Tuesday, January 19, 2010

Quant - Mô hình phân tích định lượng ưu việt.

Trend following không hướng tới việc dự đoán thị trường ngày mai ra sao, mà là tìm kiếm cơ hội tham gia thị trường ngay khi chứng khoán có dấu hiệu tăng mạnh.


Thị trường đang cần những phương pháp phân tích ưu việt hơn

Vào những năm đầu khi TTCK Việt Nam mới hoạt động, phân tích cơ bản là phương pháp vẫn được đa số NĐT tin dùng. Đây là phương pháp hướng tới việc mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn, phù hợp giai đoạn thị trường biến động với bước giá nhỏ khi đó. Vài năm gần đây, phân tích kỹ thuật (PTKT) được nhiều NĐT áp dụng rộng rãi.

Điều này là dễ hiểu khi thời gian gần đây, TTCK Việt Nam luôn dao động mạnh với biên độ lớn, khiến việc mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn không mang lại hiệu quả tối ưu. Phương pháp PTKT giúp NĐT có thể theo kịp các diễn biến nhanh của thị trường. Tuy nhiên, cũng chính PTKT gây ra khá nhiều bối rối do các chỉ báo đưa ra nhiều tín hiệu trái chiều nhau.

Chẳng hạn, trong tháng 12 vừa qua, VN-Index có lúc đã tụt giảm khá mạnh, khác xa so với những dự báo trước đó là thị trường sẽ dịch chuyển theo chiều hướng tăng - kịch bản lạc quan dựa trên các chỉ báo và mô hình PTKT… Tất nhiên, không có phương pháp dự báo nào hoàn hảo, tính chính xác phụ thuộc nhiều nhân tố thay đổi từng ngày và từng giờ. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu có thể có một mô hình hay phương pháp nào áp dụng tối ưu phù hợp hơn các phương pháp truyền thống hay không?

Thời gian gần đây, mô hình Quant (Quantitative Model) được nói đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Mô hình Quant là sự kết tinh ưu việt của cả hai phương pháp trên kết hợp với việc phân tích số liệu thống kê. Phần lớn cũng vận dụng phương pháp PTKT, nhưng mô hình Quant còn sử dụng thêm các đặc điểm ưu việt nhất trong phương pháp phân tích cơ bản và phân tích thống kê, tạo ra tính hiện đại, khoa học và năng động hơn so với các trường phái truyền thống.

Năm 2009, TTCK Việt Nam tụt giảm khá sâu vào đầu năm và phục hồi mạnh trở lại trong suốt 8 tháng. Những tháng cuối năm, thị trường lại giảm điểm mạnh và chỉ phục hồi trong vài tuần qua. Dù nền kinh tế trong nước đã có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn chưa thể khẳng định sự tăng trưởng bền vững của TTCK trong năm 2010. Theo nhận xét của giới phân tích, tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, Trung Quốc…, giai đoạn hậu khủng hoảng, chứng khoán sẽ tăng, giảm với biên độ lớn.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng đồng ý rằng, dù còn gặp thách thức nhưng triển vọng của thị trường không thể phủ nhận ở giai đoạn trung và dài hạn. Đây là thời điểm rất tốt để các mô hình đầu tư ưu việt như Quant phát huy tác dụng và tìm kiếm lợi nhuận. Với sự biến động liên tục của thị trường trong thời gian qua, nếu sử dụng các phương pháp đầu tư truyền thống, NĐT có thể kiếm lời, nhưng nếu sử dụng Quant thì mức lợi nhuận tạo ra sẽ tối ưu hơn.

Quant - Mô hình hướng tới sự năng động

Một trong những chiến lược đầu tư theo mô hình Quant chính là mô hình đầu tư theo xu hướng (trend following). Mô hình Trend following không hướng tới việc dự đoán thị trường ngày mai ra sao, mà là tìm kiếm cơ hội tham gia thị trường ngay khi chứng khoán có dấu hiệu tăng mạnh.

Việc đầu tư dựa hoàn toàn vào các chỉ báo được lọc ra bởi các máy tính siêu mạnh. Trước tiên, một khối lượng lớn thông tin và số liệu được tổng hợp phân tích trên hệ thống máy tính hiện đại. “Linh hồn” của hoạt động phân tích này bao gồm nhiều yếu tố, trong đó nổi bật nhất là thuật toán trí tuệ nhân tạo (Genetic Argrorithm) và Lý thuyết thông tin (Information Theory). Sau khi có các chỉ báo, máy tính xác định tín hiệu mua bán, đồng thời cũng đưa ra chiến lược phân bổ đầu tư hợp lý, tối ưu.

Mô hình Quant hoạt động dựa theo nguyên tắc chỉ tham gia thị trường khi chứng khoán có xu thế tăng dài hạn và rõ ràng. Đồng thời, việc chốt lời diễn ra khi xu thế này đảo chiều hoặc thị trường đi vào thời kỳ ít biến động, đi ngang (chạy sideways). Bên cạnh nguyên tắc chính trên, máy tính cũng tự động đưa ra chiến lược quản lý rủi ro thông qua cơ chế cắt lỗ, phân bổ và đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Với các nguyên tắc này, hoạt động đầu tư sẽ đạt mức lợi nhuận tối ưu, khi tối ưu hóa vùng giải ngân và vùng thanh toán tiệm cận hơn với đáy và đỉnh của thị trường. Nói cách khác, mô hình Quant hướng tới sự năng động theo tiêu chí “thị trường luôn luôn đúng”- điều mà chưa mô hình phân tích truyền thống nào đạt được.

Kết quả thử nghiệm mô hình Quant

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã xem xét và có các nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn tại TTCK Việt Nam, tiên phong là VFM. Sau một thời gian thử nghiệm mô hình Quant với mẫu phân tích (in-sample) và mẫu thử nghiệm (out-sample), VFM đã xác định được kết quả bước đầu: Theo đó, từ tháng 1/2004 đến ngày 30/06/2008, kết quả mẫu phân tích (in-sample) tỷ lệ lợi nhuận đạt được là 200% trong vòng 3 năm rưỡi, bình quân mỗi năm tỷ lệ lợi nhuận đạt 110%.

Trong đó xác suất thành công là trên 60%. Đối với kết quả mẫu thử nghiệm (out-sample), thời gian tiến hành từ 30/06/2008 cho đến nay, tỷ lệ lợi nhuận là 100% trong vòng 1,5 năm, bình quân 1 năm đạt 50%. Trong đó xác suất thành công là trên 70%. Như vậy, chúng ta có thể thấy kết quả giữa 2 phương pháp thử nghiệm này rất ấn tượng và gần trùng khớp.

Thời gian thử nghiệm dài trên 3 năm với đầy đủ các tình huống thị trường lên mạnh, xuống mạnh hay đi ngang cho thấy tính khách quan và độ chính xác của quá trình thử nghiệm. Nếu áp dụng mô hình vào thực tế thì chúng ta có thể tin rằng, kết quả lợi nhuận bình quân sẽ xoay quanh kết quả thử nghiệm ở trên.

Với tính năng ưu việt của mô hình Quant, VFM đã nghiên cứu và phát triển mô hình này thành một quỹ đầu tư mang tên Quỹ đầu tư năng động Việt Nam (VFA) như là bước phát triển mới của ngành quản lý Quỹ trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Cơ hội và rủi ro vẫn ở phía trước nhưng nếu NĐT ưa thích sự năng động thì lợi nhuận đạt được sẽ hoàn toàn xứng đáng. Việc sử dụng mô hình Quant cho Quỹ đầu tư VFA này sẽ là bước đi tiên phong chào đón năm mới 2010 của Công ty VFM.

Lời khuyên dành cho giới đầu tư từ những thiên tài cổ phiếu.

“Nếu bạn không thể ''bình chân như vại'' khi giá cổ phiếu tụt xuống còn chỉ 50% thì ngay từ đầu bạn đừng nghĩ tới chuyện đầu tư chứng khoán" , đó chính là lời khuyên dành cho giới đầu tư từ những thiên tài cổ phiếu.

Kể từ sau năm 2000, cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ thông tin bắt đầu làm chao đảo thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Dù chỉ có 100.000 won, người ta cũng đổ xô đi mua cổ phiếu. Ngay mùa hè năm 2000 nóng bỏng với các loại cổ phiếu Internet, Tae Min Young - một doanh nhân chuyên đầu tư cổ phiếu - lại quyết định mua cổ phiếu công ty bánh kẹo Lotte.

“Thật ra tôi đã chú ý tới kẹo cao su của hãng Lotte, vốn đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Nếu loại kẹo này được làm tốt hơn chắc sẽ bán chạy hơn, Internet càng phát đạt, càng có nhiều người nhai kẹo cao su. Tôi đã đọc nội dung một cuộc phỏng vấn Warren Bufett rằng ‘Kết cục thì nhờ Internet mà cocacola vẫn giữ được vị trí số một của mình. Vì thế tôi đầu tư vào những cổ phiếu có tính truyền thống mà không phải cổ phiếu Internet. Sau khi đọc bài báo này, tôi mạnh dạn đầu tư vào Lotte”, Tae Min Young nói.

Thực phẩm và bất cứ thứ gì có thể nhai được là phương châm đầu tư của Tae. Cho dù nền kinh tế chung gặp khó khăn thì mọi người vẫn phải ăn, uống, và sử dụng các loại dược phẩm thiết yếu. Con người càng đau đầu do suy nghĩ nhiều thì càng ăn uống nhiều hơn.

Hiện nay, trị giá cổ phiếu công ty Tae đầu tư vào Công ty bánh kẹo Lotte sau chưa đầy 5 năm đã tăng hơn 10 lần, lên đến 1,2 tỷ won. “Tại sao tôi không bán bớt một ít cổ phiếu đi? Không, cho đến lúc chỉ cần bán một cổ phiếu Lotte là đủ đi du lịch thế giới thì tôi mới nghĩ đến chuyện bán ra”.

Các triệu phú trẻ thường chọn hình thức đầu tư vào cổ phiếu hơn trái phiếu. Theo họ, tất cả mọi loại trái phiếu như sổ tiết kiệm, trái phiếu quốc gia, trái phiếu công ty, trái phiếu không đánh thuế... đều không đối phó được với lạm phát. Tuy nhiên, để đầu tư cổ phiếu thành công, bạn cần phải học rất nhiều, từ việc phân tích cơ bản về công ty, đọc hiểu báo cáo tài chính, phân tích xu hướng và chiến lược công ty, quản trị rủi ro…

Peter Lynch, nhà quản lý quỹ thành công trong lịch sử Wall Street, trong cuốn Anh hùng Wall Street có kể một câu chuyện như sau:

“Vào những năm 1950, có một người lính cứu hỏa sống ở New England, gần nhà máy Tambrands - nơi đang mở rộng quy mô lớn chưa từng thấy. Anh lính cứu hỏa đơn giản nghĩ rằng nhà máy này đang ăn nên làm ra nên mới khuếch trương mạnh mẽ như thế. Thế là anh ta đầu tư 2.000 đôla vào cổ phiếu nhà máy Tambrands. Sau đó trong năm năm tiếp theo, mỗi năm anh đầu tư tiếp 2.000 đôla nữa. Hai mươi hai năm sau, vào năm 1972, anh ta nghỉ hưu và trở thành… tỷ phú”.

Sức mạnh của những suy luận mang tính thường thức như thế cũng phát huy tác dụng trong thị trường cổ phiếu ngày nay. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, khi nói về hàng điện tử thì người ta nghĩ ngay tới Samsung, mì ăn liền là Nongsim, mua sắm là Shinegye. Đó là những kiến thức thường thức giúp bạn định hướng và lựa chọn cổ phiếu để đầu tư.

Triệu phú cổ phiếu sẽ là triệu phú bất động sản

Ở những người kiếm được nhiều tiền thông qua đầu tư cổ phiếu có một điểm chung nhất: con mắt sáng suốt trong việc lựa chọn “tiền tệ” hay “bất động sản”. Tae Min Young tự hào nói:

“Kinh nghiệm của tôi rất đơn giản. Đầu tư vào khu căn hộ cao cấp nhất trong vùng đất đai đắt nhất sẽ có lợi nhất. Trong cùng khu vực, căn hộ nào lớn, ở vị trí giao thông thuận tiện hơn thì giá cả tăng nhanh hơn. Ngay cả trong cùng một tòa nhà, tầng tốt hơn sẽ mang lại lợi ích đầu tư cao hơn.”

Từ đó cho thấy các triệu phú trẻ đã áp dụng chiến lược đầu tư bất động sản vào đầu tư cổ phiếu. Cũng giống như đầu tư bất động sản, các triệu phú trẻ thích đầu tư vào cổ phiếu của các công ty tốt nhất, có giá đắt nhất. Tất nhiên trong thời gian ngắn, đây đó cũng có hiện tượng tăng giá đột biến của một vài loại cổ phiếu, nhưng các triệu phú trẻ luôn tránh đầu tư vào các loại cổ phiếu “bong bóng” như thế.

Triệu phú Kang Man Jung nói: “Ta hãy nhớ lại câu chuyện của Warren Bufett. Cuối năm 1950, khi mới bước chân vào đầu tư cổ phiếu, ông đã hiểu ra sự thật rằng việc mua cổ phiếu rẻ tiền sẽ dẫn tới nhiều rủi ro. Các cổ phiếu rẻ thường là cổ phiếu của các công ty đứng trước nguy cơ phá sản, hoặc tài sản của họ đang vơi dần đi. Nên ông bắt đầu quan tâm tới cổ phiếu của các công ty có triển vọng. Ông tránh được thua lỗ vì đã đầu tư vào cổ phiếu tốt”.

Để đầu tư vào cổ phiếu của một công ty nào đó, bạn cần lưu ý các điểm sau:

- Thứ nhất, công ty đó thuộc ngành công nghiệp phát triển, chiếm thị phần cao, và đang giữ vị trí đầu ngành.

- Thứ hai, công ty đó phải có thương hiệu mạnh, sản phẩm gây được sự tín nhiệm lớn đối với người tiêu dùng.

- Thứ ba, công ty đó phải có thực chất, có người lãnh đạo và đội ngũ quản lý tài năng.

Ngoài ra cũng cần cân nhắc tỷ lệ giữa đầu tư phân tán và đầu tư tập trung: Phần lớn các triệu phú trẻ đều hiểu rõ nguyên tắc phân tán rủi ro trong đầu tư: “Không đựng tất cả trứng trong một cái rổ”. Là chuyên gia về đầu tư phân tán, John Templeton cho rằng: “Đầu tư phân tán không có nghĩa là phân tán tiền vốn vào cổ phiếu của các công ty trong nhiều ngành nghề khác nhau. Và, nếu sử dụng chiến lược đầu tư phân tán thì có thể bảo đảm mức an toàn cao”. Tuy nhiên, nhiều triệu phú trẻ vẫn tán thành nguyên tắc đầu tư tập trung.

Nhà đầu tư tập trung Warren Buffett nói: “Đầu tư quá phân tán không phải là một chiến lược hiệu quả. Đối tượng đầu tư của chúng tôi là các công ty tốt. Có người lắp một lúc nhiều điện thoại để thường xuyên nghe, gọi, và dán mắt vào bảng giá cổ phiếu. Dù bạn có ba đầu sáu tay cũng không kham hết được từng ấy việc. Chúng tôi suy nghĩ và hành động hoàn toàn khác với số đông”.

Trên thực tế Warren Bufett đầu tư tập trung vào khoảng 10 loại cổ phiếu. Ông chịu ảnh hưởng sâu bởi phương thức đầu tư của nhà kinh tế học những năm 30, đồng thời là nhà đầu tư xuất sắc Keins.

Như vậy, bỏ tất cả trứng vào một rổ hay nhiều rổ không phải là căn cứ vào số lượng chủng loại đầu tư. Vấn đề là năng lực phán đoán của bạn vào điểm mạnh yếu của từng nguyên tắc.

Warren Bufett nói: “Nếu hiểu từng chủng loại đầu tư thì đầu tư tập trung sẽ mang lại hiệu quả cao. Còn suy nghĩ cho rằng đầu tư phân tán vào các chủng loại mà mình chưa hiểu rõ sẽ hạn chế được rủi ro - là một suy nghĩ sai”.

Nhìn chung, các triệu phú trẻ thiên về hướng chọn cổ phiếu tốt và tập trung đầu tư. Một số khác thì chọn giải pháp điều chỉnh có hiệu quả cả hai hai nguyên tắc đầu tư này.

Hãy mạnh dạn đầu tư vào cổ phiếu tốt

“Nếu giá cổ phiếu bạn đang nắm trong tay hạ xuống 8-10% thì nên bán ngay để giảm tổn thất”.

“Nếu giá cổ phiếu tăng lên hai lần thì tôi bán ngay”.

“Sau hai năm mua vào tôi mới tính đến chuyện bán cổ phiếu ra”.

Theo tỷ phú Kim Jin Hyouing, tác giả của những lời khuyên trên không phải là một nhà đầu tư chứng khoán thực thụ. Kim nói: “Nếu bạn không thể “bình chân như vại” khi giá cổ phiếu tụt xuống còn chỉ 50% thì ngay từ đầu bạn đừng nghĩ tới chuyện đầu tư chứng khoán”.

Đối với các nhà đầu tư cổ phiếu chuyên nghiệp, họ không kiếm tiền nhờ ở sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Họ kiếm tiền thông qua việc sở hữu cổ phiếu. Chẳng hạn, họ chỉ tập trung vào các cổ phiếu tốt, có mức sinh lợi cao và sự ổn định lớn (còn gọi là cổ phiếu blue-chip). Họ không mua vào bán ra mà mua để tích lũy. Họ muốn sở hữu cổ phiếu càng lâu càng tốt, có khi suốt đời, để hưởng thụ thành quả của nó.

Là người rất được kính trọng, nhà quản lý quỹ xuất sắc nhất tại Wall Street, Peter Lynch nói:

“So với người mua vào bán ra cổ phiếu, người mua và giữ cổ phiếu sẽ hưởng được lợi nhiều hơn.”

Vậy các triệu phú trẻ Hàn Quốc có bán ra các cổ phiếu do họ sở hữu không, và bán ra vào lúc nào? Họ chỉ bán cổ phiếu ra thị trường khi “tình hình bên trong” của một công ty tiếp tục trở nên xấu đi. Bằng ngược lại, dù giá cổ phiếu tăng lên hay giảm xuống 50% thì họ cũng tiếp tục sở hữu cổ phiếu đó.

Triệu phú trẻ Seol Dong Woong giải thích: “Nếu đầu tư cổ phiếu bằng tiền nhàn rỗi thì bạn có thể giữ cổ phiếu ấy lâu dài. Đồng tiền đó sẽ mang lại cho bạn giá trị của thời gian. Và thời gian ắt hẳn sẽ giúp bạn tạo ra nhiều của cải hơn”. Lịch sử hàng trăm năm đầu tư cổ phiếu châu Âu, Mỹ và hàng chục năm ở Hàn Quốc cũng đã minh chứng cho điều đó.

6 sai lầm lớn nhất trong đầu tư

Nhà đầu tư nên tránh: quá tự tin, nghe theo đám đông, tính toán sai thời điểm thị trường, quá tự tin vào khả năng kiểm soát tình hình, không hạn chế chi phí đầu tư…

1. Quá tự tin

Tại hai trường đại học nổi tiếng – đại học Yale và Princeton, các chuyên gia tâm lý học thường phát cho sinh viên bản câu hỏi về họ so sánh bản thân họ với bạn học như thế nào. Ví dụ, sinh viên được hỏi: “Bạn có giỏi hơn bạn học của mình không?”

Nhìn chung, số đông trả lời họ tốt hơn. Ngay cả khi được hỏi về sức khỏe, trên phương diện này người ta sẽ khó để che giấu bán thân hơn, sinh viên vẫn luôn cho rằng họ tốt hơn người khác. Họ coi họ như những vũ công khá, bạn bè tốt và nhiều hơn thế.

Tâm lý tương tự có thể áp dụng trong đầu tư. Những năm gần đây, một nhóm chuyên gia tâm lý học và kinh tế tài chính đã tạo ra lĩnh vực mới chuyên nghiên cứu về hành vi của nhà đầu tư tài chính.

Nghiên cứu của họ cho thấy không phải khi nào chúng ta cũng có hành vi hợp lý. Chúng ta thường quá tự tin. Nếu chúng ta đầu tư thành công một phi vụ nào đó, chúng ta có xu thế coi đó là kỹ năng đầu tư giỏi chứ không phải do may mắn.

Giống như thời điểm năm 2000, người ta dễ lừa dối rằng họ là nhà đầu tư đại tài khi cổ phiếu Internet tăng gấp đôi và sau đó lại gấp đôi thêm một lần nữa.

Để giải quyết vấn đề này, hãy nghĩ về những người chơi tennis nghiệp dư. Những người biết điều khiển quả bóng một cách đều đặn, không có cú đánh đột phá nào thường là người chiến thắng. Và tương tự như vậy, người mua và nắm giữ cổ phiếu, duy trì một danh mục đầu tư đa dạng qua nhiều thời điểm của thị trường sẽ là người có khả năng đạt được mục tiêu dài hạn của mình.

2. Nghe theo đám đông

Người ta cảm thấy an toàn với những con số. Nhà đầu tư thường ngày một lạc quan hơn, và vì thế vô thức đưa ra quyết định tiềm ẩn rủi ro cao, đẩy thị trường tăng điểm mạnh và hưng phấn quá mức. Đó là tại sao bong bóng đầu cơ tự nó phình to ra.

Thế nhưng bất kỳ chiến lược đầu tư nào đã trở thành chủ đề bàn tán phổ biến trong nhóm bạn bè hay được giới truyền thông ủng hộ nhiều khả năng sẽ không thành công. Trong lịch sử, một số những lỗi lầm đầu tư lớn nhất được đưa ra bởi nhóm người đã bị cuốn theo trong bong bóng đầu tư.

Bong bóng hoa tulip tại Hà Lan những năm 1630, bất động sản thập niên 1980, cú sốc Internet tại Mỹ cuối thập niên 1990, người ta khi đó thường nghe và hành động theo đám đông với hy vọng : “Lần này sẽ khác”, người ta đã mắc những lỗi đầu tư rất lớn.

Tâm lý phấn chấn quá mức khiến nhà đầu tư chấp nhận rủi ro lớn hơn, hành vi tự hủy hoại khiến nhiều người bán tháo cổ phiếu ở mức đáy của thị trường khi tâm lý bi quan thắng thế.

Quý 4/1999 và quý 1/2010, nguồn tiền vào các quỹ đầu tư chứng khoán lên cao hơn bao giờ hết. Phần lớn tiền được rót vào cổ phiếu công nghệ cao và Internet, cuối cùng thị trường ngã ngửa khi cổ phiếu nhóm ngành trên đã bị định giá quá mức, sau đó cổ phiếu nhóm ngành này tuột dốc thê thảm.

Đến quý 3/2002, tiền ra khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán lại nhiều hơn bao giờ hết, các quỹ đầu cơ khốn khổ khi thị trường rơi vào trạng thái “chú gấu”.

Giá cổ phiếu của ngày hôm nay hay năm sau không có nhiều ý nghĩa, giá cổ phiếu khi bạn bán mới là yếu tố quan trọng. Đối với phần lớn nhà đầu tư, ngay cả khi người đó nghỉ hưu vào tuổi 60, khả năng bạn có thể sống thêm 25 năm hay người bạn đời của bạn sống lâu hơn bạn là hoàn toàn có thể. Vì thế đừng để đám đông lừa bạn vào trạng thái lạc quan hay bi quan quá mức.

3. Tính toán sai thời điểm thị trường

Việc tính toán về thời điểm của thị trường, chi phí của việc cân nhắc lại khi đầu tư trên thị trường, có thể tạo ra khác biệt?

Mức lợi tức được tính là nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu sẽ kiếm được bao nhiêu tiền bằng việc rót tiền vào thị trường ở thời điểm khởi đầu và sau đó duy trì tiền đầu tư qua cả thời kỳ thị trường tốt, xấu. Lợi tức thực tế của nhà đầu tư ít nhất giảm đi 2% bởi thông thường họ hay đầu tư khi giá gần lên đỉnh và rút ra khi giá gần xuống đáy.

Ngoài việc mất tiền do tính toán sai thời điểm thị trường, nhà đầu tư mất tiền còn bởi chọn sai cổ phiếu. Cuối năm 1999 và đầu năm 2000, tiền được rót vào các quỹ đầu tư chứng khoán, phần lớn tiền được dành cho các quỹ đầu tư mạo hiểm hơn – đầu tư vào cổ phiếu công nghệ cao và Internet.

Sau đó khi giá cổ phiếu giảm sâu, mức chênh lệch giữa tăng trưởng chung của thị trường còn cao hơn mức 2%.

4. Quá tin vào khả năng tự kiểm soát tình hình

Các chuyên gia tâm lý học cũng chỉ ra một xu thế: người ta thường cho rằng họ có khả năng kiểm soát đối với các sự kiện nhiều hơn quá nhiều so với khả năng thực tế của họ. Như vậy nhà đầu tư có thể đánh giá quá mức một cổ phiếu đang đi xuống thảm hại trong danh mục đầu tư.

Họ có thể tự tưởng tượng ra xu thế trong khi thực tế điều đó không tồn tại, hoặc họ tin rằng họ có thể phát hiện ra xu thế trong một mô hình cổ phiếu và dự báo về tương lai. Trên thực tế, biến động của cổ phiếu có phần mang tính ngẫu nhiên. Không có cách nào có thể dự đoán được diễn biến giá cổ phiếu trong tương lai dựa trên biến động trong quá khứ của nó.

Một sai lầm tương tự cũng dùng để áp dụng với các yếu tố mùa, dù yếu tố đã đúng trong nhiều thập kỷ. Một khi ai cũng biết rằng thị trường sẽ tăng điểm ở thời điểm Giáng Sinh (từ Giáng Sinh cho đến năm mới), mô hình đó sẽ không còn hiệu lực nữa.

Nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu 1 ngày trước Giáng sinh và bán một ngày trước ngày cuối cùng của năm để chốt lời. Thế nhưng sau đó nhà đầu tư có thể sẽ phải mua sớm hơn và bán sớm hơn 2 ngày trước thời điểm ngày cuối năm. Vì thế tất cả hành vi mua vào cổ phiếu diễn ra trước Giang sinh và làn sóng bán có thể ở ngay thời điểm Giáng sinh.

Bất kỳ xu thế biến đông nào của thị trường đã bị phát hiện ra sẽ không thể kéo dài bởi quá nhiều người muốn tận dụng nó.

5. Không biết hạn chế chi phí đầu tư


Có một lời khuyên trong đầu tư mà nếu nghe theo, bạn có thể tăng được lợi nhuận một cách bền vững: Hạn chế đến mức tối thiểu chi phí đầu tư. Chúng ta đã dành nhiều thời gian nghĩ về việc tại sao giám đốc đầu tư các quỹ tương hỗ nào có lợi nhuận tốt nhất, thực tế điều đó chẳng mang lại ích lợi nào.

Thành tích trong quá khứ chẳng là yếu tố đáng tin cậy nào để dự báo về tương lai. Yếu tố giúp dự báo về hiệu quả đầu tư chính là mức phí mà giám đốc đầu tư tính cho bạn. Phí để nhận được lời khuyên càng cao, lợi tức càng thấp.

Chúng tôi đã xem xét tất cả các quỹ tương hỗ hoạt động trong khoảng thời gian 15 năm qua và tỷ lệ lợi nhuận họ mang lại cho nhà đầu tư, ngoài ra là chi phí mua và bán lượng cổ phiếu nắm giữ. Những quỹ tính chi phí thấp mang lại lợi nhuận cao nhất.

Vì thế nếu muốn có một quỹ tương hỗ với chất lượng đầu tư tốt, hãy tìm đến quỹ tính chi phí thấp nhất. Nếu tính đến lợi nhuận sau thuế, những quỹ mang lại lợi nhuận cao thường rất hiệu quả trong các vấn đề thuế, kết luận của chúng tôi còn có ý nghĩa hơn.

6. Quá tin vào môi giới chứng khoán

Công việc thực tế của người môi giới chứng khoán không phải là kiếm tiền cho nhà đầu tư mà là kiếm tiền từ nhà đầu tư. Những người môi giới thường rất hữu hảo vì một lý do: họ sẽ có thêm việc làm. Một người môi giới thường làm việc với khoảng 75 khách hàng với tổng tiền đầu tư khoảng 40 triệu USD (hãy nghĩ xem bạn có bao nhiêu bạn bè và bạn mất bao nhiêu thời gian để củng cố những mối quan hệ đó). Tùy thuộc vào thỏa thuận của người môi giới đó với công ty anh ta, thường, người môi giới đó kiếm được khoảng 40% từ những khoản hoa hồng mà nhà đầu tư chi trả.

Như vậy nếu anh ta muốn có thu nhập 100 nghìn USD, anh ta cần khách hàng chi trả mức hoa hồng 250 nghìn USD. Nếu anh ta cần thu nhập 200 nghìn USD, anh ta cần 500 nghìn USD tiền hoa hồng từ khách.

Điều này đồng nghĩa với người môi giới đó cần kiếm tiền từ bạn và những khách hàng khác nữa. Tiền đi từ túi bạn sang túi anh ta. Đó là tại sao làm bạn với một người làm nghề môi giới có thể là rất đắt. Người môi giới chỉ có một mục tiêu trọng tâm: đẩy bạn hành động, đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Trải nghiệm đối với phân tích kỹ thuật 2009

Năm 2009 là một năm có nhiều biến động của VN-Index nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Đây cũng là năm đem lại nhiều trải nghiệm đối với những người thực hiện công việc phân tích kỹ thuật. Một số kỹ thuật phân tích bắt đầu có hiệu quả ngày càng cao trên thị trường. Những tín hiệu mâu thuẫn trong quá trình phân tích cũng đã để lại nhiều kinh nghiệm thú vị.
Dự báo thị trường, đặc biệt đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam, là một công việc khó khăn. Việc nhìn lại những tín hiệu kỹ thuật trong năm 2009 có thể giúp rút ra nhiều điều bổ ích cho hoạt động dự báo thị trường trong năm 2010 và tương lai.

Những diễn biến đáng chú ý trong năm 2009

Tháng 07 và tháng 12/2009 có thể coi là những giai đoạn bi quan của thị trường. Cổ phiếu bị bán tháo và sự hoảng loạn của thị trường khiến cho các chỉ số kỹ thuật liên tục duy trì tại vùng “bán quá mức” (oversold). Đó cũng là những giai đoạn mà hầu như các dự báo bi quan trở nên phổ biến trong những người làm phân tích kỹ thuật. Khi đó, vùng 360 – 400 của VN-Index được đề cập như là những ngưỡng hỗ trợ cuối cùng. Diễn biến thực tế trên thị trường cho thấy, với những divergence xuất hiện liên tục, cộng với sự tồn tại của các ngưỡng hỗ trợ của Fibonacci và một sự tích luỹ đủ dài về thời gian đã kéo theo những chu kỳ tăng điểm ấn tượng sau đó.
Đối nghịch với hai giai đoạn trên là tháng 10/2009. Có thể nói đây là giai đoạn thể hiện khá rõ nét sự hưng phấn quá mức của tâm lý thị trường. Cũng trong giai đoạn này, thị trường rơi vào trạng thái “lạc quan quá mức” và một nhận định dường như được chấp nhận rộng rãi rằng VN-Index hầu như không có “ngưỡng cản trên” và mục tiêu 800 hoặc thậm chí 1,000 điểm là có thể sớm đạt được. Nhưng việc tăng điểm quá nóng của VN-Index đã làm cho một chu kỳ giảm điểm đến sớm ngay sau đó, với mức độ điều chỉnh đáng kể.
Trong khi đó, giai đoạn tháng 01 – 03/2009 có thể coi là “điểm mù” (blind spot) của phân tích kỹ thuật khi mà hầu như các chỉ báo kỹ thuật đều không cho nhiều tác dụng hữu ích. Điều này một phần không nhỏ là do tác động của tâm lý hoảng loạn sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Trong giai đoạn tháng 04 – 05/2009, việc tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường trở nên khá dễ dàng hơn. Khi đó, sự nhìn nhận về sóng Elliott thứ 3 trở nên rõ ràng hơn và sự hình thành Head & Shoulder Pattern (Mẫu hình vai – đầu – vai) cũng góp phần khẳng định một xu hướng tăng vững chắc.
Tất cả các giai đoạn đáng chú ý này đều đem lại nhiều kinh nghiệm hữu ích cho những người làm phân tích kỹ thuật nói riêng và nhà đầu tư nói chung. Trước hết có thể kể đến các divergence.

Tác dụng dự báo của bearish và bullish divergence
Ở những thị trường mới nổi như Việt Nam, Trung Quốc…, tâm lý nhà đầu tư thường diễn biến một cách thái quá. Vì vậy, việc dự báo các chỉ số như VN-Index, Hang Seng Index hay Shanghai Composite Index đơn thuần dựa vào các vùng overbought, oversold của RSI, MFI, CMF… có thể không đem lại hiệu quả cao. Thực tế là khi các chỉ số này tiến vào những vùng như vậy, việc tăng hoặc giảm giá dường như không diễn ra ngay lập tức. Thay vào đó, xu hướng hiện tại có thể duy trì thêm một thời gian. Nếu áp dụng một cách cứng nhắc nguyên tắc “mua tại vùng oversold và bán tại vùng overbought” thì chúng ta có thể bị rơi vào tình trạng bán non cổ phiếu hoặc bắt đáy quá sớm.
Một kỹ thuật tỏ ra có hiệu quả trong việc dự báo là ứng dụng bearish và bullish divergence. Trong năm 2009, Relative Strength Index (RSI) đã xuất hiện 3 lần phân kỳ quan trọng. Dựa vào các tín hiệu này, việc dự báo biến động giá trong một tương lai khá xa là có thể thực hiện được.


Tháng 07/2009, RSI xuất hiện bullish divergence. Khi VN-Index liên tục tạo đáy thấp hơn thì chỉ số này liên tục tạo ra những đáy cao hơn. Điều này hàm ý lực của thị trường đã bắt đầu có những cải thiện đáng kể dù chỉ số thị trường vẫn đang đi xuống. Kết quả sau đó cho thấy một chu kỳ tăng giá mạnh mẽ và kéo dài suốt 3 tháng.
Trường hợp của tháng 10/2009 thì ngược lại. Hiện tượng “triple bearish divergence” xuất hiện. Không chỉ thiết lập hai đỉnh thấp hơn trong tháng 10/2009 mà RSI còn thiết lập ba đỉnh thấp dần đều nếu xét toàn bộ giai đoạn tháng 08 – 10/2009. Tín hiệu này góp phần khẳng định cho sự kết thúc của sóng Elliott thứ 5 của sóng 1 lớn để bắt đầu bước vào 3 sóng hiệu chỉnh a, b, c của sóng 2 lớn.
Gần đây nhất là giai đoạn giữa tháng 12/2009. Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ khác như Fibonacci, SMA, … thì bullish divergence của RSI cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp những người phân tích kỹ thuật dự báo đợt tăng giá vừa qua.

Converging zone tạo thành support và resistance zone vững chắc
Quay trở lại giai đoạn tháng 07/2009, thị trường dường như rất dễ rơi xuống vùng 360 điểm sau khi lần lượt khá nhiều ngưỡng hỗ trợ quan trọng bị phá vỡ. Sự tin tưởng vào các ngưỡng chống đỡ Fibonacci bị lung lay.


Tuy nhiên, vùng 410 - 420 là một trong những converging zone hiếm hoi xuất hiện trong năm vừa qua. Bên cạnh bullish divergence đã hình thành của RSI, vùng giá này cũng có thêm 3 yếu tố kỹ thuật hỗ trợ.
Fibonacci Retracement 38.2% của chu kỳ lớn và 50.0% của chu kỳ nhỏ chính là điểm gặp nhau giữa các nhà đầu tư ngắn hạn và dài hạn trên thị trường. Nhà đầu tư dài hạn sẽ tham gia thị trường tại điểm Fibonacci Retracement 38.2% dài hạn vì độ dốc của đường giá trên 30 độ cho thấy khả năng thoái lùi về mức này rất lớn. Nhà đầu tư ngắn hạn cũng sẽ bắt đầu tham gia thị trường ở vùng giá được xác định bởi Fibonacci 50.0% và 61.8%. Nếu các ngưỡng này bị phá vỡ thì giá sẽ thoái lùi về vùng 300 – 320 điểm, khi mà những ngưỡng cản cuối cùng trong ngắn hạn bị phá vỡ.
Yếu tố thứ ba đã hỗ trợ cho VN-Index là Midterm Support Trendline. Đường này cũng góp phần hỗ trợ cho đường giá tại vùng 410 – 420 điểm. Sự hội tụ của 3 yếu tố này tạo thành một support zone có mức độ tin cậy cao.

Hiện tượng pullback và failure pattern
Head & Shoulder Failure xuất hiện trên Dow Jones vào tháng 07/2009 đã phần nào khiến những người làm phân tích kỹ thuật nghi ngờ về độ tin cậy của Head & Shoulder Pattern của VN-Index vào cuối tháng 11/2009. Sự nghi ngờ này không phải là không có cơ sở khi mà cả hai chỉ số này đều chạm vào Fibonacci Retracement 38.2% dài hạn rồi sau đó bật lên mạnh mẽ.


Tuy vậy, thực tế cho thấy có hai điểm khác biệt. Trong trường hợp của Dow Jones, đường neckline hướng lên trên và tại breakpoint không có sự đột biến lớn về khối lượng. Trong khi Head & Shoulder Pattern của VN-Index có hệ số góc của neckline là -17.959 độ và con số 60,888,832 đơn vị có thể coi là đột biến so với mức trung bình 50,072,864 của 5 phiên trước đó.


Điểm khác biệt thứ hai nằm ở những đường trung bình động (Moving Average) – một trong những công cụ đơn giản nhất và cũng hiệu quả nhất của phân tích kỹ thuật. Khi hiện tượng pullback xảy ra vào giai đoạn 27/11/2009 – 02/12/2009 (giai đoạn khiến rất dễ liên tưởng đến một Head & Shoulder Failure) thì có một tín hiệu khác cũng xảy ra, đó là sell signal của SMA 25-days và SMA 100-days. Hai tuần trước đó sell signal của SMA 25-days và SMA 50-days cũng đã xảy ra. Điều này không xuất hiện trên Dow Jones và kết quả là VN-Index đã phải đạt đến mức giá mục tiêu của Head & Shoulder Pattern (430 điểm) mới có thể quay đầu tăng điểm mạnh trở lại.
Nhìn chung, việc nhìn lại quá trình phân tích kỹ thuật trong năm 2009 có thể cung cấp cho chúng ta hai trải nghiệm chủ yếu.
Thứ nhất, việc sử dụng đơn lẻ và cứng nhắc một công cụ là điều không nên làm trong phân tích kỹ thuật, vì tất cả các công cụ kỹ thuật đều tồn tại các “điểm mù” riêng. Thay vào đó, sự tương quan và bổ trợ của những công cụ khác tỏ ra cần thiết và hữu hiệu để dự báo thị trường.
Thứ hai, những biến động giá ngắn hạn thường bị áp đảo bởi những xu hướng dài hạn. Việc quá quan tâm vào những dao động giá hàng ngày có thể làm nhà đầu tư xao lãng một yếu tố quan trọng của phân tích kỹ thuật, đó là xu hướng của thị trường. Vì vậy, việc xác định xu hướng dài hạn nên được ưu tiên hàng đầu trong hành trình tìm kiếm lợi nhuận ở một thị trường mới nổi đầy biến động như Việt Nam.