Saturday, July 30, 2011

Làn sóng thoái vốn của các quỹ từ 2012

2012 sẽ bắt đầu làn sóng thoái vốn, khoảng hơn 3.400 tỷ đồng. Từ 2013 đến 2015, số vốn có thể bị rút khỏi thị trường lần lượt là 31.615 tỷ đồng, 20.608 tỷ đồng và 7.421 tỷ đồng. Thoái vốn đang là áp lực đối với không ít quỹ đầu tư chứng khoán và các NĐT tổ chức khác khi sắp hết một chu kỳ đầu tư. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lê Chí Phúc, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Sài Gòn (SGI Capital) về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng/khả năng thoái vốn của các quỹ khi sắp đến thời điểm giải thể quỹ?
Thống kê của SGI Capital cho thấy, năm 2012 sẽ là năm bắt đầu của làn sóng các quỹ đầu tư chứng khoán đến thời hạn giải thể và cao điểm của làn sóng này là năm 2013. Đây là hệ quả của làn sóng vốn FII đổ vào TTCK Việt Nam trong các năm 2005 - 2007. Các công ty quản lý quỹ sẽ có 2 lựa chọn. Một là đàm phán với NĐT để gia hạn thời gian hoạt động. Đây là lựa chọn được ưu tiên số 1, quá trình đàm phán này thường bắt đầu diễn ra trong khoảng 6 - 12 tháng trước thời hạn đóng quỹ. Nếu không thành công, các quỹ sẽ phải tiến hành việc thoái vốn.
Việc kéo dài thời hạn quỹ phụ thuộc vào khả năng thuyết phục NĐT về triển vọng của nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam trong thời gian tới. Nhìn vào hiệu quả của các đợt huy động vốn trong suốt 3 năm qua, khó có thể lạc quan về khả năng thành công của phương án này. Các quỹ đóng chủ yếu nắm giữ các cổ phiếu blue-chip trên 2 sàn niêm yết và một số lớn cổ phiếu trên thị trường OTC, nên khả năng thoái vốn phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng nền kinh tế và TTCK từ nay tới năm 2013.

Ông Lê Chí Phúc
Có những cách thoái vốn nào mà các NĐT tổ chức hay sử dụng, thưa ông?
Trước hết là tìm hiểu nhu cầu mua của cổ đông lớn hiện hữu hoặc các quỹ có nhu cầu đầu tư trạng thái lớn. Indochina khi giải thể quỹ cũng đã từng tìm các đối tác tiềm năng mua lại toàn bộ danh mục. Đây là cách làm ổn thỏa nhất đối với các quỹ khi cần bán trạng thái lớn hay giải thể nếu không tìm được đối tác mua lại ở mức giá kỳ vọng, các quỹ/tổ chức sẽ tiến hành bán ra trên thị trường. Nói chung, các quỹ đều muốn tìm đối tác mua lại toàn bộ trạng thái khi thoái vốn để tránh phải công bố và bán ra trên thị trường.
Nếu không tìm được đối tác hoặc khi cổ phiếu có thanh khoản đủ lớn, các quỹ sẽ tiến hành bán thoái vốn trên thị trường. Thông thường, công bố thông tin mua/bán của các quỹ nắm trạng thái lớn là khá nhạy cảm, có thể ảnh hưởng tới giá và diễn biến giao dịch của cổ phiếu đó. Hiện nay, các quỹ thường công bố "lướt sóng" mua và bán cùng thời gian và có thể cùng khối lượng để tránh ảnh hưởng tới tâm lý thị trường, mặc dù mục đích có thể chỉ là để thoái vốn.
Đối với các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân thì khó hơn, vì thường thoái vốn cùng lộ trình đại chúng hóa và niêm yết của DN sau một thời gian dài đầu tư. Trường hợp triển vọng DN và thị trường không tốt như kỳ vọng ban đầu, DN không niêm yết kịp theo kế hoạch thì quỹ sẽ phải ngồi lại để quyết định về việc thoái vốn, thường là bán cho lãnh đạo DN, cổ đông lớn khác, các tổ chức liên quan trong ngành có nhu cầu M&A hoặc các tổ chức muốn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân khác.
Thống kê chưa đầy đủ của SGI Capital cho thấy:
  • Năm 2012 sẽ bắt đầu làn sóng thoái vốn, với khoảng hơn 3.400 tỷ đồng (tính theo giá trị hiện thời). 
  • Trong các năm từ 2013 đến 2015, số vốn có thể bị rút khỏi thị trường (theo giá trị hiện tại) lần lượt là 31.615 tỷ đồng, 20.608 tỷ đồng và 7.421 tỷ đồng. 


Tổng cộng, có khoảng hơn 63.000 tỷ đồng có thể sẽ bị rút ra khỏi thị trường trong 4 năm tới

No comments: