Thursday, June 2, 2011

Ý nghĩa của hai hệ số P/E và P/BV

Trong quá trình phân tích và đầu tư cổ phiếu, bên cạnh việc đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, các nhà đầu tư còn cần phải tìm được những mức giá hợp lý để đưa ra các quyết định phù hợp (mua, nắm giữ hay bán).
Để có thể đánh giá về giá của một cổ phiếu hiện tại là đắt hay rẻ, người ta thường xem xét hai chỉ tiêu là Hệ số giá trên thu nhập (P/E – Price per Earning) và Hệ số giá trên giá trị sổ sách (P/BV – Price per Book Value).
 
P/E
=
Giá thị trường của cổ phiếu
EPS
                 và
P/BV
=
Giá thị trường của cổ phiếu
BVPS
 
           Trong đó, EPS là thu nhập trên một cổ phiếu thường (Earning per Share), có thể được tính theo công thức:
 
EPS  
=
Lợi nhuận sau thuế chia cho
cổ đông thường
Tổng khối lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành bình quân
 
           Chi tiết về cách tính EPS bạn đọc có thể xem thêm Chuẩn mực kế toán số 30 được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 28/12/2005 và Hướng dẫn báo cáo chỉ tiêu lãi cơ bản trên một cổ phiếu phổ thông của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh.
 
            BV (Book Value) hay còn gọi là BVPS (Book Value per Share) là giá trị số sách của một cổ phần, được tính theo công thức:
 
BVPS  
=
Vốn CSH – Tài sản vô hình
Tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành
 
            Hệ số P/E, về mặt lý thuyết, cho biết số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra trả cho một đơn vị lợi nhuận đã được tạo ra trong một thời kỳ nhất định. Hệ số cao có nghĩa là nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng tạo lợi nhuận trong tương lai công ty sẽ cao hơn và ngược lại. Tuy nhiên, hệ số quá cao không hẳn là tốt nếu xảy ra tình trạng đầu cơ hoặc có quá nhiều nhà đầu tư tập trung vào một cổ phiếu (quá đắt). Bên cạnh đó, hệ số quá cao còn đồng nghĩa với việc cổ phiếu đó chứa đựng nhiều rủi ro. Nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không gặp thuận lợi và kết quả đạt được không như kỳ vọng thì khả năng sụt giảm giá của cổ phiếu càng mạnh và do đó khả năng thiệt hại đối với nhà đầu tư càng lớn.
 
            Hệ số P/BV được sử dụng để so sánh giá thị trường với giá trị sổ sách của một cổ phiếu. Một hệ số thấp có nghĩa là cổ phiếu này được định giá thấp và thích hợp để mua và nắm giữ nó nếu doanh nghiệp có triển vọng tốt trong tương lai. Tuy nhiên, hệ số thấp cũng có thể là do doanh nghiệp đang gặp nhiều vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể là không hợp lý nếu đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp này. Hệ số P/BV có liên quan đến chỉ tiêu "giá trị sổ sách của cổ phiếu" – cho biết giá trị mà các cổ đông thường nhận được trong trường hợp công ty bị phá sản và các tài sản được thanh lý. Vì vậy, tài sản vô hình như "Lợi thế thương mại" phải được loại trừ ra khỏi tài sản ròng vì những tài sản loại này không thể bán được (hoặc rất khó để bán) khi thanh lý.
 
            P/E và P/BV là hai hệ số bổ sung cho nhau trong quá trình phân tích giá cổ phiếu. Trong quá trình phân tích, các chỉ tiêu này phải được xem xét trong mối liên hệ với các chỉ tiêu cùng loại của cùng ngành, các doanh nghiệp trong ngành đồng thời kết hợp với phân tích tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để có những kết luận có ý nghĩa nhất.

No comments: