Tuesday, September 23, 2008

Những giấc mơ tan theo cổ phiếu

Năm 2007, các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc được đánh giá là khôn ngoan, gặt hái thành công hàng đầu. Nhưng năm nay, số nhà đầu tư chứng khoán thất bại cũng đạt kỷ lục.

Hy vọng tiêu tan, tiền bạc dành dụm mất trắng, gia đình tan vỡ, nhiều người tự tử, các nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc mong chờ chính sách cứu nguy của chính phủ… “Các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ tiếp tục rời xa thị trường chứng khoán (TTCK)”. Đó là nhận định về những người chơi cổ phiếu Trung Quốc trong năm 2008 của ông Zhang Qi, nhà phân tích chứng khoán tại Thượng Hải.

Năm 2007, hàng triệu người Trung Quốc dốc hầu bao vào chứng khoán. Theo khảo sát của ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trên 20.000 gia đình sống ở 50 thành phố lớn, hơn 40% người dân quan tâm đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ hơn là gởi tiền vào ngân hàng.

Phụ nữ trung lưu và người hưu trí là những nạn nhân đáng thương khi thị trường chứng khoán Trung Quốc xuống dốc từ đầu năm 2008 đến nay. Một nhà đầu tư chứng khoán đọc thông tin trên bảng điện tử tại sàn Vũ Hán ngày 3.9.2008. (Ảnh: Reuters)

Tại Thượng Hải, hàng chục văn phòng môi giới mới ra đời, trung bình mỗi ngày có 90.000 tài khoản mua bán chứng khoán đăng ký mới. Tháng 4.2007, Trung Quốc có 96 triệu nhà đầu tư, tăng gấp ba lần so với 4.2006. Anh Vương, nhân viên một văn phòng chính phủ ở Quảng Châu cho biết 90% nhân viên phòng anh đầu tư vào chứng khoán.

Suốt thời gian nghỉ trưa, cả văn phòng chỉ nói chuyện về chứng khoán. Người ta bỏ ngày nghỉ lễ, bỏ đi du lịch để tham gia lớp tìm hiểu chứng khoán. Có những người thắng hàng triệu nhân dân tệ sau một đêm, có những bệnh nhân khỏi bệnh nhờ nghe tin giá cổ phiếu đầu tư tăng. Thậm chí sư sãi trong chùa cũng đầu tư chứng khoán để kiếm tiền làm từ thiện.

Tháng 4.2007, 21 tỉ USD tiền gởi từ ngân hàng chảy vào TTCK, và trong tháng 5 là 37 tỉ USD. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngày 10.5.2007, vòng quay của một ngày trên sàn chứng khoán Thượng Hải đạt hơn 52 tỉ USD, qua mặt các thị trường trên thế giới. Theo ngân hàng Thế giới, giá trị TTCK Trung Quốc tăng gấp ba lần từ năm 2005 đến 6.2007.

Đợt suy thoái đầu tiên của năm 2008 bắt đầu từ phiên giao dịch ngày 27.2, khi chỉ số Shanghai và Shenzhen 300 giảm tới 250,18 điểm (9,2%). Các nhà đầu tư vội vã bán tháo cổ phiếu, trị giá lên tới 107,8 tỉ USD. Theo khảo sát của công ty cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn quốc tế Bắc Kinh, 92,51% nhà đầu tư chứng khoán cá nhân thua lỗ trong nửa đầu năm 2008 (trong đó hơn 60% lỗ hơn phân nửa), 4,34% có lời và 3,15% hoà vốn.

Nạn nhân của thua chứng khoán không thể kể hết. Ông Zhang Zhiqiang, 65 tuổi, cho biết, tài khoản tiết kiệm trị giá 88.000 USD của ông được đầu tư vào chứng khoán một năm trước đến nay chỉ còn giá trị một nửa. Bây giờ ông mất ăn mất ngủ và không muốn về nhà sợ phải nghe vợ la mắng vì ông thua lỗ.

Anh Wang, 36 tuổi, đổ hết 15.000 USD để dành tính mua nhà và cưới vợ vào chứng khoán, nhưng trắng tay sau sáu tháng. Tháng 2.2008, anh tự tử nhưng được cứu sống. Một kỹ sư tên Li nhảy từ tầng bảy của toà nhà văn phòng tại Thành Đô sau khi mất khoản lớn. Một chủ tiệm kem 30 tuổi tại tỉnh Sơn Đông cũng nhảy lầu sau khi lỗ 1/3 trị giá vốn đầu tư 4.500 USD của mình…

Một nhà đầu tư tại Trung Quốc mô tả trên blog của mình về thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện nay “thấm đẫm nước mắt và máu của người đầu tư”.

Saturday, September 20, 2008

Cấp cứu Thị trường CKVN và việc cấp cứu Ngân hàng đầu tư Bear Sterns

Hôm Chủ Nhật 16, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ bất ngờ dàn xếp việc cấp cứu Ngân hàng đầu tư Bear Sterns. Biện pháp đặc biệt ấy được dư luận khắp nơi chú ý vì tin Bear Sterns lâm khủng hoảng khiến các thị trường tuột giá mạnh và dẫn tới viễn ảnh sụp đổ hệ thống tài chính và ngân hàng của các nước.

Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu nội vụ với những phân tích liên hệ đến việc cấp cứu thị trường chứng khoán của Việt Nam. Cuộc trao đổi sau đây với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện.

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, việc hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ tung ra giải pháp cứu vớt ngân hàng đầu tư Bear Sterns đã được dư luận cho là một biện pháp bất thường.

Trong chương trình tuần này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về bối cảnh, nguyên nhân và hậu quả của biện pháp cấp cứu ấy, rồi qua phần so sánh với biện pháp cấp cứu thị trường chứng khoán của Tổng công ty Quản lý vốn nhà nước SCIC do Việt Nam mới ban hành vào Thứ Năm mùng sáu vừa qua. Trước hết, về bối cảnh vấn đề, ngân hàng Bear Sterns là gì và vì sao cần cấp cứu?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Được thành lập từ năm 1923, đây là ngân hàng đầu tư và giao dịch chứng phiếu có tầm hoạt động toàn cầu và là ngân hàng đứng hàng thứ năm của Hoa Kỳ, với thương vụ hơn 16 tỷ tính đến cuối năm ngoái.

Trong các tổ hợp đầu tư tài chính, Bear Sterns thuộc loại liều lĩnh nhất, vì lấy rủi ro cao nhất, qua việc đầu tư vào loại tín dụng thứ cấp, gọi là sub-prime, của thị trường gia cư. Khi thị trường ấy bị đình đọng từ đầu năm ngoái, Bear Sterns bắt đầu gặp khó khăn và trái bóng tín dụng thứ cấp bị bể đã khiến hai quỹ đầu tư đối xung, hay hedge fund, của ngân hàng này bị phá sản vào tháng Sáu năm ngoái.
Nhưng từ đó về sau, tình hình vẫn không cải thiện mà vụ khủng hoảng tín dụng thứ cấp đã lan rộng thành khủng hoảng tín dụng vì các cơ sở tài chánh đều hạn chế cho vay và gây ra nạn cạn kiệt thanh khoản và ách tắc tín dụng. Những tin xấu liên tục ấy khiến cổ phiếu Bear Sterns mất giá đều. Nhưng tình hình trở thành trầm trọng từ Thứ Ba tuần qua khi có tin đồn là Bear Sterns thiếu hiện kim, là tiền mặt. Tình hình thành nguy kịch vào Thứ Sáu 14 vì trong có hai ngày, cổ phiếu của ngân hàng mất giá tới hơn 90%.

Biện pháp can thiệp

Việt Long: Và vì vậy mà Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ mới phải vào can thiệp hôm Chủ Nhật. Thưa ông, biện pháp can thiệp ấy gồm có những gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Cùng phối hợp với bộ Ngân khố, là bộ Tài chính Hoa Kỳ, và ngân hàng JPMorgan Chase, Ngân hàng Trung ương Mỹ cho phép JPMorgan mua lại cổ phần của Bear Sterns với giá cực rẻ là hai đồng một cổ phiếu, tức là có 1% so với giá thị trường của Bear Serns mới hai tuần trước.

Ngân hàng Trung ương Mỹ còn ứng ra ngân khoản 30 tỷ trên các tài sản kém lưu hoạt của Bear Sterns để JPMorgan có thể ứng phó với nhu cầu thanh khoản. Cũng ngày Chủ Nhật, Ngân hàng Trung ương Mỹ còn hạ lãi suất thế chấp, là tiền lời các ngân hàng thiếu hiện kim phải trả khi cần vay ngắn hạn của Ngân hàng Trung ương.

Việt Long: Nói một cách dễ hiểu thì Ngân hàng Trung ương Mỹ đã giúp JPMorgan mua lại Bear Sterns, phải chăng là để một ngân hàng đứng hạng thứ năm của Mỹ khỏi sụp đổ? Nhưng vì sao mà một ngân hàng cổ xưa và vững chãi như vậy lại bị vỡ nợ và bán tháo?

Ngân hàng Bear Sterns còn nhiều tài sản có giá trị, kể cả trụ sở là một cao ốc trị giá hơn một tỷ ở giữa New York. Nhưng trước mắt là hết thanh khoản và nếu thân chủ hốt hoảng vì tin xấu cứ loan truyền mà kéo đến đòi tiền về thì từ tình trạng thiếu thanh khoản có thể bị vỡ nợ nhất thời, sau đó là phá sản. Đó là vấn đề kỹ thuật của ngân hàng trong một bài toán kinh tế vĩ mô của nạn cạn kiệt thanh khoản vì khủng hoảng tín dụng.

Việt Long: Trong một kỳ trước, ông có nói đến hiện tượng ông gọi là "ỷ thế làm liều" mà kinh tế học gọi là moral hazard. Bây giờ, khi ngân hàng Bear Sterns kinh doanh liều lĩnh và sắp bị vỡ nợ thì lại được Ngân hàng Trung ương Mỹ nhảy vào cấp cứu. Quyết định ấy có gây ra phản ứng tâm lý là cứ làm liều rồi sẽ được Chính quyền cứu giúp hay chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa không hẳn vậy và đây là một khía cạnh lý thú của vấn đề. Vì quản trị rủi ro quá kém, ngân hàng Bear Sterns có thể lâm vào cảnh vỡ nợ kỹ thuật và tài sản rất lớn bị sụt giá mỗi ngày. Cách đây một năm, cổ phiếu của họ trị giá gần 160 đồng, tuần qua phải bán tháo với giá rẻ mạt là hai đô la. Tức là các nhà đầu tư bất cẩn đã bị thị trường trừng phạt.

Khi Ngân hàng Trung ương nhảy vào cấp cứu thì đấy không phải cấp cứu nhà đầu tư - bề nào cũng bị lỗ rồi - mà để duy trì hoạt động của Bear Sterns hầu tránh gây hốt hoảng khiến ngân hàng phá sản và các thân chủ của Bear Sterns bị vạ lây. Tóm tắt là để chặn đứng một vụ khủng hoảng dây chuyền từ Bear Sterns lây lan ra các cơ sở khác. Vì vậy, việc cấp cứu được tiến hành rất nhanh để hoàn tất trong ngày Chủ Nhật, trước khi các thị trường Á châu mở cửa vào sáng Thứ Hai.

Hôm Thứ Hai, Bears Sterns vẫn mở cửa tiếp khách và cổ phiếu giao dịch đã nhích giá được hai đồng 84 xu, và sau khi tuột giá nặng vào lúc mở cửa thì thị trường chứng khoán New York đã tạm hồi phục vào buổi chiều Thứ Hai. Qua ngày Thứ Ba thì tăng vọt từ khi mở cửa trước dự kiến là Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ còn hạ lãi suất mạnh để kích cầu.

Bài học cho Việt Nam

Việt Long: Điều ấy sẽ dẫn chúng ta qua bài toán của Việt Nam, nhưng trước đó, xin hỏi thêm một chi tiết là liệu biện pháp cấp cứu tuần qua có thể chặn được sự hốt hoảng và ngăn ngừa được cơn khủng hoảng tài chính tại Mỹ hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đó là câu hỏi đáng giá bạc triệu vì ai ai cũng muốn biết, nhất là các nhà đầu tư tài chính! Dư luận đang xôn xao nói về hoàn cảnh của một số ngân hàng đầu tư hay tổ hợp kinh doanh chứng phiếu, như nhà Lehman Brothers, nhưng khó ai biết trước được mọi sự.

Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ thì ta có thể đang chứng kiến một cuộc cách mạng về lối ứng phó của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ và điều ấy cho thấy sự trầm trọng của vấn đề. Cách ứng phó ấy là dàn xếp cho các ngân hàng thương mại có cơ cấu tài chính lành mạnh như JPMorgan Chase có thể mua rẻ những ngân hàng đầu tư bị nguy cơ vỡ nợ vì thiếu thanh khoản. Quyết định cấp cứu Bear Sterns vì vậy có thể là tiền lệ báo hiệu cho nhiều vụ sát nhập các ngân hàng đầu tư bấp bênh để vừa tránh nạn phá sản dây chuyền vừa chấn chỉnh lại hệ thống tài chính và ngân hàng của Hoa Kỳ cho vững mạnh hơn.

Nhìn trên toàn cảnh vĩ mô thì Ngân hàng Trung ương vừa hạ lãi suất như đã thấy và có khi duy trì lãi suất ở số âm, là dưới mức lạm phát 2,2%, từ nay đến cuối năm để kích cầu, đồng thời cũng bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng đang được chấn chỉnh để khai thông ách tắc tín dụng vì thiếu hiện kim. Những biện pháp đồng loạt ấy có thể giảm bớt nguy cơ suy trầm kinh tế đồng thời tránh được sự sụp đổ dây chuyền của các ngân hàng.

Việt Long: Sau khi tìm hiểu về biện pháp cứu vãn của Hoa Kỳ, giờ ta đi qua chuyện Việt Nam: có những tương đồng và dị biệt nào giữa vụ cấp cứu Bear Sterns và việc Tổng công ty đầu tư tài sản của nhà nước SCIC đang muốn cấp cứu thị trường chứng hoán hay chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoàn cảnh hai nước khác nhau. Hoa Kỳ muốn kích cầu để giảm thiểu nguy cơ suy trầm kinh tế đồng thời giải quyết vấn đề cạn kiệt thanh khoản. Việt Nam thì muốn đẩy lui lạm phát nhưng vì vậy mà trước mắt bị cạn kiệt thanh khoản. Thị trường chứng khoán Mỹ có sụt giá chừng 20% từ tháng 10 năm ngoái, chứ thị trường Việt Nam thì tuột mất nửa giá và vì nhiều lý cho chứ chẳng vì ngân hàng nhất thời bị thiếu thanh khoản.

Xin nói thêm rằng cơ sở đứng ra mua lại Bear Sterns là một ngân hàng tư nhân có cơ cấu tài chính vững vàng, với tài sản của tư nhân, từ nay vẫn do tư nhân quản lý. Chứ Ngân hàng Nhà nước hay bộ Tài chính Mỹ không lấy tiền thuế của dân đi cứu nhà đầu tư bất cẩn để sau đó giao cho công chức Mỹ quản lý cơ sở này như một ngân hàng quốc doanh. Khi Chính quyền Việt Nam tung ra biện pháp giải cứu bằng một doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty SCIC và vì những mục tiêu khác thì đấy là liều thuốc đổ bệnh mà ta cần nhìn cho ra.

Liều thuốc đổ bệnh

Việt Long: Ông có thể giải thích điều ấy cho rõ ràng hơn được không? Thế nào là liều thuốc đổ bệnh?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, chứng khoán Việt Nam sụt giá là chuyện tất yếu của thị trường vì giới đầu tư mong đợi quá nhiều điều không thực tế nên đã thổi lên một trái bóng đầu cơ sẽ phải bể. Không thực tế vì tiền lời của cổ tức không cao và nay có thể kém tiền lời của các trương mục tiết kiệm.

Rồi vì lạm phát bùng nổ sẽ đánh sụt mức lời của doanh nghiệp yết giá trên thị trường. Không thực tế vì các doanh nghiệp ấy lại lấy tiền đầu tư vào thị trường khác, kể cả nhà đất, theo kiểu đầu cơ. Đã thế, biện pháp ngăn ngừa lạm phát được ban hành đã nhất thời gây ra nạn cạn kiệt thanh khoản của ngân hàng, và việc đô la sụt giá rồi bị ứ đọng khiến dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán bị cạn. Và cơ bản nhất, các nhà đầu tư đi vào thị trường như vào sòng bạc nên mới bị lỗ nặng.

Bây giờ, vì muốn cứu vãn giới đầu cơ đó, người ta lấy tài sản công - là của công chúng - để bơm vào thị trường chứng khoán, như bơm vào một cơ thể hôn mê hầu tạo ra sự chuyển động cơ bản là giả tạo chứ không nhằm khôi phục mức sản xuất của các công ty yết giá trên sàn.

Nói vắn tắt là lại bơm tiền giúp cho một thiểu số vốn dĩ là có tiền nếu so với quảng đại quần chúng còn lại, nhưng cũng vì đó mà gây hậu quả bất lợi lâu dài cho mọi người. Trong khi lợi ích ngắn hạn là thổi phồng trị giá của cổ phiếu vẫn cũng không bền như ta đang thấy ngày nay.

Việt Long: Ông trở lại lý luận về liều thuốc đổ bệnh, thế đâu là những chứng bệnh có thể do giải pháp Tổng công ty Quản lý vốn đầu tư này gây ra?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Công ty này có cơ chế pháp lý mù mờ mà lại có quyền can thiệp vào thị trường theo chỉ thị của Thủ tướng cho nên việc can thiệp hay mua bán cổ phiếu không tuân thủ quy luật cung cầu khách quan khi mua hay bán cổ phiếu.

Vì vậy, sự can thiệp tiện thiện và hiển nhiên là thiếu chuyên môn sẽ làm giá cổ phiếu thăng giáng theo quy luật khác hơn quy luật thị trường và mất hẳn tính khả tín, đáng tin. Rồi cũng vì vậy mà tạo ra cơ hội tham nhũng hoặc nạn giao dịch nội tuyến, tức là chỉ có lợi cho một thiểu số có quan hệ, mà vẫn làm nhà đầu tư cò con có thể sạt nghiệp. Mà đó chỉ là một trong rất nhiều tệ đoan khác.

Việt Long: Nếu đã vậy, xin ông nói thêm cho rõ hơn là những tệ đoan gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vấn đề thứ hai là khi lấy công quỹ chuyển qua SCIC bơm vào thị trường thì Chính phủ Việt Nam mặc nhiên gây thêm khiếm hụt ngân sách, hoặc phải tăng thuế, trong khi lại thổi bùng lạm phát làm mọi người đều bị lây. Chẳng hạn như bơm tiền mãi mà chỉ số VN-Index không vượt qua ngưỡng 700 điểm thì lại bơm thêm và cứ như vậy sẽ lấy tiền ở đâu, hay là sẽ phải in tiền và đẩy thêm lạm phát?

Thứ nữa, khi SCIC tập trung một số tài sản tài chính như vậy thì sẽ mặc nhiên tăng cường vai trò của doanh nghiệp nhà nước và càng có nhu cầu trì hoãn việc cổ phần hóa hay tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước theo đúng với cam kết của Tổ chức WTO. Đồng thời, một số doanh nghiệp yết giá trên thị trường chứng khoán cũng sẽ có phản ứng ỷ thế làm liều, là đầu tư bất kể rủi ro, vì nghĩ rằng cuối cùng thì vẫn sẽ được Nhà nước hay Tổng công ty SCIC bơm tiền cấp cứu.

Kết cuộc thì đây là biện pháp bất công về xã hội, nguy hại về kinh tế và khiến thế giới phải xét lại mức độ tự do kinh doanh của Việt Nam khi Chính quyền có thể tùy tiện can thiệp vào thị trường và củng cố thêm vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

(Copy RFA)

SCSI can thiệp vào thị trường chứng khoán - Hiệu quả ngắn, Hệ quả dài?

Ngày 5 tháng Ba vừa qua, chính phủ Việt Nam ra văn bản gồm 19 giải pháp nhằm kìm chế lạm phát và giúp phát triển thị trường chứng khoán.

Trong khía cạnh phát triển thị trường chứng khoán đang lâm vào tình trạng ảm đạm trong những tháng qua, một tổng công ty có tên “Đầu Tư Kinh Doanh Vốn Nhà Nước,” gọi tắt là SCIC, sẽ cùng các cơ quan chức năng lên kế hoạch mua cổ phiếu trên thị trường.

Giới nghiên cứu và đầu tư nghĩ gì về việc nhà nước dùng ngân sách công để kích thích thị trường chứng khoán? Và liệu những câu hỏi liên quan đến sự vận hành minh bạch của công ty này sẽ được trả lời ra sao?

Giải pháp 19 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm mạnh trong các phiên giao dịch ngày 10 tháng Ba. Tuy nhiên chỉ trước đó ít hôm, tâm lý lo âu bao trùm giới đầu tư cả nước. Trước tình trạng này, chính phủ đã phải quyết định huỷ bỏ một cuộc hội thảo quốc tế quan trọng về đầu tư chỉ còn vài ngày nữa sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Và cũng chỉ trước đó ít hôm, con số tổng kết cho thấy chỉ số chứng khoán mất đúng một nửa kể từ tháng Ba năm ngoái đến nay.

Điều kỳ diệu nào đã xảy ra trong những ngày đầu tháng Ba?

Người ta tin rằng, điều kỳ diệu này đến từ chính phủ, bắt đầu vào đúng thời điểm chính phủ tuyên bố giải pháp 19 điểm vào ngày 5 tháng Ba để vừa kìm chế lạm phát, vừa giúp phát triển thị trường chứng khoán.

Tin báo chí trong nước viết rằng, trưa ngày 5 tháng Ba, ông Phó Chủ Tịch Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước Nguyễn Đoan Hùng thông báo là chính phủ đã ký văn bản với những điều khoản rất cụ thể. Và ngay sau khi nhận được 19 giải pháp của chính phủ, Uỷ Ban đã gặp gỡ trực tiếp Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh, kiêm Chủ Tịch Tổng Công Ty Đầu Tư Kinh Doanh Vốn Nhà Nước, gọi tắt là SCIC, lên kế hoạch về việc SCIC mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Giới chuyên gia hoài nghi

Trong khi giới đầu tư phấn khởi vì giá chứng khoán lên trở lại, một số nhà nghiên cứu bắt đầu đặt câu hỏi: SCIC có vai trò ra sao, sẽ mua cổ phiếu nào, sẽ tung ra bao nhiêu vốn? SCIC là ai mà có thể tạo ảnh hưởng nhanh chóng đến như vậy?

Có những câu hỏi khác, tế nhị hơn, thì lại ít được nhắc đến. Bản tin VnEconomy ngày 9 tháng Ba viết rằng: “Có những câu hỏi trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm và cả hình ảnh của SCIC lại ít được nhắc tới.”

Trước khi đi sâu vào những câu hỏi này, điều đầu tiên được đặt ra, là Nhà Nước, thông qua Bộ Tài Chánh, đã hiểu lầm chức năng của mình khi tự cho mình vai trò điều tiết chính sách kinh tế vĩ mô để vực thị trường chứng khoán dậy. Nhà phân tích kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định:

“Trước khi giới đầu tư lập kiến nghị cầu cứu thì Bộ Tài chính đã muốn điều tiết chính sách kinh tế vĩ mô để vực thị trường chứng khoán dậy. Nó nguy kịch vì từ nguyên thủy, thị trường chứng khoán được lập ra để huy động vốn tiết kiệm vào đầu tư, bây giờ, người ta lại muốn dùng tài sản công để bơm tiền vào thị trường hầu cấp cứu các nhà đầu cơ. Và bơm tiền khi đang bị lạm phát tiền tệ trên hai số. Theo thiển ý thì việc Bộ Tài chính hiểu lầm về chức năng của thị trường mới là điều đáng sợ.”

Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một người hoạt động trong ngành ngân hàng, đưa ra những nhận định dè dặt. Ông Nguyễn Quang A đặt ra những giả thiết có tính điều kiện về sự tồn tại, về vai trò và về hiệu quả của SCIC:

“Đầu tiên, SCIC là một công ty đầu tư vốn. Nếu công ty này đầu tư với tư cách là một công ty vì mục đích kinh tế, thậm chí có thể một phần nào đấy như công cụ chính phủ, thì đầu tư vào chứng khoán của SCIC là điều bình thường. Nhưng nếu chính phủ dùng SCIC như một biện pháp, thì có thể có tâm lý tốt ngắn hạn nào đó, nhưng về dài thì không thể là một cách làm tốt.”

Vai trò của SCIC?

Theo báo Thanh Niên số ra ngày 6 tháng Ba, dẫn lời ông Phó Chủ Tịch Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước, rằng “Nhà nước, thông qua SCIC sẽ mua một lượng cổ phiếu trên thị trường để kích cầu.”

Các cổ phiếu được chọn mua phải là những cổ phiếu của công ty có uy tín và tính thanh khoản cao. Cho đến thời điểm này, chưa ai biết cụ thể định nghĩa thế nào thì được gọi là “có uy tín và có tính thanh khoản cao.”

Giới chức nhà nước nói rằng, cần phải hiểu SCIC tham gia thị trường với mục đích khẳng định sử ổn định và thiện ý của chính sách vĩ mô. “Thiện ý” có nhất thiết đồng nghĩa với sự sử dụng ngân sách nhà nước để tác động vào qui luật cung cầu của thị trường? Từ tư thế của nhà nước, thiện ý nên đồng nghĩa với việc tạo môi trường kinh tế minh bạch, công bằng và mang tính cạnh tranh. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích:

“Nhà nước chỉ nên can thiệp để khai thông ách tắc hầu quy luật thị trường được vận hành hài hoà, trơn tru, chứ không du di hoặc di chuyển tài sản từ chổ này qua chỗ khác nhằm cứu vớt một thành phần nào đó mà không có lợi ích gia tăng sản xuất. Vấn đề nguy kịch là khi lãnh đạo phản ứng theo tâm lý của một thành phần dân chúng và gây thiệt hại cho các thành phần khác.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người đã từng phát biểu với báo chí trong nước về vai trò của SCIC, nói rằng dư luận trong nước cũng có nghi ngờ sự thiên vị trong tiến trình SCIC chọn mua cổ phiếu. Ông nói là điều này người ngoài khó biết ai được chọn.

Theo Tiến sĩ A, SCIC được xây dựng với mục đích làm các doanh nghiệp nhà nước dần dần được chuyển về công ty này. Công ty này là chủ sở hữu đại diện nhà nước cai quản các doanh nghiệp đó.
Theo nhận định của ông, SCIC sẽ đầu tư hoặc bán dần các doanh nghiệp quốc doanh đã được cổ phần hoá. Nếu SCIC có tư thế hoạt động độc lập như mô hình Temasek của Singapore, thì sự tồn tại là hợp lý. Còn trong trường hợp muốn vực thị trường chứng khoán, những biện pháp như thế là không tốt:

“Tôi không rõ họ mua cổ phần các công ty nào. Tôi đã từng phát biểu trong nước, nếu họ muốn mua, họ nên mua cổ phần các công ty không phải doanh nghiệp quốc doanh đã được cổ phần hoá để không mang tiếng. Tôi không rõ họ sẽ mua của ai. Còn nếu họ mua công ty quốc doanh thì có thể xảy ra điều nghi ngờ về tâm lý giới đầu tư.”

Bản tin của tờ Thanh Niên ra ngày 7 tháng Ba viết rằng SCIC không tiết lộ cụ thể các cổ phần họ chọn mua vào, nhưng đại diện của họ cho biết là “Việc xác định danh mục đầu tư, khối lượng giao dịch, mức giá và thời điểm mua vào sẽ được SCIC quyết định linh hoạt, tùy theo các diễn biến của thị trường, đồng thời bám sát chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.”

Lời phát biểu như vậy có thể được hiểu, rằng nhà nước hiểu rõ, và tự cho mình, vai trò tác động trực tiếp vào thị trường bằng những hoạt động mua bán được uỷ thác cho SCIC. Vai trò như vậy nên được hiểu như thế nào? Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

“Tác động như vậy không phải là việc của nhà nước. Nhà nước không phải làm cái việc kích cho thị trường lên. Báo chí trong nước hay dùng chữ “cứu” thì hết sức lầm lẫn. Còn nếu thật sự là để “cứu” thị trường, thì nhà nước không thể làm việc đó được.”

Như vậy, trở lại câu hỏi SCIC là ai?

Bản tin VnEconomy ngày 9 tháng Ba đặt câu hỏi có hay không có sự lẫn lộn giữa các hành vi của SCIC trong vai trò công cụ của chính phủ điều tiết thị trường mỗi khi chứng khoán giảm nghiêm trọng.

Bài báo đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu đầu tư của SCIC bị lỗ và được ngân sách bù lỗ? Trong trường hợp đó, có hay không có sự tách biệt rạch ròi với hoạt động đầu tư thực sự của SCIC? Bởi phía sau câu hỏi này, bài báo viết tiếp, có thể có những khoản lỗ “ngoài vùng phủ sóng” rất nhạy cảm.

Một nhà đầu tư trong nước, yêu cầu không nêu tên, nhận xét là hoạt động của SCIC chẳng những tạo ra tâm lý “ỷ thế làm liều” nơi giới đầu tư mà còn tạo một tâm lý rất sai khác, rằng nhà nước tự cho mình tâm lý hễ mình nhúng tay vào là làm được.

Sự trỗi dậy của chứng khoán trong ngày 10 tháng Ba sẽ cho tâm lý như vậy, nhưng những bất cập trong cơ chế hoạt động của SCIC lại nằm ở phía sau ngày 10 tháng Ba mà mức độ lợi hay hại khó có thể tiên đoán ra sao.

(Source: RFA)

Chứng khoán và bàn tay hữu hình ( Bài học đã qua)

VNindex từ đỉnh cao 1100 điểm đổ sụp xuống chỉ còn xung quanh 600 điểm sau bốn tháng ngắn ngủi kể từ 11/2007.

Trong bốn tháng ấy, đã có sức ép ghê gớm từ nhiều bên có lợi ích liên quan đòi hỏi chính phủ phải can thiệp “cứu” TTCK, bằng cách “giảm cung” (thông qua việc hoãn tiến độ IPO các doanh nghiệp nhà nước), và mới đây là “tăng cầu” (thông qua việc cho Tổng công ty Quản lí vốn Nhà nước SCIC mua lại cổ phiếu trên thị trường).

Những sức ép này đang thắng thế (IPO của nhiều doanh nghiệp lớn đã bị trì hoãn), và mới đây Thủ tướng đã ra Quyết định 319/TTg mở đường cho SCIC mua cổ phiếu để “kích cầu”.

Cái gọi là “giải pháp hạn chế cung” dù đã áp dụng vẫn không ngăn được VNindex sụp đổ, đơn giản là vì quy luật cung cầu không tồn tại trong TTCK (xem bài “Quan niệm sai về chứng khoán”).

TTCK chỉ có một quy luật vận hành là cân bằng “lợi nhuận kì vọng”: Khi lợi nhuận kì vọng của cổ phiếu giảm so với trước hoặc so với các hình thức đầu tư khác (mua vàng, đầu cơ bất động sản, gửi tiết kiệm) thì giá của từng cổ phiếu giảm và ngược lại.

Giá của mỗi cổ phiếu chỉ được quy định bởi chênh lệch giữa mức sinh lợi của doanh nghiệp đó với mức sinh lợi của hình thức đầu tư khác có mức sinh lợi cao nhất.

Vì thế, nếu không bị hạn chế về thanh khoản, thì việc hoãn lên sàn các doanh nghiệp mới như đề nghị của trường phái “cung cầu chứng khoán” không thể tác động đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp hiện tại.

Sụp đổ hợp lý

Gần đây, một số nhà đầu tư (chẳng hạn, ngân hàng HSBC) cho rằng giá cổ phiếu đã ở mức hợp lý so với các nước cùng trình độ (P/E trên toàn thị trường là 13).

Nhưng việc so sánh P/E của VN với các nước chỉ có ý nghĩa khi lãi suất ổn định ở mức thấp và không có khủng hoảng.

Hiện tại, có nhiều yếu tố khiến nhà đầu tư tin rằng lợi nhuận kì vọng của chứng khoán sẽ giảm xuống trong 2008. Đầu tiên, lãi suất ngân hàng vừa qua tăng rất nhanh làm cho hình thức đầu tư cổ phiếu giảm nhanh sự hấp dẫn tương đối so với gửi tiền tiết kiệm.

Hai là, lạm phát dự kiến tăng cao và có khả năng đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái sẽ ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp trên sàn (giá vốn tăng do lãi suất tăng, giá đầu vào tăng do giá nguyên/nhiên liệu tăng, giá trị thực của lợi nhuận giảm vì lạm phát, sức mua của người tiêu dùng giảm do thu nhập giảm v.v.).

Ba là, nhiều doanh nghiệp trên sàn sau khi thu hút được số vốn khổng lồ từ TTCK đã đầu tư tràn lan vào bất động sản. Một khi thị trường nhà đất đóng băng (hệ quả của thu hẹp tín dụng) thì giá trị của các doanh nghiệp đó cũng tụt giảm.

Nếu Vnindex sụt giảm vì ba nguyên nhân trên, thì đó là cân bằng tất yếu của thị trường để phản ánh giá trị thực của các doanh nghiệp trên sàn, và việc cưỡng lại sự xuống dốc sẽ vô cùng tốn kém và không hiệu quả.

Thanh khoản và TTCK

Người viết bài này cho rằng, hiện tại, nếu VNindex xuống thấp hơn giá trị thực, thì chỉ có một nguyên nhân là: sự thiếu hụt thanh khoản cho các nhà đầu tư đã ngăn cản TTCK điều chỉnh về mức cân bằng.

Từ cuối 2007, chủ trương của NHNN siết tỉ lệ cho vay chứng khoán đã chặn đứng, thậm chí đảo chiều, dòng vốn đang đổ vào TTCK, (vì đa số các ngân hàng thương mại đã cho vay quá tỉ lệ). Tình trạng thiếu tiền mặt)của nhiều ngân hàng đầu năm 2008 đã khiến việc cho vay mới bị chững lại và lãi suất tăng vọt.

Cộng thêm việc tỉ giá bị neo chặt, các ngân hàng không thể đổi USD cho các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả là đa số các nhà đầu tư đều thiếu thanh khoản, người đang nắm thì muốn bán để có tiền mặt, người mua thì lại không có tiền mặt để mua, khiến giá chứng khoán giảm mạnh.

Điều này tương tự như kết luận của nhà kinh tế trọng tiền Milton Friedman rút ra từ cuộc Đại khủng hoảng 29-33 ở Mỹ: việc thắt chặt tiền tệ quá nhanh sẽ làm sụp đổ TTCK và gây ra khủng hoảng kinh tế.

Lợi và hại của bàn tay hữu hình SCIC

Trong các nền kinh tế phát triển, rất ít khi chính quyền can thiệp trực tiếp vào TTCK bằng cách mua cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn, trừ trường hợp nó có khả năng gây ra sụp đổ hệ thống tài chính-ngân hàng (như trường hợp Anh quốc hữu hoá ngân hàng Northern Rock).

Việc SCIC mua cổ phiếu trên TTCK có thể giải quyết vấn đề tâm lý ngắn hạn cho một số nhà đầu tư.

Nhưng nó sẽ không thể có ảnh hưởng tích cực lâu dài hay căn bản lên TTCK: Nó không hề tác động đến cái động cơ vận hành của TTCK là lợi nhuận kì vọng, bởi vì nó không làm thay đổi kì vọng về các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, mua vàng (là kết quả của chính sách tiền tệ).

Nó cũng không hề thay đổi nguồn vốn hay khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp trên sàn (vì chỉ tác động đến thị trường thứ cấp). Cuối cùng, nó cũng không giải quyết được vấn đề thanh khoản của nhà đầu tư.

Lợi ích thì không rõ ràng, nhưng những hệ luỵ của việc Chính phủ can thiệp trực tiếp vào TTCK là nghiêm trọng và lâu dài:

Một là, việc nhà nước can thiệp vào TTCK sẽ bóp méo tín hiệu của thị trường vốn. SCIC sẽ dùng tiêu chí nào để xác định là chứng khoán đang ở dưới giá trị thực, trong khi giá thị trường chính là cái đáng lẽ phải phản ánh giá trị thực của chứng khoán?

Làm sao một doanh nghiệp không có động cơ tối đa hoá lợi nhuận (thua về cả khả năng tính toán so với hàng triệu nhà đầu tư cả tổ chức và cá nhân, lẫn tính năng động tìm kiếm cơ hội) có thể thông minh hơn thị trường về giá trị thực của nó?

Với sự tham gia của các quan chức cao cấp của Chính phủ (gồm cả bộ trưởng Bộ Tài chính, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thứ trưởng Bộ Công thương) vào Hội đồng Quản trị của SCIC, trong trường hợp doanh nghiệp quốc doanh này gặp bê bối về mua bán cổ phiếu, uy tín của chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hai là, nếu diễn biến xấu trên TTCK kéo dài, việc mua cổ phiếu của SCIC có thể dẫn đến bội chi ngân sách và trầm trọng thêm vấn đề lạm phát.

Lí do là để “cứu” khẩn cấp TTCK, thì SCIC phải bơm vào một lượng tiền rất lớn trong thời gian rất ngắn. Tổng giá trị thị trường (market capitalization) vào cuối 2007 đã lên tới khoảng 500 nghìn tỉ đồng (tuy đã mất đi khoảng một phần ba trong hai tháng qua).

Tuy phản ứng ban đầu của TTCK trước cam kết “bảo kê” của SCIC là khá tích cực, kì vọng này sẽ còn thay đổi. Liệu SCIC có đủ tiền và có nên bỏ ra hàng chục nghìn tỉ đồng trong vài ngày hay vài tuần để “cứu” thị trường trong lúc chính Bộ Tài chính cũng đang thiếu tiền mặt để chi tiêu? SCIC hay Bộ Tài chính sẽ lấy tiền mặt với số lượng như thế ở đâu mà không làm khủng hoảng thanh khoản thêm trầm trọng, hay in thêm tiền để làm tăng lạm phát?

Ba là, dù có bịt được việc “xả hàng” của một số tổ chức đầu tư, thì việc SCIC giành lại quyền sở hữu một khối lượng lớn cổ phiếu sẽ đảo ngược quá trình cổ phần hoá (giao vốn vào khu vực tư năng động hơn).

Việc này đồng thời làm chậm lại quá trình IPO vốn đã nhỏ giọt: SCIC sở hữu càng nhiều thì nó càng muốn tiến trình cổ phần hoá chậm lại để không làm “lụt” thị trường (đúng hơn là cạn kiệt thanh khoản).

Lợi bất cập hại

Việc SCIC có quyền quá rộng trong việc mua cổ phiếu cũng tạo ra một khoảng trống cho sự thiên vị của SCIC với một số công ty nhất định. Nguy cơ này càng lớn khi SCIC được phép giữ bí mật về danh mục các cổ phiếu được mua, số lượng tiền bỏ ra để mua, thời gian mua v.v.

Từ đây, giá cổ phiếu thay vì phản ánh khả năng sinh lợi của doanh nghiệp, lại phản ánh doanh nghiệp nào được chính quyền “ưu ái” bảo kê (bail out) mỗi khi gặp khó khăn. (Điều này đã từng xảy ra với các doanh nghiệp cánh hẩu của nhà độc tài Suharto trên thị trường chứng khoán của Indonesia).

Các doanh nghiệp được “bảo kê” sẽ càng tự do hơn trong các khoản đầu tư của mình, vì biết “tội vạ đâu đã có SCIC gánh đỡ”.

Năm là, việc can thiệp vào TTCK sẽ khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về quan niệm thị trường của Chính phủ.

Nếu như TTCK, nơi thông tin đầy đủ nhất, người mua bán hiểu biết và linh hoạt nhất mà còn cần điều khiển, thì tất cả các thị trường khác đều cần có sự can thiệp vào giá của nhà nước! Hành động mà các nước phát triển coi như một cấm kị này có thể được diễn giải là một bằng chứng rằng Việt Nam chưa phải là một nền kinh tế thị trường.

Và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam trong các vụ kiện bán phá giá, vốn đang là rào chắn ghê gớm cho việc thâm nhập các thị trường phát triển.

Cuối cùng, việc SCIC -được Chính phủ tài trợ vốn- mua cổ phiếu để “cứu” thị trường, thực chất là dùng tiền đóng thuế của dân để “bảo hiểm rủi ro” cho một nhóm nhỏ nhà đầu tư giàu có, chủ yếu là các quỹ đầu tư nước ngoài và các “đại gia” trong nước.

Điều này nếu kéo dài có thể gây nên mối bất bình về tính chất bình đẳng trong chính sách kinh tế của Chính phủ.

Giá đắt?

VNindex tụt xuống mức 600 điểm là một cuộc sụp đổ (crash) của TTCK, nhưng mức sụt giảm là tự nhiên và đúng quy luật, trong tình trạng lạm phát tăng và lãi suất tăng. Muốn VNindex tăng, thì cách lâu dài và căn bản nhất là ngăn chặn lạm phát, xì hơi bong bóng nhà đất và hạ nhiệt nền kinh tế từ từ.

Việc SCIC can thiệp vào TTCK ít khả thi, có thể phải trả giá đắt về chính sách vĩ mô, trong khi lợi ích của nó nếu có chỉ là ngắn hạn.

Nếu có lí do để tin rằng VNindex thấp hơn giá trị thực, thì việc nhà nước nên làm trong ngắn hạn chỉ là giải quyết bài toán thanh khoản.

Việt Nam cận kề khủng hoảng kinh tế ?

Một nhóm chuyên viên kinh tế, chuyên nghiên cứu kinh tế Châu Á của Ðại Học Harvard vừa công bố một số nhận định về kinh tế Việt Nam. Theo đó, kinh tế Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, chủ yếu do những yếu tố nội tại bên cạnh những tác động do kinh tế toàn cầu suy giảm.

Theo nhóm này, nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát là vì kinh tế Việt Nam vốn kém hiệu quả song phải hấp thụ một lượng vốn quá lớn. Trong năm 2007, tổng lượng vốn từ bên ngoài chảy vào Việt Nam khoảng 22-23 tỉ USD, tương đương 30% GDP. Nguồn cung ứng tiền, tín dụng và đầu tư tăng vọt, phần lớn được dành cho các doanh nghiệp nhà nước nhưng hoạt động của các doanh nghiệp này lại không hiệu quả. Các chuyên viên kinh tế giải thích: “Lượng tiền đổ vào quá nhiều nhưng không được sử dụng hiệu quả để tạo ra hàng hóa và dịch vụ nên dẫn đến tình trạng ‘quá nhiều tiền nhưng quá ít hàng’. Trong ba năm từ 2005-2007, nguồn cung ứng tiền tăng 135% nhưng GDP chỉ tăng 27%”.

Chính phủ Việt Nam từng phê duyệt một danh sách các dự án đầu tư công cộng, theo đó, từ nay đến năm 2015 sẽ sử dụng 70 tỉ USD song đa số các dự án này cũng không hiệu quả và chúng góp phần tạo ra lạm phát. Các chuyên gia kinh tế nước ngoài khuyến cáo chính phủ Việt Nam phải kiểm soát thật cẩn thận những chương trình đầu tư công cộng hiện đại, danh mục ưu tiên đầu tư cần căn cứ vào hiệu quả kinh tế chứ không nên nhắm vào mục tiêu chính trị. Chính phủ Việt Nam cũng được khuyến cáo rằng nên cắt giảm các khoản vay thương mại quốc tế của khu vực nhà nước. Thực hiện hoạt động thẩm định và kiểm toán đầu tư độc lập, sau đó công khai hóa các thông tin về thẩm định và kiểm toán này.

Mức thâm hụt hiện nay của Việt Nam được xác định là đáng báo động. Thâm hụt ngân sách hiện là 5.8% GDP, trong khi theo kinh nghiệm quốc tế, thâm hụt 3% đã đáng lo ngại. Thâm hụt thương mại ước chừng 12 tỉ USD, tức khoảng 16% GDP trong khi đối với quốc tế, mức 5%-10% đã là đáng lo.

Nhóm nghiên cứu khuyến cáo chính phủ Việt Nam cần kiềm chế lạm phát, giảm thâm hụt ngân sách và thương mại, giảm tốc độ tăng trưởng nguồn cung tiền và tín dụng thông qua những chính sách được phối hợp nhất quán và nhịp nhàng, “giảm sốc” cho nền kinh tế.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế nước ngoài, giá nhà, đất ở một số đô thị tại Việt Nam tăng không phải do mức sống gia tăng mà là vì nguồn tiền trong nền kinh tế quá dồi dào, lợi nhuận từ đầu cơ đất đai lại hấp dẫn hơn các hoạt động đầu tư sản xuất khác. Cũng vì vậy, lĩnh vực này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa nền kinh tế. Khi các doanh nghiệp Việt Nam thi nhau chuyển nguồn lực kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản, năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh nòng cốt của những doanh nghiệp này sẽ giảm. Những ngân hàng thương mại đã cho vay để đầu tư vào thị trường bất động sản có thể phá sản khi “bong bóng” quá căng và vỡ. Nhóm này viết: “Hiện nay, có một thực tế hết sức đáng lo là hầu như không ai biết một cách chính xác về qui mô của những khoản vay đang sử dụng đất làm vật thế chấp”.

Có lẽ cần nhắc thêm rằng, theo tờ Tuổi Trẻ ra ngày 21 tháng 2, ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc chi nhánh Sài Gòn của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản ở thành phố này đã nhận khoảng 35,000 tỷ, tương đương khoảng 10% tổng dư nợ, của hệ thống ngân hàng trên địa bàn.

Các chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định: “Hệ thống quản lý kinh tế của Việt Nam chưa tương thích với nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Các bộ và cơ quan ngang bộ có trách nhiệm hoạch định chính sách vĩ mô là Bộ Tài Chính, Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư và Ngân Hàng Nhà Nước chưa phối hợp hiệu quả”. Các cơ quan này bị nhận xét là “quá nhạy cảm trước sức ép chính trị và thiếu năng lực chuyên môn”.

Bộ Tài Chính được đánh giá là “chỉ quan tâm đến việc huy động và phân bổ vốn cho các dự án đã được phê duyệt song chỉ kiểm soát được một phần các khoản chi thường xuyên, không nắm được nhiều khoản chi dưới dạng đầu tư, không kiểm soát tốt ngân sách, tỉ lệ chi ngoài ngân sách rất cao”.

Ngân Hàng Nhà Nước được nhận định là “không được phép quyết định lượng cung tiền và cung tín dụng như các ngân hàng trung ương trên thế giới nên chỉ có trong tay một số công cụ chính sách hạn chế: tỉ lệ dự trữ bắt buộc và các quyết định mang tính hành chính nên không thật sự hữu hiệu khi kiểm soát lạm phát”.

Ðể có thể phản ứng tốt khi có khủng hoảng, nhóm nghiên cứu khuyến cáo nên tập trung quyền hoạch định chính sách vào tay một cơ quan duy nhất. “Cần xây dựng một cơ quan quản lý kinh tế cao cấp hoạt động tương tự như hội đồng phát triển kinh tế của Singapore, được giao nhiệm vụ điều phối chính sách vĩ mô và đảm bảo kỷ cương trong khu vực nhà nước. Cơ quan này sẽ báo cáo trực tiếp cho thủ tướng và phải được bảo vệ khỏi sự tác động của các nhóm đặc quyền, đặc lợi. Cơ quan này phải có thẩm quyền cao hơn các bộ, ban ngành, kể cả các tập đoàn kinh tế nhà nước”.

Khủng hoảng Tài chính tại Hoa Kỳ và Việt Nam

Khủng hoảng Tài chính tại Hoa Kỳ và Việt Nam
Thursday, 27. March 2008, 10:55:27

Trong tuần qua, nhiều dấu hiệu cho thấy vụ khủng hoảng tài chính tại Mỹ có vẻ tạm lắng dịu, nhưng các thị trường vẫn chờ đợi nhiều đột biến vẫn có thể bất ngờ bùng nổ. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về những nguyên nhân sâu xa của vụ khủng hoảng qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, sẽ do Việt Long thực hiện hầu quý độc giả.

Các chính sách của Ngân hàng Trung ương

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, sau khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ bất ngờ tung ra biện pháp phối hợp để cấp cứu ngân hàng đầu tư Bear Sterns vào Chủ Nhật 16 - là điều chúng ta đã tìm hiểu trong chương trình tuần trước - thì trong suốt một tuần, tình hình kinh tế tài chính Hoa Kỳ đã có vẻ khả quan hơn, khiến các thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và thế giới đều phục hồi và tăng giá - trừ thị trường Việt Nam.

Nhân lúc này khi tình hình có vẻ lắng dịu, ít ra trong ngắn hạn, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ tìm hiểu về những nguyên nhân khiến hệ thống tài chính và ngân hàng Mỹ đã bị khủng hoảng như vậy, để xem có những gì mà Việt Nam có thể rút kinh nghiệm được chăng?

Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã có những biện pháp gì để tạm đẩy lui nguy cơ khủng hoảng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong một kỳ trước, ta đã có dịp nói đến cuộc Tổng khủng hoảng trong các năm 1929-1933 đã từ Hoa Kỳ lan rộng ra thế giới. Một giáo sư kinh tế đã dành nhiều công sức nghiên cứu lại vụ tổng khủng hoảng này và kết luận rằng khủng hoảng kinh tế sở dĩ xảy ra vì những sai lầm về chính sách của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.

Khi ấy, nhà nghiên cứu kinh tế đó đang ngồi trong Hội đồng Thống đốc của hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ. Ngày nay, ông ta đang là Thống đốc của ngân hàng đó, tức là Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Ben Bernanke.

Người đã dày công nghiên cứu vụ Tổng khủng hoảng để rút tỉa bài học cho hậu thế nay có cơ hội áp dụng ngay những bài học đó trong mấy tháng vừa qua, khi viễn ảnh của một vụ khủng hoảng lan rộng đang trở thành hiện thực.

Một cách cụ thể, Ngân hàng Trung ương và các giới chức hữu trách về kinh tế tài chính Hoa Kỳ đã tung ra những biện pháp sau đây.

Thứ nhất là cắt giảm lãi suất ngắn hạn một cách liên tục và táo bạo. Thứ Ba tuần trước khi chúng ta đang thực hiện chương trình này thì lãi suất liên ngân hàng đã giảm 75 điểm và ở mức 2,25%. Hạ lãi suất một lúc 75 điểm là điều hãn hữu mà ông Bernanke đã làm hai lần kể từ tháng Chín tới nay.

Lãi suất ngắn hạn của Hoa Kỳ đang thực tế ở số âm nếu so sánh với tỷ lệ lạm phát được ước lượng khoảng 2,20%. Đây là biện pháp cấp cứu kinh tế nhưng cũng giúp cho tiền tệ lưu thông được dồi dào hơn, nghĩa là có góp phần khai thông nạn cạn kiệt tín dụng của các ngân hàng.

Việt Long: Ngoài biện pháp hạ lãi suất thì những biện pháp khác nữa của ngân hàng trung ương Mỹ là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Có một số biện pháp rất chuyên môn đã được thi hành nhằm bơm thêm hiện kim cho các ngân hàng nhưng đáng chú ý nhất là việc nới rộng khung cửa cho vay thế chấp cho các ngân hàng đầu tư, là điều trước đây chỉ giành cho các ngân hàng thương mại.

Trong kỳ trước, nhân dịp tìm hiểu về việc Ngân hàng Trung ương Mỹ cấp cứu ngân hàng đầu tư Bear Sterns, chúng ta có nói đến một biện pháp rất cách mạng là cho các ngân hàng đầu tư hay các tổ hợp tài chính kinh doanh trên thị trường chứng phiếu cũng được yểm trợ tương tự như các ngân hàng thương mại.

Có một vấn đề hơi chuyên môn ở đây mà mình cần nói tới, là việc kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ là thuộc phần vụ của Ngân hàng Trung ương, trong khi các tổ hợp tài chính hay ngân hàng đầu tư lại do Hội đồng Chứng khoán SEC của Mỹ kiểm soát và chi phối.

Biện pháp cấp cứu ngân hàng Bear Sterns và mở rộng khung cửa tài trợ của Ngân hàng Trung ương cho các tổ hợp tài chính này mới được gọi là cách mạng và cấp thời. Nó sẽ đòi hỏi nhiều quy định mới về luật lệ tài chính và ngân hàng tại Hoa Kỳ để kiểm soát các ngân hàng đầu tư và tổ hợp tài chính một cách chặt chẽ hơn.

Khủng hoảng tạm lui?

Việt Long: Có phải nhờ những biện pháp táo bạo ấy mà vụ khủng hoảng tài chính có vẻ đã tạm lui không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta thấy như vậy qua việc thị trường chứng khoán đã tăng giá mạnh trong suốt tuần qua. Song song, đồng Mỹ kim đã hết tuột giá và vàng bỗng sụt giá mạnh. Ngoài ra, tin tức tương đối tốt đẹp hơn về thị trường gia cư cũng có thể phần nào trấn an dư luận và nếu chưa là một tia hy vọng thì ít nhất cũng tạm đẩy lui được sự hốt hoảng của thị trường.

Bây giờ dư luận chờ đợi xem Chính quyền, Quốc hội và Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sẽ xử trí ra sao với việc cấp cứu thị trường tài chính và thị trường gia cư và sẽ chấn chỉnh luật lệ ra sao để không tái diễn chuyện này.

Xin tạm phân biệt cho dễ hiểu là ngân hàng thương mại chủ yếu phục vụ các thân chủ là cá nhân, còn khách hàng của các ngân hàng đầu tư hay tổ hợp tài chính là các doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại mà phá sản thì dân chúng mất tiền. Ngân hàng đầu tư mà phá sản thì thì doanh nghiệp khốn đốn, sản xuất suy giảm và dân chúng cũng mất tiền.

Việt Long: Việc ấy dẫn chúng ta trở về đề mục chính, là vì sao một quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ lại để xảy ra một vụ khủng hoảng tài chính lớn lao khiến dư luận liên tưởng với sự hãi hùng đến vụ Tổng khủng hoảng tám chục năm về trước?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây là một câu hỏi đã được giới kinh tế toàn cầu cùng tìm hiểu trong thời gian qua. Việc một ngân hàng kỳ cựu như Bear Sterns mà suýt nữa bị phá sản và các ngân hàng đầu tư khác đều phải lật đật trấn an thị trường là điều gì đó cực kỳ nghiêm trọng vì tâm lý hốt hoảng càng dễ gây ra khủng hoảng.

Nguyên nhân chính của vụ khủng hoảng có thể là tinh thần hồ hởi sảng của xã hội Hoa Kỳ khiến các cơ sở tài chính bất chấp rủi ro mà kinh doanh thiếu thận trọng. Trên thị trường tài chính, tâm lý lạc quan ấy khởi sự từ gần ba chục năm, lại được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi là tiền rẻ, lãi suất thấp và doanh lợi tài chính quá dồi dào.

Chúng ta có thể liên tưởng đến trường hợp hồ hởi sảng của hệ thống ngân hàng hay thị trường chứng khoán tại Việt Nam, khi các ngân hàng cấp phát tín dụng bừa phứa với khối lượng ngày càng cao, và thị trường cổ phiếu tăng vọt thành bong bóng đầu cơ. Bây giờ bóng bể và ngân hàng thiếu thanh khoản có khi sẽ vỡ nợ.

Trên thế giới, những hiện tượng lạc quan thái quá và bong bóng đầu cơ ấy đã từng xảy ra ở nhiều nơi, trong nhiều thời kỳ khác nhau mà vì hoàn cảnh còn thuận lợi người ta chưa thấy sợ nên vẫn lao vào, cho tới khi bóng bể, nhạc lắng, mây chìm.

Khủng hoảng tín dụng, địa ốc

Việt Long: Ông nói tới hoàn cảnh thuận lợi ở Việt Nam, như tiền rẻ, lãi suất thấp, doanh lợi cao. Tại Hoa Kỳ thì cũng hồ hởi sảng hay là lạc quan thiếu cơ sở như vậy, và dựa vào đâu sinh ra tình trạng đó, và nó thể hiện như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, vào những năm đầu của thập niên 80, dưới thời của Tổng thống Ronald Reagan, Hoa Kỳ có làn sóng giản chánh và giải tỏa luật lệ rất mạnh, cho phép các cơ sở kinh doanh phát huy sáng kiến để kiếm lời và bành trướng hoạt động hầu nâng cao sản xuất và tạo ra việc làm.

Trong các ngành bành trướng mạnh nhất có các ngân hàng và cơ sở tài chính. Họ phát huy sáng kiến để tìm ra khí cụ tài chính tinh vi hơn, hiện đại hơn và thu hoạch lớn nhờ những sáng kiến ấy. Nói nôm na là họ biến hoá vô lường và được tưởng thưởng rất lớn, lớn hơn các ngành khác. Từ 10% vào năm 1982, doanh lợi của ngành tài chính đã lên tới 40% của tổng số doanh lợi của các công ty Hoa Kỳ, vào năm ngoái, và giá trị cổ phiếu của họ thì tăng gấp ba.

Hoàn cảnh thuận lợi khi đó là trị giá cổ phiếu hay tài sản kinh doanh đã tăng đều trong gần hai chục năm, cho tới vụ bể bóng chứng khoán năm 2000. Yếu tố thuận lợi thứ hai là lạm phát bị đầy lui và lãi suất hạ, nhất là sau vụ khủng bố và nạn suy trầm nhẹ vào năm 2001.

Yếu tố thứ ba mà ít ai thấy ra là khi lãi suất ngắn hạn bắt đầu tăng thì Hoa Kỳ vẫn nhập khẩu được tiền tiết kiệm của các xứ khác đổ vào tìm cơ hội đầu tư trên thị trường Mỹ nên lãi suất dài hạn vẫn hạ. Cũng chính là lãi suất hạ đã thổi lên bong bóng gia cư địa ốc. Khi thị trường gia cư bị khựng, người ta mới chưng hửng khám phá những rủi ro tiềm ẩn bên trong hệ thống tài chính này.

Việt Long: Ông đang nói tới loại tín dụng địa ốc có nhiều rủi ro, gọi là sub-prime. Nhưng nếu là loại nợ đó thì chỉ có khoảng 500 tỷ đô la, trên thị trường tài chính Mỹ thì đâu có bao nhiêu, vì sao ngần ấy ngân hàng lại cùng bị điêu đứng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta có thể hình dung ra một cái kén hay một quy luật gọi là "gắp lửa bỏ tay người"! Tôi xin được giải thích cho rõ vì vấn đề này rất phức tạp rắc rối.

Trước hết là phép đòn bẩy trong kinh doanh. Khi làm ăn có lời, ai cũng có thể nghĩ đến việc vay thêm tiền để bành trướng hoạt động. Nếu vay thêm và trả xong tiền lời mà vẫn còn lời thì nên vay tiếp. Người ta gọi đó là tác dụng đòn bẩy nhờ tiền đi vay. Nhưng khi đi vay thì phải có gì đó làm vật đảm bảo.

Trong hệ thống tài chính Mỹ, vật đảm bảo này nhiều khi là một gói nợ hay một tờ giấy nợ, là một tài sản sẽ trở thành lưu hoạt, thành tiền mặt, khi đến kỳ đáo hạn.

Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng gói nợ ấy là một cái kén có nhiều lớp, bên trong chứa mầm thối là loại nợ sub-prime. Công ty tài trợ địa ốc đã lấy tiền hoa hồng của khách hàng sau khi nắm lấy tờ giấy nợ của khách hàng, họ bán giấy nợ ấy cho một tổ hợp tài chính như gắp lửa bỏ vào tay người khác.

Tổ hợp này gom các giấy nợ đó thành gói như một cái kén, bên trong có đủ loại xấu tốt, và dùng đó làm tài sản cầm thế để vay thêm tiền tiếp tục kinh doanh trong lãnh vực khác.

Phương thức đối phó với khủng hoảng

Việt Long: Như vậy thì phức tạp thật, nhưng rồi người ta xử lý ra sao với cái kén ấy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Các ngân hàng và tổ hợp đầu tư tài chính đã trao đổi những của nợ hay kén thối ấy trong các quan hệ chằng chịt như tơ vò mà không thể biết đích xác bên trong là xấu tổt ra sao.

Các công ty chuyên về định giá tài sản cũng mù mờ không rõ và lại định giá theo kiểu lạc quan. Cho tới khi gói nợ ung thối ấy bị bể vì vụ khủng hoảng thật ra rất nhỏ của loại tín dụng thứ cấp sub-prime thì mọi người mới chưng hửng phát giác là tài sản mình nắm trong tay không có giá trị như vậy.

Rồi không còn ai muốn ôm lấy cục than hồng đó vì sợ bỏng tay. Khủng hoảng tín dụng thứ cấp dẫn tới khủng hoảng của thị trường vay nợ là thị trường trái phiếu. Kết quả là những ngân hàng hay cơ sở tài chính không có thanh khoản rơi vào hoàn cảnh gọi là vỡ nợ kỹ thuật, là có tài sản mà chưa thể chuyển ra hiện kim vì là nợ chưa đáo hạn.

Khi dân chúng lại hốt hoảng vì sợ ngân hàng mà vỡ nợ thì tiền ký thác của mình bị mất nên kéo nhau rút tiền thì ngân hàng phá sản!

Nếu hiểu vậy thì ta mới thấy việc cấp cứu ngân hàng Bear Sterns là quyết định gây hú vía! Mong là sẽ trấn an được thị trường chứ không gây phản ứng dây chuyền là ngần ấy cơ sở tài chính sẽ kéo nhau sụp đổ trong mối quan hệ tơ vò ấy.

Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông, trong tuần qua, thị trường chứng khoán tại Việt Nam vẫn tuột giá và chỉ số VN-Index đã vừa tuột đáy 500 điểm khiến giới chức hữu trách thu hẹp biên độ giao dịch kể từ Thứ Năm này. Nhìn từ nguy cơ khủng hoảng tài chính và ngân hàng tại Hoa Kỳ, ông nghĩ sao về việc này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ nhất, biện pháp cấp cứu thị trường của Tổng công ty quản lý vốn đầu tư SCIS rõ ràng là vô hiệu. Thứ hai, khi thu hẹp mức dao động trị giá cổ phiếu xuống 2% và chứng chỉ quỹ xuống 1%, người ta như muốn khép cửa để không ai chạy thoát.

Hãy tưởng tượng đến một hội trường bị cháy mà nhà chức trách lại đóng cửa để cứu hội trường thì những người bên trong sẽ bị cháy rụi, ít ra là cháy túi!

Thứ ba, hệ thống ngân hàng Việt Nam có những bất trắc còn nguy ngập hơn các ngân hàng Mỹ trong khi giới chức và luật pháp Việt Nam chưa đủ tinh vi để ứng phó nên đám cháy từ thị trường chứng khoán sẽ lây lan rất mạnh qua các ngân hàng.

Và sau cùng, lạm phát trong tháng qua đã không giảm mà còn tăng, gần 3% trong một tháng là điều chưa từng thấy từ hơn chục năm nay. Kết luận ở đây là tình hình sẽ còn bi đát hơn nữa cũng vì nhà nước Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng quản lý một nền kinh tế còn quá mới mẻ đối với họ.

(Copy RFA)

Một số thuật ngữ: Debit/Credit card/Annuities/Securities

1. Chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (Mortgage backed security)
Chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp là loại CK được phát hành dựa trên cơ sở một hoặc một nhóm các khoản thế chấp.
Về bản chất, CK bảo đảm bằng thế chấp là một loại trái phiếu.
Thay vì, trả cho nhà đầu tư một khoản trái tức cố định và tiền gốc, thì người phát hành CK thanh toán bằng dòng tiền phát sinh từ những khoản thế chấp được dùng để đảm bảo cho số CK đó.
Dạng đơn giản nhất của loại CK này là kiểu "sang tay thế chấp", trong đó tất cả số tiền gốc và lãi thanh toán hàng tháng(sau khi đã trừ đi phí dịch vụ) trong một hợp đồng thế chấp sẽ được "sang tay" cho nhà đầu tư. (Source: Saga)

2. Annuities

Annuities tạm dịch là Niên Kim, là một phương thức đầu tư khá phổ biến, đặc biệt trong giới hưu trí, hay những người đã quá mệt mỏi với những biến động của TTCK, mà không muốn khoanh tay nhìn số tiền của mình nhúc nhích một cách chậm chạp trong TK ngân hàng.
Khi mua annuities, NĐT sẽ chuyển cho công ty tài chính hay công ty bảo hiểm một số tiền, công ty sẽ dùng tiền đầu tư làm ăn, và sẽ trả dần dần, hay trả toàn bộ tiền vốn cùng với lợi nhuận sau một thời hạn nào đó.
Chữ Annuities xuất phát từ Latin: Annuitas, có nguồn gốc từ Annuus, tức là “yearly” (thường niên) ám chỉ là số tiền sẽ được trả ra từ từ để chi dùng hàng năm, mà người lấy tiền ra là Annuitant, và việc lấy tiền ra là Annuitize.
Sau này, người ta dùng luôn từ Hán – Việt: Niên Kim, dịch từ chữ “golden years” tức là: “những năm tháng vàng son”, vì muốn nói đến thời gian hưởng hưu trí.
Tuy nhiên, vì nhiều người không thích số tiền của mình bị “giữ lại” và trả ra từ từ, nên có những chương trình annuities cho phép người ta lấy ra toàn bộ số tiền sau khi hết hạn hợp đồng (walk-aways).

3. Sự khác nhau giữa Debit Card và Credits Cards?

Credit/Debit card đều có đặc điểm chung đó là: có thể rút tiền tại các máy ATM, thanh toán cho việc mua hàng hóa tại các cửa hàng hay trên mạng mà không cần phải dùng đến tiền mặt.

Có thể nói chúng là một chiếc Ví điện tử giúp bạn thực hiện mọi giao dịch tại những nơi chấp nhận thẻ như: các cửa hàng, các siêu thị, các khách sạn, các site bán hàng trực tuyến v.v..

Điểm khác nhau:

- Debit card (Thẻ ghi nợ): đơn giản là bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản thì có thể chi tiêu bấy nhiêu. Khi đã hết tiền thì bạn không thể thực hiện tiếp các giao dịch khác. Muốn thực hiện giao dịch khác bạn phải tiếp tục đóng tiền vào thẻ.

Thủ tục phát hành: rất đơn giản, chỉ cần có CMND hoặc hộ chiếu là bạn đã có thể làm một chiếc thẻ.

Chức năng: bạn có thể thanh toán offline tại các cửa hàng, siêu thị, khách sạn, v.v. Có thể thanh toán online nhưng số lượng site hay shop online chấp nhận loại thẻ này hạn chế hơn thẻ credit.

Credit card (thẻ tín dụng): có đầy đủ chức năng của một thẻ debit, ngoài ra bạn còn được ngân hàng cấp cho một hạn mức tín dụng để có thể chi tiêu thêm (trong phạm vi hạn mức tín dụng) khi mà tài khoản thẻ của bạn đã hết tiền.
Khi không có tiền trong thẻ bạn vẫn có thể chi tiêu và rút tiền. Nói ngắn gọn là bạn vay tiền của ngân hàng để chi tiêu trước rồi trả lại cho ngân hàng sau.
Thủ tục phát hành: phức tạp hơn thẻ debit. Để được ngân hàng cấp cho bạn thẻ credit, bạn phải đảm bảo hoặc cho ngân hàng thấy được khả năng thanh toán của bạn. Hai hình thức ngân hàng áp dụng để đảm bảo rằng bạn có khả năng thanh toán cho họ là:

> Tín chấp: tức là bạn phải đựoc một cơ quan hay tổ chức nào đó đảm bảo hoặc chứng minh là: bạn có thể thanh toán cho ngân hàng các khoản tín dụng để chi tiêu của mình.

> Thế chấp: bạn phải dùng tiền hoặc các tài sản của mình thế chấp để đảm bảo với ngân hàng. Hình thức thế chấp có thể là tiền, là tiền trong tài khoản, là sổ tiết kiệm hoặc bất cứ tài sản có giá trị nào khác mà bạn có.

Chức năng: đây là loại thẻ có đầy đủ các chức năng giống như thẻ debit, ngoài ra bạn còn được chấp nhận rộng rãi hơn. Hầu như tất cả đều chấp nhận thẻ credit.
(Source: http://www.phamen.com/)

Friday, September 19, 2008

Cái chết của Lehman dưới góc nhìn của một người trong cuộc

Một người từng làm việc tại ngân hàng Lehman Brothers chia sẻ quan điểm về cái chết của ngân hàng đầu tư nổi tiếng Phố Wall này.

Cơn địa chấn “Lehman Brothers” (Lehman) đã đi vào lịch sử đối với giới đầu tư tài chính toàn cầu và chắc chắn sẽ còn tốn kém nhiều giấy mực của giới học thuật.

Theo quan điểm cá nhân của người viết, sự sụp đổ của Lehman bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song có thể tổng hợp lại ở bốn nhóm nguyên nhân chính: các quyết định kinh doanh rủi ro, cách thức giải quyết khủng hoảng, sự không may mắn và các nhân tố khác.

Các quyết định kinh doanh rủi ro

Trước hết, có thể kết luận Lehman là nạn nhân của chính mình chứ không phải ai khác.

Ngân hàng đầu tư là một định chế tài chính có mức độ rủi ro rất cao và kiếm tiền thông qua quản trị rủi ro. Rủi ro cao đối với lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng tín dụng toàn diện và khốc liệt trong lịch sử là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của một đế chế tài chính già cỗi 158 năm tuổi.

Trong một bài viết trước đây “Khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ: Từ A-Z”, người viết đã trình bày toàn cảnh về cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn từ nguyên nhân, cách thức kiếm tiền của các ngân hàng đầu tư đến hậu quả gánh chịu của thị trường. Khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn đã lan sang tín dụng trên chuẩn và toàn bộ thị trường tín dụng nói chung.

Lehman - cũng như các ngân hàng đầu tư khác - đã sử dụng nghiệp vụ chứng khoán hóa (securitisation) để biến các khoản cho vay mua bất động sản thành các gói trái phiếu có gốc bất động sản (MBS, MBO, CDO) đầy rủi ro cung cấp cho thị trường.

Khi nền kinh tế đi xuống, người vay tiền mua nhà không trả được các khoản vay mua nhà thì rủi ro tín dụng được chuyển sang các gói trái phiếu có các danh mục tín dụng bất động sản làm tài sản đảm bảo. Khủng hoảng càng gia tăng thì việc phát mại tài sản càng tăng làm giá bất động sản càng giảm. Điều này có nghĩa giá trị tài sản đảm bảo của trái phiếu càng giảm và rủi ro tín dụng càng tăng.

Vòng xoáy khủng hoảng cứ tiếp tục như vậy, làm cho giá chứng khoán sụt giảm mạnh. Các ngân hàng đầu tư mặc dù không nắm giữ toàn bộ rủi ro nhưng cũng trực tiếp hoặc gián tiếp duy trì một số danh mục chứng khoán liên quan đến bất động sản. Hậu quả là hàng loạt ngân hàng đầu tư lần lượt báo cáo các khoản lỗ kinh doanh.

Lehman là một trong những ngân hàng đầu tư tham gia sâu vào hoạt động chứng khoán hóa tín dụng bất động sản. Được tách ra từ American Express năm 1994, Lehman đã xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh về các phẩm có thu nhập cố định nói chung và trái phiếu nói riêng. Sự dính líu sâu của Lehman vào lĩnh vực này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết cục ngày hôm nay. Công bằng mà nói, Lehman đã lường trước được vấn đề và cố gắng không dính nhiều vào tín dụng bất động sản dưới chuẩn. Trong số danh mục liên quan đến bất động sản khoảng 60 tỷ USD thì tín dụng bất động sản dưới chuẩn chiếm dưới 2 tỷ USD. Tuy nhiên, với sự lan rộng của khủng hoảng tín dụng mà tín dụng dưới chuẩn chỉ là mồi lửa ban đầu thì Lehman đã không kịp thoát.

Ngoài các gói trái phiếu liên quan đến bất động sản, Lehman còn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào bất động sản thương mại. Lehman có thể cấu trúc các giao dịch này thông qua cung cấp vốn nợ hoặc vốn chủ sở hữu cho các công ty con hoặc liên doanh đầu tư bất động sản. Khi thị trường bất động sản đi xuống thì các giá trị bất động sản thương mại này cũng giảm theo.

Tại thời điểm cuối tháng 8, Lehman nắm danh mục khoảng 52 tỷ USD liên quan đến bất động sản, trong đó 24 tỷ USD chứng khoán bất động sản nhà ở, 17 tỷ USD chứng khoán bất động sản thương mại và 11 tỷ đầu tư trực tiếp. So với tương quan tổng tài sản khoảng 600 tỷ USD và vốn chủ khoảng 20 tỷ USD thì đây là một danh mục lớn.

Giám đốc điều hành của Lehman, Dick Fuld, là người gắn bó tâm huyết với Lehman trong suốt 4 thập kỷ và là người chèo lái Lehman trong 14 năm qua. Vốn là người thận trọng, Ông đã giúp Lehman vượt qua cuộc khủng hoảng năm 1998 với sự sụp đổ của quỹ đầu cơ “Long-Term Capital Management” là một khách hàng lớn của Lehman. Chính cuộc khủng hoảng này đã giúp Lehman phát triển một chiến lược kinh doanh phù hợp cùng với một hệ thống quản trị rủi ro tốt nhất phố Wall. Tuy nhiên, sự bùng nổ kinh tế toàn cầu trong 3-4 năm gần đây cùng với chiến lược mở rộng đã làm Dick Fuld thay đổi chiến lược kinh doanh của Lehman sang các hoạt động rủi ro hơn trong đó có bất động sản.

Năm 2005, giám đốc toàn cầu phụ trách dòng sản phẩm có thu nhập cố định của Lehman là Michael Gelband đã phải ra đi vì có quan điểm trái ngược về chiến lược kinh doanh này. Tháng 6/2008, khi Lehman rơi vào đỉnh cao khó khăn của cuộc khủng hoảng tín dụng thì Michael Gelband được mời về vị trí giám đốc toàn cầu phụ trách thị trường vốn nhằm cứu vãn tình hình. Tuy nhiên, điều này đã quá muộn!

Cách thức giải quyết khủng hoảng

Công bằng mà nói cuộc khủng hoảng tín dụng đã làm hàng loạt tên tuổi đều rơi vào vòng xoáy chứ không chỉ có Lehman. Các ngân hàng UBS, Citi, Merrill Lynch, Bear Steans, Morgan Stanley, Freddie Mac, Fannie Mae đều gánh chịu các khoản lỗ nặng nề với tổng số lên tới hàng trăm tỷ USD. Số nhân viên sa thải tại các trung tâm tài chính lên tới hàng ngàn.

Ngay trước lúc Lehman hấp hối, hàng loạt các tên tuổi như Merrill Lynch, AIG, Washington Mutual cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vậy tại sao chỉ có Lehman lại chịu một cái chết thảm như vậy?

Người viết cho rằng cách thức giải quyết khủng hoảng thiếu sáng suốt và thiếu quyết đoán của Ban lãnh đạo Lehman đã đẩy Lehman vào thế chân tường. Phải nói rằng vấn đề của Lehman là vấn đề không mới và đã được cảnh báo trong một thời gian dài. Trong 6 tháng gần đây, đã một vài lần tình hình của Lehman dậy sóng. Đặc biệt sau khi Bear Stearns ra đi thì thị trường đã đặt câu hỏi “Ai là người kế tiếp?”.

Nếu tính theo thứ tự quy mô Top 5 của ngân hàng đầu tư trên phố Wall, ai cũng biết đó là Lehman rồi mới đến Merrill Lynch, Morgan Stanley và cuối cùng Goldman Sachs. Ban lãnh đạo Lehman cũng đã có nhiều biện pháp giảm quy mô bảng cân đối một cách mạnh mẽ. Trong quý 2 và quý 3, quy mô tài sản của Lehman giảm khoảng 150 tỷ USD nhằm giảm hệ số đòn bẩy tài chính và áp lực lên vốn. Riêng trong quý 3, Lehman đã giảm được 17 tỷ USD tài sản rủi ro liên quan đến bất động sản. Các biện pháp tăng vốn được thực hiện song do không dự đoán được mức độ nghiêm trọng nên việc này đã chỉ được làm theo kiểu "catch-up".

Lehman đã không ít hơn 3 lần bỏ qua cơ hội tự cứu mình? Cơ hội thứ nhất là cơ hội tăng vốn khi có thể làm dễ dàng. Sau khi Bear Steans thất thủ, Lehman đã tiến hành tăng vốn vào đầu tháng 4 để chuẩn bị cho cuộc chiến. Lehman đã huy động thêm 4 tỷ USD vốn thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi. Mặc dù tỷ lệ đăng ký mua cổ phiếu của nhà đầu tư rất cao, vượt xa số vốn 4 tỷ USD cần huy động song Lehman đã từ chối phát hành thêm vốn, cho rằng như thế đã đủ.

Cơ hội thứ hai cũng là cơ hội tăng vốn sau khi báo cáo kết quả quý 2 bị lỗ 2,8 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên Lehman báo cáo kết quả kinh doanh lỗ từ khi niêm yết. Ngay lập tức, Lehman tiến hành huy động thêm 6 tỷ USD vốn trong đó có 4 tỷ USD cổ phiếu phổ thông và 2 tỷ USD cổ phiếu ưu đãi nhằm bù đắp số lỗ quý 2. Lần này tỷ lệ đăng ký mua cổ phiếu cũng rất cao song Lehman cũng từ chối không phát hành thêm, cho rằng thế là đủ.

Cơ hội thứ 3 đến khi kết quả quý 3 chuẩn bị đến ngày công bố và thị trường đồn đoán số lỗ 4 tỷ USD. Lần này Lehman thực sự nhận ra sự nghiêm trọng và tiến hành tìm nhà đầu tư chiến lược để bán 25% ngân hàng. Đồng thời Lehman cũng đưa ra hàng loạt kế hoạch tái cơ cấu bao gồm bán một phần mảng quản lý tài sản để tăng tiền mặt, chia tách ngân hàng thành 2 công ty (spin off), công ty tốt và công ty xấu. Dự kiến công ty xấu (bad bank) sẽ nắm giữ toàn bộ tài sản xấu liên quan đến bất động sản và không niêm yết nhằm tránh áp dụng kế toán giá trị hợp lý (fair value). Tuy nhiên, lúc này tình thế đã thay đổi và khó khăn hơn nhiều. Cuộc đàm phán với Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) đáng lẽ ra có thể kết thúc song Lehman đã không làm được điều đó do sự bất đồng về giá.

Về khía cạnh này, Dick Fuld đã kém hơn John Thain, CEO của Merrill Lynch với thành tích “bán mình” cho BOA trong chỉ một ngày Chủ nhật. Lehman đã đánh mất cơ hội thứ 3, và cũng là cơ hội cuối cùng để tự cứu mình.

Không may mắn

Nhìn lại lịch sử 6 tháng qua, chúng ta sẽ hỏi tại sao FED cứu Bear Stearns bằng cách cung cấp 29 tỷ USD cho JP Morgan để mua Bear cứu Freddie Mac và Fannie Mae bằng cách tiếp quản trực tiếp, cứu AIG bằng việc tung ra 85 tỷ USD để mua 80% cổ phần. Đành rằng chúng ta không nên trông chờ vào Chính phủ giải quyết vấn đề của chúng ta song tại sao FED không làm như vậy với Lehman để BOA hoặc Barclays mua lại Lehman? Tại sao Lehman lại chết thảm như vậy?

Điều này cần giới học thuật sẽ mổ xẻ phân tích kỹ lưỡng. Tuy nhiên, người viết cho rằng thời điểm Lehman chết rất bất lợi cho Lehman và kết cục phải là như thế. Lehman và Bear có nhiều điểm tương đồng vì đều là ngân hàng đầu tư, do đó việc cứu Bears mà không cứu Lehman có lẽ do vấn đề thời điểm.

Thứ nhất, sau khi Bear chết, Chính phủ đã có dịch vụ cho vay chiết khấu dựa trên tài sản đảm bảo (discount window) nhằm cung cấp vốn cho ngân hàng đầu tư gặp khó khăn thanh khoản. Tuy nhiên cái chết của Lehman lại không phải là cái chết do thanh khoản nên đặc ân này chưa có cơ hội sử dụng.

Thứ hai, Lehman nguy kịch đúng lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng cùng Merrill Lynch, Wamu và AIG. Vấn đề “moral hazard” trở nên trầm trọng hơn hết vì nếu cứu tất cả, Chính phủ sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu, khuyến khích các tập đoàn tham gia thêm các hoạt động rủi ro. Chính phủ muốn khối tư nhân hiểu rằng họ phải tự giải quyết vấn đề của chính họ. Cần phải có một sự hy sinh nào đó để thị trường hiểu được điều này.

Hơn nữa, thời điểm gần cuộc bầu cử ở Mỹ cũng rất nhậy cảm khi khủng hoảng tài chính trở thành đề tài tranh luận giữa 2 ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Việc dùng tiền thuế của dân đi giải cứu các tập đoàn tài chính cần một lý do thuyết phục cao. Sự hy sinh lúc này có lẽ là điều cần thiết cho thị trường? Chọn ai trong số này với chi phí thấp nhất cho xã hội?

Freddie Mac, Fannie Mae với tư cách là 2 tập đoàn hoạt động được Chính phủ bảo lãnh nhằm cung cấp tín dụng bất động sản cho người dân, do đó 2 tập đoàn này không thể chết. AIG là tập đoàn bảo hiểm lớn, cung cấp hàng triệu hợp đồng bảo hiểm cho người dân. Với số tài sản khổng lồ trên 1,000 tỷ USD, AIG có lẽ không phải là sự lựa chọn để cho phải hy sinh. Sự lựa chọn tốt nhất của Chính phủ là ép khối tư nhân phải tự cứu Lehman. Nếu không được, thì Lehman sẽ phải hy sinh. Có lẽ Chính phủ đã tính hết điều này thể hiện qua sự cứng rắn của FED và Bộ Tài Chính trong phiên họp cuối tuần qua nhằm tìm ra phương án giải cứu Lehman.

Các nhân tố khác

Ngoài 3 nhóm nhân tố trên, cái chết của Lehman còn do một phần sự tàn nhẫn của thị trường.

Cổ phiếu Lehman đã bị bán khống. Các nhà đầu cơ bán khống (short sale) Lehman đặt cược với việc cổ phiếu sẽ giảm giá mạnh. Việc bán khống được thực hiện thông qua vay cổ phiếu để bán trước và mua quyền bán cổ phiếu (put option). Tuy việc bán khống không có gì sai song nó chính là nguyên nhân tạo ra các tin đồn sai sự thật nhằm hạ giá cổ phiếu Lehman. Điều này làm mất lòng tin của thị trường vào Lehman và đẩy Lehman dần rơi vào thế bất lợi.

Từ khi Lehman công bố kết quả lỗ quý 2 thì các hoạt động bán khống diễn ra mạnh mẽ. Cổ phiếu Lehman giảm thấp hơn nhiều so với giá trị ghi sổ là 30 USD. Vào tháng 7, cổ phiếu Lehman chỉ còn 15 USD tương đương mức vốn hoá 10 tỷ, ước tính bằng giá trị thị trường của công ty quản lý tài sản của Lehman là Neuberger Berman. Thị trường đã định giá Franchise còn lại của Lehman bằng 0? CEO Dick Fuld đã nhiều lần tức giận với những kẻ đầu cơ bán khống Lehman và kiên quyết phục thù. Song cuối cùng dân đầu cơ bán khống đã thắng.

Ảnh hưởng...

Cái chết của Lehman gây ảnh hưởng lớn cho thị trường tài chính.

Một làn sóng khủng hoảng niềm tin lan rộng toàn cầu sẽ tạo ra làn sóng bán tháo chứng khoán. Hàng loạt đối tác cung cấp vốn cho Lehman kể cả các cổ đông có thể chịu các khoản tổn thất nặng nề. Với quy mô tài sản trên 600 tỷ USD và hàng ngàn tỷ USD hợp đồng phái sinh, việc thanh lý tài sản sẽ vô cùng khó khăn và làm giá chứng khoán và bất động sản càng thêm suy giảm. Các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu và cho vay hoặc các hợp đồng phái sinh với Lehman sẽ chịu các khoản lỗ lớn.

Từ mức vốn hóa 45 tỷ USD vào đỉnh điểm 2007, giờ đây giá trị của Lehman gần như về số 0. Các cổ đông mới đầu tư thêm 10 tỷ USD vốn vào Lehman trong 6 tháng trở thành tay trắng. Với việc Barclays chỉ tiếp quản một phần hoạt động của Lehman sau khi phá sản, thì hàng chục ngàn nhân viên tài chính sẽ mất việc làm.

Khủng hoảng niềm tin sẽ đóng băng thị trường tín dụng và thị trường chứng khoán hóa. Đây là các mảng quan trọng của thị trường vốn. Chi phí huy động vốn trên thị trường sẽ tăng cao. Việc huy động vốn cho thị trường bất động sản trong vài năm tới gần như không thể.

...và bài học rút ra

Thị trường đang tự tìm ra những bài học sau thất bại của Lehman. Một số thậm chí đổ lỗi cho mô hình hoạt động độc lập của công ty chứng khoán. Họ cho rằng mô hình siêu thị tài chính "universal bank" là phù hợp với hoàn cảnh hiện nay nhằm đa dạng hoá nguồn vốn của ngân hàng thương mại giúp ngân hàng đầu tư chống đỡ khủng hoảng. Tuy nhiên nếu nhìn lại cuộc đại khủng hoảng năm 30 và lý do Mỹ ban hành đạo luật Glass-Steagall nhằm tách ngân hàng đầu tư ra khỏi ngân hàng thương mại thì kết luận này có lẽ cần nghiên cứu thêm.

Theo quan điểm của người viết, bài học lớn nhất có lẽ là chiến lược kinh doanh cùng quản trị rủi ro. Thực sự mà nói hệ thống quản trị rủi ro của Lehman rất tốt song đã không thể phòng ngừa được một cuộc khủng hoảng “trăm năm có một” này. Lehman chết không phải do thanh khoản mà là do lỗ kinh doanh ngày một tăng cao. Tuy nhiên, một chiến lược kinh doanh thận trọng luôn có tác dụng giảm thiểu tác động của các điều kiện bất lợi của thị trường và tăng cường khả năng chống đỡ. Trong hoàn cảnh Việt Nam, khi các ngân hàng chưa có hệ thống quản trị rủi ro tốt thì chiến lược kinh doanh thận trọng càng có ý nghĩa hơn nhiều.

Bài học thứ hai có lẽ là cách thức giải quyết khủng hoảng. Lehman do không đánh giá được mức độ nghiêm trọng của tình hình nên đã không quyết đoán trong xử lý. Việc bỏ lỡ các cơ hội tự giải cứu và tự đẩy mình vào thế chân tường là điều đáng tiếc.

Hy vọng, thị trường sẽ trưởng thành hơn sau những bài học mang tên Lehman này.

Tuesday, September 16, 2008

Merrill Lynch – hào quang đã tắt

Ngày 14/09/2008, tên tuổi một thời lừng danh phố Wall này đã chỉ còn là quá khứ.

Merrill Lynch & Co., Inc là tập đoàn tài chính lớn hàng đầu thế giới. Tập đoàn cung cấp dịch vụ cho thị trường vốn, đầu tư ngân hàng, tư vấn tài chính, quản lý tài sản, bảo hiểm, ngân hàng và dịch vụ tài chính liên quan.

Trụ sở chính của Merrill Lynch tại New York. Khu văn phòng của công ty nằm tại trung tâm tài chính Four World tại Manhattan.

Người sáng lập ra Merrill Lynch - ông Charles Merrill

Những bước phát triển của Merrill Lynch

Merrill Lynch được sáng lập ngày 06/01/1914 tại New York và mang tên Charles E. Merrill & Co. Một vài tháng sau đó, một người bạn của Merrill, ông Edmund C. Lynch đã hợp tác với Merrill và vào năm 1915, công ty được chuyển tên sang Merrill, Lynch & Co.


Vào thời điểm đó, tên công ty còn có dấu phẩy ở giữa. Năm 1916, ông Winthrop H. Smith gia nhập công ty. Trong những ngày đầu tiên, Merrill, Lynch & Co. tiến hành đầu tư thành công một số lần. Năm 1921, công ty mua Pathé Exchange, sau đó trở thành RKO Pictures.

Năm 1926, công ty tiến hành vụ đầu tư tài chính đáng chú ý nhất trong lịch sử lúc đó. Công ty đã biến một cửa hàng rau quả nhỏ thành hệ thống bán rau quả lớn thứ 3 ở Mỹ vào đầu thập niên 1930. Sau khi tiến hành thành công thương vụ này, công ty tiến đến tăng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với thương vụ đối với E.A. Pierce.

Năm 1940, công ty sáp nhập với E. A. Pierce & Co. và Cassatt & Co. và sau đó có tên Merrill Lynch, E. A. Pierce, and Cassatt. Tuy nhiên sau khi ông Edmund Lynch qua đời vào năm 1952, công ty đổi tên thành Merrill Lynch & Co. Năm 1941, Merrill Lynch là công ty đầu tiên phát hành báo cáo tài chính hàng năm.

Năm 1941, Fenner & Beane sáp nhập với Merrill và công ty có tên Merrill Lynch, Pierce, Fenner & Beane.

Thương vụ sáp nhập này đưa công ty thành một trong những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới với văn phòng tại hơn 98 thành phố của Mỹ.

Khởi đầu năm tài chính ngày 01/03/1958, công ty có tên Merrill Lynch, Pierce, Fenner & Smith và trở thành một trong những công ty lớn nhất trên Sở giao dịch chứng khoán New York.

Năm 1971, công ty trở thành tập đoàn đa quốc gia với tổng tài sản khách hàng lên tới 1,8 nghìn tỷ USD và có hoạt động tại hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới.

Năm 1978, Merrill Lynch mua lại White Weld & Co, một ngân hàng đầu tư nhỏ nhưng hết sức có uy tín.

Ngày 1/11/2007, CEO của Merrill Lynch, ông Stanley O'Neal chính thức rời công ty bởi gặp quá nhiều chỉ trích về cách ông ứng phó với cuộc khủng hoảng cho vay bất động sản dưới chuẩn. Một lý do khác khiến ông phải từ chức là bất đồng với ban giám đốc về vụ sáp nhập với ngân hàng Wachovia.

Thua lỗ kỷ lục trong lịch sử 93 năm hoạt động, ngày 14/11/2007, Merrill Lynch & Co bất ngờ chọn ông John Thain, Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán New York và châu Âu (NYSE Euronext) làm cứu cánh, đảm nhận vị trí CEO kiêm Chủ tịch Tập đoàn.

Ngày 01/12/2007 Merrill Lynch chính thức có giám đốc điều hành mới, ông John Thain.

Ngày 28/12/2007, tập đoàn nhà nước của Singapore Temasek đầu tư 5 tỷ USD thông qua việc mua lại gần 10% cổ phần của Merrill.

Ngày 17/01/2008, Merrill Lynch công bố thua lỗ 9,83 tỷ USD.

Ngày 21/01/2008 Tập đoàn Đầu tư Hàn Quốc đầu tư 2 tỷ USD vào Merrill Lynch. Việc KIC đầu tư 2 tỷ USD vào ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ là một trong những bước thực hiện chiến lược phát triển và là lần góp vốn đầu tiên của tập đoàn vào một ngân hàng đầu tư nước ngoài.

Ngày 17/04/2008, tập đoàn công bố thua lỗ 1,97 tỷ USD và công bố cắt giảm khoảng 4.000 việc làm sau khi phải chịu khoản giảm lãi 6,5 tỷ USD và phí dịch vụ thu được giảm 40%.

Bốn tháng kể từ khi nhận chức CEO của Merrill Lynch, ông John Thain đã quyết định bán hơn 12 tỷ USD cổ phiếu để tăng vốn và cải tổ việc quản trị rủi ro sau khoản thua lỗ hơn 20 tỷ USD trong kinh doanh tín dụng.

Tháng 6/2008, tập đoàn Merrill Lynch đang tiến hành các cuộc thương lượng để bán 20% cổ phần mà họ đang nắm giữ trong công ty Bloomberg.

Merrill Lynch đã mua số cổ phần trên trong Bloomberg từ thập niên 80 và là một trong những cổ đông đầu tiên của công ty truyền thông tài chính hùng mạnh này.

Merrill Lynch công bố ứng phó với tình trạng thua lỗ bằng việc bán cổ phiếu ưu đãi,tuy nhiên một số chuyên gia đánh giá chiến lược như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến xếp hạng tín dụng của tập đoàn.

Ngày 15/09 Merrill Lynch đã đồng ý với thương vụ này sau khi tham gia buổi họp với FED về số phận của đối thủ yếu thế hơn của Merrill Lynch là Lehman Brothers Holdings Inc.

Mức giá cổ phiếu của Merrill Lynch trong thương vụ này là 29USD/cổ phiếu, thấp hơn 70% so với giá cổ phiếu của Merrill Lynch vào tháng 1/2006. Mức giá này vẫn cao hơn 70% so với mức giá đóng cửa 17,05USD/cổ phiếu tại thị trường New York ngày 12/09.

Khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn đã khiến con số 5 tập đoàn tài chính lớn trên phố Wall này chỉ còn lại 2.

Bank of America Corp đã đồng ý mua lại Merrill Lynch, tập đoàn tài chính có lịch sử 94 năm hoạt động, với giá 50 tỷ USD.

Quyết định này được đưa ra trong vòng chưa đến 24 tiếng.

Merrill Lynch, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ, đã đồng ý với thương vụ này sau khi tham gia buổi thảo luận với FED về số phận của đối thủ yếu thế hơn của Merrill Lynch là Lehman Brothers Holdings Inc.

Cổ phiếu của ML trượt dốc mạnh trong tuần qua. Mức giá cổ phiếu của Merrill Lynch trong thương vụ này là 29USD/cổ phiếu, thấp hơn 70% so với giá cổ phiếu của Merrill Lynch vào tháng 1/2006.

Tuy nhiên mức giá đó vẫn cao hơn 70% so với mức giá đóng cửa 17,05USD/cổ phiếu tại thị trường New York ngày 12/09.

Ông Peter Kenny, một đại diện của Knight Capital Group Inc, cho rằng trật tự của thế giới tài chính đang thay đổi. Đây sẽ là một quá trình đầy đau đớn.

5 tổ chức tài chính hàng đầu phố Wall nay đã chỉ còn lại hai tên tuổi là Goldman Sachs Group Inc. và Morgan Stanley. Trong khi hai tổ chức này dự kiến sẽ tiếp tục công bố thua lỗ quý thứ 3, tuy nhiên công việc kinh doanh của họ vẫn mang lại lợi nhuận trong suốt năm 2008, không hề giống với số phận bi thảm của Lehman và Merrill.

Lợi nhuận của Goldman Sachs giảm 71%

Golman Sachs, ngân hàng lớn nhất trong hai ngân hàng đầu tư còn tồn tại ở Phố Wall thông báo lợi nhuận giảm mạnh nhất kể từ khi thành công ty đại chúng vào năm 1999.

Theo báo cáo, lợi nhuận của Goldman Sachs trong quý III đã giảm 71% xuống 810 triệu USD so với mức 2,81 tỷ USD của một năm trước sau khi phải trả cổ tức ưu đãi.

Kết quả kinh doanh của Goldman Sachs đã phản ánh thiệt hại vẫn đang tiếp diễn từ cuộc khủng hoảng tín dụng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Khủng hoảng tín dụng đã khiến ba ngân hàng đầu tư hàng đầu nước Mỹ phải ra đi. Golman Sachs và Morgan Stanley là hai ngân hàng đầu tư còn lại của Phố Wall.

Lehman Brothers đã phải đệ đơn xin phá sản vào thứ hai tuần này sau khi thất bại trong việc tìm người mua lại. Trước đó, Bear Stearns và Merrill Lynch cũng đã bị các ngân hàng thương mại thâu tóm.

Những bất ổn trên thị trường tín dụng đã khiến cổ phiếu của Goldman đứng ở mức thấp nhất trong lịch sử 139 năm hoạt động. Mặc dù đã tránh được kết quả tệ hại giống như các đối thủ, giá cổ phiếu của Golman Sachs vẫn giảm hơn 50% kể từ khi leo lên mức cao nhất trong 52 tuần và đứng ở mức 250,70 USD.

Goldman Sachs cho biết, đến ngày cuối tháng 8, lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu của ngân hàng này chỉ còn 1,81 USD, giảm mạnh so với mức giá 6,13 USD cho mỗi cổ phiếu vào cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của ngân hàng cũng giảm 51% xuống còn 6,04 tỷ USD so với 12,3 tỷ USD vào một năm trước.

Tuy nhiên, lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu của Goldman Sachs vẫn vượt dự đoán 1,71 USD của các chuyên gia. Nhưng doanh thu lại thấp hơn mức kỳ vọng 6,23 tỷ USD.

Tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Mỹ lâm vào đường cùng

Phần lớn cơ quan xếp hạng tín dụng đã hạ xếp hạng của AIG, tập đoàn bảo hiểm lớn nhất của Mỹ. Chính phủ Mỹ sẽ chính thức phải ra tay cứu AIG.

FED và hai ngân hàng đầu tư lớn khác thảo luận gấp để hỗ trợ tài chính ngăn khủng hoảng tại tập đoàn.

Việc bị hạ xếp hạng tín dụng này sẽ ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ kinh doanh của công ty này đối với nhiều đối tác khác.

Nếu không có khoản hỗ trợ tài chính từ Goldman Sachs và JP Morgan, AIG có thể sẽ phải tuyên bố phán sản.

Cổ phiếu của AIG giảm khoảng hơn 60% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (ngày 15/09) do nhà đầu tư lo ngại tập đoàn không có đủ tiềm lực tài chính để duy trì xếp hạng hiện nay.

Phần lớn công việc kinh doanh của AIG đều ổn, chỉ trừ hoạt động đầu tư vào các loại chứng khoán được đảm bảo bằng nợ địa ốc và việc bán các hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng (CDS) - những hợp đồng dạng bảo hiểm đối với khả năng vỡ nợ của một công ty

Việc bị đánh tụt hạng tín nhiệm giữa lúc này được coi như thêm một đòn giáng mạnh vào một AIG đang ốm yếu. Việc phát hành trái phiếu của AIG sẽ trở nên hết sức khó khăn do niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm mạnh.

Thông tin mới nhất là AIG sẽ có thể nhận được khoản vay trị giá 85 tỷ USD từ FED. Hai ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan Chase đã không thể sắp xếp được khoản tiền khẩn cấp để hỗ trợ cho AIG, vì thể chính phủ sẽ phải can thiệp.

AIG được "giải cứu"

Chính phủ Mỹ đã chính thức can thiệp để cứu tập đoàn bảo hiểm hàng đầu của Mỹ. AIG nhận được khoản vay khẩn cấp trị giá 85 tỷ USD.

Chính phủ Mỹ đã chính thức cho AIG vay 85 tỷ USD để đổi lấy 79,9% cổ phần tại tập đoàn này.

Theo FED, trong tình huống hiện tại , nếu AIG tiếp tục sụp đổ, thị trường tài chính sẽ chịu ảnh hưởng quá nặng nề và nền kinh tế Mỹ nói chung sẽ vào thế cực kỳ khó khăn.

Quyết định này cũng nhận được sự ủng hộ từ Bộ Tài Chính. Như vậy tập đoàn bảo hiểm hàng đầu của Mỹ chính thức được cứu. Thua lỗ toàn ngành bảo hiểm Mỹ có thể lên tới 180 tỷ USD nếu AIG sụp đổ. AIG thật sự cần khoản vay này sau khi tập đoàn bị hạ xếp hạng tín dụng và cổ phiếu sụt giảm 79% từ ngày 11/09.

AIG có tổng tài sản trị giá 1.100 tỷ USD và 74 triệu khách hàng trên toàn thế giới. Trước khi đưa ra quyết định bất ngờ nói trên, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ đã từ chối cấp cho AIG khoản vay 40 tỷ USD.

Khoản vay này kéo dài 2 năm. Theo thỏa thuận đối với chính phủ, AIG cũng sẽ phải thay ban lãnh đạo. Khoản vay này sẽ được AIG trả dần thông qua quá trình bán tài sản.

Cựu CEO của AIG cho rằng tập đoàn cần một khoản vay hơn là sự bảo trợ của chính phủ bởi như vậy tập đoàn sẽ rơi vào tay chính phủ.

Tản mạn ngày cuối với Lehman

Anh Mạc Quang Huy, một người Việt Nam làm việc tại Lehman Brothers, đã gửi cho CafeF vài cảm nhận trong ngày ngân hàng này công bố phá sản.

Anh Mạc Quang Huy trước đó làm việc tại Lehman Brothers Japan và hiện là Lehman Brothers Australia. Với góc nhìn của người trong cuộc, hi vọng bài viết sẽ cho độc giả hiểu thêm phần nào về nguyên nhân và những ảnh hưởng từ sự sụp đổ của một "ông lớn" trong ngành tài chính thế giới như Lehman.

***********************************************************************************

Được thành lập cách đây 158 năm tại Alabama bởi 3 anh em nhà Lehman, ngân hàng này đã sống sót qua nội chiến Mỹ, hai cuộc chiến tranh thế giới và vụ tấn công khủng bố 11/9 khiến trụ sở cũ của họ tại New York bị phá huỷ.

Khởi nghiệp như là một ngân hàng chuyên phục vụ các nhà trồng bông của nước Mỹ, Lehman Brothers đã phát triển thành một tập đoàn tài chính hàng đầu của Phố Wall.

Lehman Brothers đã trở thành vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, đánh dấu sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư từng được xem là một thể chế tài chính được quản lý tốt nhất tại thị trường Phố Wall cách đây một năm.

Sự kiện này cũng đánh dấu một kết thúc buồn đối với sự nghiệp của Giám đốc điều hành Richard Fuld, người đã gia nhập tập đoàn với tư cách là một sinh viên tập sự hồi năm 1969 và vươn lên vị trí số 1 hồi năm 1993. Có biệt danh “Gorilla,'' Fuld đã lãnh đạo ngân hàng này với tính cách quả quyết đã trở thành một văn hoá kinh doanh của Lehman.
***********************************************************************************

Hôm nay là một ngày khá đặc biệt, và là một trong số ít ngày mình được trở về nhà sớm hơn thường lệ. Ngày công ty tuyên bố phá sản. Chưa bao giờ mình ở trong hoàn cảnh này và có lẽ cũng chưa chuẩn bị tinh thần cho ngày này đến nhanh như thế. Ngồi trên xe buýt về mà cảm giác khó tả, tâm trạng miên man, với nhiều cảm xúc lẫn lộn, buồn, giận, thương, trông chờ ngày mai. Mọi việc diễn ra nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng.

Cuộc khủng hoảng tín dụng thật là kinh khủng và dai dẳng. Suốt từ 2007 đến nay, thị trường tài chính luôn bị đe dọa bởi đám mây khủng hoảng tín dụng dẫn đến sụt giảm giá chứng khoán toàn cầu. Hàng loạt ngân hàng đầu tư lần lượt công bố các khoản lỗ khổng lồ. UBS, Merrill Lynch, Citi, Bear Stearns, Lehman và hàng loạt tên tuổi khác đều không nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng. Đã bao lần các chuyên gia phân tích dự đoán cuộc khủng hoảng đã qua, thị trường chứng khoán đã chạm đáy. Mình cũng đã muốn tin như thế nhưng rồi đáy sau lại sâu hơn đáy trước. Bear Stearns chết vào tháng 3 tưởng như đã đặt dấu chấm cho một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử tài chính.

Lehman với thế mạnh trong lĩnh vực chứng khoán bất động sản được cho rằng sẽ chịu tổn thất lớn từ cuộc khủng hoảng tín dụng này. Song với kết quả kinh doanh 2007 khả quan, nhiều người kể cả mình đã tin rằng Lehman có thể vượt qua cơn bão này. Nhưng sự tồi tệ lại đến vào năm 2008 khi lần đầu tiên ngân hàng này báo cáo lỗ 2,8 tỷ $ trong Q2 và phải huy động thêm 6 tỷ vốn. Cổ phiếu Lehman đã giảm từ đỉnh $80 vào năm 2007 xuống $15 trong một thời gian ngắn, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách khoảng 30 $/ cổ phiếu.

Mới chỉ đầu tuần trước khi thị trường đồn đoán Lehman sẽ lỗ khoảng 4 tỷ $ trong Q3, giá cổ phiếu đã sụt không phanh. Thực tế Lehman có hàng tuần để đàm phán với KDB nhằm đưa ra được một kế hoạch tăng vốn trước khi thông báo kết quả Q3. Nhưng rồi mọi nỗ lực đàm phán đi vào bế tắc. Có lẽ lúc đó Ban lãnh đạo Lehman vẫn chưa thể nhận thức được mức nghiêm trọng của vấn đề. Thị trường đã phản ứng tiêu cực làm cho giá cổ phiếu giảm 45% trong ngày thứ 3 còn $7,79. Ban điều hành nhanh chóng thay đổi kế hoạch công bố kết quả Q3 sớm hơn 1 tuần từ 17/9 lên 10/9 nhằm ổn định tâm lý thị trường. Một kết quả thực tế sát với dự đoán thị trường Q3 lỗ $3,9 tỷ. Tổng số dự phòng giảm giá lũy kế cho danh mục đầu tư liên quan đến bất động sản lên tới $8 tỷ. Với một danh mục bất động sản rủi ro lên tới 60 tỷ, chiếm 10% tổng tài sản và gấp 3 số vốn chủ sở hữu, cùng với một kế hoạch tái cơ cấu trên giấy thiếu tính khả thi, giá cổ phiếu đã giảm tiếp còn $7,25 vào ngày thứ 4. Được thành lập cách đây 158 năm tại Alabama bởi 3 anh em nhà Lehman, ngân hàng này đã sống sót qua nội chiến Mỹ, hai cuộc chiến tranh thế giới và vụ tấn công khủng bố 11/9 khiến trụ sở cũ của họ tại New York bị phá huỷ.

Khởi nghiệp như là một ngân hàng chuyên phục vụ các nhà trồng bông của nước Mỹ, Lehman Brothers đã phát triển thành một tập đoàn tài chính hàng đầu của Phố Wall.

Lehman Brothers đã trở thành vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, đánh dấu sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư từng được xem là một thể chế tài chính được quản lý tốt nhất tại thị trường Phố Wall cách đây một năm.

Sự kiện này cũng đánh dấu một kết thúc buồn đối với sự nghiệp của Giám đốc điều hành Richard Fuld, người đã gia nhập tập đoàn với tư cách là một sinh viên tập sự hồi năm 1969 và vươn lên vị trí số 1 hồi năm 1993. Có biệt danh “Gorilla,'' Fuld đã lãnh đạo ngân hàng này với tính cách quả quyết đã trở thành một văn hoá kinh doanh của Lehman.


Điều tồi tệ thực sự đến vào ngày thứ 5 khi giá cổ phiếu tiếp tục rớt 43% còn $4,22. Việc Moody’s đe dọa hạ định mức tín nhiệm của Lehman đã xóa đi mọi nỗ lực cứu chữa. Việc hạ mức tín nhiệm đồng nghĩa với việc phải thực hiện các "margin call"[1] tăng tài sản đảm bảo cho các giao dịch với khách hàng. Đấy là chưa nói các khách hàng sẽ hạ hạn mức giao dịch với Lehman và chi phí huy động vốn tăng cao. Để đáp ứng margin call thì Lehman sẽ phải đặt thêm tài sản đảm bảo lên đến khoảng 3 tỷ USD. Điều này có lẽ là qua xa xỉ với Lehman tại thời điểm hiện nay. Mặc dù khả năng thanh khoản của Lehman được đánh giá là khá tốt song với các khoản lỗ ngày càng tăng từ danh mục đầu tư liên quan tới bất động sản, việc huy động vốn mới gần như không thể thì sớm muộn Lehman cũng rơi vào rủi ro thanh khoản nếu không có giải pháp chiến lược kịp thời.

Nửa đầu tuần trước mặc dù luôn được cập nhật thông tin nhưng mình và các đồng nghiệp vẫn nghĩ vấn đề là bình thường và có thể giải quyết thông qua M&A. Lịch sử nước Mỹ chưa để một ngân hàng đầu tư như Lehman phá sản. Hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Ai cũng nghĩ như vậy và cho rằng CEO đang tạo áp lực cho FED phải cung cấp vốn giải cứu Lehman.

Nhưng kể từ thứ 5, tâm lý mọi người bắt đầu phân tán và lo ngại. Bắt đầu một ngày mới luôn là cập nhật thông tin trên internet và giám đốc chi nhánh thông báo tình hình. Ngày thứ 6 giá cổ phiếu giảm tiếp xuống $3,56 cho thấy tình hình nguy kịch của vấn đề. Mọi người bắt đầu được chuẩn bị tinh thần. Mặc dù vậy mọi việc vẫn diễn ra bình thường, các công việccho tuần sau vẫn được xếp đặt. Tất cả trông chờ vào điều kỳ diệu cuối tuần khi thông tin BOA và Barclays sẽ đàm phán mua Lehman. Ông sếp mình còn nói tốt ra thì sẽ làm cho BOA mà tồi nhất thì sẽ làm cho Barclays.

Cuối tuần trôi đi nhanh chóng. Các quan chức của FED và Bộ tài chính Mỹ cùng các CEO phố Wall được triệu tập tới làm việc liên tục không nghỉ. Đến đêm thứ 7 số phận Lehman được định đoạt khi cả BOA và Barclays đều không tìm được tiếng nói chung với Lehman và Chính Phủ. Các bên mua đặt điều kiện Chính Phủ phải bảo trợ cho các khoản lỗ từ việc mua danh mục rủi ro của Lehman, và điều này là không thể được.

Phải nói rằng Chính phủ đặt trong tình trạng tiến thoái lưỡng man khi họ không thể làm gì được. Mới tháng 3, họ tung ra 29 tỷ $ giải cứu Bears. Tuần trước họ mua lại Freddie Mac và Fannie Mae, 2 tập đoàn cho vay bất động sản lớn nhất của Mỹ và cũng là đứa con của họ. Cổ phiếu 2 công ty này rớt còn 70 -75 cent và Chính phủ sẽ phải bơn hàng trăm tỷ. Trong khi đó vẫn đề lúc này không chỉ có Lehman mà còn hàng loạt tập đoàn tài chính đang chết lâm sàng. ML, AIG và Washington Mutual đều đang nguy kịch. Các anh hùng khác trên phố Wall đều đang bị thương nặng và lo hàn gắn vết thương của chính họ. Vấn đề giải cứu của Chính phủ không những đặt ra vấn đề "moral hazard" (tức là khuyến khích các công ty tăng cường các hoạt động rủi ro) mà trong lúc này khi cuộc bầu cử nước Mỹ đến gần thì điều đó càng nghiêm trọng. Đảng Dân Chủ đã gây áp lực đối với Đảng Cộng Hòa về việc lấy tiền thuế của dân đi giải cứu các công ty tài chính. Chính vì thế Chính phủ cũng lực bất tòng tâm.

Với việc đàm phán cứu Lehman đi vào ngõ cụt, BOA được lệnh giải cứu ML và cuộc đàm phán lịch sử mua một ngân hàng đầu tư lớn thứ 3 phố Wall chỉ diền ra trong ngày chủ nhật với mức giá $29 / cổ phiếu, cao hơn giá đóng cửa thứ 6 tới 70%. Phải nói CEO của ML rất tỉnh táo và nhanh chóng kết thúc được đàm phán một cách thành công. Về phương diện này, Ban lãnh đạo của Lehman thật có lỗi với hàng ngàn cổ đông và nhân viên.

Trở lại chuyện Lehman, đêm qua mình cũng không ngủ được. Tìm thông tin trên mạng rồi đi ngủ lại suy nghĩ miên man. Mình mơ Lehman phá sản nhưng khi tỉnh dậy chỉ đủ thời gian đến văn phòng bắt đầu một ngày đầu tuần bình thường. Việc đầu tiên là tìm thông tin và bắt đầu xuất hiện tin đồn phá sản.

9.15 a.m. Giám đốc chi nhánh triệu tập cuộc họp khẩn thông báo tình hình và chuẩn bị tinh thần cho anh em. Mặt Ông hôm nay trông buồn và nghiêm trọng cho thấy chuyện chẳng lành. Khổ nỗi hôm nay lại ngày nghỉ ở Tokyo và Hồng Kông. Trong khi đó NewYork còn đang là buổi tối chủ nhật. Việc xác nhận thông tin là rất khó khăn. Không khí yên ắng bao trùm. Mọi người kiểm tra qua hộp thư email rồi bán tán nhau. Các nhóm to, nhỏ vào phòng họp rồi đi ra, đi vào với các tâm trạng khác nhau. Nhìn vào chat nội bộ thấy mấy đồng nghiệp bên Mỹ vẫn sáng đèn vào tối chủ nhật, mình gửi chat hỏi thăm tình hình nhưng không nhận được hồi âm. Mình chạy sang bên sàn trading hỏi thăm tình hình. Thấy nói các đối tác đã ngừng giao dịch với Lehman rồi. Các trader không được thực hiện giao dịch mới mà chỉ được phép unwind các position hiện tại. Một người nói các đồng nghiệp bên Mỹ đang đến văn phòng dọn đồ. Mọi việc đã an bài. Mọi người bỏ hết công việc chạy ra quán bia nhậu nhẹt, hàn huyên. Câu hỏi đầu tiên ai cũng quan tâm là "Bạn có đang mua nhà trả góp không?" Có lẽ ở nước ngoài người ta sợ nhất khi mất việc là phải trả tiền vay mua nhà. Điều đó cho thấy họ rất lo mất việc.

2 p.m. Công ty mua bia lên văn phòng làm một bữa tiệc chia tay đơn giản nhưng cảm động. Mọi thứ diễn ra hết sức chóng vánh. Không có nhiều phát biểu bởi lúc này công ty như rắn mất đầu. Các bác sếp chi nhánh cũng không thực sự điều gì đang xảy ra với các bác.

Những phút sau đó là việc mọi chìm xuống. Mình nhận được thư chia tay của các bạn văn phòng khác. Mặc dù chưa có thông tin chính thức nhưng mình cũng viết thư chia tay mọi người các văn phòng khác nhau. Mọi người đóng gói và chuẩn bị ra về không biết ngày mai có cần đến văn phòng nữa hay không. Vào đọc báo nhìn cảnh một số đồng nghiệp ở New York chào nhau ra về, đeo ba lô với màu xanh truyền thống của Lehman thật cảm động.

3 p.m. Chính thức có thông tin công ty sẽ nộp đơn phá sản theo Chương 11 Luật phá sản của Mỹ, đánh dấu sự sụp đổ của một định chế tài chính 158 năm tuổi, một sự kiện chấn động giới tài chính toàn cầu. Máu đã chảy lênh láng trên phố Wall. Với mức vốn hoá gần 50 tỷ vào lúc đỉnh cao 2007, bây giờ Lehman đáng giá số 0. Mới tháng trước, các nhà đầu tư còn tự tin đóng thêm 6 tỷ $ vốn vào công ty bây giờ thành tay trắng. Thật không thể tin trong một ngày, 2 trong top 4 ngân hàng đầu tư phố Wall bị xoá sổ. Trong 6 tháng, 3 trong số top 5 bị xoá sổ. Đây sẽ là một ngày trọng đại trong lịch sử của phố Wall và ngành tài chính toàn cầu.

Chỉ sáng mai thôi khi các đồng nghiệp New York, London, Tokyo, Hồng Kông đến văn phòng sau ngày cuối tuần nghỉ, họ sẽ là người mất việc làm. 26 ngàn con người bị thất nghiệp trong lúc thị trường tài chính khủng hoảng. Cùng một lúc hàng ngàn chuyên viên tài chính đi xin việc tại các trung tâm tài chính thật không dễ dàng. Sau lưng họ còn là gia đình, còn tiền nhà trả góp. Giá cổ phiếu sẽ giảm về con số 0, các cổ đông sẽ trắng tay. Các đối tác sẽ có thể không thu hồi được tài sản từ Lehman. Hàng loạt các model, phần mềm, các hệ thống phức tạp và cả một thương hiệu tạo dựng được sau 158 năm sẽ về số 0 tròn trĩnh. Hậu quả thật là khốc liệt.

Mình cũng mới gắn bó với Lehman được 3 năm một khoảng thời gian chưa phải là dài so với quãng thời gian đi làm của mình song Lehman đã để lại cho mình nhiều kỷ niệm. Một công ty với truyền thống văn hoá "One Firm" đã tạo nên sự gắn kết con người tại các văn phòng khác nhau thành một thực thể thống nhất. Chính cái văn hoá doanh nghiệp đã giúp Lehman cùng nhau vượt qua bao nhiêu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và trở thành một trong những đế chế già tuổi nhất trên phố Wall. Sự ra đi đường đột thật quá sức tưởng tượng của mỗi nhân viên. Tại thời khắc chia tay, mọi thứ trở nên thân thương và quen thuộc lạ thường. Đúng là "Khi ta ở đất là nơi ta ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn".

Vừa buồn, vừa giận mà thương CEO Dick Fuld. Ông ấy đã gắn bó 2/3 quãng đời để xây dựng Lehman thành một ngân hàng đầu tư thứ 3 phố Wall với nhiều thành tích đáng nể. Ông đã không đủ nhanh nhậy để có thể kết thúc đàm phán cứu được Lehman, thành quả của Ông sau 4 thập kỷ gắn bó. Ông sẽ về hưu ở tuổi 62 cùng nắm cổ phiếu không còn giá trị, nhưng hãy nhìn 26 ngàn con người đã cùng Ông làm nên thương hiệu Lehman. Hãy nhìn các cổ đông và khách hàng. Hãy nhìn những tài sản vô hình của công ty. Chẳng nhẽ không còn giải pháp nào tốt hơn cách Ông đã chọn hoặc không còn sự lựa chọn?

***********************************
[1] Margin Call: lệnh tăng số dư ký quỹ, được thực hiện khi tài khoản giao dịch đã xuống thấp dưới mức đảm bảo để giao dịch theo quy định

158 năm truyền thống kết thúc trong 5 ngày

Cập nhật lúc : Thứ Ba, 16/09/2008 - 2:43 PM

Đó là thảm cảnh của Lehman Brothers, một ngân hàng khổng lồ với tài sản mới đây còn là 700 tỷ USD. Ngân hàng này vốn nổi tiếng là một tổ chức tài chính huyền thoại của Mỹ. Báo International Herald Tribune đã kịp ghi lại 5 ngày giải cứu không thành công của ngân hàng này.

Thứ Ba 8/9:

Chỉ hai ngày sau khi Chính phủ Mỹ đoạt quyền kiểm soát hai tập đoàn tài chính địa ốc lớn nhất nước là Fannie và Freddie, thị trường đã lo ngại với điềm báo là Lehman Brothers sẽ gục, và lần này Chính phủ sẽ không cứu. Trong lúc thị trường chứng khoán khắp thế giới hỗn loạn, làn sóng bán tháo cổ phiếu Lehman đã làm giá giảm gần một nửa ngay trong ngày.

Thứ Tư 9/9:

Các nhân viên Lehman nín thở theo dõi Tổng giám đốc Richard Fuld làm cuộc hội đàm qua điện thoại với các nhà tư vấn và đầu tư, thông báo một quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử 158 năm của tập đoàn, cũng như kế hoạch cứu tập đoàn khỏi bờ vực. Tâm điểm của kế hoạch là tách Lehman làm hai phần “tốt” và “xấu” để loại bỏ phần rắc rối của tín dụng địa ốc. Lehman cũng sẵn sàng bán đi gần hết bộ phận quản lý đầu tư và cắt cổ tức cho cổ đông.

Nhưng thông báo của Tổng giám đốc chẳng có gì mới. Vào cuối ngày, cổ phiếu của Lehman giảm thêm 7%, tổng cộng giảm mất 55% trong 3 ngày.

Thứ Năm 10/9:

Ban giám đốc thiết lập một phòng tác chiến tại trụ sở chính ở trung tâm Manhattan. Niềm tin ngày càng suy giảm, Tổng giám đốc đẩy mạnh nỗ lực thi hành kế hoạch bán một phần công ty. Một điều chưa bao giờ hình dung được nay cũng xuất hiện: bán toàn bộ. Trong lúc đó, các nhân viên giao dịch được lệnh tập hợp hồ sơ để khách mua có thể bắt đầu xem xét tình hình công ty.

Khi giá cổ phiếu đã hạ đến tận cùng là 4 USD, các khách mua mới từ chỗ nấp nhảy ra, gồm ngân hàng Barclays của Anh, Bank of America và hàng loạt quỹ đầu tư khác. Vừa chứng kiến Chính phủ đã hỗ trợ vụ bán nóng ngân hàng Bear Stearns cho J.P. Morgan, và vụ Chính phủ đổ tiền vào Fannie và Freddie vài ngày trước, mọi người đều hướng đến sự trợ giúp của Ngân hàng Trung ương để thương vụ này được thuận lợi. Trong lúc đó, thị trường đã xem xét bước tiếp theo của chuỗi domino, lọt vào tầm ngắm là Merrill Lynch và AIG, cả hai đều có tiền trong Lehman, và Washington Mutual, một quỹ đầu tư khổng lồ đã khó khăn từ lâu nhưng vẫn chưa tìm được nguồn vốn bổ sung.

Thứ Sáu 11/9:

Tình thế của Lehman gây một làn sóng hoảng sợ mới trên khắp thị trường. Vào 6 giờ tối, Ngân hàng Trung ương triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận kế hoạch cứu Lehman và ổn định lại thị trường. Tham dự cuộc họp là lãnh đạo và bộ tham mưu cao cấp của 10-15 ngân hàng hàng đầu, trong đó có JP. Morgan, Credit Suisse, Goldman Sachs, Merrill Lynch, Morgan Stanley, Barclays, Deutsche Bank, Ngân hàng Hoàng gia Canada, Bank of America, và Citigroup. Đương nhiên, đại diện của Lehman không tham dự.

Từ vài tháng trước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương đã chuẩn bị tinh thần cho sự gục ngã của Fannie và Freddie. Một số người tin là Lehman đã làm Chính phủ bị đột ngột và không có kế hoạch phòng bị.

“Chính phủ nghĩ là mình đã cứu Fannie và Freddie, thì thị trường cũng phải có hành động tương tự để ổn định lại,” theo lời của một nhân vật không được phép tiết lộ tên vì tổ chức của ông cũng tham gia thảo luận. “Chính phủ nghĩ là lãnh đạo Lehman đã có cách kiểm soát tình hình.”

Nhưng kim đồng hồ vẫn nhảy. Trong suốt hai giờ họp, Giám đốc Geithner của Ngân hàng Nhà nước bang New York cũng với Bộ trưởng Tài chính Paulson tỏ thái độ nghiêm khắc. Họ nhấn mạnh Chính phủ sẽ không chi ra tiền ngân sách. Geithner tuyên bố không thương xót: Cần có giải pháp của ngành, bất kể là gì. Đây không phải nói về một ngân hàng, đây là nói về cả ngành. Nếu các vị không tạo được giải pháp, kế tiếp sẽ đến lượt các vị.

Hầu hết các ngân hàng im thít. Nhưng một số lên tiếng: tại sao họ phải bỏ tiền ra can thiệp khi Lehman đã tự mình tạo ra sự cố?

Có ba ngân hàng tỏ ý muốn đứng ra mua, nhưng HSBC nhanh chóng rút lại ý định. Còn lại Bank of America và Barclays, cả hai nêu rõ là họ chỉ mua nếu Chính phủ đồng ý chịu một phần lỗ. Chính phủ đã chi 30 tỷ USD để hỗ trợ vụ JPMorgan Chase mua nóng Bear Stern, Chính phủ cũng bỏ ra 200 tỷ USD để cứu Fannie và Freddie ngay tuần trước đó thôi?

Nhưng cả hai vị đại diện Chính phủ tỏ ra rất rắn: sẽ không tham gia vụ này. Khi mọi bên đều không lui bước, một điều đã rõ: Lehman chỉ còn là một xác chết.

Geithner báo cho các công ty bắt đầu lên kế hoạch thanh lý có trật tự. Lehman Brothers thuê ba chuyên gia viết kế hoạch phá sản.

Phiên họp giống như cách đây 10 năm các lãnh đạo phố Wall đã ngồi bàn cách cứu LTCM, một quỹ đầu tư đã lún quá sâu vào chứng khoán phái sinh và các khoản đầu tư có vấn đề. Thất bại lần đó đã gây một làn sóng sốc cho thị trường toàn cầu.

Nhưng thất bại của Lehman lần này còn đe dọa mạnh hơn. Đây là một tổ chức khổng lồ với đối tác khắp thế giới. Tệ hơn nữa, hồi giải cứu LTCM, các ngân hàng của phố Wall còn mạnh khỏe. Lần này, họ đều đang tơi tả.

Thứ Bảy 12/9:

Chưa đầy 9 giờ sáng, đoàn xe VIP đã tụ lại trước Ngân hàng Nhà nước bang New York cho một cuộc họp nhiều giờ. Ngay từ đầu, Geithner nhắc lại thông điệp hôm trước: Các vị phải hợp sức để bảo vệ sức khỏe cho thị trường, phải làm ngay để không ai động đến các vị.

Trong lúc đó, các lãnh đạo của phố Wall huy động nhân lực để rà soát số tiền đã bỏ vào Lehman và các tổ chức khác đang có vấn đề. Các nhà giao dịch bắt đầu mở chiến dịch tìm các ngân hàng có liên quan với Lehman để cách ly với họ. Những chuyên gia 2-3 chục năm kinh nghiệm đã dùng từ “khiếp sợ”, “khủng khiếp”, hay “kinh hoàng” để mô tả tình hình.

Bắt đầu hình thành sơ lược hai giải pháp. Thứ nhất là các ngân hàng và công ty môi giới tiếp tục giao dịch với Lehman, để ngân hàng này có một giai đoạn nhiều tháng hồi phục vết thương. Thứ hai là cuộc giải cứu dũng cảm, ngân hàng Barclays hoặc Bank of America sẽ mua phần còn tốt của Lehman, trong khi liên minh 10-15 ngân hàng sẽ chia sẻ phần lỗ.

Vào 3 giờ chiều, Bộ trưởng Paulson triệu tập họp. Nỗi hoảng sợ đã lan đến các công ty khác. Tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AIG cần huy động 30-40 tỷ USD để tránh bị mất hạng tín dụng và có thể dẫn đến cái chết nhanh chóng. Tình hình tài chính của Washington Mutual cũng xấu đi rất nhanh. Sự nguy cấp của Lehman và một số công ty sẽ tạo làn sóng sốc đến thị trường toàn cầu.

Để hạn chế tác động thị trường, một số ngân hàng đề nghị Ủy ban Chứng khoán (SEC) ra lệnh cấm bán khống, một hình thức đặt cược vào sự xuống giá. Nhưng SEC từ chối. Một số lo ngại là cả các công ty tương đối mạnh khỏe như Merrill Lynch, Morgan Stanley, thậm chí Goldman Sachs, cũng bị cuốn theo cơn lũ.

Đến tối, Bank of America tuyên bố bỏ cuộc. Họ nhất định đòi Chính phủ phải trợ giúp thì mới thảo luận mua. Đồng thời, hy vọng vào Barclays lại mạnh lên. Nhưng cuộc thảo luận vẫn còn gì đó chưa rõ.

Chủ Nhật 13/9

Điểm chưa rõ lộ ra: tại Ngân hàng Trung ương, Barclays tuyên bố với các ngân hàng là họ rút lui. Lý do là trước sáng thứ Hai thì không thể có cuộc bỏ phiếu phê chuẩn của cổ đông theo luật của Anh. Một người dự họp cho biết là Cơ quan Dịch vụ Tài chính (cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán của Anh) đã khuyến cáo Barclays không tham gia vụ này. Người phát ngôn của Barclays từ chối bình luận.

Vào 2 giờ chiều, Barclays chính thức rút lui. Trong khi Bank of America vẫn không tham gia, thì lãnh đạo của họ đã họp riêng với Merrill Lynch để lên kế hoạch sáp nhập hai công ty.

Tất cả đã dọn đường để Lehman phá sản và thanh lý tài sản. Mục tiêu đến giờ chỉ còn: làm sao để cho Lehman tiêu tan mà không hỗn loạn thêm.

Sáng thứ Hai 14/9, Lehman Brothers chính thức đệ đơn phá sản lên Tòa án Phá sản New York

Trong lịch sử huyền thoại của mình, Lehman đã giành không ít vinh quang. Mới đây nhất là các danh hiệu: Ngân hàng Đầu tư tốt nhất năm 2005 do tạp chí Euromoney bình chọn; Công ty số 1 trong danh sách năm 2006 của tổ chức xếp hạng doanh nghiệp Baron; Vị trí số 1 trong xếp hạng của tạp chí Fortune về Công ty Chứng khoán Vinh danh nhất năm 2007…