Friday, July 22, 2011

4 kịch bản M&A dành cho Sacombank (2011)

Giới phân tích cho rằng, từ các thương vụ thâu tóm kinh điển trên thế giới, hiện có tới 4 kịch bản dành cho Sacombank.
Kịch bản 1: Đối thủ - đối tác
Một trong các thương vụ thâu tóm đình đám trên thế giới trong vài năm gần đây là cuộc chiến giữa Microsoft và Yahoo!. Đầu năm 2008, Microsoft đưa ra đề nghị mua lại Yahoo! với giá 44,6 tỷ USD, tương đương 29,4 USD/CP. Tuy nhiên, phía Yahoo! đã thẳng thừng từ chối vì họ cho rằng đó là cái giá quá rẻ. Sau đó, Microsoft đẩy lên 33 USD/CP, nhưng Ban lãnh đạo Yahoo! kiên quyết chốt mức tối thiểu là 37 USD/CP. 
Sự bất đồng đã khiến thương vụ rơi vào ngõ cụt. Thậm chí, đã có lúc Yahoo! tuyên bố bắt tay với Google nếu như không bị Bộ Tư pháp Mỹ ngăn cản theo Luật chống độc quyền. Tuy nhiên, vào cuối năm 2008, khi Jerry Yang - CEO của Yahoo từ chức, hai đại gia trong ngành công nghệ Mỹ đã nối lại đàm phán. 
Sau 6 tháng, "cuộc hôn nhân" giữa hai người khổng lồ đã diễn ra. Nhưng đó không phải là vụ thâu tóm như mục đích ban đầu, mà là một hợp đồng trong lĩnh vực tìm kiếm với thời hạn 10 năm.
Với Sacombank, trước khi các tin tức về nguy cơ bị thâu tóm được loan tải rộng rãi, từ 2 tháng trước, giới thạo tin đã xì xào về việc một nhóm NĐT đứng đầu là một "đại gia" ngân hàng đã mua gom, nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên 17 - 20%. 
Khi đó, giải thích cho động cơ trên, một trong các kịnh bản được đưa ra là việc hợp tác sở hữu chéo cổ phần cả hai phía với mục đích đỡ giá cổ phiếu. Nhưng trao đổi với báo giới mới đây, lãnh đạo Sacombank đã phủ nhận tình huống này.
Kịch bản 2: Đầu tư tài chính
Việc hãng xe hơi hạng sang Đức Porsche mua gom cổ phiếu của "người đồng hương" Volkswagen đã khiến báo giới thế giới tốn không ít giấy mực. Vào cuối năm 2005, giá cổ phiếu của Volkswagen khoảng 35 EUR/CP Porsche đã bí mật mua gom và sở hữu khoảng 20% số cổ phần Volkswagen. Sau đó, Porsche không giấu giếm ý định thâu tóm đối thủ. 
Chính danh là vậy, nhưng phía sau còn là đầu tư tài chính. Để đạt được mục đích, Porsche đã bỏ tiền mặt mua cổ phiếu thật, đồng thời tạo sự khan hiếm giả. Nạn nhân chính là những tay bán khống. Mỗi khi thấy giá cổ phiếu của Volkswagen tăng (do Porsche mua vào), các NĐT bán khống lại hốt hoảng "cover" lại hàng, đẩy giá tiếp tục tăng cao.
Vào mùa Thu năm 2008, khi nắm 51%, Porsche tuyên bố sẽ nâng sở hữu lên 75% cổ phần ở Volkswagen để kiểm soát hoàn toàn đối thủ. Giá cổ phiếu Volkswagen tăng vùn vụt 3 năm liền, vượt qua mốc 1.000 EUR/CP và chỉ chịu quay đầu thoái lui khi Porsche bất ngờ tuyên bố bán ra. Vào quý I/2009, thậm chí, lợi nhuận từ đầu tư tài chính vào cổ phiếu của Volkswagen đã đóng góp 6,84 tỷ EUR/7,34 tỷ EUR lợi nhuận trước thuế của Porsche.
Hiện tại, giới quan sát cho rằng, kịch bản cổ phiếu STB đang bị biến thành mục tiêu đầu cơ có xác suất cao nhất. Theo giả thiết này, một nhóm NĐT sở hữu một số lượng lớn cổ phiếu STB tạo mầm mống cho hoạt động thôn tính thật sự. Để vô hiệu hóa "cái gai" này, Ban lãnh đạo Sacombank buộc phải lên kế hoạch phòng thủ. 
Một trong các hướng khả thi nhất là đàm phán với nhóm NĐT này để mua lại một số lượng lớn cổ phần. Dĩ nhiên, vì mua lô lớn nên phải trả giá cao hơn nhiều so với mặt bằng hiện tại. 
Trong trường hợp cổ phiếu STB được chủ động đẩy lên cao để chống lại hoạt động thâu tóm, nhóm NĐT đang mua gom có thể hiện thực hóa lợi nhuận số cổ phiếu giá thấp mua quanh vùng đáy. Nếu đúng, đây là một "game" tài chính thông minh và rất mới mẻ tại TTCK Việt Nam.
Kịch bản 3: Sacombank thâu tóm ngược đối thủ
Nếu không có cuộc khủng khoảng tài chính thế giới kéo theo sự đi xuống trầm trọng trong ngành chế tạo ôtô kể từ cuối năm 2008 thì có lẽ Porsche đã thâu tóm Volkswagen thành công. Thế nhưng, ở đời, ít ai học được chữ ngờ. Thất bại trong việc thâu tóm Volkswagen đã khiến Porsche lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Đầu năm 2009, với số nợ khoảng 16,1 tỷ euro, không có sự lựa chọn nào khác, Porsche đành phải bán mình cho chính Volkswagen để tránh nguy cơ sụp đổ. 
Trái lại, Volkswagen đã "xoay ngược" thế cờ sở hữu 49% cổ phần của Porsche và đạt được thỏa thuận về quyền mua lại số cổ phiếu còn lại. Thoả thuận này đồng nghĩa với việc Porsche trở thành thương hiệu thứ 10 trong gia đình Volkswagen, bên cạnh những cái tên lừng lẫy như Audi, Bentley, Lamborghini…
Vốn hóa của Sacombank hiện tại khoảng 640 triệu USD, giả sử mức giá hiện nay không thay đổi, để sở hữu thêm 10% số cổ phần, bên mua phải bỏ ra thêm 64 triệu USD - số tiền trên không quá lớn với nhiều "đại gia" Việt ở thời điểm hiện tại.
Thế nhưng, sự việc không đơn giản như các bài tính số học. Theo các số liệu mới nhất, hiện các quỹ của Dragon đang nắm giữ hơn 6,87% số cổ phần, CTCP Cơ điện lạnh (REE) nắm giữ gần 4%, Ngân hàng ANZ nắm 9,78%, Ban lãnh đạo Ngân hàng và nhóm công ty liên quan nắm trên 20%... Hơn một nửa số cổ phiếu STB hiện tại do các nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ. Số lượng cổ phiếu lưu hành lớn khiến Sacombank khó có thể phòng thủ kín kẽ mọi bề, nhưng cũng khiến đối thủ gặp vô số khó khăn với các NĐT thuận xu hướng trên thị trường.
Sự "manh động" của bên mua có thể khiến họ trả giá đắt bởi những tay "ăn theo". Chi phí vốn hiện đang ở mức rất cao, cộng với việc Sacombank hiếm khi trả cổ tức tiền mặt khiến bên mua mất vô số chi phí cơ hội nếu không sớm đạt được mục đích. Nếu bên mua suy yếu tài chính, biết đâu Sacombank lại đảo ngược tình thế?
Kịch bản 4: Sacombank bị thâu tóm
Trong số những thương vụ M&A diễn ra trên thế giới gần đây, không hiếm nghịch lý "cá bé nuốt cá lớn". Tiêu biểu có thể kể đến một số trường hợp như hãng xe Ý Fiat mua cổ phần của các đối thủ lớn hơn như Chrysler và General Motor; Tập đoàn Sony sáp nhập vào Công ty Truyền thông AB L.M. Ericsson; Tập đoàn Thomson (Canada) mua Hãng tin Reuters (Anh)… vào thời điểm đối thủ suy yếu về tài chính.
Khả năng Sacombank bị thâu tóm bởi một nhóm NĐT của một ngân hàng bé hơn, dù dễ được liên tưởng nhưng thực tế khó xảy ra nhất. Đơn giản, Sacombank là một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất hiện nay. 
Việc "thâu tóm thù địch" vấp phải vô số trở ngại trong quá trình tái cấu trúc, khiến hiệu quả không xứng với công sức bên mua. Trong trường hợp ngược lại, nếu kịch bản này xảy ra thì chắc chắn đây là câu chuyện "hot" nhất về các công ty niêm yết khi TTCK Việt Nam bước sang tuổi 12.

No comments: