Tuesday, July 19, 2011

Luật Doanh nghiệp nhìn từ ĐHCĐ "vỡ chợ"

Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) Cty cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng (Shipchanco) trong các ngày 4 và 7.7.2011 tại Hải Phòng đã trở thành sự kiện “nóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như dư luận tại địa phương.
Sau Đại hội đồng cổ đông Cty cổ phần (CP) Cung ứng Tầu Biển Hải Phòng diễn ra trong các ngày 4 và 7.7.2011, Báo Lao Động trên các số 154, 155, 158 và 160 đã có các bài viết liên quan đến vấn đề pháp lý của đại hội đồng cổ đông này và đã phản ánh một số vấn đề thực tế đã xảy ra tại đại hội cổ đông của Cty này.
Trong loạt bài viết nêu trên, các tác giả đã phản ánh được thực tế diễn ra tại Đại hội đồng cổ đông của Cty. Những diễn biến của cuộc Đại hội này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi đây sẽ được nhìn nhận là “hình mẫu” của những đại hội đồng cổ đông ở những doanh nghiệp cổ phần tương tự.

Theo luật gia Cao Bá Khoát, vẫn còn một số ý kiến từ hai bài báo trên cần được làm rõ để đem tới cách hiểu đúng đắn về Luật Doanh nghiệp (LDN) và tính hợp pháp các quyết định tại ĐHCĐ của Shipchanco. Lao Động xin lược đăng những ý kiến phân tích của luật gia Cao Bá Khoát xung quanh vấn đề này.
Sau khi tuyên bố đại hội bắt đầu, trước sự chất vấn của các cổ đông, người triệu tập đại hội đã bỏ đi, chối bỏ trách nhiệm của mình trước các cổ đông. Trước tình huống này, các cổ đông còn lại (nắm giữ 382.292 cổ phiếu, tương ứng 21,23% vốn điều lệ) đã phải bầu chủ tọa mới. Sau đó bầu một HĐQT và ban kiểm soát (BKS) mới của Cty. Việc làm này đã được cụ thể thành nghị quyết ĐHCĐ và công bố tới các cổ đông.
Trong các số báo nêu trên đã có ý kiến cho rằng, theo LDN, những nghị quyết của đại hội không có đủ 65% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông có quyền biểu quyết tham dự đại hội đồng ý thì không có hiệu lực pháp luật. Cách nhận xét này dễ tạo sự hiểu lầm từ phía công chúng cũng như các lãnh đạo thành phố Hải Phòng.
Để có được cách nhìn đúng đắn và sòng phẳng hơn về những gì đã diễn ra tại đại hội đồng cổ đông của Shipchanco, cần đề cập đến khía cạnh pháp lý của nghị quyết mà nhóm cổ đông nắm 21,23% vốn điều lệ đã xác lập.
Thứ nhất: Về quyền cổ đông tham dự đại hội
Căn cứ vào kết quả kiểm tra tư cách cổ đông: Tổng số cổ đông tham dự trực tiếp và người được uỷ quyền tham dự cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông Shipchanco là 131 cổ đông, đại diện cho 1.787.666 cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết, tương đương với 99,31 % vốn điều lệ. Theo công bố của trưởng ban tổ chức: Với tỉ lệ này, theo quy định tại điều lệ Cty và quy định tại khoản 1, Điều 102 LDN, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2011 đủ điều kiện để tiến hành họp.
Trong quá trình diễn ra đại hội, trước sự chất vấn của các cổ đông, người triệu tập đại hội và cổ đông đại diện phần vốn nhà nước đã tự bỏ về khi đại hội đang diễn ra. Các cổ đông còn lại đã phải bầu lại chủ tọa và tiếp tục tiến hành đại hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với LDN.
Về vấn đề này, tại điểm a, khoản 2, Điều 103 LDN quy định: “Chủ tịch HĐQT làm chủ toạ các cuộc họp do HĐQT triệu tập; trường hợp chủ tịch vắng mặt hoặc tạm thời mất khả năng làm việc thì các thành viên còn lại bầu một người trong số họ làm chủ toạ cuộc họp; trường hợp không có người có thể làm chủ toạ thì thành viên HĐQT có chức vụ cao nhất điều khiển để đại hội đồng cổ đông bầu chủ toạ cuộc họp trong số những người dự họp và người có số phiếu bầu cao nhất làm chủ toạ cuộc họp”.
Khoản 9, Điều 103 quy định: “Trường hợp chủ toạ hoãn hoặc tạm dừng họp đại hội đồng cổ đông trái với quy định tại khoản 8 điều này, đại hội đồng cổ đông bầu một người khác trong số những người dự họp để thay thế chủ toạ điều hành cuộc họp cho đến lúc kết thúc và hiệu lực các biểu quyết tại cuộc họp đó không bị ảnh hưởng”.
Do đó, việc một số cổ đông (trong đó có cả cổ đông nhà nước) bỏ về giữa chừng trong khi cuộc họp đang diễn ra là đồng nghĩa với việc tự từ bỏ quyền cổ đông và tư cách cổ đông của mình. Do vậy, việc các cổ đông còn lại (nắm giữ 382.292 cổ phiếu, tương ứng 21,23% vốn điều lệ) bầu chủ tọa mới để tiếp tục đại hội; bầu HĐQT và BKS mới của Cty; công bố nghị quyết đại hội đồng cổ đông là hoàn toàn hợp pháp.
Thứ hai: Về việc bầu HĐQT và BKS
LDN và các văn bản hướng dẫn thi hành không có khái niệm như “HĐQT lâm thời” hay “tự phong”, mà chỉ có duy nhất một HĐQT là cơ quan quản lý của Cty được đại hội đồng cổ đông bầu ra theo trình tự, thủ tục nhất định. Vấn đề là trình tự thủ tục bầu ra cơ quan này phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của LDN.
Theo quy định của LDN, việc bầu HĐQT và BKS phải theo nguyên tắc bầu dồn phiếu, cụ thể: “Việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT và BKS phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của HĐQT hoặc BKS và cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên” (điểm c, khoản 3 Điều 104).
Nội dung này còn được hướng dẫn chi tiết tại khoản 3, điều 29 Nghị định 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1.10.2010. Cụ thể: “Người trúng cử thành viên HĐQT hoặc thành viên BKS được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại điều lệ Cty”.
Như vậy, thành viên HĐQT và BKS có thể được bầu mà không cần phải có được ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội ủng hộ. Theo đó, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Shipchanco về vấn đề bầu HĐQT và BKS không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định về tỉ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết là 65% hoặc 75% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, các kết quả đạt được tại Đại hội đồng cổ đông Shipchanco là hoàn toàn hợp pháp.

Trên số báo 160/2011 ra ngày 14.7 năm 2011 có bài “Luật cần dựa vào thực tế” của tác giả Hà Linh Quân. Trong bài viết có nêu: “Nguyên tắc “đối phiếu” có được thay bằng nguyên tắc “đối nhân” ở một Cty CP hay không, khi mà có những cổ đông chỉ nắm 20% có thể phế bỏ, chiếm quyền của những người nắm giữ tới 80% CP - Một nhóm cổ đông 20% ở Cty cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng (CPCƯTB HP) có ý định làm điều đó. Chúng ta thử xem họ có nấp được trong bóng của Điều 103 Luật Doanh nghiệp (LDN) không ?”…
Nếu thực sự như vậy, UNBD TP. Hải Phòng (cổ đông nhà nước) đã dễ dàng từ bỏ quyền của mình với 6,9 tỉ đồng vốn tại Cty CPCƯTB HP. Ai cho phép họ làm thế? nguyên tắc “đối phiếu” có bị thay bằng nguyên tắc “đối nhân””… “Từ nay, các cổ đông ít cổ phần sẽ dùng mưu như của cổ đông Lê Minh Thắng phá rối đại hội, rồi tự họp, rồi tự phong nhau làm chủ tịch, làm giám đốc. Liệu có nhà đầu tư nào dám bỏ tiền vào các Cty nữa không.”. Theo đó, tác giả bài viết đã nêu ý kiến cho rằng “Luật cần dựa vào thực tế” được rút trên tít bài báo.
Hội đồng quản trị rút lui, các cổ đông tự họp
Cách nhận xét nêu trên liệu có chứng tỏ tác giả là người hiểu biết sâu sắc Luật doanh nghiệp(?). Một thực tế đã được khẳng định là tư duy xây dựng nên LDN để nhằm mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của các cổ đông thiểu số, trước sự lạm dụng vị thế và quyền lực của các cổ đông lớn.
LDN đã có những quy định ràng buộc đối với các cổ đông có nhiều tiền hay nhiều cổ phiếu - Cổ đông lớn - không thể muốn làm gì cũng được.
Nếu cổ đông lớn tự cho mình muốn tổ chức đại hội ở nước ngoài để các cổ đông nhỏ “cổ đông thiểu số” không có điều kiện để tham dự, thì tại Khoản 1 Điều 97 LDN đã đưa ra quy định để bảo vệ các cổ đông nghèo. Theo đó điều luật này quy định: “Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) họp thường niên hoặc bất thường; ít nhất mỗi năm họp một lần. Địa điểm họp ĐHĐCĐ phải ở trên lãnh thổ Việt Nam.”.
Tiếp đó, khoản 9 Điều 103 LDN quy định: “Trường hợp chủ toạ hoãn hoặc tạm dừng họp ĐHĐCĐ trái với quy định tại khoản 8 Điều này, ĐHĐCĐ bầu một người khác trong số những người dự họp để thay thế chủ toạ điều hành cuộc họp cho đến lúc kết thúc và hiệu lực các biểu quyết tại cuộc họp đó không bị ảnh hưởng” và “Quyết định của ĐHĐCĐ phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày quyết định được thông qua” (Khoản 6 Điều 105 LDN).
Mặt khác, cổ đông có quyền yêu cầu huỷ bỏ quyết định của ĐHĐCĐ khi: “ 1. Trình tự và thủ tục triệu tập họp ĐHĐCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và Điều lệ Cty; 2. Trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ Cty.” (Khoản 1 – 2 Điều 107 LDN)
Qua các nội dung nêu trên cho thấy, việc tuân thủ nghiêm chỉnh trình tự, thủ tục họp ĐHĐCĐ theo đúng quy định của LDN là rất phức tạp; không thể dùng tiền để áp đặt luật chơi trong quản trị Cty. Việc một số cổ đông (trong đó có cổ đông Nhà nước) bỏ về giữa chừng trong khi cuộc họp đang diễn ra và sau đó quay lại tổ chức lập Biên bản hoãn và triệu tập lại đại hội tại Phòng hành chính (có chữ ký của Công an) phải được xác định đây là việc họ tự từ bỏ quyền cổ đông của mình trong đại hội và tự tổ chức một cuộc họp ĐHĐCĐ mới mà không mời các cổ đông còn lại tham dự.
Trong bài viết “Luật cần dựa vào thực tế”, tác giả bài báo đã xác nhận rằng: Trong phần diễn biến đại hội, có rất nhiều Công an, bảo vệ, nhà báo chứng kiến những gì diễn ra tại đại hội; bản thân tác giả bài báo nêu trên không phải là một cổ đông của Cty nhưng vẫn có cơ hội bầy tỏ được chính kiến của mình - điều đó đã xác định cho việc không có bất kỳ dấu hiệu gì chứng tỏ có sự ngăn cản hay phá rối làm cho cuộc họp có nguy cơ không được tiến hành một cách công bằng hợp pháp của các cổ đông – làm cho Chủ tịch HĐQT phải hoãn hoặc tạm dừng đại hội tới mức phải bỏ ra về. Diến biến tại ĐHĐCĐ đã cho thấy, đó là sự điều hành kém cỏi của Chủ tịch HĐQT, đẩy các cổ đông còn lại cùng ĐHĐCĐ phải tự quyết định trên cơ sở vận dụng đúng LDN.
Điều đáng phê phán là vai trò của các vị đại diện cổ đông nhà nước - những người lẽ ra phải kiên định bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước và của người lao động - thì các vị đại diện này tại ĐHĐCĐ lại “theo chân” “Nhà đầu tư chiến lược” bỏ ra về. Đây là việc làm đã ảnh hưởng không nhỏ tới Cty CPCƯTB HP, tới chủ trương cổ phần hoá của UBND TP Hải Phòng, gây cản trở mục tiêu Cổ phần hoá của Đảng và Nhà nước tại doanh nghiệp này.
Đã đến lúc các cổ đông đích thực của Cty CPCƯTB HP và những người lao động của Cty này, phải vạch trần các “thủ đoạn” không bình thường của “Nhà đầu tư chiến lược” cùng sự tiếp tay của những cá nhân đang đại diện cho phần vốn Nhà nước tại Cty CPCƯTB HP tại Cơ quan bảo vệ pháp luật, buộc họ phải trả lời về những thiệt hại do họ đã gây ra; trả lại việc làm ổn định và sự phát triển của Cty CPCƯTB HP.
Theo Luật gia Cao Bá Khoát
Nguyên thành viên Tổ công tác thi hành LDN của Thủ tướng Chính Phủ

No comments: