAFPF1 đã áp dụng một chiến lược đầu tư thận trọng, tập trung vào các cổ phiếu (CP) niêm yết có chỉ số tài chính cơ bản tốt. Tuy nhiên, sự thận trọng ấy không giúp cho sự tăng trưởng NAV cao hơn mức tăng trưởng của VN-Index. Theo báo cáo tài chính tháng 12.2010, tổng lợi nhuận ròng trong năm của VF1 âm 203,6 tỉ đồng.
Trong bối cảnh TTCK ảm đạm, giá đa số CP đang ở mức thấp, VN-Index tăng trưởng chỉ nhờ vào động thái mua ròng của khối ngoại đối với một số CP có vốn hóa lớn, thì kết quả kinh doanh của các quỹ không khả quan cũng không đáng nhận được quá nhiều chỉ trích. Vấn đề là để thu hút sự quan tâm của NĐT, mức chiết khấu của giá CCQ phải được kéo xuống. Song điều này bây giờ lại không phụ thuộc vào QĐT. Nó phụ thuộc vào các quy định pháp lý và cơ quan điều hành thị trường.
Những “cuộc lật đổ” chưa thành
Đằng sau thông điệp “hoạt động lâu dài” của quỹ là gì?
Cú thoát hiểm của Dragon Capital
Năm 2010, khi các quỹ đóng nước ngoài do Dragon Capital quản lý bị ép thoái vốn, họ đã phải áp dụng giải pháp mua lại CCQ của chính mình, sau đó giảm vốn các quỹ. Nhờ đó giá giao dịch CCQ tăng lên, mức chiết khấu giảm xuống, ý định thoái vốn trước thời hạn của cổ đông cũng vì thế mà bớt đi. Các quỹ của Dragon Capital đã thoát hiểm trong gang tấc. Hãy hình dung trong trường hợp giải pháp mua lại CCQ không được thực hiện, cả ba quỹ của Dragon Capital đều phải thoái vốn, TTCK VN hẳn đã có một “cơn bão” lớn. Lúc đó Dragon Capital đang nắm lượng CP gần bằng 20% giá trị vốn hóa thị trường.
Chẳng phải ngẫu nhiên ngày 3.12.2010, Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam chào mua công khai 15,85 triệu CCQ PRUBF1, tương đương 31,7% số lượng lưu hành. Mục đích chào mua được giải thích là “nhằm đảm bảo tình hình hoạt động lâu dài của quỹ trên thị trường và thể hiện cam kết của Prudential gắn bó lâu dài với Việt Nam”.
Khi giá CCQ PRUBF1 xuống đến mức thấp 4.200 đồng/đơn vị vào cuối tháng 8.2010, một số tổ chức quản lý quỹ bắt đầu mua gom CCQ này. Nếu nắm trong tay một lượng chứng chỉ lớn, thí dụ trên 30% số lượng lưu hành, một tổ chức có thể yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Tại đó có khả năng họ yêu cầu chuyển đổi quỹ cho một công ty quản lý quỹ khác quản lý hoặc giải tán quỹ trước thời hạn. Do mức chiết khấu của giá CCQ cao, việc thoái quỹ sẽ giúp họ và những cổ đông hiện hành có khoản lợi nhuận không nhỏ. Còn với việc chuyển đổi công ty quản lý quỹ, công ty quản lý mới sẽ không tốn chi phí lập quỹ, gọi vốn, lại được hưởng phí quản lý ngay. Thật là một công đôi việc.
Cho đến cuối tháng 11.2010, khi nhận thấy nguy cơ bị thâu tóm đã định hình rõ, Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam chẳng còn cách nào khác là phải đứng ra mua lại CCQ PRUBF1. Giá chào mua tất nhiên cao hơn hẳn giá giao dịch trên sàn (vì nếu bằng hoặc thấp hơn thì ai bán?), tới 6.300 đồng/CCQ, sau đó nâng lên 6.700 đồng/CCQ. Bây giờ công ty là cổ đông lớn của quỹ và nguy cơ bị thâu tóm hoặc thoái vốn sớm cũng không còn.
VF1 cũng từng bị âm thầm mua gom, nhưng do khối lượng CCQ lưu hành của VF1 lớn, nên việc thu gom không thể diễn ra nhanh. Dragon Capital, công ty mẹ của VFM, sớm nhận ra cục diện cuộc chơi và họ vào cuộc. Hiện Dragon Capital đang sở hữu 25% CCQ VF1, đủ đảm bảo việc thâu tóm hoặc thoái vốn khó xảy ra.
Lối thoát cho quỹ nội
Hiện nay các quỹ nội địa cũng đang mong chờ được mua lại CCQ của chính mình, giảm vốn, dù các công ty quản lý quỹ nội sẽ mất một tỷ lệ phí quản lý không nhỏ. Song họ chấp nhận điều đó, vì đó là lối thoát khả thi. Nhưng họ không thể tiến hành được. Vì sao?
Năm quỹ niêm yết nói trên đều là quỹ đại chúng và quỹ đóng. Theo Điều 92 Luật Chứng khoán, công ty quản lý không được sử dụng vốn và tài sản của QĐT chứng khoán để đầu tư vào CCQ của chính quỹ đại chúng hoặc của một quỹ khác. Việc mua lại CCQ của chính mình có thể thực hiện đối với quỹ mở, nhưng quỹ mở lại chưa được phép hoạt động tại Việt Nam (dù Luật Chứng khoán có quy định về quỹ mở, Điều 93). Các quỹ cho biết họ đã kiến nghị nhiều lần được mua lại CCQ, song câu trả lời của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn là “tiếp tục nghiên cứu”.
Đành rằng các quy định pháp lý phải được thực thi nhưng một khi quy định trở nên lỗi thời thì cần phải sửa đổi. Trong khi khung pháp lý cho quỹ nội địa rất chặt chẽ, thì những quy định nhằm điều tiết, định hướng các quỹ ngoại (cả quỹ mở và quỹ đóng, đặc biệt gần đây là QĐT theo chỉ số ETF) lại bị buông lỏng hoàn toàn. Chúng ta không có một chính sách thuế nào nhằm kiểm soát vốn vào/vốn ra của các quỹ ngoại, cũng không linh hoạt và kịp thời trong việc xây dựng cách tính chỉ số VN-Index để chỉ số này không bị méo mó như hiện tại. Dư luận đã lên tiếng về việc đưa ra nhiều chỉ số để NĐT tham khảo từ 3-4 tháng nay, nhưng đến giờ vẫn chỉ có một VN-Index chung, vốn đã được xây dựng từ 10 năm trước. Cùng với cả thị trường, các QĐT nội đang mong chờ được phép thực hiện một giải pháp mà đáng ra họ có thể tiến hành từ lâu. Đó cũng là góp phần tạo lập một môi trường đầu tư bình đẳng giữa các quỹ Việt Nam và quỹ nước ngoài.

Saturday, July 30, 2011

Quỹ đầu tư chứng khoán

Sự xuất hiện các quỹ đầu tư (QĐT) chứng khoán trên thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những yếu tố góp phần cho sự ổn định của thị trường. Tại VN, ngành quản lý QĐT chỉ mới hình thành từ cuối năm 2003 và đến nay cũng chỉ đang trong những bước đi ban đầu. Cơ sở pháp lý cho hoạt động CTQLQ, QĐT theo Luật chứng khoán, Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC ngày 15/5/2007 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của CTQLQ, Quyết định số 45/2007/QĐ-BTC ngày 5/6/2007 về thành lập và quản lý QĐT chứng khoán.

1. Tìm hiểu về quỹ chứng khoán
Ngày nay, các nhà đầu tư (NĐT) trên TTCK có nhiều hình thức đầu tư rất đa dạng thông qua các hàng hóa chứng khoán của thị trường, nhưng mỗi hình thức đầu tư sẽ có những tính chất đặc trưng khác nhau và sẽ có tác động rất lớn hiệu quả đầu tư. Do đó, để các NĐT đạt tối đa hóa lợi ích đầu tư thì việc nghiên cứu QĐT và đầu tư qua QĐT cần được xem xét khi TTCK VN còn rất thiếu các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.
Trên thị trường tài chính, QĐT là NĐT tổ chức, loại hình trung gian tài chính tăng trưởng rất nhanh, là kênh đầu tư vốn quan trọng cho các NĐT nhỏ trên TTCK, đặc biệt các TTCK mới nổi đang phát triển.
QĐT có nguồn gốc từ châu Âu, khởi thủy ở Hà Lan từ khoảng giữa thế kỷ 19, đến nửa cuối thế kỷ 19 thì được du nhập sang Anh. Mặc dù có gốc từ châu Âu, nhưng Mỹ mới là nơi các QĐT phát triển mạnh nhất. QĐT chính thức đầu tiên xuất hiện ở Mỹ vào năm 1924, có tên là Massachusetts Investor Trust, với quy mô ban đầu là 50.000 USD. Sau một năm, quy mô của quỹ này đã tăng lên 392.000 USD với sự tham gia của trên 200 NĐT.
Trong thời kỳ từ 1929 đến 1951, suy thoái kinh tế và những vụ sụp đổ của TTCK thế giới đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng của ngành quản lý quỹ. Tuy nhiên, sự phục hồi của TTCK trong những năm 1950 đến 1960 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các QĐT. Một hiện tượng mang tính tiêu biểu trong giai đoạn này là sự bùng nổ các QĐT chuyên đầu tư vào cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng cũng như mức độ rủi ro cao (aggressive stock funds).
Từ những năm 1980 trở lại đây, thị trường quản lý quỹ đã liên tục phát triển và mở rộng, đến nay đã trở thành một ngành dịch vụ thịnh vượng, một bộ phận cấu thành quan trọng của TTCK. Quá trình phát triển TTCK các nước đã thúc đẩy việc hình thành các QĐT góp phần gia tăng việc luân chuyển vốn vào các thị trường này. Hiện nay, hình thức các QĐT được phân loại đa dạng và sự xuất hiện loại hình QĐT ở mỗi thị trường còn phụ thuộc vào sự phát triển và đặc điểm của TTCK các nước. Các QĐT được thành lập với các hình thức như sau:
image
Các QĐT được hình thành dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng về cơ bản các trung gian tài chính này được vận hành theo mô hình cơ bản sau:
QĐT có phương thức hoạt động tương đối đặc thù nên mô hình hoạt động của quỹ có các bên liên quan tham gia như: CTQLQ, ngân hàng giám sát, công ty kiểm toán, NĐT,…

  • Công ty quản lý quỹ-CTQLQ (Fund management): được thành lập dưới dạng công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty phát hành và bán cổ phiếu cho các cá nhân và tổ chức (gọi chung là “NĐT”) để lấy vốn hoạt động (lập quỹ). Vốn này được dùng để đầu tư dài hạn, trực tiếp và gián tiếp. Công ty đầu tư bằng quỹ huy động từ nhiều NĐT riêng lẻ và thu phí cho việc đầu tư đó.
  • Ngân hàng giám sát (Custodian/Fund Administrator): là ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo đảm hoạt động quản lý quỹ của CTQLQ là phù hợp với quy định của pháp luật, Điều lệ quỹ. Ngân hàng giám sát cũng thực hiện đăng ký sở hữu chứng chỉ quỹ cho NĐT; thực hiện các hoạt động giúp NĐT thực hiện quyền phát sinh liên quan đến việc sở hữu cổ phiếu (chứng chỉ) quỹ. Ngân hàng giám sát có nghĩa vụ lưu giữ và bảo quản an toàn tài sản của quỹ, xác nhận các báo cáo liên quan đến tài sản và hoạt động của quỹ do CTQLQ lập.
  • Công ty kiểm toán (Auditor): Là công ty kiểm toán bên ngoài có đội ngũ kiểm toán viên công chứng (chartered accountant), thực hiện công việc kiểm tra và xác nhận các báo cáo tài chính của quỹ là xác thực. Công ty kiểm toán này không được có quan hệ tham gia góp vốn, nắm giữ cổ phần, vay hoặc cho vay với CTQLQ và ngược lại. Kiểm toán viên không phải là người có liên quan đến CTQLQ.
  • NĐT (investor) góp vốn vào QĐT, chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp.
Các tổ chức cung cấp các dịch vụ khác như:

  • Ban đại diện quỹ (board of directorslà những người đại diện cho NĐT được đại hội NĐT bầu ra để thay mặt NĐT thực hiện việc giám sát các hoạt động của quỹ, CTQLQ và ngân hàng giám sát.
  • Nhà bảo lãnh phát hành (Distributor/Underwriter): được ủy quyền việc chào bán, phân phối cổ phiếu quỹ ra công chúng (nếu là quỹ công chúng) hoặc chào bán trực tiếp cho NĐT tiềm năng.
  • Đại lý chuyển nhượng (Transfer Agent/Broker): là tổ chức được ủy nhiệm việc mua hoặc chuộc lại cổ phiếu quỹ (nếu quỹ đó là quỹ mở).
  • Tư vấn luật (Law adviser): Một số quỹ còn ủy quyền cho công ty luật thực hiện tư vấn để đảm bảo các hoạt động đầu tư của quỹ là phù hợp với luật định ở từng quốc gia.
Ở TTCK các nước, các QĐT được xem như là một định chế tài chính trung gian phi ngân hàng thu hút tiền nhàn rỗi từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư vào các loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ. Do đó, QĐT đươc xem là công cụ đầu tư hiệu quả hỗ trợ cho các NĐT, đặc biệt các NĐT nhỏ.
2. Tình hình hoạt động các quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán
Tính đến 30/04/2008, TTCK VN có 25 CTQLQ trong nước hoạt động, có các loại hình QĐT khác nhau. Các CTQLQ trong nước đã hoạt động trong giai đoạn đầu, như: CTQLQ Prudential VN, Vietfund, Thành Việt, Manulife, Công ty quản lý Quỹ VCB, Vietnam Partners Investment Management (BVIM), Bảo Việt,… Trong các CTQLQ được cấp phép thì có ba QĐT đã được niêm yết trên TTCK TP.HCM như: Vietfund thành QĐT VF1 được lập năm 2004, quỹ đầu tiên được niêm yết có quy mô 300 tỷ đồng, quỹ đã tiến hành hơn 2 đợt huy động thêm vốn với tổng vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2007. CTQLQ Prudential VN, chính thức hoạt động từ đầu tháng 6/2005, đã thành lập quỹ cân bằng Prudential-PRUBF1, hiện đang triển khai kế hoạch lập các QĐT khác nhau để có thể sớm đáp ứng nhu cầu đầu tư của khách hàng VN. CTQLQ Manulife VN thành lập quỹ MAFPF1 (Quỹ tăng trưởng MANULIFE) với số tiền quỹ ban đầu gần 214 tỷ VND, thời hạn hoạt động 7 năm và niêm yết vào 28/12/2007. Với 3 chứng chỉ quỹ đã niêm yết, như: VFMVF1, PRUBF1, MAFPF1 thì VFMVF1 đã được
Nguồn: vinafund.com.vn
image                                                                                                                                                                       
Do sự biến động lớn của TTCK VN trong quý I/2008 đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh chỉ số VN-Index. Ngày 14/5/2008, VN-Index sụt giảm đến mức thấp nhất của thời kỳ tăng trưởng mạnh của năm 2007 chỉ còn 475,5 điểm đã có ảnh hưởng lớn đến giá trị thị trường của các chứng chỉ quỹ niêm yết. Chứng chỉ PRUBF1, MAFPF1 đã có giá trị thị trường thấp hơn mệnh giá là 6.400đ/ccq và 6.000đ/ccq vào ngày 14/5/2008.
Ngoài các CTQLQ trong nước thì các CTQLQ nước ngoài cũng tăng mạnh so với giai đoạn năm 1992 kể từ khi “làn sóng thứ nhất” vào VN. Tính đến cuối 2007, VN có trên 10 CTQLQ nước ngoài đã hoạt động với hơn 30 quỹ. Lĩnh vực đầu tư của các quỹ rất đa dạng, từ QĐT chứng khoán đến QĐT cổ phần tư nhân, từ QĐT bất động sản đến QĐT mạo hiểm. Các quỹ là nguồn cung vốn cho thị trường tài chính, TTCK VN. Trong ngắn hạn, các luồng tiền nhàn rỗi của quỹ có thể được gửi ngân hàng, tạo ra cung vốn cho thị trường tiền tệ. Trong dài hạn, các khoản đầu tư của quỹ vào các doanh nghiệp và dự án tạo ra nguồn cung vốn cho thị trường vốn. Nguồn vốn hoạt động của các quỹ không ngừng tăng lên, dẫn đến vai trò của các quỹ ngày càng lớn trên TTTC, các quỹ ngày càng năng động hơn. Các CTQLQ nước ngoài đã được cấp phép hoạt động hiện nay, gồm:
Presentation1
                                                                Nguồn: Tài liệu tập hợp của tác giả
Trong giai đoạn TTCK VN như hiện nay, có vẻ như một trong những vấn đề được “yêu thích” của các NĐT trong nước là “sự hoảng loạn của bầy đàn” trong hoạt động đầu tư chứng khoán và nhìn nhận NĐT nhỏ lẻ như một đám đông thiếu kinh nghiệm, đang hỗn loạn cực độ, thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tuột dốc quá mức của thị trường. Sự sụt giảm liên tục chỉ số VN-Index và kết quả ngày 14/5/2008 đạt 475,5 điểm, giảm dưới ngưỡng 500 điểm, các NĐT cần phải biết nhìn về dài hạn, ai kiên nhẫn thì người đó thắng, ai không theo bầy đàn thì người đó có thể giảm rủi ro…Như vậy, tình hình TTCK hiện nay cho chúng ta nhận thấy cần phải hình thành và phát triển các QĐT cho TTCK VN với các đặc điểm riêng biệt của thị trường VN.
3. Phát triển quỹ đầu tư chứng khoán
TTCK VN giai đoạn 2007-2010 được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh, cùng với sự góp mặt của các tổng công ty nhà nước lớn cổ phần hóa trong những năm tới sẽ tạo nguồn cung lớn cho thị trường, thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp cho TTCK. Các công ty đã và đang cổ phần hóa sẽ là cơ hội đầu tư tốt cho các QĐT trên thị sơ cấp lẫn thứ cấp. Giải pháp phát triển các QĐT có thể được xem xét như sau:
a.       Tăng cường phát triển quỹ đại chúng trên TTCK
Các CTQLQ cần phải thành lập và phát triển các QĐT đại chúng vì hiện nay chỉ có ba QĐT với ba chứng chỉ quỹ đã niêm yết trên thị trường, các quỹ thành lập theo nhóm hàng hóa trên TTCK, khuyến khích các QĐT đầu tư vào các ngành lợi thế của VN. Các CTQLQ không chỉ thành lập các quỹ và huy động vốn trên thị trường trong nước mà có thể huy động trên thị trường nước ngoài. Thực tế cho thấy các CTQLQ nước ngoài hoạt động tại VN hoạt động rất hiệu quả nên CTQLQ trong nước cần phải khắc phục quy mô về vốn bằng cách phát hành chứng chỉ quỹ trên thị trường nước ngoài với tỷ lệ theo quy định của VN và các nước.
Việc huy động vốn trên thị trường thế giới, ưu tiên trên thị trường Singapore, Hongkong, London. . .  là việc rất cần thiết, đem lại cho CTQLQ những uy tín và nâng tầm hoạt động của CTQLQ lên tầm khu vực. Trên TTCK thế giới, thì CTQLQ đó có khả năng huy động vốn lớn hơn so với việc huy động vốn tại VN. Khả năng này hứa hẹn thành công rất lớn khi TTCK VN được đánh giá là hấp dẫn, đạt tốc độ tăng trưởng cao, vì chứng chỉ Quỹ VFMVF1 niêm yết trên HOSE đã đầy room cho NĐTNN.
b.      Khuyến khích thành lập các quỹ giao dịch tập trung-ETFs, các quỹ đầu tư vào các ngành lợi thế của VN
Các chứng chỉ quỹ quỹ giao dịch tập trung-ETFs là một triển vọng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đối với các chứng chỉ quỹ, một phương pháp đơn giản cho các nhà đầu tư có một danh mục nhất định khi đầu tưtrong lĩnh vực CSHT.
Đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã và đang sinh lợi cao. Tuy nhiên, quá khứ không phải là sự hướng dẫn chắc chắn cho tương lai, và nhiều chuyên gia đang cảnh báo về sự tăng trưởng nóng và có quá nhiều tiền đổ vào một vài dự án. Dù sao đi nữa, chúng ta không còn nghi ngờ và phủ nhận vần còn những công trình đầu tư khả thi và hấp dẫn. Giải pháp cơ bản thành lập ETF:
-     Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng VN trên cơ sở có chọn lọc theo quy mô, khả năng tăng trưởng. Các công ty này sau khi hoạt động có thể tiến hành IPO và niêm yết trên TTCK để là hàng hóa cho các ETFs.
-     Xây dựng các chỉ số chứng khoán có giá trị cao, phản ảnh tình hình các thị trường. UBCKNN lựa chọn, chỉ định cho các CTCK thành viên hoặc một tổ chức độc lập có kinh nghiệm thực hiện việc hình thành các chỉ số có giá trị quốc tế làm định hướng cho hoạt động đầu tư của các quỹ.
-     Ban hành bổ sung về quy chế cho hoạt động của ETFs vì đây là các quỹ có thể giao dịch ở các TTCK, tính chất như quỹ giao dịch toàn cầu.
-     Quốc tế hóa các tiêu chuẩn về chế độ giao dịch, niêm yết; chế độ kế toán, kiểm toán.
4. Nghiên cứu mô hình các quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán VN.
Hiện nay, theo Luật chứng khoán quy định thành lập quỹ đại chúng và quỹ thành viên nên cần thành lập quỹ theo mô hình công ty cổ phần đầu tư (investment company), là quỹ mở hoặc quỹ đóng. Ưu thế của loại quỹ này có thể phát triển quy mô với cấu trúc quỹ đa dạng hơn, mô hình được hình thành trên mô hình các quỹ hiện hành của VN. Quy định các đối tượng chính trong cơ cấu quỹ như sau:
Cơ sở pháp lý thành lập quỹ vẫn theo Luật chứng khoán VN, Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC và Số 45/2007/QĐ-BTC và Luật doanh nghiệp. QĐT dạng công ty cổ phần hoạt động với cơ quan điều hành cao nhất là Hội đồng quản trị do cổ đông (NĐT) bầu ra. NĐT là cổ đông của quỹ, được phép tham gia vào hoạt động quản lý quỹ thông qua việc bầu Hội đồng quản trị.
CTQLQ thành lập ở VN hoặc các quốc gia nước ngoài, CTQLQ thành lập ở nước ngoài ở những quốc đảo nổi tiếng là trung tâm tài chính quốc tế, gồm: quần đảo Cayman, quần đảo Bahama, cụm đảo Bermuda, quần đảo Virgin,…Các CTQLQ có thể lập văn phòng đại diện ở VN hoặc nước ngoài để thực hiện chức năng quản lý và đầu tư cho quỹ và được ghi rõ trong hợp đồng.
Các quỹ con được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn ở các quốc đảo ưu đãi thuế, chịu sự điều chỉnh của pháp luật nơi đăng ký kinh doanh.
Cổ đông của quỹ: là các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có thể ban đầu tham gia chính là các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và thiểu số nhà đầu tư cá nhân đóng góp. Thông thường, khi lập quỹ sẽ mời gọi các tổ chức có uy tín lớn trên thế giới góp cổ phần vào quỹ, từ đó sẽ tạo được uy tín cho quỹ. Cổ phiếu của quỹ sẽ được niêm yết trên TTCK VN và các nước.
Công cụ đặc trưng: là các công ty con của quỹ, sẽ nắm giữ cổ phần của các công ty mà quỹ muốn đầu tư. Ưu điểm của hình thức này là: hưởng lợi về thuế do thành lập ở những nơi thuế suất trên lãi vốn thấp hoặc miễn thuế, sổ sách kế toán riêng vì hạch toán độc lập, rất thuận lợi trong việc thu hồi vốn khi quỹ thoát vốn bằng phương thức bán cả công ty.
        Phát triển TTCK VN là mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế VN, nâng cao hình ảnh con hổ châu Á VN trên thế giới. Để thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng bền vững và ổn định, cần có nhiều giải pháp thực thi. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay sự tham gia của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp lại là vấn đề rất thiết thực, giúp cho thị trường ổn định hơn, điều hòa các giao dịch trên TTCK. Do đó, việc hình thành và phát triển các QĐT có ý nghĩa cho việc tăng cường các định chế trung gian cho thị trường.

Một số điểm cần lưu ý khi tham gia mua chứng chỉ quỹ

Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1) được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đầu tư chứng khoán số 01/UBCK-ĐKQĐT ngày 20/5/2004 do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp. Tổng giá trị chứng chỉ quỹ niêm yết trên Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (TTGDCK HCM) là 300 tỷ đồng với khối lượng là 30 triệu đơn vị quỹ (mệnh giá đơn vị quỹ/chứng chỉ quỹ là 10.000 đồng). Đây là quỹ đầu tư dạng đóng, nghĩa là quỹ đầu tư chỉ phát hành chứng chỉ ra công chúng một lần với số lượng nhất định và quỹ hay công ty quản lý quỹ không có nghĩa vụ phải mua lại chứng chỉ quỹ từ người đầu tư trong thời gian hoạt động của quỹ. Nếu nhà đầu tư quan tâm đến chứng chỉ quỹ VF1, xin vào trang Web sau: 

http://www.vinafund.com/quanhenhadautu.htm 

Kể từ ngày 8/11/2004 chứng chỉ quỹ VF1 được niêm yết giao dịch tại TTGDCK HCM. Do chứng chỉ quỹ của VF1 đã được niêm yết trên TTGDCK HCM nên việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ VF1 hiện nay giống như đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu niêm yết nào trên TTGDCK HCM và mọi giao dịch chứng chỉ quỹ trên TTGDCK HCM đều thông qua các công ty chứng khoán. 



Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam (VF2) là quỹ đầu tư dạng đóng thứ hai, được thành lập vào tháng 12 năm 2006 theo giấy phép số 08/UBCK-TLQTV ngày 13/12/2006 do UBCKNN cấp. Đây là quỹ thành viên được huy động vốn từ 15 tổ chức lớn trong và ngoài nước với vốn điều lệ ban đầu là 400 tỷ đồng được công ty VFM quản lý, và ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) – CN Tp.HCM thực hiện lưu ký, giám sát tài sản của quỹ

  • Tháng 12/2006: Khởi đầu với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng.
  • Tháng 8/2007: Tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 963 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ của bất kỳ quỹ đầu tư chứng khoán nào, nhà đầu tư cần phải lưu ý đến một chỉ tiêu luôn luôn gắn liền với hoạt động của các quỹ đầu tư, đó là giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV (net asset value)). Nó cho phép nhà đầu tư đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ nói chung và là cơ sở cho việc xác định giá mua, bán chứng chỉ quỹ trên thị trường. NAV của quỹ được xác định bằng hiệu số giữa tổng giá trị tài sản của quỹ với giá trị các khoản nợ phải trả của quỹ. NAV của mỗi đơn vị chứng chỉ quỹ được xác định bằng cách chia NAV của quỹ cho tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu hành của quỹ đầu tư chứng khoán. 

Một số điểm cần lưu ý khi tham gia vào quỹ đầu tư chứng khoán: 

Để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, các công ty quản lý quỹ thực hiện phát hành chứng chỉ quỹ để thành lập quỹ. Do đó, các nhà đầu tư khi tham gia mua chứng chỉ quỹ cần chú ý các điểm sau: 

- Việc mua chứng chỉ quỹ có nghĩa là nhà đầu tư đã uỷ thác cho công ty quản lý quỹ thay mặt nhà đầu tư thực hiện quản lý và đầu tư số tiền bằng với số tiền người đầu tư đã mua chứng chỉ quỹ. Nói một cách đơn giản, tổng giá trị chứng chỉ quỹ do một nhà đầu tư nắm giữ thể hiện số tiền người đầu tư góp vào quỹ để thực hiện đầu tư theo mục tiêu đầu tư chung qui định trong điều lệ quỹ. 

- Cần dành thời gian đọc và phân tích các tài liệu liên quan đến việc phát hành chứng chỉ quỹ như điều lệ quỹ, các mục tiêu đầu tư của quỹ, kinh nghiệm công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát. 

- Cân nhắc yếu tố chi phí của quỹ đầu tư và tỷ lệ chi phí /thu nhập khi quyết định mua hoặc bán chứng chỉ quỹ trong trường hợp quỹ đã đi vào hoạt động một thời gian hoặc có nhiều quỹ được thành lập. 

- Phải biết chấp nhận rủi ro bởi vì công ty quản lý quỹ không có nghĩa vụ phải cam kết chắc chắn là hoạt động đầu tư của quỹ sẽ có lãi mà nó chỉ nghĩa vụ phải thực hiện cách tốt nhất các hoạt động quản lý chuyên nghiệp của mình và vì lợi ích của các nhà đầu tư.

Làn sóng thoái vốn của các quỹ từ 2012

2012 sẽ bắt đầu làn sóng thoái vốn, khoảng hơn 3.400 tỷ đồng. Từ 2013 đến 2015, số vốn có thể bị rút khỏi thị trường lần lượt là 31.615 tỷ đồng, 20.608 tỷ đồng và 7.421 tỷ đồng. Thoái vốn đang là áp lực đối với không ít quỹ đầu tư chứng khoán và các NĐT tổ chức khác khi sắp hết một chu kỳ đầu tư. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lê Chí Phúc, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Sài Gòn (SGI Capital) về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng/khả năng thoái vốn của các quỹ khi sắp đến thời điểm giải thể quỹ?
Thống kê của SGI Capital cho thấy, năm 2012 sẽ là năm bắt đầu của làn sóng các quỹ đầu tư chứng khoán đến thời hạn giải thể và cao điểm của làn sóng này là năm 2013. Đây là hệ quả của làn sóng vốn FII đổ vào TTCK Việt Nam trong các năm 2005 - 2007. Các công ty quản lý quỹ sẽ có 2 lựa chọn. Một là đàm phán với NĐT để gia hạn thời gian hoạt động. Đây là lựa chọn được ưu tiên số 1, quá trình đàm phán này thường bắt đầu diễn ra trong khoảng 6 - 12 tháng trước thời hạn đóng quỹ. Nếu không thành công, các quỹ sẽ phải tiến hành việc thoái vốn.
Việc kéo dài thời hạn quỹ phụ thuộc vào khả năng thuyết phục NĐT về triển vọng của nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam trong thời gian tới. Nhìn vào hiệu quả của các đợt huy động vốn trong suốt 3 năm qua, khó có thể lạc quan về khả năng thành công của phương án này. Các quỹ đóng chủ yếu nắm giữ các cổ phiếu blue-chip trên 2 sàn niêm yết và một số lớn cổ phiếu trên thị trường OTC, nên khả năng thoái vốn phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng nền kinh tế và TTCK từ nay tới năm 2013.

Ông Lê Chí Phúc
Có những cách thoái vốn nào mà các NĐT tổ chức hay sử dụng, thưa ông?
Trước hết là tìm hiểu nhu cầu mua của cổ đông lớn hiện hữu hoặc các quỹ có nhu cầu đầu tư trạng thái lớn. Indochina khi giải thể quỹ cũng đã từng tìm các đối tác tiềm năng mua lại toàn bộ danh mục. Đây là cách làm ổn thỏa nhất đối với các quỹ khi cần bán trạng thái lớn hay giải thể nếu không tìm được đối tác mua lại ở mức giá kỳ vọng, các quỹ/tổ chức sẽ tiến hành bán ra trên thị trường. Nói chung, các quỹ đều muốn tìm đối tác mua lại toàn bộ trạng thái khi thoái vốn để tránh phải công bố và bán ra trên thị trường.
Nếu không tìm được đối tác hoặc khi cổ phiếu có thanh khoản đủ lớn, các quỹ sẽ tiến hành bán thoái vốn trên thị trường. Thông thường, công bố thông tin mua/bán của các quỹ nắm trạng thái lớn là khá nhạy cảm, có thể ảnh hưởng tới giá và diễn biến giao dịch của cổ phiếu đó. Hiện nay, các quỹ thường công bố "lướt sóng" mua và bán cùng thời gian và có thể cùng khối lượng để tránh ảnh hưởng tới tâm lý thị trường, mặc dù mục đích có thể chỉ là để thoái vốn.
Đối với các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân thì khó hơn, vì thường thoái vốn cùng lộ trình đại chúng hóa và niêm yết của DN sau một thời gian dài đầu tư. Trường hợp triển vọng DN và thị trường không tốt như kỳ vọng ban đầu, DN không niêm yết kịp theo kế hoạch thì quỹ sẽ phải ngồi lại để quyết định về việc thoái vốn, thường là bán cho lãnh đạo DN, cổ đông lớn khác, các tổ chức liên quan trong ngành có nhu cầu M&A hoặc các tổ chức muốn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân khác.
Thống kê chưa đầy đủ của SGI Capital cho thấy:
  • Năm 2012 sẽ bắt đầu làn sóng thoái vốn, với khoảng hơn 3.400 tỷ đồng (tính theo giá trị hiện thời). 
  • Trong các năm từ 2013 đến 2015, số vốn có thể bị rút khỏi thị trường (theo giá trị hiện tại) lần lượt là 31.615 tỷ đồng, 20.608 tỷ đồng và 7.421 tỷ đồng. 


Tổng cộng, có khoảng hơn 63.000 tỷ đồng có thể sẽ bị rút ra khỏi thị trường trong 4 năm tới

Quỹ đầu tư là gì?

Là hình thức chung vốn đầu tư nhằm tăng tính chuyên nghiệp của hoạt động đầu tư, Quỹ đầu tư được thành lập dưới nhiều hình thức. Việc phân loại Quỹ đầu tư trên thế giới hiện nay chủ yếu dựa vào 4 tiêu chí chính sau: Chủ thể đầu tư, Đối tượng đầu tư, Cơ cấu huy động vốn và Cơ chế quản lý


Phân loại theo Chủ thể đầu tư
Quỹ đầu tư tư nhân: Do một số tổ chức và cá nhân góp vốn và thuê Công ty quản lý Qũy nhằm mục đích đầu tư vốn của mình một cách có lợi nhất và đảm bảo quản lý chặt chẽ vốn đầu tư. Do việc huy động vốn của Quỹ chỉ hạn chế trong một số tổ chức và cá nhân nên họ có thể đầu tư vào những dự án dài hạn, có tiềm năng phát triển cao và mức độ rủi ro lớn. Các Quỹ này thường đầu tư vào chứng khoán của những công ty chưa niêm yết. Khi những công ty này phát triển đến mức độ nhất định, họ bán lại những chứng khoán nắm giữ để thu hồi vốn. Quỹ đầu tư tư nhân thường mang hình thái của Quỹ đầu tư vốn mạo hiểm.

Quỹ đầu tư tập thể: Chứng chỉ góp vốn của Quỹ đầu tư tập thể được phép mua bán rộng r•i trên thị trường. Do số lượng người góp vốn rất nhiều và phần lớn là các cá nhân - những nhà đầu tư không chuyên nên hầu hết các nước đều có những quy định hết sức chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của những người đầu tư.

Phân loại theo đối tượng đầu tư
1. Quỹ đầu tư cổ phiếu (stock fund):
- Quỹ đầu tư tăng trưởng (growth fund) theo đuổi sự tăng trưởng vốn, thu nhập cổ tức không phải là yếu tố chính yếu. Các Quỹ này đầu tư vào cổ phiếu thường của các công ty có chiều hướng tăng trưởng cao.
- Quỹ đầu tư vốn mạo hiểm (venture capital fund hay hedging fund) theo đuổi sự tăng trưởng tối đa về vốn, thu nhập cổ tức không phải là yếu tố chính yếu. Các Quỹ này đầu tư vào các cổ phiếu của công ty mới, công ty đang gặp khó khăn hay thuộc các ngành tạm thời không được ưa chuộng. Các Quỹ này có thể sử dụng các kỹ thuật đầu tư đòi hỏi mức rủi ro cao hơn trung bình.
- Quỹ đầu tư tăng trưởng và thu nhập (growth and income fund) theo đuổi sự tăng trưởng vốn dài hạn và thu nhập hiện tại. Các Quỹ này đầu tư vào cổ phiếu thường của các công ty có giá trị cổ phần tăng lên và có một tiền sử trả cố tức vững chắc.
- Quỹ đầu tư vàng và kim loại quý (precious metals/ gold fund) theo đuổi sự tăng trưởng vốn. Danh mục đầu tư của các Quỹ này gồm chủ yếu các chứng khoán kết hợp với vàng và các kim loại quý khác.
- Quỹ đầu tư chọn vốn (capital selection fund) theo đuổi sự tăng trưởng vốn. Các Quỹ này lựa chọn đầu tư cổ phiếu theo quy mô vốn của công ty, có thể là công ty vốn lớn, trung bình hoặc vốn nhỏ.
- Quỹ đầu tư chọn ngành (industry selection fund) theo đuổi sự tăng trưởng vốn. Các Quỹ này lựa chọn đầu tư cổ phiếu theo vị thế của ngành hoặc theo một số tiêu chuẩn riêng của Quỹ. Hình thức đầu tư này đi ngược lại nguyên tắc đa dạng hoá danh mục đầu tư, nó tạo những rủi ro không thể lường trước.
- Quỹ đầu tư chỉ số (index fund) theo đuổi mức thu nhập hiện tại cao. Danh mục quản lý của các Quỹ này được quản lý theo một chỉ số chứng khoán nhất định. Danh mục chứng khoán của Quỹ luôn giữ một tỷ lệ theo sự thay đổi của chỉ số đó.
- Quỹ đầu tư quốc tế (international fund) theo đuổi tăng trưởng trong giá trị các khoản đầu tư. Danh mục đầu tư gồm chủ yếu các cổ phiếu của các công ty nằm ngoài nước.
- Quỹ đầu tư toàn cầu (global equity fund) theo đuổi tăng trưởng trong giá trị các khoản đầu tư. Các Quỹ này đầu tư vào các cổ phiếu được giao dịch trên toàn thế giới, kể cả các cổ phiếu trong nước.
- Quỹ đầu tư thu nhập - vốn cổ phần (income-equity fund) theo đuổi mức thu nhập cao bằng việc đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu và công ty có tiền sử trả cổ tức tốt.

2. Quỹ đầu tư trái phiếu và thu nhập (bond and income fund):
- Quỹ đầu tư trái phiếu chuyển đổi (convertible bond fund) theo đuổi mức thu nhập hiện tại và sự tăng trưởng vốn trong tương lai. Các Quỹ này đầu tư vào các trái phiếu kèm theo quyền được chuyển đổi sang cổ phiếu thường theo các điều kiện cam kết.
- Quỹ đầu tư thu nhập - trái phiếu (income-bond fund) theo đuổi mức lợi nhuận hiện tại cao. Các Quỹ này đầu tư vào một tập hợp các trái phiếu công ty và trái phiếu chính phủ.
- Quỹ đầu tư thu nhập chính phủ (government income fund) theo đuổi lợi nhuận hiện tại. Các Quỹ này đầu tư vào nhiều loại chứng khoán chính phủ bao gồm trái phiếu kho bạc, trái phiếu công trình, trái phiếu thế chấp...
- Quỹ đầu tư trái phiếu toàn cầu (global bond fund) theo đuổi một mức thu nhập cao. Danh mục đầu tư của các Quỹ này chủ yếu gồm các chứng khoán nợ của các công ty và các quốc gia trên toàn thế giới, kể cả các chứng khoán nợ quốc gia.
- Quỹ đầu tư trái phiếu công ty (corporate bond fund) theo đuổi một mức thu nhập cao. Danh mục đầu tư của các Quỹ này chủ yếu gồm các trái phiếu công ty và một tỷ lệ trái phiếu kho bạc nhất định.
- Quỹ đầu tư trái phiếu lợi suất cao (high-yield bond fund) theo đuổi một lợi suất cao nhưng chứa đựng một mức rủi ro cao hơn các Quỹ trái phiếu công ty. Danh mục đầu tư của các Quỹ này gồm chủ yếu các trái phiếu của các công ty bị đánh giá thấp.
- Quỹ đầu tư trái phiếu địa phương dài hạn (municipal bond fund-long-term) theo đuổi thu nhập không bị đánh thuế bởi chính phủ. Các Quỹ này đầu tư vào các trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành nhằm cung cấp vốn cho các công trình địa phương như trường học, bệnh viện, cầu đường...

3. Quỹ đầu tư thị trường tiền tệ (money market fund)
- Quỹ đầu tư thị trường tiền tệ chịu thuế (taxable money market fund) theo đuổi việc duy trì một giá trị tài sản thuần bền vững. Các Quỹ này đầu tư vào các chứng khoán hảo hạng, ngắn hạn được bán trên thị trường tiền tệ như tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng lớn và thương phiếu. Kỳ hạn trung bình của danh mục đầu tư các Quỹ này thường được giới hạn từ 3 tháng trở xuống.
- Quỹ đầu tư thị trường tiền tệ miễn thuế (tax-exempt money market fund) theo đuổi thu nhập không bị đánh thuế bởi chính phủ với mức rủi ro thấp nhất. Các Quỹ này đầu tư vào các chứng khoán địa phương với kỳ hạn tương đối ngắn.

4. Một số Quỹ khác:
- Quỹ đầu tư danh mục linh hoạt (flexible portfolio fund) cho phép các nhà quản lý tham gia hoặc phản ứng với các thay đổi điều kiện thị trường bằng việc đầu tư và cổ phiếu, trái phiếu hay các công cụ của thị trường tiền tệ.
- Quỹ đầu tư cân đối (balanced fund) nói chung theo các nguyên tắc của các nhà đầu tư, thu nhập hiện tại và đạt tăng trưởng dài hạn. Danh mục đầu tư của các Quỹ này là tập hợp các trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu thường.

Phân loại theo cơ cấu huy động vốn

Quỹ đầu tư dạng đóng (closed-end fund): Không mua lại các chứng chỉ mà Quỹ đã phát hành, Quỹ đóng huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ từng lần một. Nhà đầu tư không mua được chứng chỉ Quỹ ở các lần phát hành tập trung thì chỉ có thể mua lại ở thị trường chứng khoán thứ cấp từ những cổ đông hiện tại giống như giao dịch các cổ phiếu. Quỹ không có liên quan gì tới những giao dịch này. Vì vậy, Quỹ đóng còn có tên là Quỹ giao dịch công cộng (publicly-traded fund). Chứng chỉ Quỹ đóng có thể được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán hoặc chỉ được giao dịch trên thị trường chứng khoán phi tập trung OTC (Over The Counter ) và được giao dịch giống như cổ phiếu thường.

Quỹ đóng có cơ cấu vốn ổn định nên có lợi thế trong việc đầu tư vào các dự án dài hạn và các chứng khoán có tính thanh khoản thấp. Tuy vậy, chứng chỉ Qũy đóng không có tính thanh khoản cao nên thị giá thường thấp và thời gian thu hồi vốn lâu.

Quỹ đầu tư dạng mở (open-end fund): Phát hành chứng chỉ liên tục để huy động vốn và sẵn sàng mua lại chứng chỉ mà Quỹ đã phát hành theo giá trị tài sản ròng. Việc mua bán chứng chỉ Quỹ có thể thực hiện trực tiếp giữa người đầu tư và công ty quản lý Quỹ, không phải thông qua thị trường chứng khoán với giá mua = giá trị tài sản ròng của Quỹ + phí bán. Phương pháp tính giá mua sẽ được nêu ở phần Hoạt động của Quỹ đầu tư.

Do cơ cấu vốn không ổn định vì người đầu tư có thể rút vốn bất kỳ lúc nào nên Quỹ mở phải đầu tư vào rất nhiều loại chứng khoán khác nhau. Vì vậy, góp vốn vào Quỹ mở, người đầu tư có thể nắm giữ một danh mục đầu tư hết sức đa dạng. Người đầu tư có thể nhận cổ tức hoặc tái đầu tư vào Quỹ bằng cách yêu cầu được mua thêm chứng chỉ mới. Quỹ mở thường được gọi phổ biến là Quỹ hỗ tương (mutual fund).

Ngoài ra còn có một số dạng khác xuất phát từ hai hình thái trên:
- Quỹ bán mở: có sự hạn chế hơn so với Quỹ mở. Nhà quản lý Quỹ đồng ý mua cổ phiếu từ các cổ đông tại mức giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu tại các thời gian định trước.
- Quỹ tín thác đơn vị UIT (unit investment trust): được thành lập theo một chứng thư uỷ thác hay một công cụ tương đương về tính pháp lý. Vốn đóng góp cũng như mọi đầu tư bằng vốn đóng góp sẽ do cá nhân hoặc tổ chức được uỷ thác giữ. Ban đầu, khi thành lập Quỹ, nhà tư vấn đầu tư thu xếp gộp vào trong một danh mục đầu tư rồi phân ra thành các đơn vị (giống như các cổ phần thường) để bán cho người đầu tư qua môi giới. Các đơn vị thường được bán theo giá trị tròn số (Mỹ: 1.000USD) trong lần phát hành đầu tiên. Các nhà môi giới, bảo lãnh phát hành sẽ đồng thời là người duy trì hoạt động mua bán các đơn vị đó. Giá các đơn vị sẽ tuỳ thuộc vào giá các chứng khoán trong danh mục đầu tư của Quỹ. Người mua các đơn vị đầu tư này phải trả một khoản phí ban đầu cho người môi giới bán, thường là 4%. Chính khoản phí cao như vậy mà các nhà đầu tư ngắn hạn thấy không có lợi khi đầu tư vào loại quỹ này.

Phân loại theo cơ chế quản lý Quỹ

Có hai mô hình quản lý Quỹ đầu tư: mô hình công ty (corporate) và mô hình tín thác (contractual)

Mô hình công ty: Quỹ đầu tư có tư cách pháp nhân đầy đủ, được thành lập dưới hình thức công ty đầu tư cổ phần, có điều lệ hoạt động, vốn huy động từ các nhà đầu tư bằng cách phát hành cổ phiếu. Cổ phiếu của Quỹ có thể được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán hoặc thị trường OTC.

Những người góp vốn vào Quỹ sẽ trở thành những cổ đông được quyền hưởng cổ tức và biểu quyết bầu Hội đồng quản trị cũng như các vấn đề cơ bản của Quỹ như các cổ đông trong một công ty cổ phần truyền thống.

Điểm đặc trưng của công ty đầu tư là Hội đồng quản trị đại diện cho các cổ đông đứng ra thuê công ty quản lý Quỹ và Ngân hàng bảo quản. Hội đồng quản trị sẽ giám sát hoạt động của 2 tổ chức này theo kiểu “tam quyền phân lập”: Hội đồng quản trị đề ra chính sách và giám sát, Công ty quản lý Quỹ thực hiện đầu tư còn Ngân hàng bảo quản nắm giữ tài sản.

Việc phân quyền như vậy nhằm đảm bảo việc tài sản không thuộc quyền định đoạt hoàn toàn của bất kỳ ai. Công ty quản lý Quỹ, với vai trò của nhà đầu tư chuyên nghiệp, sẽ tối ưu hoá hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn và lưu giữ các tài sản, đặc biệt là chứng khoán, một cách khoa học cũng như việc tiến hành thu - chi, thanh toán thì không ai khác ngoài một ngân hàng có thể đảm đương được. Bên cạnh đó, việc phân quyền cũng nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư vì các Quỹ đầu tư được bắt đầu từ con số “0” và khối lượng vốn huy động là không hạn chế trong khi các ngân hàng hay các loại hình công ty khác luôn phải có mức vốn tự có tối thiểu để hoạt động.

Tuy là một công ty cổ phần nhưng công ty đầu tư không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật công ty mà còn phải chịu sự điều chỉnh khá phức tạp của các luật liên quan tới tín thác đầu tư chứng khoán.

Mô hình tín thác: Quỹ đầu tư không có tư cách pháp nhân. Với mô hình này, Quỹ đầu tư chỉ được coi là một khối lượng tiền do các nhà đầu tư góp vốn để sử dụng dịch vụ quản lý đầu tư chuyên nghiệp nhằm thu lợi nhuận. Quỹ không có Hội đồng quản trị, hoạt động trên cơ sở Chứng thư tín thác (trust deed) được ký kết giữa công ty quản lý Quỹ và Ngân hàng giám sát bảo quản. Chứng thư tín thác, được sự phê chuẩn của Bộ tài chính hoặc cơ quan chức năng, quy định mọi vấn đề đối với hoạt động của Quỹ nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Công ty quản lý Quỹ khi thành lập phải chuẩn bị Bản cáo bạch phát hành để cung cấp những thông tin cần thiết về Công ty quản lý Quỹ và các thông tin về việc phát hành chứng chỉ Quỹ đầu tư, giá bán, phương tức định giá, số lượng phát hành, thuế và các thủ tục hành chính ...

Người đầu tư vào Quỹ đầu tư theo mô hình tín thác không được gọi là một cổ đông vì họ chỉ có quyền nhận lợi tức từ số vốn góp mà không có quyền bầu cử và các quyền khác như mô hình công ty. Vì thế, người đầu tư lúc này được gọi là người thụ hưởng (beneficiary) và chứng chỉ Quỹ đầu tư được gọi là chứng chỉ hưởng lợi.

Do không có Hội đồng quản trị, chức năng giám sát và đề ra chính sách sẽ được san sẻ cho Công ty quản lý Quỹ và Ngân hàng giám sát bảo quản. Cụ thể là Công ty quản lý Quỹ nắm quyền quản lý và đề ra chính sách còn Ngân hàng sẽ nắm quyền giám sát và bảo quản tài sản.

Trên đây đề cập nhiều tới tín thác đầu tư. Vậy tín thác đầu tư là gì?

Tín thác đầu tư chứng khoán là việc đầu tư một tài sản đã được uỷ thác của Quỹ đầu tư theo mô hình tín thác do người được uỷ thác tiến hành đầu tư vào một số chứng khoán nhất định và được tuân thủ theo sự chỉ dẫn của người quản lý nhằm tạo điều kiện cho một số người có quyền hưởng lợi từ hoạt động liên quan tới tài sản được uỷ thác.

Trong mô hình tín thác, Công ty quản lỹ Quỹ cần phải có vốn lớn. Quỹ đầu tư mô hình tín thác chỉ chịu sự điều chỉnh của các Luật liên quan tới tín thác đầu tư chứng khoán

Công văn hướng dẫn về việc thực hiện Thông tư 74

UBCK Nhà nước vừa ban hành Công văn hướng dẫn về việc thực hiện Thông tư 74 của Bộ Tài chính về giao dịch hứng khoán sẽ có hiệu lực từ ngày 01/08 tới. Tuy nhiên văn bản này vẫn chưa đề cập việc hướng dẫn về tỷ lệ margin.

Theo công văn này, về giao dịch ký quỹ, UBCK sẽ có ban hành quyết định riêng hướng dẫn chi tiết về giao dịch mua ký quỹ chứng khoán để thực hiện. Khi chưa có văn bản hướng dẫn của UBCK về giao dịch margin, nghiêm cấm các công ty chứng khoán và nhà đầu tư triển khai nghiệp vụ này”.

Ngoài ra, khi nhà đầu tư mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán tại các công ty chứng khoán khác nhau, trong hồ sơ mở tài khoản tại công ty chứng khoán thứ hai trở đi phải ghi rõ số lượng tài khoản đã mở, mã số các tài khoản và tên công ty chứng khoán mà nhà đầu tư đã mở tài khoản trước đó; các tài khoản đã mở trước đó đứng tên chính chủ hay tài khoản giao dịch ủy quyền....

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh chỉ được phép mở một tài khoản giao dịch tự doanh chứng khoán tại chính công ty chứng khoán và không được phép mở bất cứ tài khoản tự doanh nào tại các công ty khác.

Về tỷ lệ ký quỹ giao dịch (Margin), đối với các giao dịch thông thường (không phải là giao dịch ký quỹ) công ty chứng khoán yêu cầu nhà đầu tư đảm bảo tỷ lệ ký quỹ 100% chứng khoán đặt bán và 100% giá trị đặt mua chứng khoán. Tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ ký quỹ.

Ngoài ra, kể từ ngày 01/08/2011, tất cả các giấy ủy quyền giao dịch trước đây trái với quy định Thông tư 74/BTC đều không có hiệu lực, bao gồm: ủy quyền cho nhân viên của công ty chứng khoán, ủy quyền cho nhà đầu tư khác nhưng không có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Các hợp đồng ủy quyền phù hợp với quy định vẫn tiếp tục có hiệu lực sau thời gian trên.